Dẫn vào thánh lễ
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lại mẫu gương sống thực cho mỗi Kitô hữu trước những đòi hỏi phải chu toàn trong đời sống hàng ngày.
Bài đọc I cho thấy: Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với dân Do Thái. Mười Ðiều Răn chính là cách diễn tả cụ thể giao ước đó. Tuy nhiên, đời sống chúng ta không chỉ căn cứ vào việc tuân giữ các giới răn, mà còn phải rập theo gương mẫu của Đấng đã chết treo trên thập tự. Ngài là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Bài đọc II). Để bước theo Đức Kitô, chúng ta phải tiến lên, vượt qua các giới răn, sống đức mến chân thật và trở nên đền thờ đích thực của Thiên Chúa: “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16).
Tâm hồn chúng ta là “nhà Thiên Chúa”. Liệu Chúa Giêsu sẽ nói gì khi Ngài bước vào tâm hồn ta trong thánh lễ hôm nay? Ngài sẽ bảo ta đem những thứ gì ra khỏi tâm hồn? Đó chính là việc chúng ta phải làm trong mùa Chay thánh này.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Đấng rất từ bi, nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
🌸 Bài đọc 1 (Xh 20,1-17 )
Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê.
Bài trích sách Xuất hành
1 Ngày ấy, trên núi Xi-nai, Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây :
2 “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.
3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.
4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.
5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 7 Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11 Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.
12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.
13 Ngươi không được giết người.
14 Ngươi không được ngoại tình.
15 Ngươi không được trộm cắp.
16 Ngươi không được làm chứng gian hại người.
17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”
🌸 Đáp ca Tv 18B,8.9.10.11 (Đ. Ga 6,68c)
Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
8Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện,
bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc,
cho người dại nên khôn.
Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
9Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch,
cho đôi mắt rạng ngời.
Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
10Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng,
tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý,
hết thảy đều công minh.
Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
11Thật quý báu hơn vàng,
hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong,
hơn mật ong nguyên chất.
Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
🌸 Bài đọc 2 (1 Cr 1,22-25)
Chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người ta coi là ô nhục,
nhưng đối với những ai được kêu gọi, thì đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
22 Thưa anh em, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. 25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.
Tung hô Tin Mừng Ga 3,16
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.
🌸 Tin Mừng (Ga 2,13-25)
Cứ phá huỷ đền thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. 24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, 25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Giáo Hội cũng như mỗi Kitô hữu là đền thờ sống động của Thiên Chúa, cần được thanh tẩy mỗi ngày cho xứng đáng hơn. Với tâm tình sám hối, chúng ta tin tưởng dâng lời nguyện xin::
- “Điều mà người ta cho là ô nhục, thì đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, thì đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các Linh Mục, Tu sĩ trên toàn thế giới, luôn hãnh diện với ơn kêu gọi mà Chúa đã chọn, hầu mọi cám dỗ không thể làm lung lạc tình yêu dâng hiến của mình. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - “Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng Danh Người một cách bất xứng”. Trong thế giới hôm nay sự xúc phạm đến Danh Thánh Chúa là một nỗi đau của Giáo Hội. Xin cho nhân loại biết nhận ra Đấng có quyền năng trên mọi quyền năng, biết quay trở lại phụng sự Người, hầu được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - “Lễ dâng Chúa là tâm hồn thống hối. Một tấm lòng tan nát dày vò Chúa sẽ chẳng khinh chê”. Xin cho mọi tín hữu trong Hội thánh, cách riêng mỗi người chúng ta biết thật lòng trở về trong Mùa Chay này, quyết tâm dọn sạch mọi tính xấu và những vết nhơ tội lỗi trong tâm hồn mình, bằng cách sốt sắng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - Giáo Hội dành riêng tháng ba để kính Thánh Cả Giuse. Chúng ta thành khẩn xin Thánh Cả cầu bàu cùng Chúa cho Đại dịch được mau chấm dứt, cách riêng xin cho các bậc gia trưởng luôn biết noi theo gương thánh nhân, sống hiền hòa đạo đức, siêng năng làm việc để tạo ra những đồng tiền chân chính, nuôi sống những người thân trong gia đình và phục vụ xã hội. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhờ những của lễ này, xin tha thứ tội lỗi chúng con đã phạm, và giúp chúng con biết thật tình tha thứ mọi lỗi lầm cho anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và khi giúp nuôi dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa.
Vì thế, cùng với vô số thiên thần, chúng con đồng thanh tôn vinh Chúa mà ca tụng rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con, tuy còn ở dưới thế, được nếm thử lương thực trên trời. Xin cho mỗi người chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại biểu dương những kỳ công tuyệt vời mà bí tích thánh thể vừa thực hiện nơi chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
🌸 Gợi ý suy niệm
Vào thời Đức Giêsu, Đền thờ Giêrusalem đã gần xong.
Công việc trùng tu và nới rộng đã bắt đầu từ 46 năm qua.
Đây là một công trình đẹp đẽ, hoành tráng (Lc 21,5-6).
Đền thờ được vây quanh bởi bốn bức tường bằng đá.
Trong Đền thờ có Nơi Cực Thánh,
có Nơi Thánh cho các tư tế, có chỗ cho nam giới và nữ giới,
cũng như có tiền đình rộng rãi cho dân ngoại.
Những người sống bằng nghề đổi tiền,
hay người buôn bán các con vật để dâng làm của lễ
thì phải hành nghề ngoài khuôn viên Đền thờ.
Chắc Đức Giêsu bắt gặp nhóm này ở trong khuôn viên,
nên Ngài đã bất ngờ nổi giận với họ.
Hiếm khi ta thấy Đức Giêsu nổi giận và dùng bạo lực.
Ngài đã mời các môn đệ học Ngài về hiền lành,
vậy mà bây giờ Ngài bện dây thừng làm roi
mà đuổi cả người lẫn chiên bò bồ câu, ra khỏi Đền thờ.
Ngài lật nhào bàn của người đổi tiền, khiến tiền tung tóe.
Sau này các môn đệ mới hiểu cơn giận của Thầy
đến từ lòng nhiệt thành của Thầy đối với nhà Chúa.
Thầy Giêsu đã muốn thanh tẩy Đền thờ, nhà của Cha.
Khi người Do-thái đòi Ngài cho họ một dấu lạ (Ga 2,18),
Đức Giêsu đã ám chỉ đến dấu lạ là sự phục sinh của Ngài.
Ngài biết thân thể Ngài là Đền thờ Thiên Chúa ngự.
Ngôi Đền thờ này có lúc sẽ bị người ta phá hủy,
thân thể này có lúc sẽ bị giết chết.
Nhưng Ngài tin, nhờ Cha, thân thể này sẽ phục sinh:
“Nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại Đền thờ này.”
Chẳng ai hiểu câu nói trên đây của Đức Giêsu (Ga 2,19).
Có người tưởng Ngài nói về Đền thờ Giêrusalem (Ga 2,20).
Các môn đệ thì mãi sau khi Thầy được phục sinh,
nhờ Thánh Thần giúp họ nhớ lại, họ mới hiểu(Ga 14,26)
Đền thờ này là thân mình Đấng phục sinh (Ga 2,22).
“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!”
Đức Giêsu đã thẳng tay đuổi mọi kẻ buôn bán,
với đàn vật của họ, chiên bò bồ câu, với tiền và bàn đổi tiền.
Những thứ đó không xấu, thậm chí cần thiết cho phụng tự.
Nhưng khuôn viên Đền Thờ không phải là chỗ để bán buôn,
ồn ào với tiếng người mặc cả, cãi vã,
hay ô uế hôi hám với mùi của các con vật.
“Các anh không được làm nhà Cha tôi thành nhà buôn bán.”
Mọi nhà thờ, nhà nguyện đều là nhà của Thiên Chúa.
Hội Thánh là nhà của Thiên Chúa, là Đền thánh (Ep 2,21-22).
Mỗi tín hữu cũng là đền thờ của Thiên Chúa (1 Cr 3,16-17),
Và thân thể họ là đền thờ của Thánh Thần (1 Cr 6,19).
Xem ra Thiên Chúa có nhiều đền thờ và nhà trong thế giới.
Đức Giêsu vẫn muốn ta đừng kinh doanh bằng nhà của Cha,
đừng phá vỡ bầu khí thinh lặng cầu nguyện.
Ngài xin chúng ta đừng đuổi Thiên Chúa ra khỏi nhà,
đừng phá hủy đền thờ thân xác bằng hành vi ô uế.
Bài Tin Mừng này được đọc vào Mùa Chay,
Mùa của hoán cải và thanh tẩy.
Chúng ta cần để cho Đức Giêsu dọn dẹp lòng mình,
cất bỏ đi những nặng nề, vướng víu, trần tục,
để thư thái, tự do gắn bó với những điều vĩnh cửu.
Thân xác chịu chết và phục sinh của Đức Giêsu
đã trở thành ngôi Đền Thờ mới, mẫu mực cho mọi đền thờ.
Nếu giữ lời của Thầy Giêsu, chúng ta cũng sẽ thành đền thờ,
nơi Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại (Ga 14,23).
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)
MÙA CHAY: THỜI GIAN CHO CUỘC THANH TẨY TOÀN DIỆN
“Các ông cứ phá huỷ Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19)
*****
1. Bài đọc – Xh 20,1-17
Đây là một trong những trình thuật về Mười Điều Răn được tác giả sách Xuất hành ghi nhận và nội dung của trình thuật rất gần với nội dung của kinh Mười Điều Răn. Đây cũng chính là nền tảng chi phối toàn bộ mọi sinh hoạt trong đời sống tôn giáo của dân Israel. Với việc tuân giữ Mười Điều Răn, dân Israel không chỉ là Dân Riêng mà còn trở nên Dân Giao Ước trong tương quan với chính Thiên Chúa của họ.
Việc phải tuân giữ Mười Điều Răn đối với dân Israel được đặt nền tảng trên lời khẳng định của Thiên Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ”. Sự sống và sự tự do mà dân Israel có được lúc ấy chính là do Thiên Chúa đã giải phóng họ ra khỏi những ngày tháng tủi nhục của thân phận nô lệ và kiếp lầm than bên Ai cập. Như thế, sự sống và sự tự do ấy là của Thiên Chúa. Người đòi buộc họ phải dùng chính sự sống và sự tự do này để tuân giữ các thánh chỉ của Người.
Ba điều răn đầu tiên mà đối tượng của nó quy về chính Thiên Chúa, được triển khai một cách rất chi tiết và cụ thể. Tuân giữ ba điều răn này luôn là một thách đố lớn đối với dân Israel trong suốt dòng lịch sử cứu độ khi họ luôn bị cám dỗ để chạy theo thần ngoại (thờ ngẫu tượng), kêu cầu danh Chúa cách bất xứng, và tục hoá ngày Sabat. Những điều răn còn lại giúp hoàn thiện mối tương quan với chính mình và với mọi người trong ý định của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II – 1Cr 1,22-25
Đây là đoạn văn cốt lõi khi thánh Phaolô suy tư về sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong tương quan với sự khôn ngoan của con người. Hành động cứu độ của Thiên Chúa đã không thuận theo logic khôn ngoan của con người. Người Do thái đòi hỏi những phép lạ nhằm củng cố uy tín của lời rao giảng, còn người Hy lạp lại cần những lý lẽ có khả năng thoả mãn trí khôn ngoan của loài người. Nhưng điều mà Thiên Chúa đã dùng để biểu dương sức mạnh và sự khôn ngoan của Người lại trở nên sự ô nhục không thể chấp nhận đối với người Do thái và là sự điên rồ của dân ngoại: đó là việc Đức Kitô chịu đóng đinh.
Đức Kitô chịu đóng đinh, đối với Thánh Phaolô, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chính bởi vì biến cố này đã giải thoát con người khỏi cái chết đời đời khi qua việc Đức Kitô chịu đóng đinh, Thiên Chúa thông ban cho họ ơn cứu độ vĩnh cửu.
3. Bài Phúc Âm – Ga 2,13-25
Sự kiện Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, đang khi được Tin mừng nhất lãm nhìn như là biến cố cuối cùng trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó, thì thánh sử Gioan lại đặt sự kiện này vào đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu khi Người lên Giêrusalem để tham dự lễ Vượt Qua đầu tiên.
Trong suy tư của thánh Gioan, chính Chúa Giêsu, khi trả lời cho những chất vấn của người Do thái, Người đã muốn ám chỉ biến cố thanh tẩy đền thờ với cái chết, việc mai táng trong mồ và cuộc phục sinh vinh hiển mà Người sẽ phải thực hiện như đỉnh cao của sứ vụ: “Các ông cứ phá huỷ Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19).
Như thế, cuộc thanh tẩy toàn diện đền thờ Giêrusalem mà Đức Giêsu đã thực hiện vào lúc khởi đầu sứ vụ đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho toàn bộ sứ mạng mà Người sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động công khai. Đồng thời hành động biểu trưng này còn mở ra một nền phụng tự mới mà trung tâm của nó không còn là đền thờ Giêrusalem nhưng là chính ‘thân thể Người’.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Nền tảng của việc tuân giữ luật Môsê, khởi đi từ biến cố dân Israel được chính Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập; để rồi qua giao ước Sinai, dân Israel được trở nên con cái của Thiên Chúa. Do vậy, việc tuân giữ luật Môsê chính là cơ hội giúp cho dân Israel ý thức tư cách là dân riêng và sống tư cách dân riêng ấy trong tương quan với Thiên Chúa là Chúa của họ. Cũng thế, việc tuân giữ luật Chúa của người Kitô hữu cũng sẽ giúp cho họ ý thức tư cách là con và sống tư cách là con ấy trong tương quan với Thiên Chúa là Cha.
2. Việc Đức Giêsu chịu đóng đinh chính là phương thế khôn ngoan nhất mà Thiên Chúa đã dùng để cứu độ loài người. Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi thông phần mình vào biến cố Đức Giêsu chịu đóng đinh để cứu độ anh chị em của mình (Cl 1,24). Vui lòng chấp nhận những hy sinh, những lao nhọc, những nỗi vất vả hay đau khổ trong cuộc sống hằng ngày chính là phương thế giúp mỗi Kitô hữu thực hiện lời mời gọi ấy.
3. Chúa Giêsu chấp nhận ‘cuộc thanh tẩy đền thờ’ là cái chết nơi chính thân thể Người, để kiến tạo một đền thờ mới qua biến cố phục sinh. Bốn mươi ngày mùa chay cũng chính là thời gian mỗi tín hữu được mời gọi, để thực hiện một cuộc thanh tẩy toàn diện khỏi mọi thói hư tật xấu, để trở nên đền thờ mới trong biến cố phục sinh với Đức Kitô.