Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật II Mùa Chay (25/2)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người

Mc 9, 7
Dẫn vào thánh lễ

Mùa Chay mời gọi chúng ta sốt sắng cầu nguyện ăn chay bố thí, để sám hối tội lỗi, cải thiện đời sống.

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay là sứ điệp về lòng tin, lòng phó thác vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, và sự vâng nghe Con Một của Ngài. Ông Ápraham sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa để làm một việc vượt trí hiểu con người. Thánh Phaolô minh chứng Chúa thương chúng ta, đến nỗi ban Con Một. Người chịu chết và sống lại, để biện hộ và chuyển cầu cho chúng ta là kẻ tội lỗi. Nếu chúng ta tin như Ápraham, cùng vác khổ giá và chịu tử nạn với Chúa Giêsu, thì cũng sẽ được cùng Người sống lại sáng láng vinh quang.

Chúng ta sốt sắng dâng Thánh Lễ. Xin cho chúng ta sẵn lòng vác thánh giá theo Chúa, chết cho tội lỗi và mọi tính xấu, để được trở nên người mới, nhất là được trở nên giống Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy Lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con; nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (St 22,1-2.9a.10-13.15-18)

Tổ phụ Áp-ra-ham dâng lễ tế.

Bài trích sách Sáng thế

1 Hồi đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông : “Áp-ra-ham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” 2 Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

9a Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó. 10 Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.

11 Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” 12 Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” 13 Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

15 Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa 16 và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, 17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. 18 Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.”

🌸 Đáp ca Tv 115,10 và 15.16-17.18-19 (Đ. Tv 114,9)

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

10Tôi đã tin cả khi mình đã nói :
“Ôi nhục nhã ê chề !”
15Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

16Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
17Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn,
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

18Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người,
19tại khuôn viên đền Chúa, giữa lòng ngươi,
hỡi Giê-ru-sa-lem !

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

🌸 Bài đọc 2 (Rm 8,31b-34)

Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

31b Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? 32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? 34 Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?

Tung hô Tin Mừng 

Từ đám mây sáng chói, tiếng Chúa Cha phán rằng : Đây là Con yêu dấu, làm vui thoả lòng Ta, hãy vâng nghe lời Người.

🌸 Tin Mừng (Mc 9,2-10)

Đây là Con Ta yêu dấu.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

2 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giê-su biến hình, chúng ta được mời gọi hãy tin vào Chúa Con và “hãy vâng nghe lời Người!” Để vâng nghe Lời Chúa, hầu đạt tới vinh quang phục sinh, chúng ta tha thiết dâng lời cầu xin:

  1. Hội Thánh là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn kết hợp với Chúa Kitô trong việc củng cố niềm tin cho đoàn chiên trước mầu nhiệm Thập Giá, hầu dẫn đưa từng người tiến đến hạnh phúc đích thực. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn nhiệt thành cầu nguyện, và hân hoan sống các lời khuyên Phúc Âm, để ngang qua đời sống của chúng ta, hình ảnh Đức Kitô ngày càng tỏa sáng trước mặt mọi người. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các tín hữu luôn ý thức về giá trị và lợi ích của những ngày tĩnh tâm Mùa Chay, để tích cực tham dự Thánh Lễ, đón nhận các bí bích, nhất là bí tích Hòa giải; hầu nhận được nhiều ơn Chúa mà canh tân đổi mới cuộc đời. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Hiện nay trên thế giới có biết bao người sầu khổ vì nghèo đói bệnh tật, và bạo lực hận thù. Xin cho họ tin tưởng Chúa luôn thương yêu cứu giúp họ vượt qua tất cả. Xin cho mỗi người chúng ta biết mở rộng vòng tay, liên đới với họ trong tinh thần cầu nguyện, chia sẻ và bố thí. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chớ gì của lễ này đem lại cho chúng con nguồn ơn tha tội và thánh hóa, hầu chuẩn bị hồn xác chúng con và toàn thể tín hữu được xứng đáng mừng lễ Vượt Qua. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh Người đã tỏ bày vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và các ngôn sứ làm chứng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng; phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả, và không ngừng tung hô rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được vinh dự rước Mình và Máu Thánh Đức Kitô, là bí tích nhiệm mầu cao cả. Chúng con xin chân thành cảm tạ vì Chúa đã cho chúng con được nếm thử phúc lộc trên trời ngay khi còn ở dưới thế. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, các vị hoàng đế Byzantin
đã ra lệnh đập phá các ảnh tượng tôn giáo,
bởi họ tin rằng Kinh Thánh cấm không được tạc ảnh tượng.
Đầu thế kỷ thứ 8, thánh Gioan Đamascô đã chống lại chuyện này.
Ngài viết: “Vào thời xưa, Thiên Chúa không có hình có dạng,
nên không bao giờ có thể được vẽ ra.
Nhưng nay, khi Thiên Chúa đã mang xác thể,
trò chuyện với con người,
tôi sẽ vẽ một bức tranh theo Thiên Chúa mà tôi thấy.”
Nhờ khẳng định mạnh mẽ này của thánh nhân
mà ngày nay chúng ta có những ảnh tượng thánh.

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, nơi con người Đức Giêsu,
Thiên Chúa vô hình đã có một khuôn mặt, một thân xác,
giống như bất cứ người nào trong chúng ta.
Các môn đệ đã rất quen với khuôn mặt ấy, thân xác ấy.
Họ đã có thời gian sống chung, trò chuyện và gặp gỡ
với người mà họ gọi là Thầy, là Rabbi !
Cách đây sáu ngày, tại vùng đất dân ngoại (Mc 8,27),
Thầy đã nói cho các môn đệ biết về tương lai của mình:
bị đau khổ, bị loại trừ, bị giết và sống lại.
Thầy cũng nói cho các môn đệ biết về tương lai của họ:
từ bỏ mình, vác thập giá, mất mạng sống để rồi tìm được lại.
Họ đã có dấu hiệu chùn bước khi nghe về tương lai u ám…
Chẳng ai để ý đến việc Thầy nói về phục sinh (Mc 8,31),
hay về việc Thầy sẽ đến trong vinh quang rực rỡ (Mc 8,38).

Hôm nay, Thầy dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao,
nơi Thầy quen gặp Cha, Đấng sai Thầy.
Chính nơi đây Thầy đã được Cha biến đổi hình dạng.
Không phải chỉ khuôn mặt, nhưng toàn bộ con người.
Cả con người Thầy rạng ngời ánh vinh quang thần linh.
Cả y phục của Thầy cũng mang sắc trắng của thiên giới.
Vị Thầy thân quen của họ như bước ra từ một thế giới khác.
Rồi có hai nhân vật đáng kính là Êlia và Môsê xuất hiện.
Các vị này trò chuyện với Thầy Giêsu.
Cảnh tượng linh thiêng này làm họ ngây ngất và hoảng sợ.
Đỉnh điểm của thị kiến này là tiếng nói phát ra từ đám mây.
Mây vừa che giấu, vừa tỏ bày sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thiên Chúa trực tiếp nói với các môn đệ từ đám mây.
Ngài giới thiệu cho họ biết Thầy Giêsu của họ là ai.
Thầy không chỉ là Đấng Kitô như Phêrô tuyên xưng.
Thầy chính là Người Con yêu dấu của Thiên Chúa,
có tương quan thân thiết với Cha chẳng ai sánh bằng.
Hai ông Êlia và Môsê xuất hiện rồi lại biến đi.
Chỉ Thầy Giêsu còn ở lại, chỉ Thầy được gọi là Con yêu dấu.
Thiên Chúa Cha ra lệnh: Hãy lắng nghe Người (Mc 9,7).
Lắng nghe về định mệnh đang chờ đợi cả Thầy lẫn trò,
rồi chấp nhận và đi vào con đường Thiên Chúa dọn sẵn,
con đường hẹp, chẳng ai muốn đi,
nhưng lại dẫn đến sự sống, chứ không phải là ngõ cụt.

Cứ mỗi Chúa nhật 2 Mùa Chay ta lại đọc bài Chúa Biến hình.
Đây là một hy vọng xanh ngát ngay giữa màu tím của phụng vụ.
Rồi cũng đến lúc Thầy trò phải xuống núi hạnh phúc này
để lên núi Cây Dầu và núi Sọ.
Rồi có lúc ba môn đệ sẽ thấy khuôn mặt xao xuyến của Thầy,
khuôn mặt đầy máu và thương tích trong cuộc Khổ nạn.
Nhưng Phêrô sẽ không quên được kinh nghiệm này (2 Pr 16-18):
nghe tiếng của Thiên Chúa Cha phán từ trời trên núi thánh.
thấy Thầy Giêsu với vẻ lẫm liệt uy phong.

Biến hình là quà tặng của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu.
Khi Ngài đón lấy ý định nhiệm mầu của Cha,
thì thần tính vốn bị che giấu nay được Cha vén mở.
Mùa Chay là thời gian chúng ta lên núi để được biến hình,
nếu chúng ta chấp nhận lắng nghe và tuân giữ lời Con Chúa.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hon
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

HIẾN DÂNG CON YÊU DẤU

Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng:
“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7)

*****

I. CÁC BÀI ĐỌC:

Hiến dâng, trao ban hay cho đi thường đi kèm với sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi. Hiến dâng những gì quý giá nhất lại càng đòi hỏi hy sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, các bài đọc lời Chúa hôm nay lại nhìn việc hiến dâng như là hành động của sự tín thác và vâng phục Thiên Chúa, để rồi được nhận lại từ Người muôn vàn phúc lộc. Xét cho cùng, sự hiến dâng của con người là sự biểu lộ lòng tin để rồi nhận lại phúc lộc đã được nhân lên gấp bội.

1. Bài đọc 1:

Thái độ mau mắn dâng con yêu dấu của ông Ápraham đã mở ra cho ông, dòng dõi ông và cho lịch sử cứu độ của Thiên Chúa một tương lai dư tràn phúc lành từ Thiên Chúa.

Trước hết, đối với ông Ápraham, đứa con yêu dấu Isaác chính là niềm hy vọng cho tương lai dòng dõi của ông. Vì thế, khi vâng lệnh Thiên Chúa hiến dâng đứa con duy nhất, đứa con mà khó khăn lắm ông mới có được vào lúc tuổi đã cao, đứa con thừa tự, ông Ápraham hoàn toàn đặt tương lai của dòng tộc vào trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Ông không đòi Thiên Chúa chiều theo ý của ông mà để Người thực hiện chương trình của Người trên cuộc đời ông.

Sau nữa, đối với Thiên Chúa, hành động dâng hiến hoàn toàn và vâng phục trọn vẹn, là bằng chứng của một lòng tin son sắt của ông Ápraham, một lòng tin xứng đáng nhận phúc lành của Người. Thêm vào đó, phúc lành của Thiên Chúa vượt xa điều mà ông Ápraham mong ước: đó là một dòng dõi nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển, một dòng dõi chiến thắng kẻ thù và qua dòng dõi đó mà mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như thế (x. St 22,17-18).

Những tưởng việc dâng con yêu dấu là sự hy sinh của con người cho Thiên Chúa, nhưng cuối cùng lại là chương trình chúc phúc của Thiên Chúa cho con người. Vâng phục thánh ý Thiên Chúa, sẵn sàng dâng hiến hoàn toàn và để Người hành động trong cuộc đời mình là khởi đầu của muôn phúc lành Thiên Chúa ban cho những ai tín thác nơi Người.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô ca tụng tình yêu cao cả mà Thiên Chúa dành cho con người khi hiến dâng chính Con Một vì con người.

Thứ nhất, Thiên Chúa yêu con người đến nỗi trao ban chính Con Một (x. Ga 3,16), Đấng đã chết, sống lại và hằng ở bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người (Rm 8,34). Đến như Con Một của Người, Thiên Chúa cũng trao ban; Người chẳng còn tiếc gì, chẳng còn giữ lại gì, nhưng trao ban cho con người tất cả.

Thứ hai, khi ban Con Một cho con người, Thiên Chúa muốn bênh đỡ và bảo vệ con người trước mọi lời buộc tội và kết án. Qua cái chết của Đức Giêsu, Con yêu dấu của Người, Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm cho con người. Nếu Thiên Chúa không buộc tội và kết án, thì đó là sự bảo đảm rằng con người được yêu thương và tha thứ.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người thôi thúc Người trao ban tất cả, ngay cả Con Một yêu dấu; tình yêu và sự tha thứ của Người thay cho lời buộc tội và kết án. Có tình yêu của Thiên Chúa, có sự hiến dâng Con Một yêu dấu của Người, có sự tha thứ và lời chuyển cầu của Đức Giêsu Kitô, con người thật chẳng còn thiếu gì nữa, chẳng còn lo sợ gì nữa.

3. Bài Tin mừng:

Tin mừng Máccô thuật lại cuộc biến hình của Chúa Giêsu, qua đó hé lộ nguồn gốc và sứ mạng dâng hiến trọn vẹn của Người, đi từ thập giá để đến vinh quang.

Trước hết, diện mạo và y phục của Chúa Giêsu biến đổi nhằm mặc khải về vinh quang thần tính của Người. Đồng thời, tiếng từ đám mây “đây là Con Ta yêu dấu” là lời mặc khải rõ ràng và công khai về nguồn gốc của Chúa Giêsu: Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Người không chỉ là một con người giữa lòng nhân loại; Người còn là Con Thiên Chúa được trao ban cho con người.

Sau nữa, con đường đến vinh quang của Con Thiên Chúa là con đường trải qua thập giá. Quả vậy, hai ông Môsê và Êlia đàm đạo “về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31), còn Chúa Giêsu thì căn dặn các môn đệ đừng “kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9). Chỉ khi trải qua “cuộc xuất hành” trên thập giá và từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu mới mặc lấy diện mạo vinh quang đích thực của Con Một Thiên Chúa, mà cuộc biến hình là một dấu chỉ tiên trưng.

Vinh quang chói lọi của Con Thiên Chúa mà các môn đệ chứng kiến phần nào trên núi chỉ được tỏ lộ cách trọn vẹn qua thập giá. Đó cũng là con đường mà những ai tin vào Thiên Chúa phải “vâng nghe lời Người” mà bước theo. Bước theo Con yêu dấu của Thiên Chúa không chỉ là dựng lều ở trên núi để hưởng kiến vinh quang chói lọi của Người, mà còn là xuống núi để đồng hành với phận người mong manh, cho đến khi Người “từ cõi chết sống lại” đem lại hy vọng sự sống cho nhân loại.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Khi dâng đứa con duy nhất cho Thiên Chúa theo lệnh của Người, ông Ápraham hoàn toàn đặt niềm tin tưởng và phó thác cả tương lai dòng tộc trong tay Thiên Chúa. Đáp lại, khởi đi từ đứa con yêu dấu của ông Ápraham, Thiên Chúa ban cho ông một dòng dõi đông đúc như lời Người đã hứa. Sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và vâng theo thánh ý Người, mở ra những cơ hội mới và tương lai vững bền cho con người. Trao cuộc đời mình vào tay Thiên Chúa, người Kitô hữu nắm chắc phần phúc vĩnh cửu.

2/ Khi trao ban cho con người đứa Con Một, Đấng chết, sống lại và hằng ở bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người, Thiên Chúa đã yêu thương mà cho đi tất cả. Được Thiên Chúa yêu thương, bảo vệ và thứ tha, con người không còn lo sợ điều gì. Những ai tín thác vào tình thương của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu, sẽ tìm được sự an bình và hạnh phúc đích thực.

3/ Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về thần tính của Người là Con yêu dấu của Chúa Cha, nhưng các ông không thể ở mãi trên núi mà chiêm ngắm, vì con đường vinh quang của Con Thiên Chúa phải trải qua đau khổ và cái chết. Để được chia sẻ vinh quang của Con Thiên Chúa, các môn đệ cũng cần “vâng nghe lời Người” mà bước đi trên con đường yêu thương và hiến dâng. Hiến dâng, nhất là hiến dâng chính chính, đòi hỏi sự hy sinh và cả mất mát, nhưng chính tình thương làm cho mọi mất mát và hy sinh hoá thành niềm vui và phúc lành.

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận