Lời nguyện nhập lễ
🌸 Bài đọc 1 (Is 54,1-10)
Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a
1Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con ;
hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ,
vì con của phụ nữ bị bỏ rơi
thì đông hơn con của phụ nữ có chồng – Đức Chúa phán.
2Hãy nới rộng lều ngươi đang ở,
căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ.
Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc,
3vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu,
dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc
và đến ở trong các thành bỏ hoang.
4Đừng sợ chi : ngươi sẽ không phải xấu hổ,
chớ e thẹn : ngươi sẽ không phải nhục nhằn.
Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân
và không còn nhớ bao nhục nhằn thời goá bụa.
5Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt
chính là Đấng đã tác thành ngươi,
tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh ;
Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en,
tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.
6Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về,
như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn.
“Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?”,
Thiên Chúa ngươi phán như vậy.
7Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi,
nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.
8Lúc lửa giận bừng bừng,
Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,
nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót,
Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.
9Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê : lúc đó, Ta đã thề rằng
hồng thuỷ sẽ không tràn ngập mặt đất nữa,
cũng vậy, nay Ta thề
sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu.
10Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,
giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,
Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.
🌸 Đáp ca Tv 29,2 và 4.5-6.11-12a và 13b (Đ. c.2a)
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
2Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
4Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
5Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
cảm tạ thánh danh Người.
6Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
11Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.
12aKhúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu.
13bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
Tung hô Tin Mừng Lc 3, 4.6
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Lc 7,24-30)
Ông Gio-an là sứ giả dọn đường cho Chúa đến.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
24 Khi những người do ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng : “Anh em đi xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? 25 Hẳn là không ! Thế thì anh em đi xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. 26 Thế thì anh em đi xem gì ? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó ; mà tôi nói cho anh em biết : đây còn hơn cả ngôn sứ nữa ! 27 Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến !
28 “Tôi nói cho anh em biết : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an ; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. 29 Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính, và đã chịu phép rửa của ông. 30 Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.”
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng
Lời nguyện hiệp lễ
🌸 Mến yêu hằng ngày
Nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, ĐỨC CHÚA, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy. Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm dọa ngươi đâu.
Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy. (Isaia 54)
Nghe ông Gio-an giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông. (Lc 7 )
Mùa Vọng đọng lại trong trái tim tôi khi tôi thực sự đặt hy vọng vào cuộc sống cụ thể của mình. Đối với nhiều người trong chúng ta, có nhiều điều xảy ra không như mong đợi. Chúng ta có những chọn lựa sai trái. Những người khác cũng có những lựa chọn tồi tệ khiến chúng ta bị tổn thương. Chúng ta mang những vết thương từ những gì chúng ta đã làm và từ những gì người khác đã làm cho ta. Đôi khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, và cả bị “bỏ rơi”. Tôi cảm thấy rằng rất nhiều người trong chúng ta đổ lỗi cho Chúa vì đã không can thiệp để làm cho mọi thứ tốt hơn cho chúng ta. Và, nếu Chúa không làm những gì chúng ta nghĩ rằng Chúa phải làm, chúng ta hướng vào Ngài và tỏ thái độ khó chịu, khi đó ta nghĩ rằng, mình làm vậy thì Chúa sẽ thấy ta thất vọng về Ngài, và điều đó giải thích sự xa cách của chúng ta với Chúa.
Các bài đọc hôm nay mang đến cho ta một loại hy vọng khác. Chúng mang đến cho chúng ta cơ hội để hy vọng nhờ vào lòng thành tín của Thiên Chúa. Mức độ hy vọng này tùy thuộc vào sự tín thác của chúng ta. Tin tưởng vào sự đảm bảo của Thiên Chúa về tình yêu thương và lời hứa của Ngài: “Tình yêu của Ta sẽ không bao giờ xa rời con,” chúng ta tin rằng Thiên Chúa thương xót chúng ta. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phát hiện ra một vị Thiên Chúa vẫy đũa thần để thỏa lòng mong ước của ta. Chúng ta cần có mối tương quan với Thiên Chúa, một mối tương quan sâu sắc hơn nhiều. Thiên Chúa nói với chúng ta, một cách riêng tư, dịu dàng, với sự an ủi lớn lao rằng: “Ta sẽ luôn ở bên con. Bất kể con phải đối mặt với điều gì, con sẽ không bao giờ cô đơn. Cha sẽ ở bên con – trong đó, qua đó, mang lại cho con tình thương và bình an. ” Đây là lý do tại sao Mùa Vọng là một cuộc hành trình. Nó mời gọi chúng ta từng bước một để đón nhận và tin vào sự đảm bảo của đức tin, với tình yêu trong sâu thẳm con người chúng ta. Chúng ta có thể có được niềm vui Mùa Vọng khi chúng ta tin chắc rằng không điều gì có thể hoặc sẽ lay chuyển được chúng ta. Oh, và cũng có những thách đố, nhiều đau buồn, ở nơi chúng ta và trong cả những người quanh ta. Món quà Mùa Vọng là niềm vui không thể lay chuyển chỉ đến với tôi khi tôi thực sự tin rằng mình không cô đơn hay bị bỏ rơi.
Trong phúc âm, thánh Lu-ca nhận xét rằng những người tội lỗi là những người đã nghe lời Chúa Giê-su và tin vào sự tốt lành, công bình, chính trực của Thiên Chúa. Mặt khác, chính những người tự cho mình là công chính, không thấy cần phải thay đổi hay không nhận phép rửa của ông Gioan, đã từ chối kế hoạch của Thiên Chúa dành cho họ.
Hy vọng và niềm vui đến từ việc trải nghiệm lòng thương xót và lời hứa rằng chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn, rằng tình yêu của Thiên Chúa trường tồn mãi mãi. Sự tin tưởng đó có sức giải phóng. Khi niềm vui lớn lên, chúng ta thực sự có thể cảm thấy sự tự kiêu biến mất. Chúng ta có thể cảm thấy mình không còn mang những gánh nặng như trước nữa. Trái tim của chúng ta bắt đầu trở nên nhạy bén trở lại để nhận ra và quan tâm đến những đau khổ của người khác. Niềm hy vọng trong Mùa Vọng của chúng ta chính là “tin mừng” mà chúng ta phải chia sẻ với những người khác. “Những món quà” mà chúng ta phải trao cho người khác, cho thế giới, là niềm hy vọng và niềm vui của chúng ta, để nâng đỡ tinh thần của người khác, làm cho chúng ta trở thành một cộng đồng quan tâm đến nhau.
Đúng vậy, chúng ta có những khác biệt lớn và sự chia rẽ sâu sắc, và chúng ta gần như đã bị nền văn hóa của chúng ta quỷ quyệt lẫn nhau – sự mê mải khôn lường. Với hy vọng và niềm vui, bạn có thể tự do chú tâm đến những gì làm phiền người khác, dẫn đến sự tức giận và thậm chí là thù hận. Chúng ta chỉ trở nên những người của Mùa Vọng khi chúng ta tiến tới việc để chữa lành và an ủi, dủ thương đến những đau thương và vui mừng vì thực vậy, Thiên Chúa của chúng ta đang ở gần, luôn ở với chúng ta, với tất cả chúng ta. Chúng ta có thể không thể tưởng tượng được Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta dường nào. Điều này khởi đi với việc thực sự tin rằng Chúa của chúng ta thực sự yêu thương tôi.
— Nhóm Bạn Đường Linh Thao —
🌸 Gợi ý suy niệm
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).
Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.
Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.
Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.
Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.
Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,
và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.
Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.
Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.
Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.
Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.
“Anh em đi xem gì trong hoang địa ?”
Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).
Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.
Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.
Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.
Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).
Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về
thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.
Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.
Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.
Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),
bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).
Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.
Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước
vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.
Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.
Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,
để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.
Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.
Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.
Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời
đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.
Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.
Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),
còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).
Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan
vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).
Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.
Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,
còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.
Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,
để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
Dễ thấy Chúa hiện diện
Và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
Khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
Để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.