Thứ hai tuần VIII Thường Niên (27/5)
Lời nguyện nhập lễ
🌸 Bài đọc 1 (1 Pr 1,3-9)
Tuy không thấy Đức Ki-tô, anh em vẫn yêu mến, vẫn kính tin, lòng chan chứa một niềm vui khôn tả.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ
3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, 4 để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, 5 là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.
6 Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. 7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. 8 Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, 9 bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.
🌸 Đáp ca Tv 110,1-2.5-6.9 và 10c (Đ. c.5b)
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
1Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa,
trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội.
2Việc Chúa làm quả thật lớn lao,
người mộ mến ra công tìm hiểu.
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
5Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn ;
giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi.
6Sức mạnh việc Người làm, Người cho dân thấy rõ,
khi tặng ban cho họ gia sản của chư dân.
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
9Người đem lại cho dân ơn giải thoát,
thiết lập giao ước đến muôn đời.
Tôn danh Người thánh thiêng khả uý.
10cMãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người.
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
Tung hô Tin Mừng 2Cr 8, 9
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mc 10,17-27)
Hãy đi bán những gì anh có, rồi hãy đến theo tôi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
17 Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 18 Đức Giê-su đáp : “Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói : “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp : “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau : “Thế thì ai có thể được cứu ?” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng
Lời nguyện hiệp lễ
🌸 Mến yêu hằng ngày
Bắt đầu hôm nay chúng ta đọc hai ngày liên tục thư thứ nhất của thánh Phê-rô. Thứ tư tới này là chúng ta bước vào mùa chay, rồi tiếp đến là mùa phục sinh. Để chuẩn bị tâm hồn cho mùa chay thánh, thư của Thánh Phê-rô đưa chúng ta hướng về sự trọn lành của những người lãnh nhận bí tích rửa tội: việc tái tạo một cuộc sống mới, sự tái sinh trong niềm hy vọng. Thánh phê-rô dẫn chúng ta đi thẳng vào trọng tâm của sứ điệp mà các tông đồ vẫn thường rao giảng. Đó là sự sống lại, mà chính ngài cũng thường xuyên rao giảng về chủ đề đó (x. Cvtđ 2:24; 3:15; 4:33). Và trong thư mục vụ này, sự sống lại cũng là chủ đề chính mà thánh nhân nói đến.
Ở đây, chúng ta có thể so sánh sự sống lại của Chúa Giê-su như trục bánh xe, từ đó các sự kiện khác gắn chặt vào nó như những chiếc nan hoa (tăm xe). Nhắc đến xe đạp chắc chắn ai cũng biết và cũng đã từng sử dụng phương tiện này. Tăm xe đạp là một bộ phận hình thanh dài nối trục bánh xe đạp với vành bánh xe. Đây là một bộ phận không thể thiếu của chiếc xe đạp khi di chuyển. Chúng ta có thể liên tưởng bài đọc một này theo cách thức ví von như sau.
Chiếc “nan hoa” (tăm xe) thứ nhất được ví như là “sự tái sinh” của chúng ta (câu 3). Không có sự sống lại thì không có sự cứu rỗi. Cũng như Thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô rằng: “Không có sự sống lại thì chúng ta mãi mãi là những tội nhân, không có sự trông cậy và không có Thiên Chúa” (Ê-phê-sô 2:12). Sự phục sinh của Chúa Giê-su đem lại cho chúng ta sự sống mới và niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng mà Tân Ước đề cập đến bảo đảm rằng Thiên Chúa luôn thành tín. Lời hứa của Ngài không hề dời đổi, bởi đó sự cứu rỗi của chúng ta trong Chúa Giê-su được Thiên Chúa Cha bảo đảm một cách tuyệt đối.
Điều này dẫn đến chiếc “nan hoa” (tăm xe) thứ hai là cơ nghiệp không suy tàn (câu 4), dành sẵn cho mọi người tin nhận Chúa. Chẳng những chúng ta được thừa hưởng cơ nghiệp ở thiên đàng là nơi không có sự hư nát và trộm cắp (Mt 6:20), mà còn được Thiên Chúa gìn giữ khi chúng ta chờ đợi thừa hưởng cơ nghiệp đời đời này.
”Nan hoa” (tăm xe) tiếp theo là “vui mừng trong hoạn nạn và đau khổ” (câu 6-9). Khi đau khổ người ta vẫn thường than phiền, kêu ca, oán trách. Thế thì làm thế nào có thể vui mừng trong hoạn nạn? Thánh Phê-rô dùng hình ảnh người thợ bạc dùng lửa để tách các tạp chất ra khỏi vàng. Niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh là bảo đảm cho mỗi người chúng ta niềm hân hoan vui mừng khi được ân thưởng trong thời cánh chung, khi Người trở lại đón chúng ta vào nơi ở vĩnh cửu với Thiên Chúa. Tuy thế, niềm tin đó không miễn khỏi những gian nan thử thách trong cuộc sống hiện tại. Chính những gian nan thử thách sẽ tinh luyện đức tin. Những thử thách và đau khổ không thể nào làm mai một đức tin thật nơi chúng ta. Hơn nữa, nó sẽ làm cho đức tin thêm vững mạnh. Người có đức tin thật chắc chắn sẽ kinh nghiệm được niềm vui thật dù phải trải qua những thử thách gay go.
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện một người đang đứng trước ngưỡng cửa sự sống đời đời, thế nhưng anh quay đầu trở lại, để bám víu vào những hư mất của đời này. Trước sự thách thức của Chúa Giê-su, anh bỏ đi vì đối với anh, gia tài, tiền bạc, danh vọng là tất cả. Anh tuân giữ Mười Điều Răn, nhưng chỉ như trang sức cho đời sống. Vì nếu anh thực sự yêu mến Chúa, anh không thể yêu tiền bạc, địa vị hơn được. Hơn nữa, bán gia tài phân phát cho người nghèo khó rồi theo Chúa, có lẽ là một lời mời gọi quá thách thức đối với chàng thanh niên giàu có này.
Trong câu chuyện người trẻ tuổi giàu có, tìm đến Chúa Giê-su để hỏi về điều kiện được hưởng sự sống đời đời, anh ta hỏi vậy, nhưng trong lòng thật kiêu hãnh vì biết chính mình đã giữ trọn những qui luật mà luật pháp đòi buộc. Vì vậy, khi nghe Chúa Giê-su tóm tắt những giới luật này, anh không ngần ngại trả lời mình đã thi hành các luật pháp đó cách nghiêm chỉnh. Tưởng sẽ được nghe lời khen tặng từ Chúa, nhưng Chúa đã dành cho anh một sự ngạc nhiên không kém, bằng cách nhắc lại bổn phận và trách nhiệm đối với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo khó mà anh chưa thực hiện.
Đây cũng là bài thi trắc nghiệm về niềm tin của chúng ta đối với Thiên Chúa cách thực tế, không chỉ riêng chàng thanh niên này, nhưng cho mỗi chúng ta là người tin theo Ngài. Không ít thì nhiều, trong mỗi chúng ta đều có những điều mà mình coi là quí giá nhất. Có thể đó là người yêu, là công danh, sự nghiệp, của cải hay ngay cả những thú vui, những trò chơi giải trí, môn thể thao… Cho dầu bất cứ điều gì đi chăng nữa, khi chúng ta cứ ôm ấp nâng niu, giữ lấy chúng, thì làm sao mà chúng ta thể đạt được sự sống đời đời mà Chúa muốn nói đến ở đây. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải sống một đời sống khắc khổ. Chúng ta cần phải sống, cần phải làm việc, cần phải sinh hoạt, cần phải chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Dĩ nhiên, mọi hoạt động đó thật là cần thiết cho cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, Chúa mới là tất cả, và là ưu tiên hàng đầu.
Tiếp theo trong câu chuyện này, các môn đệ đã bỡ ngỡ khi nghe Chúa nói: “Kẻ giàu vào nước Chúa khó là dường nào!” Đặc biệt hơn nữa, Chúa Giê-su còn so sánh việc con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Trời. Thái độ bỡ ngỡ của các môn đệ được mô tả đầy đủ qua nhận xét của họ: “Vậy thì ai được cứu?” Các môn đệ của Chúa là người Do Thái. Đối với người Do Thái thì giàu có là dấu hiệu được Chúa ban phúc. Các vị thánh tổ của dân tộc Do Thái như Áp-ra-ham, I-sa-ac, Gia-cóp là những người giàu có trong cuộc sống. Chúng ta có thể nhận thấy được sự giàu có tự nó không phải là xấu xa. Rất nhiều người Ki-tô hữu trung tín của Chúa thời xưa cũng như thời nay đã là những nhà triệu phú.
Sự giàu sang tự nó không làm cho con người trở nên tàn ác, tội lỗi, cũng như sự nghèo khó không làm cho con người trở nên đạo đức, trong sạch, thánh thiện. Người giàu theo quan niệm người Do Thái cũng là những người có cơ hội làm việc thiện như giúp đỡ tiền bạc cho người nghèo, một công đức được Chúa hài lòng, một cách để tích góp kho tàng trên trời. Trên một lãnh vực khác, người giàu của có nhiều điều kiện để tôn thờ Chúa, họ có dư tiền bạc để mua sính lễ tốt nhất dâng lên bàn thờ. Họ cũng có nhiều thời gian rãnh để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh v.v… Tóm lại, theo quan niệm Do Thái, người giàu là người gần Chúa hơn hết, họ là người thừa điều kiện để vào nước thiên đàng.
Tuy nhiên ngày nay người ta thường quan niệm rằng càng làm ra nhiều của cải, càng tích luỹ được nhiều tài sản, càng có nhiều khả năng mua sắm, thì càng được coi là giàu có, thành đạt. Nhưng một thực tế cho ta thấy rõ ràng hơn qua mùa đại dịch cô vít trong những tháng ngày qua. Người giàu có, tuy họ có của cái nhiều mấy đi chăng nữa, họ vẫn không thể cứu được mạng sống của mình. Có tiền có của nhưng không mua được sức khỏe.
Chúa Giê-su không kết án người giàu. Nhưng Chúa Giê-su thấy trong người giàu có mối nguy hại tâm hồn là vấn đề ỷ lại vào tiền bạc của cải vật chất. Người giàu dễ xem tiền bạc là bí quyết của hạnh phúc, là bảo đảm cho đời sống. Khi xem tiền bạc là cứu cánh của cuộc đời, người ta dễ đi đến chỗ đưa tiền bạc lên hàng thần tượng, thay thế cho Chúa. Chúa Giê-su nói, sự cứu rỗi là điều người nghèo cũng như giàu không thể làm được, chỉ Chúa mới làm được. Người giàu, người nghèo, người có học thức, người ít học, người tốt, người xấu v.v… đều không phải là tiêu chuẩn quyết định xứng đáng hưởng ơn cứu rỗi. Sống trong một thế giới văn minh hiện đại, chúng ta có đầy đủ những tiện nghi vật chất, với những hấp lực của lạc thú trần gian; những ước mơ hoài bão, với những dự tính cho bản thân…
Trong Tin Mừng hôm nay, lời mời gọi của Chúa Giêsu: hãy bán của cải, chia cho người nghèo, rồi đi theo Ngài, là một lời mời gọi cách mạng, có sức biến đổi thế giới. Dĩ nhiên, lời mời gọi nào của Thiên Chúa cũng gây xáo trộn những dự định và tính toán riêng tư. Liệu chúng ta có dám từ bỏ những thứ mình đang có, để hướng theo lời mời gọi của Chúa, giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình hay không?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được những giá trị trường cửu của Nước Chúa và bằng lòng từ bỏ tất cả để đạt được những giá trị đó. Xin giúp chúng con sẵn sàng hy sinh và sống cho Chúa vì biết rằng con sẽ không mất gì cả nhưng được lợi rất nhiều. Xin giúp chúng con sẵn sàng chịu khổ vì Chúa nhưng đừng kiêu ngạo, cho rằng mình đã hy sinh nhiều hơn người khác. Amen.
TTN