Lời nguyện nhập lễ
🌸 Bài đọc 1 (Tt 2,1-8.11-14)
Phải sống đạo đức, vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô
1 Anh thân mến, phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. 2 Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. 3 Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành.
4 Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, 5 biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm. 6 Anh cũng hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự. 7 Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, 8 lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì.
11 Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. 12 Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. 13 Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. 14 Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.
🌸 Đáp ca Tv 36,3-4.18 và 23.27 và 29 (Đ. c.39a)
Đ.Người công chính được Chúa thương cứu độ.
3Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện,
thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn.
4Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.
Đ.Người công chính được Chúa thương cứu độ.
18Chúa chăm sóc cuộc đời người thiện hảo,
gia nghiệp họ tồn tại đến muôn năm.
23Chúa giúp con người bước đi vững chãi,
ưa chuộng đường lối họ dõi theo.
Đ.Người công chính được Chúa thương cứu độ.
27Hãy làm lành lánh dữ,
bạn sẽ được một nơi ở muôn đời.
29Còn người công chính được đất hứa làm gia nghiệp,
và định cư tại đó mãi muôn đời.
Đ.Người công chính được Chúa thương cứu độ.
Tung hô Tin Mừng Ga 14,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Lc 17,7-10)
Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8 chứ không bảo : ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !’ ? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? 10 Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng
Lời nguyện hiệp lễ
🌸 Mến yêu hằng ngày
“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Đây là một câu thật khó để nói và lại càng khó nói hơn theo đúng ý nghĩa thực sự của nó sau khi ta phục vụ người khác hoặc làm các “công việc không lương”.
Người đánh chuông lễ sáng phải thức dậy sớm hơn tất cả, người chuẩn bị các việc phụng tự phải đến nhà thờ thật sớm, giáo lý viên phải hi sinh thời gian rảnh ngày Chúa Nhật để dạy giáo lý, người mẹ chuẩn bị bữa cơm ngon lành cho gia đình sau một ngày làm việc vất vả… Chẳng lẽ họ không đáng được nhận một lời cảm ơn hay sao? Tại sao Chúa Giêsu lại nói như vậy?
Hẳn nhiên việc chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phục vụ của người khác là điều tốt lành và cần thiết. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay không dừng lại ở việc chúng ta sống với lòng biết ơn vì những nghĩa cử cao đẹp hay hành động bác ái của người khác. Đúng hơn, Lời Chúa muốn ám chỉ động lực bên trong những công việc phục vụ của mỗi chúng ta. Chúng ta có phục vụ để được người ta cám ơn? Hay chúng ta phục vụ vì đó là những việc làm tốt đẹp và là bổn phận của chính mình?
Có lẽ chúng ta đã từng nghe, và có thể cũng đã nói, rất nhiều lần những câu thế này: “Xin Chúa trả công bội hậu cho anh…” hoặc “Rồi Chúa sẽ trả công cho anh…” Tất cả những việc lành bác ái chúng ta làm đều chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đúng hơn là mang lại ích lợi cho chính chúng ta. Ấy vậy mà ta lại có thái độ như thể đang làm ơn cho Chúa và Ngài mắc nợ chúng ta về điều đó. Ngẫm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người đầy tớ làm việc bổn phận để nhắc nhở chúng ta về thái độ và bổn phận của mỗi người khi phục vụ Chúa, phục vụ anh em. Mỗi Kitô hữu phải ý thức bản thân mình là người đầy tớ của Thiên Chúa, đồng thời con người hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa, Chúa là tất cả – con là không, không huênh hoang tự đắc mà phục vụ trong khiêm nhường như khi Ngài đến “không phải để được phục vụ mà là phục vụ” (Mt 20,28).
Phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ anh em mình là bổn phận thiêng liêng hoàn toàn tự do và tình nguyện. Khi tổ quốc hoặc gia đình cần đến, một người có thể tình nguyện (hoặc bị ép buộc) phục vụ vì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Cũng vậy, Thiên Chúa có quyền đòi hỏi sự tôn thờ và ca ngợi từ chúng ta vì Ngài đáng được tôn thờ và ca ngợi. Nhưng điều làm Ngài vui thích là của lễ tình yêu hiến dâng hoàn toàn tự nguyện. Tình yêu đích thực chính là sự hy sinh, tấm lòng quảng đại và thái độ vô vị lợi. Cả cuộc đời sống yêu thương và phục vụ, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta một Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu và phục vụ dù Ngài không cần phải như thế, dù Ngài đáng được yêu thương, đáng được phục vụ, và thậm chí dù tình thương, sự phục vụ của con người chẳng thêm gì cho Ngài.
Hãy thử tưởng tượng khi bạn dành cả ngày để phục vụ mọi người với lòng yêu mến chân thành, nhưng không một ai cám ơn hay hỏi han. Liệu những phản ứng đó có làm giảm đi tinh thần hăng say, nhiệt thành phục vụ của bạn không? Liệu thái độ của những người xung quanh có khiến cho ước muốn phục vụ Chúa như Ngài đáng được phục vụ của bạn tan biến được không? Chắc chắn là không, bởi nếu có, thì hẳn đối tượng bạn đang hướng đến là những người xung quanh bạn chứ nào phải Thiên Chúa đâu!
Bởi vậy, chúng ta hãy chăm chút làm việc bổn phận hằng ngày với tinh thần trách nhiệm và ý thức hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó cách vui tươi, đơn giản vì đó là điều đúng đắn và là điều Chúa muốn chúng ta làm, như người đầy tớ làm việc bổn phận mình trong bài Tin Mừng hôm nay. Càng làm tròn bổn phận với Thiên Chúa, càng chu toàn trách nhiệm đối với cuộc sống, với anh chị em, với bản thân, chúng ta càng thêm dồi dào hồng ân và sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời.
Phản tỉnh: Mời bạn nhìn lại động lực sâu xa thúc đẩy bạn thực hiện những hành động yêu thương vì người khác. Đầy tớ là người làm tất cả mọi sự vì chủ, là người hoàn toàn sống cho chủ. Đầy tớ sẽ không màng đến phần thưởng hay một quyền lợi nào, nhưng chỉ chuyên chăm làm tròn bổn phận của mình. Hãy sống phục vụ tha nhân trong tinh thần của một đầy tớ của Thiên Chúa, để từ đó dung mạo của một Đức Giêsu phục vụ và phục vụ cho đến chết được biểu lộ trên gương mặt mỗi chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp con phục vụ Ngài như người tôi tớ trung tín, phục vụ anh chị em với tinh thần đơn sơ và khiêm tốn. Xin giúp con hiến dâng chính bản thân mình mà không màng danh lợi hay lời tung hô, ngõ hầu danh Chúa được cả sáng trong đời sống phục vụ của chúng con. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.
—–//——//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn:https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-18-34/thirty-second-week-in-ordinary-time/
🌸 Gợi ý suy niệm
Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.
Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra
thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).
Dân Ítraen cũng có kinh nghiệm về việc bị bắt làm nô lệ ở Ai-cập,
và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do.
Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn.
Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).
Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.
Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ,
năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2).
Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế
để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).
Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.
Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).
Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công.
Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì.
Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm
mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác.
Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.
Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi,
nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.
Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc,
sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7),
liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối với mình không?
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.
Khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,
thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn,
thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8).
Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.
“Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ.
Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.
Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.
Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay,
những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.
Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).
Chúng ta làm điều phải làm (c. 10),
nhưng không như người làm công chờ lương,
cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.
Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62),
chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27).
Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,
không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.
Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm,
siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức,
đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.
Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.
Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).
Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).
Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta
khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).
Cầu nguyện
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)