Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo. Lễ nhớ ngày 14 tháng 8.
Thánh Maximiliano Kolbe sinh ngày 7 tháng 1 năm 1894 tại Zundska Wola, nước Ba Lan. Cha mẹ đặt tên cho ngài là Raymond Kolbe. Lớn lên, thánh nhân có lòng ước ao phụng sự Chúa, tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và nhiệt tâm phục vụ các linh hồn. Ngài gia nhập chủng viện Phanxicô lúc 16 tuổi, chuyên cần học hỏi triết học, thần học, kinh tế và tập rèn nhân đức mỗi ngày. Thánh nhân đã đậu bằng tiến sĩ triết học và thần học, nhưng vẫn đam mê về khoa học. Thánh Maximiliano Kolbe lãnh nhận tác vụ linh mục vào năm 1918, lúc ngài mới 24 tuổi.
Có ba điểm nổi bật về thánh Maximiliano Kolbe:
- Lòng sùng kính đặc biệt về Đức Trinh Nữ Maria
Với thánh nhân, Đức Maria là người mẹ hiền hằng quan tâm nâng đỡ và dắt dìu ngài trên bước đường nên thánh. Ngài phó dâng cho Đức Mẹ mọi công việc mục vụ, cũng như chính bản thân mình. Tại quê hương Ba Lan, thánh Kolbe đã thiết lập hội Đạo Binh Đức Mẹ Vô Nhiễm. vào năm 1927, thánh nhân tiếp tục thành lập hội “Thành Đô Đức Mẹ Vô Nhiễm”; hội này phát triển mạnh ở Ba Lan và nhiều nước khác: Mười năm sau khi hội “Thành đô Đức Mẹ Vô Nhiễm” ra đời, đã có sáu mươi hai tu sĩ sang Nhật Bản truyền giáo, và ngài cũng đã thành lập một vườn Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Nagasaki. Thánh nhân xác tín: “Chúng ta sẽ có được mọi điều dễ dàng hơn nhờ Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, đấng được Thiên Chúa chí nhân ủi thác việc ban phát lòng thương xót của Người. Thật vậy, điều chắc chắn là ý muốn của Đức Maria là chính ý muốn của Thiên Chúa đối với ta. Khi tự hiến mình cho Mẹ, chúng ta trở thành dụng cụ của lòng thương xót Chúa trong tay Mẹ, như Mẹ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa”.
- Nhiệt tâm phổ biến giáo lý của Chúa
Thánh Maximiliano Kolbe nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm đang lan rộng trong đời đại của ngài, nhất là nơi các Kitô hữu; cho nên, ngài nhất quyết tìm cách chữa trị căn bệnh này. Phương cách chính yếu mà ngài sử dụng là dùng báo chí để truyền bá đức tin và củng cố lòng đạo đức. Với sự cộng tác tích cực của nhiều người, thánh nhân đã xuất bản báo Công Giáo ở Ba Lan và Nhật Bản. Năm 1927, ngài thành lập nhà xuất bản Công Giáo, chuyên in ấn sách báo Công Giáo, phổ biến giáo lý của Chúa Kitô và lòng sùng kính Đức Maria Vô Nhiễm. Bên cạnh đó, ngài cũng thành lập đài phát thanh và truyền hình với mục đích là rao truyền Tin Mừng của Chúa đến với mọi người.
- Vị chứng nhân đức tin và tình yêu
Năm 1939, Đức Quốc Xã xâm chiếm Ba Lan, thánh Kolbe và các tu sĩ khác bị bắt, nhưng khoảng ba tháng sau, tất cả được thả tự do vào ngày lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tuy nhiên, ngài lại bị bắt vào ngày 17 tháng 2 năm 1941 và được giam trong trại tập trung Auschwitz, với số áo tù là 16670. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1941, một tù nhân trốn thoát, vị sĩ quan bắt mười người khác phải chết thay, theo quy định của trại; trong số đó có anh Phanxicô Gajowniczed. Anh ta kêu van khóc lóc, vì còn mẹ già con thơ không ai nuôi dưỡng. Thấy cảnh tượng bi thảm này, thánh Kolbe đã tự nguyện chết thay cho anh. Ngài bước ra khỏi hàng và nói: “Tôi muốn thế chỗ ông kia. Ông ấy còn có gia đình, vợ con”. Thánh nhân bị giam chung với các tù nhân khác để cho chết dần chết mòn trong một hầm thật tăm tối. Thay vì kêu la, ngài lại hát thánh ca ta ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ. Vào ngày áp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14.08.1941) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Và tên cai ngục đã chấm dứt cuộc đời của ngài bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay; xác cha được thiêu cháy vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đấng mà ngài hằng tôn sùng và yêu mến.
Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nâng thánh Maximiliano Kolbe lên hàng chân phước vào ngày 17 tháng 10 năm 1971, và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc thánh tử đạo vào ngày 10 tháng 10 năm 1982.
Thánh nhân là bổn mạng của các nhà văn, nhà báo và ký giả phò sinh.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo hội một vị thánh tài đức và giàu lòng nhân hâu, luôn làm tất cả cho vinh danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho người khác là thánh Maximiliano Kolbe. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin Chúa ban cho chúng con biết cam đảm làm chứng cho tình yêu tự hiến của Chúa giữa lòng nhân thế hôm nay. Amem.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist
Nguồn: simonhoadalat.com