Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Thánh I-rê-nê (28/6)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Tôi rất cẩn trọng lắng nghe những lời chỉ dạy của thánh Pôlycap. Tôi không ghi lại những hành động và lời nói của ngài trên giấy tờ nhưng trong tận trái tim tôi.

Thánh I-rê-nê

 Thánh Irênê sinh vào khoảng năm 135 tại Smyrna, tức Ízmir, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Ngài xuất thân từ một gia đình Ki-tô giáo gốc Hy-lạp, và là người có học thức. Có lẽ Thánh Nhân là môn sinh của Thánh Polykarpo Giám mục thành Smyrna. Khi lớn lên, Irênê đã đi tới nước Pháp và lập cư tại Lyon. Tại đó, anh đã làm việc trong một nhóm thương gia gốc Tiểu Á nói tiếng Hy-lạp. Nhóm này càng ngày càng thêm đông số và cần có một Linh mục phụ trách. Vì thế, Irênê đã được phong chức Thánh và được chỉ định phụ trách Cộng Đoàn nói tiếng Hy-lạp đó.

 Khi chủ thuyết Montano xuất hiện và lan rộng, một số các Ki-tô hữu đến từ thành phố Viên cũng như đến từ thành phố Lyon đã cử Cha Irênê về Rô-ma để thỉnh ý Giáo hội Mẹ về chủ thuyết nói trên. Trong lúc Cha Irênê trẩy đi Rô-ma thì tại Lyon đã xảy ra một cuộc bách hại lớn nhắm vào các Ki-tô hữu. Đức Giám mục của Giáo phận Lyon lúc ấy là Pothinus đã bị bắt giam cùng với nhiều Ki-tô hữu khác, và đều được phúc Tử Đạo. Khi rời Rô-ma để trở về Lyon, Cha Irênê đã được số Ki-tô hữu còn sót lại của Cộng Đoàn này bầu làm Giám mục. Thời gian Ngài trở thành Giám mục được xác định là năm 177.

 Vào năm 180, trong cuộc tranh luận với giáo thuyết của bè rối Duy Tri cũng như với những luồng tư tưởng khác cùng thời với Ngài, Thánh Irênê đã viết một bộ Bút Chiến gồm năm cuốn mang tính kinh điển với tựa đề „Adversus haereses“ nhằm chống lại những lạc thuyết đó. Với tác phẩm này, Thánh Irênê đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về Đức Tin Ki-tô giáo, rồi với những bằng chứng cặn kẽ được trích từ Kinh Thánh, đã vạch trần và bác bỏ lạc thuyết được gọi là Duy Tri. Mãi tới năm 1904 người ta mới phát hiện ra một tác phẩm ngắn của Ngài về những lời chứng của các Tông Đồ đã được dịch sang tiếng A-ram. Với tư cách là những bài Giáo Lý, tác phẩm này muốn trình bày sứ điệp Ki-tô giáo qua việc giải thích các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước dưới nhãn quan Ki-tô học.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

 Thánh Irênê đã đặt Giáo hội vào trong sự nguyên sơ, vào tính phổ quát và vào tính thống nhất của chính Giáo hội để chống lại các lạc thuyết đang bị ghi đậm dấu ấn của sự chệch hướng cũng như của sự phân hóa. Ngài nhấn mạnh tới tính hợp pháp của Giáo hội nhờ vào việc kế vị các Tông Đồ của các Giám mục, chẳng hạn như các Đức Giám Mục thành Rô-ma, cũng như nhờ vào việc theo sát các bản văn Cựu và Tân Ước mà chỉ duy chúng mới có thẩm quyền với tư cách là quy điển chân lý. Thánh Nhân cũng phát triển một khoa chú giải Kinh Thánh dựa vào phương pháp luận.

 Nhằm chống lại những giáo thuyết của phái Duy Tri, Thánh Irênê còn nhấn mạnh tới Đức Tin vào một Thiên Chúa duy nhất và là Đấng sáng Tạo, Đấng chứng thực cho sự sống trên thế giới, cũng như nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nền luân lý, và sự mong chờ cuộc tái lâm của Chúa Ki-tô. Theo Thánh Nhân, con người được Thiên Chúa tạo dựng nên từ chính đôi tay của Ngài sẽ luôn hướng tới sự hoàn thiện theo nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa; tội lỗi của A-đam đã bị bãi bỏ nhờ Mầu Nhiệm Làm Người của Chúa Ki-tô. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, con người sẽ càng ngày càng được đến gần hơn với Thiên Chúa, và khát khao hưởng sự phục sinh cả thể xác lẫn linh hồn, có nghĩa là được dự phần vào Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có khả năng làm cho sống.

 Trong các tác phẩm của mình, Thánh Irênê đã viện dẫn một số các tác giả lớn đến từ Tiểu Á, chẳng hạn như Thánh Polykarpo thành Smyrna và Papias thành Hierapolis. Theophilos thành Antiochia cũng là tác giả được Ngài trưng dẫn nhiều. Ngoài ra, Ngài còn biết tới các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Clemens I, của Thánh Ignatio thành Antiochia, cũng như của Thánh Justinô.

 Thánh Irênê là một trong những sáng lập viên của nền Thần Học Ki-tô giáo. Vì thế, người ta đã gọi Ngài với tước hiệu danh dự là Tổ Phụ ngành Tín Lý và Ngọn Đèn Sáng của Phương Tây. Và do đó, Ngài được liệt vào số các Giáo Phụ.

 Thánh Giê-rô-ni-mô đã gọi Thánh Irênê là Thánh Tử Đạo. Còn Thánh Grê-gô-ri-ô thành Tour thì nói về Giám mục của thành Lyon rằng, Thánh Irênê đã được phúc Tử Đạo vào năm 202 dưới triều hoàng đế Lucius Septimius của Rô-ma. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Thánh Irênê đã chết với tư cách là một vị Tử Đạo cả. Truyền thống vẫn cho rằng Ngài qua đời vào ngày 28 tháng 06 năm 202 tại Lyon, Pháp Quốc. Và theo truyền thuyết thì sau khi qua đời, thi hài của Thánh Irênê đã được người môn đệ thân tín của mình là Linh mục Clemens mai táng. Các tín hữu đã sớm tôn kính Ngài không chỉ với tư cách là một vị Thánh, nhưng cũng còn với tư cách là một vị Tử Đạo nữa.

 Giáo hội Công giáo mừng Kính Thánh Irênê Giám mục Tử Đạo vào ngày 28 tháng 06 với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III. Các Giáo hội Tin lành và Anh giáo cũng mừng kính Ngài vào ngày 28 tháng 06. Nhưng Giáo hội Chính thống và Giáo hội Armenie thì lại mừng kính Ngài vào ngày 23 tháng 08.

 Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist

Nguồn: http://hoidongxitothanhgia.com/thu-vien/thanh-irene-giam-muc-tu-dao-3444.html

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận