Thánh Co-nê-liô, Giáo Hoàng và Thánh Síp-ri-a-nô, Tử Ðạo
(St. Corneleus và Cyprian) Lc 7,1-10
Dòng máu các thánh tử đạo làm nẩy sinh Giáo Hội. Ðạo công giáo do Chúa Giêsu thiết lập. Cốt lõi của đạo Kitô giáo là tình thương. Ðạo tình thương đòi hỏi nhiều hy sinh, từ bỏ và dấn thân. Vì thế, lịch sử Giáo Hội đã chứng minh một cách hùng hồn: có rất nhiều Kitô hữu đã hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho đạo tình thương. Thánh Cô-nê-liô, giáo hoàng và thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, đã nói lên chân lý này.
CUỘC ÐỜI và HAI CON NGƯỜI
Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói một câu chí lý: “Chúng ta hãy làm một cái gì đẹp cho Chúa”. Làm cái gì đẹp cho Chúa có nghĩa là thực hiện một việc, một công trình có giá trị, làm một nghĩa cử để đời. Thánh Cô-nê-liô, sinh tại Roma, Ý Ðại Lợi. Ngay từ nhỏ, Ngài đã được nhiều người biết đến nhờ đức tính hiền lành và tiết độ, chừng mực. Chính vì thế, Ngài lớn lên trong tình thương của cha mẹ, Ngài được tới trường học tập. Với tính thông minh sẵn có, Ngài mau chóng đạt được những kết quả thật đáng khích lệ trên đường học vấn. Giữa dòng đời ô trọc, đầy cạm bẫy, Ngài ước ao tận hiến cuộc đời của Ngài cho Chúa. Chúa đã nhậm lời Ngài kêu xin và vào năm 251, giữa lúc con thuyền Hội Thánh đang chao đảo, tròng trành vì cơn bách đạo gay gắt của Gallô và Volusianô, Ngài được bầu vào ngai tòa giáo hoàng thay thế Ðức Thánh Cha Fabianô qua đời. Trong giai đoạn, Ðức Giáo Hoàng Cô-nê-liô trên ngai tòa thánh Phêrô, ngoài cơn bách đạo khủng khiếp, Ngài còn phải đương đầu với bè rối Novatianô và Ngài đã viết rất nhiều sách nói về các người bội giáo, phản nghịch với Chúa, với Giáo Hội.
Trung thành với giáo lý chân chính và tông truyền, kiên trung với Chúa, với Giáo Hội, Ðức Thánh Cha Cô-nê-liô đã bị đầy ở Civita-Vecchia . Ngài đã chịu trăm ngàn thử thách, đau khổ và vào tháng 6 năm 253, Ngài đã được phúc tử vì đạo.
Giáo Hội hôm nay cũng tôn vinh thánh Síp-ri-a-nô, giám mục. Thánh nhân sinh vào năm 200 tại Phi Châu trong một gia đình ngoại giáo, giàu sang, phú quí. Với, dòng dõi quí phái, Ngài chắc chắn có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội lúc đó. Nhưng không, Ngài đã trở lại đạo công giáo và với ơn Chúa thúc đẩy, thánh nhân đã bán hết gia sản, phân chia cho người nghèo khó đúng như lời Chúa nói trong bài giảng trên núi: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó.” và cũng đúng lời Chúa thúc giục chàng thanh niên giàu có: “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo.” Thánh nhân đã thực hiện lời Chúa cách triệt để vì thế mới theo Chúa có một năm, lòng nhiệt thành truyền giáo của Ngài đã vang dôi khắp nơi, được rất nhiều người biết tới. Thánh nhân được gọi lên chức linh mục và sau đó được đề cử giữ chức giám mục thành Carthage. Phi Châu lúc đó sống trong lo sợ vì bạo vương Ðêciô ra tay triệt để tàn sát các người công giáo. Giữa hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy, Ðức Cha cảm thấy phải đảm bảo an toàn, điều khiển Giáo phận âm thầm hơn là đương đầu với kẻ thù cách vô ích. Ngài đã rút vào nơi bí mật để điều khiển Giáo phận. Ngài đã viết nhiều thư mục vụ luân lưu để khích lệ các Kitô hữu đang bị giam cầm, can đảm, trung thành với Giáo Hội và những kẻ chối đạo trở về với Hội Thánh. Cuộc cấm đạo và bắt bớ tạm yên, Ngài phải lo kiếm tiền, kiếm của cải để giải thoát cả trăm ngàn Kitô hữu giáo phận của Ngài đang bị bắt làm nô lệ. Thánh nhân phải đương đầu với bè rối Novatianô và đã viết nhiều sách kêu gọi họ quay trở về với Giáo Hội.
Valêrianô vào năm 257,ban hành sắc lệnh cấm đạo lần nữa cách gay gắt hơn. Thánh nhân bị bắt và bị đầy ở đảo Curubi . Thánh Síp-ri-a-nô bị buộc dâng hương tế thần, Ngài nhất quyết từ chối. Ngày 14/9/258,thánh nhân được phúc tử vì đạo.
TÌNH YÊU CHÚA KITÔ THÚC BÁCH CÁC NGÀI
Cha J.Nouwen nói: “Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu” hay như thánh tông đồ Phaolô viết: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”. Chính tình yêu của Chúa Giêsu đã lôi kéo hai Ngài và thúc đẩy hai Ngài hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho tình yêu vĩnh cửu là Ðức Kitô. Chính giây phút, Ðức Thánh Cha Cô-nê-liô bị đày ở Civita-Vecchia và Ðức giám mục Síp-ri-a-nô bị đầy ở đảo Curubi là giây phút cứu độ của hai Ngài. Hai vị thánh đã một cách nào đó nói cho những người bắt bớ, đày ải hai Ngài rằng: “c hỉ có chết mới được sống, chỉ mất mới tìm lại và tình yêu tự hiến là tình yêu tuyệt đối, tình yêu cứu thoát vì tình yêu ấy phát xuất từ Thiên Chúa”.
Lạy thánh Cô-nê-liô và thánh Síp-ri-a-nô xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con được can đảm, kiên trung và cương quyết làm chứng cho Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Nguồn: SIMONHOADALAT