Học hỏi Thánh Kinh từ kênh Youtube Thức Tỉnh – Awakenings.
Theo mô tả của tác giả kênh này: “Thức Tỉnh Awakenings Channel là một kênh kiến thức về Kinh Thánh qua mục thách thức trí tuệ mỗi tuần. Mục đích nhằm tăng sự hiểu biết về thánh kinh và đức tin, đồng thời, kênh muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tìm lại định hướng qua đời sống đức tin và lý tưởng của cuộc sống, để thay đổi bản thân và đóng góp cho xã hội.”
Chỉ có khoảng 15 phút cho mỗi bài học, nhưng tác giả đã tóm tắt và cho chúng ta có một cái nhìn tổng quan về Sách Thánh. Mong rằng những videos này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về Kinh Thánh, muốn khám phá học hỏi Thánh Kinh hơn, để yêu mến Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày của mình.
Giữa mùa đại dịch Covid-19 và trong mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc đời lữ hành, xin cho mỗi người chúng ta luôn vững lòng trông cậy và tín thác nơi Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Đường hướng của Chúa và sự Khôn Ngoan của Thánh Kinh luôn vượt xa trí tuệ của con người, nhưng lại là đuốc sáng tâm linh cho bất cứ ai thành tâm thiện chí tìm kiếm chân lý cho cuộc đời mình.
Thách Thức Trí Tuệ Tuần 23: Niềm Hi Vọng Hồi Sinh – Ê-dê-ki-en
Lời giới thiệu của tác giả về TTTT Tuần 23:
Niềm Hi Vọng Hồi Sinh – Thánh Kinh – Sách Ê-dê-ki-en – TTTT Tuần 23.
Ê-dê-ki-en trong tiếng Híp-ri có nghĩa là Thiên-Chúa-làm-cho-mạnh-sức. Ông là một tư tế. Bằng chứng là trong tác phẩm của ông, ông tỏ ra chú trọng đến Đền Thờ, việc phụng tự theo Lề Luật, việc giữ ngày sa-bát, những nghi thức cần giữ để được thanh sạch … Và với tư cách là tư tế, ông còn giải quyết những trường hợp khó khăn về luân lý.
Ông là một ngôn sứ được Thiên Chúa gọi để loan báo lời của Người cho dân. Ông đã tuyên những sấm ngôn, đã giảng dạy cho dân. Nhưng không phải chỉ có lời nói hay chữ viết, ngay cuộc đời của ông, những cử chỉ, những thử thách, và cả người thân yêu nhất của ông cũng trở thành những dấu loan báo vận mệnh của Ít-ra-en, tương tự như các ngôn sứ Hô-sê, I-sai-a, Giê-rê-mi-a, tuy ông có nhiều hơn và chi tiết hơn, nhất là qua các thị kiến sinh động và uy nghiêm kinh sợ trước Thiên Chúa. Chính ông đã khơi nguồn cảm hứng cho trào lưu khải huyền. Các thị kiến của ông là khúc dạo đầu cho những thị kiến trong sách ngôn sứ Đa-ni-en, và cũng không ngạc nhiên khi thấy ảnh hưởng của ông vẫn còn trong sách Khải huyền của thánh Gio-an sau này.
Về Giáo lý, ngôn sứ Ê-dê-ki-en có nhiều điểm tương đồng với các ngôn sứ đi trước, tuy nhiên ông cũng mở ra những hướng mới.
a. Ngôn sứ đoạn tuyệt với quá khứ. Những lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ và giao ước Xi-nai thỉnh thoảng cũng được nhắc đến. Tuy nhiên, nếu nay Thiên Chúa giải thoát dân của Người, một dân đã bị ô uế từ lúc lọt lòng mẹ (x. 16,3 tt), thì không phải là Người thực hiện các lời Người đã hứa cho bằng Người bảo vệ danh dự của Người (x. ch. 20). Nếu Người thay thế giao ước cũ bằng một giao ước vĩnh cửu (x. 16,60 ; 37,26 tt) thì không phải vì dân đã trở lại với Người cho bằng vì Người có lòng ưu ái mà thôi. Có thể nói : ân huệ của Thiên Chúa đến trước, sau đó mới tới lòng sám hối (x. 16,62-63).