Dẫn vào thánh lễ
Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan là sự chuyển tiếp giữa một giai đoạn dài sống ẩn dật ở Na-gia-rét và giai đoạn công khai rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa. Đó cũng là biến cố kết thúc Mùa Giáng Sinh và bắt đầu dẫn chúng ta đi vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa trong Mùa Thường Niên.
Có thể nhìn biến cố Chúa chịu phép rửa là một nghi thức tuyên khấn hay một Thánh Lễ truyền chức thánh mà Chúa Cha là Đấng chủ tế. Chúa Giê-su xác tín ơn gọi của mình. Chúa Cha đón nhận sự xác tín đó và tấn phong Người bằng việc gởi Thánh Thần ngự xuống trên Người.
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Đây cũng là lời mà Chúa Cha nói với mỗi người chúng ta khi chịu phép rửa. Nhờ phép rửa, chúng ta đã mặc lấy con người mới của Chúa Giê-su, và cùng với Người bước vào một tương quan thân mật với Chúa là Cha.
Nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giê-su mà sống xứng đáng là con cái của Cha trên trời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Giordan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử, được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
🌸 Bài đọc 1 (Is 55,1-11 )
Đến cả đi, nước đã sẵn đây : hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a
1Đức Chúa phán như sau :
Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây !
Dù không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng ;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.
2Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.
3Hãy lắng tai và đến với Ta,
hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.
4Này, Ta đã đặt Đa-vít làm nhân chứng cho các dân,
làm thủ lãnh chỉ huy các nước.
5Này, ngươi sẽ chiêu tập một dân tộc ngươi không quen biết ;
một dân tộc không quen biết ngươi sẽ chạy đến với ngươi,
vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
vì Đức Thánh của Ít-ra-en
đã làm cho ngươi được vinh hiển.
6Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
7Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với Đức Chúa -và Người sẽ xót thương-,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
8Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
– sấm ngôn của Đức Chúa.
9Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
10Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
11thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.
🌸 Đáp ca Is 12,2-3.4bcd.5-6 (Đ. c.3)
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
2Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
tôi tin tưởng và không còn sợ hãi,
bởi vì Chúa là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
3Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
4bcdHãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
và nhắc nhở : danh Người siêu việt.
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
5Đàn ca lên mừng Chúa,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công ;
điều đó, phải cho cả địa cầu được biết.
6Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
🌸 Bài đọc 2 (1 Ga 5,1-9 )
Thần Khí, nước và máu.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ
1Anh em thân mến,
phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa :
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người.
3Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta.
5Ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ?
6Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật.
7Có ba chứng nhân :
8Thần Khí, nước, và máu.
Cả ba cùng làm chứng một điều.
9Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm,
thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn,
vì đó là lời chứng của Thiên Chúa,
lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.
Tung hô Tin Mừng x. Ga 1,29
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mc 1,7-11)
Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
7 Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. 11 Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: “Đây là Con yêu dấu của Cha, Ta hài lòng về Con.” Để được xứng đáng làm Chúa Cha hài lòng, trong tâm tình con thảo, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:
- “Ta đã gọi con trong công lý”. Xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha, các vị mục tử trong Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ các ngài luôn trung thành với sứ mạng mục tử mà Thiên Chúa trao ban, để dẫn đưa con thuyền Hội Thánh cập bến quê Trời được bình an. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con - Lạy Chúa xin thương nâng đỡ con thuyền Giáo hội đang phải đối mặt với bao chông gai thử thách trên con đường lữ hành trần gian này. Xin cho mỗi người trong Giáo hội luôn là “cánh tay” nối dài yêu thương và hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Đây là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Qua bí tích rửa tội chúng ta đã được trở nên con cái Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức về ơn gọi và bổn phận của người Kitô-hữu. Để qua cử chỉ lối sống hằng ngày, chúng ta đem Chúa đến với những người xung quanh. Chúng con cầu xin Chúa.
- Lạy Chúa xin chúc lành, ban ơn xuống trên những anh chị em tân tòng đang tìm hiểu và học hỏi giáo lý Hội Thánh Chúa. Xin Chúa luôn nâng đỡ, hướng dẫn họ chuẩn bị tâm hồn để đón nhận bí tích rửa tội thật kĩ càng và sốt mến. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày Chúa mạc khải Đức Kitô Con yêu dấu, đoàn tín hữu chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này, cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và làm cho trở nên lễ hy sinh hoàn hảo của Người, là chính Đấng đã thương rửa sạch tội lỗi trần gian. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa đã dùng những dấu lạ này tỏ bày mầu nhiệm phép rửa mới: Nhờ tiếng Chúa từ trời vọng xuống, chúng con tin rằng Ngôi Lời của Chúa ở giữa loài người; và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện xuống, chúng con nhận biết Ðức Kitô là Tôi Trung của Chúa, được xức dầu hoan lạc và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ khó nghèo.
Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, nơi bàn tiệc thánh, Chúa đã cho chúng con được no lòng thỏa dạ. Xin cũng giúp chúng con luôn trung thành nghe theo lời Con Một Chúa dạy bảo, để không những chúng con chỉ mang danh là con cái Chúa, mà còn thực sự sống với Chúa cho phải đạo làm con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
🌸 Gợi ý suy niệm
Người Do-thái rất nhạy cảm về sự ô uế nơi thân xác.
Theo sách Lêvi, thân xác con người có thể bị ô uế bởi nhiều lý do.
Chạm vào xác chết hay vào người phong làm ta ra ô uế.
Người phụ nữ sinh con hay có phản ứng sinh lý bình thường
cũng trở thành ô uế và cần được thanh tẩy.
Lẽ ra người phụ nữ bị băng huyết không được chạm vào Đức Giêsu.
Đây không phải là sự ô uế do phạm tội về mặt đạo đức,
mà chỉ là sự ô uế khiến người ta không được phép dự các lễ nghi.
Để sạch trở lại, cần được thanh tẩy.
Nước là cách thanh tẩy dễ dàng nhất.
Sách Lêvi hay dùng câu: “lấy nước mà tắm rửa” (chương 14-17).
Nước dùng để thanh tẩy thường là nước nguồn, nước mưa.
Cho đến nay trong nhánh Do-thái giáo Chính Thống hay Bảo Thủ,
nơi thanh tẩy (mikvah) vẫn chiếm vị trí trung tâm của nhà cộng đoàn.
Chúng ta không lấy làm lạ khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân chúng
đến với ông để chuẩn bị cho Đấng Mêsia đang gần tới.
Ông kêu gọi người ta hối cải, xưng thú tội lỗi mình,
rồi chịu phép rửa của ông ở dòng nước sông Giođan.
Đức Giêsu đã nghe tiếng kêu của Gioan và đã đến,
đã đứng chung với các tội nhân, chờ đến phiên mình,
đã dìm toàn thân mình dưới nước, và được Gioan ban phép rửa.
Lúc ấy Ngài đã trên ba mươi tuổi, làm thợ nhiều năm ở Nadarét,
đã lặng lẽ và bình an chờ đợi ngày Cha sai mình.
Nhận phép rửa của Gioan là làm một cử chỉ khiêm hạ.
Đức Giêsu không ngờ chính giây phút dìm mình ở con sông này
lại là giây phút Thiên Chúa ngỏ lời với Ngài,
vén mở cho Ngài biết Ngài là ai trong mắt của Thiên Chúa,
và kín đáo mời gọi Ngài rời Nadarét để lên đường.
“Con là Con yêu dấu của Cha !” đó là lời Thiên Chúa từ trời phán.
Như Isaac là con yêu dấu của Abraham (St 22,2),
Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha.
Ngài là Con như vị vua mới đăng quang thuộc dòng Đavít,
được Thiên Chúa tuyển chọn và bảo:
“Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7).
Như Người Tôi trung được đầy Thánh Thần để làm sứ mạng,
Ngài được Thiên Chúa tuyên bố: “Cha hài lòng về Con” (Is 42,1).
Thiên Chúa Cha hài lòng về Đức Giêsu là người Con yêu dấu,
người đã vâng ý cha suốt bao năm ở Nadarét,
và sẽ còn vâng ý Cha cho đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình.
Những gì xảy ra trên sông Giođan hôm nay
sẽ tiếp diễn mãi trong suốt đời của Đức Giêsu.
Ngài không chỉ xếp hàng với những người tội lỗi,
mà hơn nữa, “Đấng không hề biết đến tội, thì vì chúng ta,
Thiên Chúa đã làm Ngài thành thân tội” (2 Cr 5,21).
Thánh Thần đã xuống trên Ngài ở Giođan,
sau đó sẽ đưa Ngài vào hoang địa để chịu thử thách (Mc 1,12).
Đức Giêsu đã khiêm tốn chịu phép rửa bởi Gioan,
và Ngài sẽ còn đau đáu chờ một phép rửa khác nữa (Lc 12,50).
Ngài đã hỏi hai môn đệ xem họ có dám chịu phép rửa
mà Ngài sắp chịu không (Mc 10,38-39).
Phép rửa ấy không gì khác hơn là cái chết để phục vụ,
và hiến mạng làm giá chuộc cho muôn người (Mc 10,45).
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa trong Thánh Thần,
nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha tội (Cv 2,38).
Ước gì Chúa Cha cũng nói với từng người chúng ta:
“Con là con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về con.”
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Gia kêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Gợi ý mục vụ – Ban MVPT
PHÉP RỬA: CÙNG CHẾT VÀ PHỤC SINH VỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ
“Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô,
chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Is 55, 1-11
Đây là phần đầu tiên của ‘Lời mời gọi cuối cùng’ mà tác giả sách Isaia II muốn ngỏ với những người Israel sắp được hồi hương từ Babylon trở về để tái thiết đất nước. Với giọng văn đầy khích lệ, ngay từ những câu đầu tiên, sấm ngôn của Đức Chúa đã mở ra cho dân một thời đại mới với những sắc màu khác nhau của một cuộc sống sung túc và miễn phí: ‘nước đã sẵn đây hỡi những ai đang khát… đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào…’
Trong thời đại mới ấy, Đức Chúa còn bảo đảm cho dân sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị, được sống, được vinh hiển, được xót thương… nếu họ biết lắng tai nghe, biết tìm kiếm, biết kêu cầu Đức Chúa, nếu họ biết từ bỏ đường lối gian ác và tư tưởng bất lương của mình.
Thời đại mới mà Đức Chúa hứa ban còn là thời đại hoạt động đầy năng động của Lời: những tâm hồn quảng đại biết đón nhận Lời của Ngài chắc chắn sẽ đâm chồi nảy lộc để rồi sinh hoa kết quả dồi dào.
2. Bài đọc II – 1Ga 5, 1-9
Tác giả thư 1 Gioan nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ tin vào Đức Giêsu dưới hai chiều kích bổ sung cho nhau: Tư cách con Thiên Chúa, nghĩa là người được Thiên Chúa sinh ra, không chỉ lệ thuộc vào tình yêu của họ dành cho Chúa cũng như cho anh chị em của mình, nhưng trước hết phải dựa trên thái độ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Và ai có thể thắng được thế gian nếu không phải là người đã tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Như thế, chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng: Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới có khả năng để chiến thắng thế gian.
Thái độ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa đặt nền tảng trên lời chứng của chính Thiên Chúa và Con của Người: Thần Khí, Đấng đã hiện diện để chứng thực tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu trong sông Giôđan, nước gợi nhớ lại phép rửa của Đức Giêsu tại sông Giôđan; còn máu làm nhớ đến cái chết của Người trên thập giá. Ngoài ra, khái niệm kép ‘nước và máu’ còn gợi nhớ đến hình ảnh ‘người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, nước cùng máu chảy ra’ (Ga 19,34), đây là biểu tượng của Bí tích Thánh tẩy và bí tích Thánh Thể của Giáo hội.
3. Bài Phúc âm – Mc 1, 7-11
Đoạn phúc âm gồm hai trình thuật chính:
1. Lời giới thiệu của Gioan về sự cao cả của Đức Giêsu cùng với sự phân biệt rõ ràng về hai phép rửa: – Phép rửa của Gioan: hành vi dìm mình trong nước. Điều này giả định đã có một sự hoán cải nội tâm trước đó và đặt người chịu phép rửa vào số những người tích cực mong đợi đấng Mêsia xuất hiện; – Phép rửa của Chúa Giêsu: được thực hiện trong Thánh Thần. Chính Thánh Thần là tác nhân chính hướng dẫn Đức Giêsu thực hiện công trình cứu độ loài người, cũng chính Thánh Thần được ban cho các tín hữu trong bí tích rửa tội, để biến họ thành chứng nhân của Đức Kitô.
2. Hành vi Gioan Tẩy giả dìm Đức Giêsu trong nước sông Giôđan khi thực hiện phép rửa cho Ngài chính là hình ảnh tiên trưng cho cái chết mà Đức Giêsu sẽ thực hiện sau này trong cuộc thương khó. Đang khi kiểu diễn tả liền sau đó ‘vừa lên khỏi nước’ lại là hình ảnh tiên trưng cho sự trỗi dậy từ trong kẻ chết (sự phục sinh) của Đức Giêsu. Hai hành động đầy tính biểu tượng này của Chúa Giêsu đã được xác thực ngay sau đó bằng hai hành động: a/ ‘Thánh Thần, như chim bồ câu ngự xuống trên Người’: Thánh Thần chính là quà tặng của Chúa Cha để đồng hành với Đức Giêsu trên suốt hành trình sứ vụ; b/ ‘Có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.’: Đây chính là lời xác quyết minh nhiên với Đức Giêsu cho thấy rõ điều Đức Giêsu đang thực hiện là hoàn toàn đúng với thánh ý Chúa Cha.
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa còn là cột mốc đánh dấu sự khai mở thời kỳ hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Thời đại mới này là thời đại hoạt động của Thánh Thần trong Đức Giêsu để, mạc khải về Chúa Cha cho toàn thể nhân loại.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1. ‘Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống’. Ngôn sứ Isaia II tiên báo với dân Israel còn đang lưu đày về một thời đại mới đặt nền tảng trên việc lắng nghe chính Đức Chúa. Chính mối liên hệ chặt chẽ của dân với Thiên Chúa sẽ trở nên một bảo đảm chắc chắn cho cuộc sống của họ. Mối tương quan của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đoàn, của mỗi giáo xứ trong việc lắng nghe Lời Chúa sẽ là một bảo đảm chắc chắn cho đời sống đức tin của toàn thể Giáo hội.
2. ‘Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Kitô và là Con Thiên Chúa’. Chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới có khả năng để chiến thắng thế gian.
3. ‘Đức Giêsu được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giôđan. Vừa lên khỏi nước…’ Phép rửa của Đức Giêsu là hình ảnh tiên trưng cho cái chết và sự phục sinh của Người sau này. Hành vi mỗi người bị dìm vào nước nơi bí tích rửa tội cũng trở nên hình ảnh tiên trưng cho một nỗ lực cùng với Đức Kitô phải chết đi mỗi ngày, điều đó như là một bước trước cần thiết cho việc được thông phần vào cuộc phục sinh vinh hiển với Đức Kitô (x. Rm 6,8).
Đức Ki-tô chịu phép rửa
Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en.
Đức Ki-tô toả sáng, chúng ta hãy toả sáng cùng với Người. Đức Ki-tô được dìm xuống nước, chúng ta hãy cùng xuống để rồi cùng lên với Người.
Thánh Gio-an đang làm phép rửa, thì Đức Giê-su đến. Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người A-đam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo.
Vị Tẩy Giả không chấp nhận, nhưng Đức Giê-su vẫn nhất quyết đòi hỏi. Gio-an nói : Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, đó là đèn nói với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể nói với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà nói với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ nói với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai nói với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa và hãy thêm “để làm chứng cho Ngài”. Quả thật, con người ấy biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo, cũng như thánh Phê-rô, không phải chỉ có chân mới được rửa mà thôi.
Nhưng Đức Giê-su cũng từ dưới nước đi lên. Người nâng thế gian lên cao với Người. Người thấy trời bị xé và mở ra, vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào.
Bấy giờ Thánh Thần chứng nhận thần tính của Đức Giê-su, vì Thánh Thần đến với Đấng có cùng thần tính với mình. Khi ấy có tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác. Điều này cũng giống như chuyện xảy ra trước đây nhiều thế kỷ : chim bồ câu đến báo tin chấm dứt đại hồng thuỷ.
Vậy, hôm nay, chúng ta hãy đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng.
Anh em hãy thanh tẩy mình, hãy tiếp tục thanh tẩy mình hoàn toàn. Vì Thiên Chúa không ưa thích điều gì hơn việc con người hối cải và được cứu độ : mọi lời giảng dạy và mọi mầu nhiệm đều hướng tới mục đích này. Anh em hãy nên như đèn sáng giữa thế gian, nên sức sống cho người khác. Như những tia sáng hoàn hảo bên cạnh Nguồn Sáng cao cả, anh em hãy để mình được thấm nhuần ánh huy hoàng của ánh sáng đó, là ánh sáng trên trời. Hãy để Chúa Ba Ngôi chiếu soi trên anh em cách sâu xa và rực rỡ hơn, vì giờ đây, tuy chưa trọn vẹn, nhưng anh em cũng đã nhận được một tia sáng xuất phát từ thần tính duy nhất, trong Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, vì vinh quang và uy quyền thuộc về Người đến muôn đời muôn thuở. A-men.