Lễ Chúa Ba Ngôi (B) (26/5)
Dẫn vào thánh lễ
Chính nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, mà chúng ta biết được Thiên Chúa có Ba Ngôi. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Ki-tô giáo. Đây cũng là mầu nhiệm Tình Yêu, mà thánh Gioan đã tuyên xưng: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Yêu là ra khỏi chính mình để hướng về người khác. Yêu là chấp nhận sự khác biệt của nhau. Yêu nhau là muốn nên một với nhau.
Như thế chỉ trong tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu: tự bản chất, Thiên Chúa tuy duy nhất không thể là một ngôi vị đơn độc. Chúng ta cũng có thể quan niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một gia đình: Gia Đình Thiên Chúa. Gia đình tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau. Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình chính là tình yêu.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy tăng cường lòng tôn sùng và yêu mến Chúa Ba Ngôi trong đời sống cá nhân, trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Dấu Thánh giá là dấu hiệu nhắc chúng ta về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong đời sống hàng ngày. Hãy thành kính tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi khi làm dấu Thánh giá, để xin ơn tình yêu và sự hiệp nhất.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Ðấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin …
🌸 Bài đọc 1 (Đnl 4,32-34.39-40)
Trên trời cao cũng như dưới đất thấp,
chính Đức Chúa là Thiên Chúa, và ngoài Người ra không có thần nào khác.
Bài trích sách Đệ nhị luật
32 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất ; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia : có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng ? 33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không ? 34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không ?
39 “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này : trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. 40 Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em ; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.”
🌸 Đáp ca Tv 32,4-5.6 và 9.18-19.20 và 22 (Đ. c.12b)
Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.
4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.
Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.
6Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.
9Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên.
Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.
18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.
20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.
22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.
🌸 Bài đọc 2 (Rm 8,14-17)
Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử,
nhờ đó chúng ta được kêu lên : Áp-ba ! Cha ơi !
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma
14 Thưa anh em, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô ; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.
Tung hô Tin Mừng x. Kh 1, 8
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến,
xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mt 28,16-20)
Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Chúng ta vừa tuyên xưng niềm tin Một Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giờ đây cùng hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng ta hướng lên Chúa Ba Ngôi để cầu xin phúc lành cho mọi người trong thế giới hôm nay.
- “Các con hãy làm phép rửa nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Xin cho các Giám mục, Linh mục và Phó tế được đầy lòng yêu mến Chúa Giêsu và các linh hồn, luôn yêu mến và hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô để quy tụ nhiều người vào Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - “Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác”. Xin cho các người anh em vô thần và những ai chưa nhận biết Thiên Chúa, được nhận biết một Thiên Chúa yêu thương hằng ở trong tâm hồn mình, để biết sống cuộc đời ngay lành chính trực hầu xây dựng một thế giới văn minh và nhân phẩm. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên ‘Abba!’ lạy Cha”. Xin cho anh chị em tân tòng luôn ý thức hồng ân cao cả là được làm con Thiên Chúa, để sống xứng đáng với ân huệ Chúa đã thương ban. Chúng con cầu xin Chúa.
- Gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Xin cho các gia đình công giao, đặc biệt là mỗi thành viên trong cộng đoàn chúng ta, biết kiên trì xây dựng cộng đoàn thành mái ấm thánh thiện, hiệp nhất và yêu thương, để trở nên hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi giữa một nhân loại đang bị tục hóa ngày nay. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, này chúng con kêu cầu danh thánh Chúa, cúi xin Chúa nhận lời cầu nguyện và thánh hoá lễ vật chúng con dâng. Nhờ lễ vật này xin biến đổi chúng con thành của lễ hoàn hảo đời đời dâng tiến Chúa. Chúng con cầu xin …
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ mặc khải Chúa ban, chúng con tin Chúa là Ðấng vinh hiển và chúng con cũng tin như thế về Con Chúa và Chúa Thánh Thần. Và khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.
Vì thế, các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần ngợi khen Chúa và hàng ngày không ngớt lời ca tụng, đồng thanh tung hô rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận, và lời chúng con tuyên xưng Chúa là một Chúa Ba Ngôi, đem lại cho hồn xác chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin …
🌸 Học Hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)
MẠC KHẢI THIÊN CHÚA QUA NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN
“Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Ba bài đọc trong thánh lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay lần lượt nêu bật những dáng vẻ khác nhau về mạc khải của Một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần trong tương quan với con người. Mạc khải tiệm tiến đó được khởi đi từ một Thiên Chúa duy nhất là Chúa của dân Israel, đến một Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chính cái chết của Người đã làm cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, đồng thời sống trọn vẹn tư cách ấy nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần.
1. Bài đọc I – Đnl 4,32-34.39-40
Khát vọng hướng tới một tôn giáo đa thần với một đời sống luân lý dễ dãi của các dân tộc xung quanh, luôn là cơn cám dỗ triền miên đối với người Do thái. Chính trong bối cảnh đó, Môsê đã đặt lại cho dân những vấn đề hết sức nền tảng khởi đi từ nhu cầu về ‘hạnh phúc và tồn tại’. Sẽ không thể có ‘hạnh phúc và tồn tại’ nếu như dân Do thái không có Chúa là Thiên Chúa của họ.
Chính kinh nghiệm còn rất sống động về biến cố xuất Ai cập và vượt biển Đỏ là một khẳng định không thể chối cãi cho mọi dân xung quanh, cũng như cho chính dân Do thái về ‘cánh tay mạnh mẽ oai hùng’ của một vị Thiên Chúa luôn ở với dân, để giúp họ tồn tại và có được hạnh phúc. Kinh nghiệm qúy báu này đã giúp dân Do thái nhớ lại căn tính của mình: họ là dân được tuyển chọn, yêu thương và hiến thánh bởi chính Thiên Chúa, chứ không phải bởi bất cứ thần thánh nào khác.
Từ kinh nghiệm sống động về một quá khứ ấy, Môsê đã dẫn dân tới một bổn phận trong hiện tại: đó là ‘hãy tuân giữ các lề luật và giới răn’ của Thiên Chúa. Và Môsê cũng đã không quên khẳng định cách chắc chắn rằng: việc ‘tuân giữ các lề luật và giới răn’ của Thiên Chúa ngay hôm nay sẽ là một bảo đảm cho tương lai của người Do thái, cũng như cho con cháu mai sau của họ ‘được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho.’
2. Bài đọc II – Rm 8,14-17
Nếu như việc ‘tuân giữ lề luật và các giới răn’ là mối dây nối kết chặt chẽ giữa dân Do thái với Chúa là Thiên Chúa của họ; thì điều làm cho mỗi Kitô hữu được gọi là con Thiên Chúa, theo Thánh Phaolô, không gì khác hơn là việc ‘sống theo Thánh Thần Thiên Chúa.’
Nhưng tại sao chúng ta lại phải sống theo hướng dẫn của Thánh Thần? Thánh Phaolô chỉ ra rằng: nhờ Đức Kitô, chúng ta được trở nên thừa tự của Thiên Chúa. Vì thế tinh thần mà chúng ta được lãnh nhận là tinh thần nghĩa tử, khiến chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, Abba. Như thế, chúng ta là ‘những người thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô’. Và do vậy, duy chỉ Thánh Thần mới có thể hướng dẫn chúng ta sống đúng tư cách là con Thiên Chúa; nhờ đó chúng ta có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong những đau khổ, cũng như trong vinh quang phục sinh.
3. Bài Phúc Âm – Mt 28,16-20
Nếu việc ‘tuân giữ lề luật và các giới răn’ làm cho con người có khả năng tiếp cận với Thiên Chúa duy nhất, là Chúa của mình; và nếu việc sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần làm cho con người sống đúng tư cách là nghĩa tử của Thiên Chúa; thì việc ‘ra đi loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo’ chính là phương thế làm cho người Kitô hữu trở nên người môn đệ đích thực của Vị Thầy Giêsu. Và điều cốt lõi của lời rao giảng nơi người môn đệ là tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.
Khi ban ‘lệnh lên đường’ cho các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ nói trong tư cách là một người Thầy, nhưng còn trong tư cách là Đấng Phục Sinh đã được tôn vinh là Đức Chúa (Pl 2,11). Chính tư cách này của Chúa Giêsu đã làm cho lời xác quyết của Người: ‘ở cùng các môn đệ mọi ngày’ trở nên hợp lý và khả tín. Như thế, tình trạng ‘có Chúa ở cùng’ trên mọi nẻo đường truyền giáo của người môn đệ là một bảo đảm chắc chắn nhất cho những hoa trái có được từ lời rao giảng về một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Kinh nghiệm sống niềm tin của dân Do thái giúp ta hiểu ra rằng: để có thể ‘tồn tại và hạnh phúc’, niềm khát vọng khôn nguôi của mọi người, mọi dân tộc, thì chỉ có một con đường duy nhất là tuân giữ các lề luật và giới răn của Thiên Chúa. Kinh nghiệm tôn giáo ấy vẫn còn nguyên giá trị qua mọi thời đại và cho mọi người. Như thế, ‘tuân giữ các lề luật và giới răn’ không phải là một gánh nặng mà Thiên Chúa yêu thích khi áp đặt nó lên đôi vai cuộc sống của con người, nhưng đó chính là phương thế hữu hiệu giúp con người có thể thoả mãn được cái khát vọng sâu xa nhất của kiếp nhân sinh.
2. Tư cách là con Thiên Chúa là món quà đắt giá mà người Kitô hữu thủ đắc được nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Nhưng để sống trọn vẹn tư cách ‘là con’ này, không thể có con đường nào khác hơn là phải ‘sống theo Thánh Thần Thiên Chúa’. Chính Thánh Thần là Đấng giúp người Kitô hữu có thể hiểu rõ hơn những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và nhất là dẫn họ tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13). Như thế, lắng nghe và buông mình theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần phải là ‘nhịp thở’ trong cuộc sống hằng ngày của những nghĩa tử của Thiên Chúa.
3. Ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày, cũng như sự đồng hành của Người trên mọi nẻo đường sứ vụ, sẽ giúp cho những nỗ lực sống và loan báo Tin mừng của người môn đệ gặt hái được nhiều hoa trái.
4. Nếu hành vi ‘ở cùng’ là một tác động kép luôn xảy ra giữa một bên là Chúa Giêsu và bên kia là người môn đệ, thì sự nên một hoàn hảo này cũng đã là một lời chứng sống động cho thế giới hôm nay về một niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.
5. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần xét như là những mối tương quan trong đời sống Kitô hữu, được cụ thể hoá và đơn giản hoá qua công thức tuyên xưng: ‘Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’. Người tín hữu được mời gọi ý thức hơn mỗi khi thực hiện hành vi đức tin này, vì đó là cách thế giản dị nhất giúp họ ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày của mình.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm quan trọng nền tảng của Kitô giáo. Cộng đoàn chúng ta cùng tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn can đảm tuyên xưng và sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng giúp cho nhiều người tin nhận và thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.
2. “Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo và các dân tộc trên thế giới, luôn yêu mến và khao khát tìm kiếm chân lý qua việc tuân giữ mọi lề luật mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong lương tâm con người.
3. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn xác tín sự hiện diện và đồng hành của Chúa Kitô trong hành trình đức tin, thêm lạc quan và tích cực cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng tại Giáo Hội địa phương.
4. “Ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa”. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, luôn quảng đại yêu thương và dấn thân phục vụ hết mọi người chung quanh.Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúc tụng Chúa đã thương tạo thành, cứu chuộc và thánh hoá chúng con trong Đức Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn sống xứng đáng với tình yêu và ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
🌸 Gợi ý suy niệm
“Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất,
bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa.
Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn,
bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.”
Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư.
Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa,
cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài.
Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.
Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa?
Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài?
Phải là Ðấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa,
Ðấng ấy là Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Nhờ Ðức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở,
nhờ Ngài mà chúng ta biết
có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị
là Cha, Con và Thánh Thần.
Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Tình Yêu,
Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.
“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).
“Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15).
Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong niềm hạnh phúc sung mãn,
Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình
và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.
“Ðến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con
và trong Chúa Thánh Thần”:
đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy
và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23).
“Cha sẽ ban cho các anh một Ðấng Phù Trợ khác
để Ngài ở với các anh luôn mãi.” (Ga 14,16).
Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!
Chúa Cha, Ðấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.
Chúa Con, Ðấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.
Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
là sống hiệp thông và chia sẻ,
là ở lại trong Tình Yêu
vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi
trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi,
nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân
vẫn còn là ước mơ Ðức Giêsu chờ ta thực hiện.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)