BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
Tại Hội trường Phao lô VI, Rome, Thứ sáu, ngày 28 tháng sáu năm 2019
NHÂN DỊP KỶ NIỆM 175 THÀNH LẬP
MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN TOÀN CẦU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
(TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN)
Anh chị em thân mến,
Cảm ơn anh chị em vì cuộc gặp gỡ hôm nay! Nhân cơ hội này, tôi cảm bày tỏ lại lòng biết ơn đối với anh chị em vì anh chị em đã cam kết cầu nguyện và hoạt động tông đồ để cộng tác với sứ mạng của Giáo Hội. Tôi cũng cảm ơn anh chị em vì những lời chứng – mà tôi đã đọc trước đó, nếu không tôi sẽ không hiểu được lời chứng bằng tiếng Trung Quốc! Tôi sẽ phản hồi đôi chút và tiếp tục những suy tư của chính anh chị em. Sự phục vụ của anh chị em là cần thiết hơn bao giờ hết, vì nó nhấn mạnh quyền ưu tiên của Thiên Chúa trong đời sống con người, thúc đẩy sự hiệp thông trong Giáo hội.
1. Cha Mát thêu, làm việc tại Đài Loan, đã cung cấp cho chúng ta thông tin thú vị về phiên bản tiếng Trung của Click to Pray. Thật tốt khi biết rằng: bất kể những khó khăn đang gặp phải, các tín hữu Trung Quốc đều có thể cảm thấy sự đoàn kết thực sự trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện trở thành một sự hỗ trợ quan trọng để hiểu biết và làm chứng cho Tin Mừng cách tốt hơn. Nó luôn khơi dậy tình liên đới giữa mọi người, phá bỏ mọi rào cản, vượt qua mọi biên giới, tạo nên những nhịp cầu vô hình nhưng có thật và hiệu quả, mở ra những chân trời hy vọng.
2. Bà Marie Dominique nói với chúng ta về sứ mạng của Tông đồ Cầu nguyện ở Pháp, nơi mà công việc này đã ra đời cách đây 175 năm. Từ lời chứng của bà, chúng ta hiểu rằng hướng ý cầu nguyện của chúng ta làm cho sứ mạng của Chúa Giê-su trong thế giới trở nên chân thực đối với chúng ta. Qua mạng lưới cầu nguyện và những ý chỉ được đưa ra hàng tháng, Giáo Hội nói chuyện với chính con tim của những người nam và người nữ trong thời đại chúng ta. Tất cả chúng ta, các mục tử, những người được thánh hiến và giáo dân, tất cả đều được mời gọi dấn thân vào lịch sử cụ thể của những người xung quanh chúng ta, đặc biệt bằng cách cầu nguyện cho họ, như cầu nguyện cho những niềm vui và nỗi đau khổ của họ. Bằng cách này, chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta mở lòng ra với anh chị em mình, đặc biệt là với những người đang đau khổ về thể xác và tinh thần. Còn những cách khác cũng quan trọng, nhưng tôi xin nêu ra hai cách để làm điều này. Chúng ta có thể chúc lành, tức là nói tốt về họ, hoặc chúng ta có thể nói xấu họ. Nói xấu là một điều không tốt; nó không đến từ Chúa Giê-su. Chúa Giêsu không bao giờ nói xấu về người khác. Thay vào đó, Người đã luôn nói tốt. Và lời cầu nguyện chỉ là: nói điều tốt lành với Chúa Giêsu về người khác, chẳng hạn như thưa rằng: “Lạy Chúa, con cầu nguyện cho vấn đề này, cho khó khăn này, cho hoàn cảnh này …” Vì thế, đây là một hành trình của sự hợp nhất, của cộng đoàn. Ngược lại, nói xấu người khác là con đường của sự hủy diệt.
3. Vào ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, thật hữu ích khi chúng ta nhớ đến nền tảng của sứ mạng của chúng ta, cũng như Bettina (Argentina) đã làm. Đó là một sứ mạng của lòng thương xót cho thế giới. Có thể nói đó là một “con đường của con tim”, nghĩa là một hành trình cầu nguyện làm biến đổi cuộc sống của con người. Trái Tim của Chúa Kitô bao la đến nỗi nó muốn lôi cuốn tất cả chúng ta vào cuộc cách mạng về sự dịu dàng của Người. Khi kề bên Thánh Tâm Chúa, con tim của chính chúng ta được thôi thúc đến với anh chị em bằng tình yêu thương, và giúp chúng ta tham gia vào sứ mạng thương xót ấy. Chúng ta được mời gọi để trở thành nhân chứng và sứ giả lòng thương xót của Thiên Chúa, để trao ban ánh sáng cho thế giới nơi bóng tối bủa vây, rao truyền hy vọng nơi tuyệt vọng ngự trị, và đem ơn cứu rỗi nơi tội lỗi ngập tràn. Cầu nguyện là bước vào Trái Tim Chúa Giêsu bằng chính trái tim của tôi. Bằng cách này, tôi đi vào trái tim của Người, để cảm nhận những gì Người cảm nhận, lòng trắc ẩn của Người. Tôi cũng đi vào trái tim của chính mình để thay đổi nó cho phù hợp với Trái tim của Chúa Giêsu.
4. Lời chứng của Sơ Selam (Ê-ti-ô-pi-a) về các thành viên của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể giúp chúng ta chiêm ngắm tác động của Chúa Thánh Thần trên đất nước của Sơ. Điều quan trọng là giúp các thế hệ trẻ lớn lên trong tình bạn với Chúa Giê-su qua cuộc gặp gỡ thân mật với Người trong cầu nguyện. Họ cũng nên lắng nghe Lời Người và đến gần với Bí tích Thánh Thể, để trở nên món quà yêu thương cho những người lân cận. Lời cầu nguyện cá nhân hoặc cộng đoàn dẫn chúng ta đến việc dâng mình cho việc truyền giáo và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt cho người khác. Chúng ta phải tạo cơ hội cho người trẻ xây dựng chiều sâu nội tâm, những khoảnh khắc thiêng liêng, trường học về Lời Chúa, để họ có thể trở thành những nhà truyền giáo nhiệt thành trong các môi trường khác nhau. Bằng cách này, họ sẽ khám phá ra rằng việc cầu nguyện không tách họ ra khỏi cuộc sống thực, nhưng giúp họ giải thích các sự kiện trong đời thực dưới ánh sáng của Thiên Chúa. Hãy dạy trẻ em cầu nguyện. Tôi cảm thấy buồn khi thấy rất nhiều trẻ em thậm chí không biết làm dấu thánh giá. Tôi nói với các em: “Hãy làm dấu thánh giá” và chúng làm như thế này [tay vung vẩy] … Chúng không biết làm thế nào. Hãy dạy trẻ em cầu nguyện, vì chúng đến ngay với Trái Tim Chúa Giêsu. Chúa Giêsu yêu chúng. Và tôi nói với người trẻ, hãy cho người khác biết rằng: cầu nguyện là một cách tuyệt vời để tiến bước trong cuộc sống. Cảm ơn Sơ vì những gì Sơ đã làm. Cảm ơn.
5. Tôi rất vui khi biết sự nhiệt tình của Diego (Guatemala) trong việc thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa ông bà và con cháu để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và cho những thách thức lớn của nhân loại ngày nay. Nhiều thế hệ gặp nhau nơi Mạng lưới Cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng. Thật tuyệt khi nghĩ về cách người già có thể làm gương cho người trẻ, chỉ cho họ con đường cầu nguyện. Sự khôn ngoan của người cao tuổi thể hiện kinh nghiệm và khả năng “suy luận” bằng trái tim. Ai đó có thể nói: “Nhưng, thưa cha, người ta suy luận bằng cái đầu!” Không, điều đó không đúng: chúng ta lý luận bằng cái đầu và trái tim. Chúng ta phải phát triển khả năng này để lý luận bằng trái tim. Kinh nghiệm của người già là một lời dạy quý báu giúp chúng ta học được phương pháp hữu hiệu cho lời cầu thay nguyện giúp của chúng ta. Sự cầu thay là một lời cầu nguyện tuyệt vời: “Lạy Chúa, con xin Chúa cho người này, con xin Chúa cho người kia …” Thật vậy, việc cầu thay là điều Chúa Giê-su làm ở trên trời, bởi vì Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: Chúa Giê-su ở trước mặt Chúa Cha và Người cầu thay cho chúng ta. Ngài là Đấng cầu thay cho chúng ta, và chúng ta phải noi gương Ngài, trở thành những người cầu thay. Xuyên suốt dòng lịch sử, nhiều người nam nữ tuyệt vời nhất của Thiên Chúa luôn là những người cầu thay nguyện giúp như Chúa Giê-su. Chúng ta hãy cầu nguyện thay cho người khác.
6. Cuối cùng, tôi cảm ơn Cha Antonio (Bồ Đào Nha) về lời chứng của cha. Cha nói với chúng ta về việc Tông đồ Cầu nguyện, bằng cách bước vào thế giới kỹ thuật số, đã tập hợp người già và người trẻ lại với nhau như thế nào, mang lại sức sống mới cho Tông đồ Cầu nguyện truyền thống. Điều cần thiết là sứ mạng của Giáo Hội phải được thích ứng với thời đại và sử dụng các công cụ hiện đại mà công nghệ sẵn có. Đó là vấn đề của việc đi đến các đấu trường hiện đại để công bố lòng thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên cần hết sức tỉnh táo. Chúng ta phải sử dụng các phương tiện này, đặc biệt là Internet, mà không trở thành người phục vụ cho các phương tiện đó. Chúng ta phải tránh trở thành con tin của một trang web nào đó, để rồi cuối cùng bị nó tóm gọn thay vì “câu cá”, tức là thu hút các linh hồn để đưa họ đến với Chúa.
Tôi xin gửi đến anh chị em lời cảm ơn chân thành vì hoạt động quý báu của anh chị em, xuất phát từ một trái tim thực sự quan tâm đến người khác. Tông đồ Cầu nguyện, Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo Hoàng, hiệp thông với ngài, nhắc lại rằng trọng tâm sứ mạng của Giáo hội là cầu nguyện. Hãy quan tâm đến điều này: trọng tâm sứ mạng của Giáo hội là cầu nguyện. Chúng ta có thể làm nhiều việc, nhưng nếu không có lời cầu nguyện, chúng sẽ không đạt hiệu quả. Trọng tâm của nó là lời cầu nguyện. Tôi khuyến khích anh chị em, trong niềm vui, hãy tiếp tục ý thức công việc của anh chị em quan trọng và cần thiết như thế nào. Anh chị em giúp mọi người có một cái nhìn thiêng liêng, một cái nhìn đức tin hướng về thực tại đang bao quanh họ, nhận ra những gì chính Chúa đang làm nơi con người. Đây là một cái nhìn tuyệt vời của hy vọng! Cảm ơn anh chị em rất nhiều!
Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến anh em Dòng Tên. Mọi người nghĩ rằng các tu sĩ Dòng Tên là những người trí thức, những người làm công việc tư duy … Tuy nhiên, các tu sĩ Dòng Tên đã tạo ra Mạng lưới cầu nguyện này. Các tu sĩ Dòng Tên là những người cầu nguyện, và điều này thật tốt. Tôi cũng xin đặc biệt cảm ơn sự cống hiến và sáng tạo của Cha Fornos: xin cảm ơn!
Bây giờ tất cả chúng ta sẽ dành một giây phút cầu nguyện cùng nhau, để thể hiện tầm quan trọng của điều này và cầu nguyện cho tất cả cùng nhau nhìn lên Chúa Giê-su. Trước hết, chúng ta sẽ cầu nguyện trong thinh lặng, bằng con tim mình.
[thinh lặng mình nguyện]
Bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện cho những ý chỉ mà tôi đã đề xuất với toàn thể Giáo hội trong tháng Bảy:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục, qua đời sống tiết độ và khiêm tốn, có thể năng động dấn thân vào việc liên đới với những người nghèo khổ nhất. Tất cả chúng ta cùng nhau thưa: “Chúng ta cùng cầu nguyện”. Và trong im lặng, chúng ta cầu nguyện …
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người thực thi công lý biết làm việc với tinh thần chính trực, và xin cho sự bất công đang bao trùm thế giới không phải là lời phán quyết sau cùng.
[Kinh lạy Cha và Ban phép lành]
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao