Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật XXIV TN (17/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy

Mt 18, 22
Dẫn vào thánh lễ

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương.

Chủ đề chính của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay là sự tha thứ. Sự tha thứ, trước hết, được đặt trong tương quan với Thiên Chúa. Chính Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta trước. Do đó, chúng ta cũng phải tha thứ những lầm lỗi của anh chị em mình. Tha thứ là chìa khóa để cuộc sống chúng ta được bình an, và để dẫn chúng ta đi vào một tương quan sâu hơn với thập giá Chúa Giê-su, một hiểu biết lớn hơn về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Hằng ngày chúng ta nghe nói về những mối thù giữa các dân tộc cứ chồng chất mãi lên thật nặng nề, thường là do tôn giáo bất đồng. Bạo lực không giải quyết được những xung khắc về chủng tộc màu da. Điều mà thế giới cần nhất là tập cho biết tha thứ.

Xin cho cộng đoàn chúng ta trở thành nơi biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, là nơi chúng ta học biết cách tha thứ cho nhau, từ đó mang sự tha thứ đến những nơi đang có mâu thuẫn và hận thù. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng hiệp dâng Thánh Lễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Hc 27, 30―28, 7)

Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.

Lời Chúa trong sách Huấn Ca

 Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó, kẻ tội lỗi có biệt tài. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi.

🌸 Đáp ca Tv 102

Đáp: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Xướng: Chúa là Đấng chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Xướng: Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

🌸 Bài đọc 2 (Rm 14, 7–9)

Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa Kitô.

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma

 Thưa anh em, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.

Tung hô Tin Mừng Ga 13, 34

Halleluia, Halleluia. Chúa nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em. Halleluia.

🌸 Tin Mừng (Mt 18, 21–35)

Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu

 Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ đi tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồn bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trorng anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Dù sống, dù chết, chúng ta cũng thuộc về Chúa Ki-tô, thuộc về con cái của Cha trên trời, Đấng chậm giận và giàu lòng thương xót. Trong tâm tình tạ ơn, và cầu xin ơn tha thứ, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:

  1. Hội thánh là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh biết cố gắng sống trọn vẹn đức bác ái yêu thương, để mọi người nhận biết Chúa qua chính đời sống của mình. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

  2. Chúng ta sống, là sống cho Chúa”. Chúng ta cùng hiệp ý cầu xin cho các bạn trẻ có lòng hăng say, nhiệt huyết, luôn giữ được ngọn lửa đức tin- cậy- mến, và trung tín nhiệt thành phục vụ Chúa cũng như tha nhân. Chúng con cầu xin Chúa.

  3. Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa tất cả mọi gia đình trên thế giới, cách riêng là các gia đình trẻ đang gặp khó khăn, thử thách trong đời sống hôn nhân. Xin Chúa là tình yêu hiệp nhất, hàn gắn những đổ vỡ trong gia đình. Xin cho những bậc làm cha mẹ biết làm gương cho con cái về sự tha thứ giữa gia đình cũng như nơi khu phố, thôn xóm, góp phần đem Tin Mừng Chúa đến với mọi người. Chúng con cầu xin Chúa.

  4. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu luôn ý thức được Mẹ ấp ủ thương yêu, biết noi theo lòng tin-cậy-mến Chúa của Mẹ, để giữa bao hiểm nguy và khó khăn của cuộc sống, chúng ta luôn hăng say trong sứ vụ, trở nên những chứng nhân sống động cho Tin Mừng Tình Thương. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này, để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Vì thương xót nhân loại lỗi lầm, Người đã chấp nhận sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, đã chịu khổ hình thập giá/ để cứu chúng con khỏi chết muôn đời. Và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh.

Vì thế, cùng với các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

CHÍNH KHI THỨ THA LÀ KHI ĐƯỢC THA THỨ

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn
như chính ta đã thương xót ngươi sao?”
(Mt 18,33)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – Hc 27,30-28,7

 Đây là một đoạn của sách Huấn ca, được trích trong phần ‘tuyển tập các châm ngôn’ (Hc 1,1-42,14) với nội dung chính bàn về sự thù hận dưới ánh sáng của Đức Khôn Ngoan. Qua đoạn trích sách này, tác giả muốn làm nổi bật ba ý chính:

 Ba nguyên tắc nền tảng: 1/ Oán hờn và giận dữ luôn là điều ghê tởm trước nhan Chúa; 2/ Ai báo thù sẽ phải chuốc lấy báo thù của Thiên Chúa; 3/ Kẻ biết tha thứ lầm lỡ cho người khác sẽ được thứ tha khi cầu khẩn cùng Thiên Chúa.

 Ba nghịch lý: 1/ Kẻ trong lòng cứ nuôi cơn giận, lại cả dám xin Chúa chữa lành; 2/ Người không biết thương đồng loại, lại dám xin Chúa tha cho mình; 3/ Đứa luôn để tâm thù hận, ai dám xin tha tội cho nó.

 Bốn điều tâm niệm: 1/ Hãy nhớ đến ngày tận số, để biết chấm dứt hận thù; 2/ Hãy nhớ mình phải hao mòn và phải chết, để biết tuân giữ điều răn; 3/ Hãy nhớ các điều răn, để đừng oán hờn kẻ khác; 4/ Hãy nhớ đến giao ước của Thiên Chúa, để không còn chấp nhất lỗi lầm.

2. Bài đọc II – Rm 14,7-9

 Đây là đoạn trích trong phần ‘bổn phận đối với những người yếu tin’ của thư thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma. Khởi đi từ sự khác biệt trong suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày như: người ăn kẻ lại không ăn, người này đứng vững người khác ngã quỵ, người thì cho ngày này trọng kẻ khác lại ngày khác mới trọng… Các Kitô hữu thành Roma đã bị cám dỗ lấy mình làm chuẩn, để đưa ra những nhận định rất chủ quan có nguy cơ làm tổn thương tương quan với anh chị em khác.

 Chính vì thế, trong đoạn trích bài đọc II, thánh Phaolô khuyên mọi người hãy lấy Chúa làm chuẩn, để lượng định mọi suy nghĩ, lời nói và nhất là hành động của mình: ‘Không ai trong anh em được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa’. Rồi ngài đi đến kết luận: ‘Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa’.

3. Bài Tin mừng – Mt 18,21-35

 Đây là phần cuối cùng của bài giảng về đời sống cộng đoàn, hay bài giảng về Giáo hội. Đoạn Tin mừng khởi đi từ một vấn nạn được đặt ra bởi Phêrô: Phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần khi anh em xúc phạm đến mình? Chúa Giêsu không hề phủ nhận điều mà Phêrô vừa gợi ý: ‘tha bảy lần’, nhưng Chúa muốn sự tha thứ của Phêrô phải được đẩy tới xa hơn nhiều, khi Ngài quảng diễn cho Phêrô: ‘…không phải là bảy lần mà là bảy mươi lần bảy.’

 Qua câu truyện dụ ngôn liền sau đó, Chúa Giêsu đã muốn chỉ ra thế nào là sự tha thứ mà Phêrô cần có khi bị xúc phạm, qua hình ảnh của một nhân vật nhưng đóng hai vai trái ngược nhau:

 Vai con nợ với số nợ lên đến 10.000 yến vàng = 10.000 x 6.000 quan tiền = 60.000.000 quan tiền = 60.000.000 ngày công. Một món nợ mà người này có phải trả tới 200.000 năm vẫn chưa hết số nợ! Nhưng anh van xin lạy lục nên chủ chạnh lòng thương và tha tất cả cho anh ta.

 Đến lượt anh, khi đóng vai ông chủ nợ với số nợ chỉ là 100 quan tiền, tương đương 100 ngày công (bằng 1/600.000 so với món anh đang nợ của chủ), nhưng anh ta đã không chịu tha thứ.

 Cuối cùng, anh bị chủ kết án vì đã không biết thương xót NHƯ đã được xót thương. Xét về lượng: 100 không bao giờ có thể bằng 60.000.000. Nhưng dưới một khía cạnh khác, anh đã mắc nợ 60.000.000 và đã được tha 60.000.000, nghĩa là anh đã được tha tất cả. rồi đến lượt mình, anh bị mắc nợ 100, và nếu anh tha 100, nghĩa là anh cũng đã tha tất cả.

 Điều Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô về sự tha thứ, đó là: Nếu Chúa đã tha cho ta tất cả, thì Chúa cũng muốn ta phải biết tha tất cả giống như thế.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Khi khuyên nhủ: ‘Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa’, thánh Phaolô muốn mời gọi mọi tín hữu quy chiếu trọn cuộc đời về Chúa và cho Chúa. Nói cách khác, biết lấy Chúa làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Cơn cám dỗ không hề nhẹ nhàng và luôn ở bên cạnh mỗi tín hữu, đó là cơn cám dỗ lấy mình làm chuẩn để quyết định mọi sự theo sự khôn ngoan của con người.

2.Ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Thái độ tha thứ luôn luôn và tha thứ tất cả trong tương quan với mọi người chính là điều kiện công bằng đòi buộc cho việc trước đó chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ luôn luôn và tất cả. Tuy nhiên, một nghịch lý luôn chi phối mọi tín hữu khi sống trong cộng đoàn, đó là chỉ muốn được tha thứ, nhưng lại không dễ dàng thứ tha.

🌸 Gợi ý suy niệm

Có khoảng cách rất lớn giữa mười ngàn yến vàng với một trăm quan tiền.
Mười ngàn yến vàng bằng một trăm triệu quan tiền.
Vậy mà người vừa được tha món tiền cực lớn ấy,
lại không tha được cho bạn của mình một món tiền tương đối nhỏ.
Thái độ độc ác này khiến tôi nhìn lại mình và tự hỏi tại sao.
Tại sao tôi không tha cho anh em tôi những điều nhỏ mọn hàng ngày,
trong khi Chúa vẫn tha cho tôi những món nợ rất lớn?
Dù một trăm quan tiền là hơn ba tháng lương của người lao động,
nhưng nó chẳng là gì so với món tiền lớn tôi mắc nợ Chủ tôi.
Tôi mắc nợ Ngài sự hiện hữu của tôi trên đời và tất cả những gì tôi có.
Tôi mắc nợ Ngài vì tình yêu bao la Ngài dành cho tôi.
Món nợ lớn vô cùng, vì tôi là thụ tạo, còn Ngài là Tạo Hóa.
“Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26. 29).
Cả hai người đầy tớ đều sấp mình van xin như thế
khi cả hai đều không thể nào trả ngay được món nợ.
Nhưng hai câu trả lời nhận được lại khác nhau.
Chỉ vị vua mới biết chạnh lòng thương xót và tha toàn bộ số nợ (c. 27).
Còn người đầy tớ vừa được tha món nợ lớn, lại không có lòng thương xót này.
Anh ta thích dùng sức mạnh và quyền lực để giải quyết.
Túm lấy, bóp cổ, tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong.
Lẽ ra anh ta phải cư xử với bạn mình như ông chủ đã cư xử với anh.
Đó chính là nội dung lời buộc tội của ông chủ giận dữ:
“Ngươi không phải thương xót đồng bạn,
như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (c. 33).
Lòng thương xót anh nhận được đã không trở thành dòng suối mát
chảy đến với người bạn đang cần chút xót thương.
Chính vì thế sự tha thứ mà anh nhận được từ chủ
phút chốc bị rút lại, bị xóa sạch.
Anh lại bị trở về tình trạng trước đây,
bị quân lính hành hạ, bị tù đầy cho đến khi trả hết (c. 34).
Sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta
chỉ ở lại với điều kiện là nó được chuyển đi, chứ không giữ lại.
Giữ lại đồng nghĩa với bị rút lại.
Món quà tôi nhận được từ Cha phải trở thành món quà tôi trao cho anh em.
Trong cuộc sống, chúng ta là con nợ của nhau, người này nợ người kia.
Trước những xúc phạm của người anh em trong cộng đoàn,
Phêrô nghĩ phải chăng nên tha đến bảy lần.
Đức Giêsu mời ta tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha đến vô cùng.
Ngài mời ta đi vào chỗ sâu nhất trong trái tim Thiên Chúa.
Sự tha thứ bắt nguồn từ tấm lòng, từ trái tim (c. 35).
Một trái tim tàn nhẫn chỉ biết đến một sự công bằng cứng cỏi.
Thế giới hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ.
Những nước nghèo mong chờ được tha những món nợ lớn.
Có những mối thù cần được tha giữa các sắc tộc, quốc gia, tôn giáo…
Người Kitô hữu chúng ta giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?

(lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận