Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật XXII TN (Năm A)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?

Mt 16, 26
Dẫn vào thánh lễ

 “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống (mất linh hồn), thì nào có lợi gì?” Câu Lời Chúa này như ngọn lửa âm ỉ cháy trong tim, đã thôi thúc thánh Phan-xi-cô Xavie bất chấp mọi hiểm nguy lên đường truyền giáo tại vùng Viễn Đông, trong đó có Nhật Bản. Lời mời gọi rao giảng Lời Chúa, cũng đã thôi thúc Giê-rê-mi-a bất chấp mọi khổ cực, để Lời Chúa được đến với mọi người. Tương tự, thánh Phao-lô cũng tuyên bố rằng ông không thể trốn tránh trách nhiệm rao giảng Tin Mừng (x. 1Cr 9, 16). Vâng sứ mạng truyền giáo đòi hỏi chúng ta phải hiến dâng thân mình như lời khuyên của Phao-lô trong bài đọc II.

 “Ai muốn cứu mạng sống mình sẽ mất”. Chúa Giê-su nhắc đến sự chọn lựa trọng đại của mỗi đời người: chỉ khi dâng hiến đời mình, từ bỏ cái tôi ích kỷ và cái ngã tự tôn, để phục vụ Thiên Chúa và người đồng loại, bằng cách yêu thương thật sự như Chúa Giê-su, thì mới tìm được Thiên Chúa, và mới đạt được sự sống (x. Ga 15, 13).

 Tham dự thánh lễ hôm nay, xin cho Lời Chúa tiếp tục vang vọng trong mỗi tâm hồn chúng ta, để chúng ta can đảm lên đường thi hành sứ vụ Chúa trao.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Gr 20,7-9)

Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a

7Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.
Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ,
để họ nhạo báng con.
8Mỗi lần nói năng là con phải la lớn,
phải kêu lên: “Bạo tàn! Phá huỷ!”
Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.
9Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.”
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!

🌸 Đáp ca Tv 62,2.3-4.5-6.8-9 (Đ. x. c.2)

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

2Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

3Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
4Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

5Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
6Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

8Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
9Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

🌸 Bài đọc 2 (Rm 12,1-2)

Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. 2 Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

Tung hô Tin Mừng x. Ep 1,17-18

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mt 16,21-27)

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

 21 Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

 24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?

 27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Thập giá là con đường cứu thế mà Chúa Ki-tô đã chọn để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta hãy ngước nhìn Thập giá và tin tưởng dâng lời cầu nguyện với Chúa Cha:

  1. “Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã”. Xin cho các nhà truyền giáo trong Hội Thánh luôn can đảm rao giảng Lời Chúa, mặc dù phải hứng chịu những đối xử bất công, ngang ngược của lối sống vô thần đang tấn công cách tàn bạo. Nhờ đó hoa trái Lời Chúa mang lại sự sống đời đời. Chúng con cầu xin Chúa.
  2. Hiện nay thế giới đang đối mặt với những khó khăn của vũ khí hạt nhân và dịch bệnh. Xin cho các nhà lãnh đạo biết dừng lại trong việc lạm pháp quyền lực, biết lắng nghe tiếng kêu oan khiên của người dân để tìm cách giải quyết ổn thỏa; hầu mưu ích cho đất nước và con dân. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Hiệp cùng Đức Thánh Cha, qua những lời mời gọi hiệp nhất xây dựng nền hòa bình trên toàn thế giới, cách riêng tại nước Nhật bản được tinh thần truyền giáo tác động, mọi người trở nên mối hiệp thông trong đức tin, và chứng tá của lòng bác ái; hầu xây dựng nước Chúa ngay tại thế này. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Chúa nói: “Ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sống”. Xin cho cộng đoàn phụng vụ hôm nay và mọi tông đồ giáo dân trong các giáo xứ, có được sự can đảm, sẵn sàng hiến thân cho Chúa và phục vụ vì lợi ích của tha nhân, để từ đó cộng đoàn dân Chúa ngày càng thăng tiến hơn trong công bình và bác ái. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì thương xót nhân loại lỗi lầm, Người đã chấp nhận sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, đã chịu khổ hình thập giá/ để cứu chúng con khỏi chết muôn đời. Và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh.
Vì thế, cùng với các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc, xin cho bí tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Bông Hoa Cầu Nguyện: Inoruhana
Bông Hoa Cầu Nguyện: Inoruhana

🌸 Học Hỏi Lời Chúa – Ban MVPT

KHỔ GIÁ – NẺO ĐƯỜNG NGƯỜI KITÔ HỮU

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 20, 7-9)

 Bài đọc I được xem như là một trong những phần thuộc nhóm “tự sự” của ngôn sứ Giêrêmia. Ở đây ta thấy Giêrêmia đang lâm vào trong hoàn cảnh xung đột nội tâm. Chính vị ngôn sứ đã than trách với Thiên Chúa: “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Sau đó Giêrêmia đã xác nhận là đã bị nhạo báng chê bai mỗi ngày (c.8), bởi lẽ, những lời ông phán toàn là những nỗi bất hạnh và tai hoạ. Vì lý do đó dân chúng không muốn nghe ông nói nữa. Vì thế, ngôn sứ muốn thoát khỏi bối cảnh này, nhưng đây là điều không thể, bởi Lời Chúa trong tâm hồn vị ngôn sứ “cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” đến độ không chịu nổi (c.9). Tình cảnh này cũng sẽ tương ứng với bối cảnh của bài Tin mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay.

2. Bài đọc II (Rm 12,1-2)

 Lời của thánh Phaolô trong bài đọc II khuyên nhủ chúng ta không tìm kiếm trước tiên hạnh phúc của chúng ta, nhưng hãy dâng chính con người mình như một hy tế sống. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải đặt để con người chúng ta vào mục đích phục vụ công bình, bác ái, sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa. Đó mới là ý nghĩa của “hy tế” Kitô giáo. Hy tế này thật ra không phải là một thực tại tiêu cực, nhưng có ý nghĩa rất cao đẹp, nghĩa là biết đón nhận vào đời mình tình yêu của Thiên Chúa, để được biến đổi thành của lễ dâng lên Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Để làm được điều này, chúng ta phải từ bỏ não trạng của con người thế gian này, mà không tìm kiếm những ích lợi cho mình, để được đổi mới và biết phân định, nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, đâu là điều làm đẹp lòng Người.

3. Bài Tin mừng (Mt 16,21-27)

 Đức Giêsu trong đoạn Tin mừng hôm nay, dù đang phải hướng về cuộc thương khó trong hành trình phía trước, nhưng đã không than trách hay lẩn tránh cho số phận của mình; trái lại, trong đoạn Tin mừng tương ứng với đoạn hôm nay, chúng ta thấy rõ Người bày tỏ nỗi khắc khoải chờ mong đối diện với cuộc chiến đấu với sự dữ này (x. Lc 12,50).

 Tuy nhiên, Phêrô lại thể hiện một thái độ ngược lại với Thầy mình. Chỉ mới trước đây thôi, ông đã tuyên xưng cách mạnh mẽ căn tính thần linh của Đức Giêsu, và tâm trí ông ngập tràn một hình ảnh về một Đấng Mêssia đầy vinh quang nơi Đức Giêsu. Vì thế, việc loan báo cuộc thương khó của Đức Giêsu đã đi ngược với viễn cảnh mà ông có trong đầu: thay vì vinh quang, Đức Giêsu lại nói về tủi nhục; thay vì thành công, Đức Giêsu lại nói về thất bại và cái chết. Rõ ràng là Đức Giêsu loan báo về sự phục sinh của Người, nhưng Phêrô không thể chấp nhận con đường hướng đến phục sinh theo cách thức như thế này. Giờ đây, ông chỉ trông đợi và muốn thấy nơi Thầy mình con đường vinh quang của một Đấng Mêssia.

 Về phần Đức Giêsu, Người đã quyết định theo đuổi hành trình của mình. Người không muốn chối từ thánh ý của Chúa Cha, bởi vì Người biết rõ đây là một thánh ý đầy tình yêu thương; và Người còn biết rằng: cuộc khổ giá mang giá trị cao đẹp và thật sự cần thiết, bởi lẽ không có cuộc vinh thắng nào mà không có chiến đấu gian khổ. Đức Giêsu phải đối diện sự dữ, đối diện tội lỗi và đối diện cái chết, để rồi cuối cùng, qua thực tại cuộc sống con người này, Người lần ra một con đường vinh thắng.

 Tiếp theo, ta thấy Chúa Giêsu đã đưa ra một lời khuyên dành cho tất cả những ai muốn bước theo Người, đó là để trở thành môn đệ của Người, cần phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà theo Người. Mỗi người Kitô hữu cần phải đối diện với sự dữ, đối diện với tội lỗi và cái chết, để bước theo Đức Giêsu trên con đường mà Người đã đi qua. Đây là con đường chắc chắn nhất hướng chúng ta đến cuộc vinh thắng. Và vì thế, đó là con đường cao đẹp, ngay cả khi con người theo lẽ tự nhiên muốn chống lại và tránh xa nó.

 Đức Giêsu còn giải thích cho chúng ta rằng: ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai mất mạng sống vì Người thì sẽ tìm thấy. Đây là nguyên lý căn bản mà chính Chúa Giêsu đã nêu ra. Chúng ta được dựng nên để đạt đến một cuộc sống và hạnh phúc viên mãn. Trong sâu xa mỗi người chúng ta luôn có khao khát hướng đến thực tại này, nhưng chúng ta sẽ không thể đạt tới, nếu chúng ta tìm kiếm và hướng đến nó cách trực tiếp.

 Thật vậy, nếu chúng ta trực tiếp tìm kiếm hạnh phúc cho mình trước tiên, chúng ta sẽ rơi vào thói ích kỷ. Chỉ khi chúng ta biết chiến thắng sự ích kỷ này, mở rộng lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, biết sống với hy sinh và một tấm lòng tích cực hướng về tình yêu, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được cùng đích cao đẹp của đời mình.

 Tin mừng hôm nay là một đòi hỏi cấp thiết và có vẻ như nghịch lý: để cứu mạng sống, cần phải mất; để đến vinh quang cần phải qua đau khổ. Chìa khoá chung của những điều này là: không nghĩ về bản thân trước, không tìm kiếm lợi ích hay vinh quang cho riêng mình trước, nhưng là tìm kiếm vinh quang nơi Đức Kitô và kết hợp với tình yêu của Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Từ trong nội tâm sâu xa của ngôn sứ Giêrêmia là một cuộc đối thoại giằng co với Thiên Chúa trong khi phân định đời mình. Nghĩ lại bản thân tôi, có bao giờ tôi biết đặt mình trước Chúa trong khi phân định đời mình; có bao giờ tôi bị giằng co giữa những giá trị sống và những ý hướng sống của tôi với Thiên Chúa; và có bao giờ tôi để cho Thánh Ý Chúa và tiếng nói của Người ‘quyến rũ’ và vượt thắng?

2. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Bước đường theo Chúa Kitô của người tín hữu đòi hỏi tôi phải bước qua thập giá để đến vinh quang. Không thể có vinh quang mà không trải qua cuộc chiến đấu. Vậy bên cạnh những điều tốt đẹp, tôi có đọc được những sứ điệp tích cực trong những khúc quanh gặp ghềnh và chông gai trong đời tôi và luôn xác tín rằng: Chúa vẫn luôn yêu thương tôi trong những giây phút đó?

3. Những tâm tình khuyên nhủ của thánh Phaolô ở bài đọc II thật sự có ý nghĩa cho tôi trong ngày hôm nay, đó là: “nhận ra đâu là Ý Chúa”, “cái gì đẹp lòng Người”, biết “đổi mới tâm thần” và “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa”?

🌸 Gợi ý suy niệm

Con đường của người môn đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.
Ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,
Ngài đã nói đến số phận của các môn đệ (cc. 24-28).
Họ được mời chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy.
Thầy trò sẽ phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.
Nhưng cuối cùng con đường ấy dẫn đến phục sinh (Mt 16, 21).
Phục sinh, sự sống, niềm vui, sẽ chiến thắng.
Chiến thắng ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.
Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.
Đây thật là một liều lĩnh của đức tin,
vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.
Cuộc đời này có nhiều điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.
Nhưng lắm khi cũng phải hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,
cho Đấng là Chân Thiện Mỹ viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.
Cái tôi của tôi là một giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.
Chẳng có hai cái tôi giống nhau dưới mắt Chúa.
Cùng với cái tôi, Chúa ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…
Chúa còn ban cho tôi vũ trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,
và cả một thế giới với bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.
Cái tôi là món quà quý nhất Chúa ban cho tôi.
Cái tôi cũng là món quà quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.
Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ cái tôi, phá chấp ngã.
Đức Giêsu cũng mời bất cứ ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,
không phải vì cái tôi của mình là xấu xa, đáng ghét,
nhưng chỉ vì nó chỉ là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.
Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,
và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.
Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.
Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Cha sai.
Lạ thay, chính lúc từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,
thì Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).
Trong Kitô giáo, cái tôi được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.
Cái tôi ấy cũng không bị Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.
“Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).
Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.
Chẳng thể nào yêu mến và phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.
Có khi từ bỏ một định kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,
cũng khó như một hy sinh mạng sống.
Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,
vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.
Thầy Giêsu đòi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.
Vì Thầy là Con Thiên Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,
nên chúng ta tin tưởng vác thập giá bước đi sau Thầy.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận