Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật XII TN (A)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly
Dẫn vào thánh lễ

 Bài đọc I diễn tả hai nỗi day dứt lớn mà Giêrêmia đang phải đối diện: (1) Ông bị mọi người coi là ‘kẻ gieo khủng bố khắp nơi’ nên cần phải bị lên án, bị loại trừ; (2) Ông bị bạn bè soi mói, mong ông là kẻ sai lầm khi thi hành sứ vụ, để tìm cơ hội trả thù. Một đàng, Giêrêmia nhận ra rằng đau khổ, lo lắng, mệt mỏi… là cái giá mà ông phải trả khi thi hành sứ vụ, nhưng đàng khác ông cũng luôn xác tín rằng có Chúa ở cùng, có Chúa chiến đấu, có Chúa chiến thắng.

 Nếu bài đọc I đề cập nhiều tới những ưu tư lo lắng của vị ngôn sứ, thì trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu ba lần trấn an các môn đệ: “Các con đừng sợ…” (x. Mt 10,26.28.31). Trong những lời trấn an ‘đừng sợ’, Người chỉ ra vị trí thật quan trọng của người môn đệ trong ánh mắt của Thiên Chúa, khi xác quyết: “… mọi sợi tóc trên đầu đã được đếm, … quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” Ba lời khuyến cáo ‘đừng sợ’ của Chúa Giêsu nhằm dẫn người môn đệ đi đến một chọn lựa nền tảng khi thi hành sứ mạng: tuyên xưng để được tuyên xưng hay chối bỏ để bị chối bỏ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Ger 20, 10–13)

Chúa đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay người hung ác.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia

 Ngôn sứ Giêrêmia nói: “”Con nghe biết bao người vu cáo: Kìa, “lão “Tứ phía kinh hoàng!”, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!” Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con, như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con, sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nổi nhục muôn đời không thể quên. Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

🌸 Đáp ca (Tv 68)

Đáp: Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.

Xướng: Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thóa mạ, chịu nhơ nhuốc phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu.

Xướng: Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lời con, xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.

Xướng: Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm. Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp, hởi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!

🌸 Bài đọc 2 (Rm 5. 12–15)

Sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma

 Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môisen, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

 Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

Tung hô Tin Mừng Ga 15, 26+27

Halleluia, Halleluia. Chúa nói: Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy. Halleluia.

🌸 Tin Mừng (Mt 10, 26–33)

Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô

 Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

 Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn vàn chim sẻ. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Ơn gọi của mọi kitô hữu là tuyên xưng tình thương cứu độ của Thiên Chúa trước mặt người đời. Thiên Chúa biết rõ và luôn sẵn lòng ban phát những ơn lành cần thiết để chúng ta hoàn tất ơn gọi của mình. Với lòng tín thác cậy trông, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

  1. Chúa nói: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”. Xin cho các Giám Mục, Linh Mục, và Phó tế, cách riêng xin cho các nhà truyền giáo luôn xác tín sự sống mình ở trong tay Chúa, vững niềm cậy trông Chúa khi gặp chống đối và hiểm nguy, để can đảm rao giảng Tin Mừng cùng xây dựng Nước Chúa.
  2. Chúa nói: “Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi”. Xin cho những người chưa nhận biết Chúa, biết nhìn ra những điều kỳ diệu trong cuộc đời mình, ngay trên thân xác mình để tìm đến với tình thương của Chúa và đặt niềm cậy trông vào Ngài.
  3. Hôm nay là ngày tôn vinh người cha gia đình. Xin cho các bậc làm cha trong gia đình luôn sống có trách nhiệm, để là cột trụ của gia đình, là gương mẫu của đoàn con, hầu họ được sống trong một gia đình hạnh phúc đầy ơn nghĩa của Chúa.
  4. Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Xin cho mỗi người chúng ta dù gặp nhiều gian nan vẫn vững tin vào Chúa, trung thành sống theo lề luật và thánh ý Chúa, để được Chúa dẫn đến bình an tại thế và hạnh phúc đời đời.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

 Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

 Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Người đã thực hiện một công trình kỳ diệu này/ là kêu gọi chúng con bỏ đàng tội lỗi, thoát ách sự chết, tới ánh vinh quang. Nhờ đó, giờ đây chúng con được gọi là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, chủng tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để chúng con loan truyền khắp nơi quyền năng Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con từ chốn tối tăm tới nơi sáng láng diệu kỳ của Chúa.

 Vì thế, cùng với Thiên thần và tổng lãnh Thiên Thần, các Bệ Thần và Quản Thần, cùng toàn thể đạo Binh Thiên Quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con. Xin cho chúng con được chắc chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay,
ba lần Chúa nhắc chúng ta đừng sợ kẻ bách hại (cc. 26. 28.31).
Cuộc sống con người bị trói buộc bởi những nỗi sợ,
có lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim.
Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới.
Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui…
“Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần.
Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10).
Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27).
Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7).
Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36).
Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10).
Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh.
Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng,
không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời.
Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà,
điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27).
Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận.
Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy,
vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28).
Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ.
Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình,
khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.
Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu.
Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ.
“Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29).
Cả đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30).
Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18).
Chính vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.
Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì.
Nhưng là biết sợ ai.
“Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?”
Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40).
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ,
để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

1 comments

  1. MẾN YÊU HẰNG NGÀY – TỪ BỎ và LỚN LÊN

    Thứ 7, 20-06- 2020 (Lc 2,41-51)

    Kinh Thánh hôm nay thuật lại việc Cha Giu-se và Mẹ Maria tìm con trong đền thờ. Thật sự chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Mẹ Maria rơi vào hoảng loạn khi Mẹ phát hiện con mình, Giêsu, không ở trong đoàn lữ hành. Cả Mẹ Maria và Bố Giuse đã vô cùng vội vã đi tìm Ngài. Và ba ngày sau, khi gặp lại đứa con thất lạc, những lời đầu tiên Mẹ Maria đã thốt lên là: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” Có lẽ, những lời của Đức Mẹ thật sự là: “Con đã ở đâu suốt mấy ngày nay? Cha và mẹ đây đã vâng theo lời sứ thần, hạ sinh con trong máng cỏ bò lừa, và sống như những người tị nạn ở Ai cập, nay chẳng phải chỉ để lạc mất con ở Giêrusalem!” Nhưng Chúa Giêsu không phải là người bị lạc. Ngài biết Ngài là ai, và thuộc về nơi nào. Chỉ có Maria và Giuse là người đang bị lạc.

    Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện về sự trưởng thành, nhưng không phải về sự trưởng thành của cậu bé Giêsu, mà là của Maria và Giuse, của bạn và của tôi. Lớn lên không phải là về vấn đề tuổi tác. Trái lại, là về sự thăng tiến sâu sắc hơn, chân thật hơn trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với thế giới, với mỗi người xung quanh và với cả chính mình.

    Chúa Giêsu là Đấng làm cho chúng ta lớn lên. Ngài là Đấng làm cho Maria và Giuse lớn lên. Ở một mức độ nào đó, trẻ con làm cho cha mẹ của chúng lớn lên. Chúng làm cho chúng ta phải nhìn vào thế giới, cuộc sống, và con người của chính chúng ta theo một cách mới, hoàn toàn khác, và đôi khi khá đau đớn. Và đó chính là lý do mà Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi cho Mẹ Maria. Mẹ đã đặt mình và thánh Giuse làm trung tâm thế giới của Chúa Giêsu.

    “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Chúa Giêsu đang có ý nói với Mẹ Maria rằng Mẹ hẳn phải biết rõ Ngài ở nơi nào. Câu hỏi ấy như thể Ngài đang nói với Mẹ rằng: “Mẹ nhớ không, sứ thần đã báo với mẹ rằng con là Con Thiên Chúa. Mẹ có nhớ đêm ấy tại Bê-lem, các thiên thần ca ngợi Chúa, các mục đồng chúc tụng Chúa, 3 vị đạo sĩ, các lễ vật của họ, và cả sự kính thờ. Mẹ còn nhớ giấc mơ của bố Giuse, giấc mơ đã đưa chúng ta đến Ai Cập và trở lại nơi đây chăng? Như vậy, con có thể ở đâu ngoài nơi này được chứ?” Chúa Giêsu đặt Chúa Cha làm trung tâm thế giới của mình, và mong muốn Mẹ Maria, và cả chúng ta hãy làm như vậy, hãy đi đến Nhà Cha.

    Hành trình lớn lên đích thực luôn bao gồm việc từ bỏ. Sự lớn lên của Mẹ Maria bao hàm Mẹ phải từ bỏ hình ảnh “con trai Giêsu” của mình. Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu, nhưng Ngài là Con của Chúa Cha. Ngài ở với Mẹ, nhưng không thuộc về Mẹ. Mẹ có thể trao tình yêu cho Ngài, nhưng không thể buộc các suy nghĩ hay cách làm của Mẹ cho Ngài. Ngài phải làm những công việc của Chúa Cha. Nói tóm lại, Mẹ phải cố gắng để trở nên giống Chúa Giê-su, và không được buộc Giê-su phải nên giống Mẹ.

    Chúa Giêsu đã di chuyển từ ngôi nhà của mẹ Maria và bố Giuse để đến nhà của Cha. Đây không phải là Chúa Giêsu chối bỏ cha mẹ phàm trần của mình, nhưng là đặt lại mức độ ưu tiên trong các mối quan hệ. Đó là điều Ngài hỏi Simon và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan. “Hãy theo Thầy” là lời mời gọi họ bỏ lại nhà cửa, gia đình, cha mẹ và đi đến một nơi khác, sống một cuộc đời khác, nhìn mọi sự với một đôi mắt khác. Và đó cũng là điều Ngài đang mời gọi chúng ta hôm nay.

    Lớn lên về mặt thiêng liêng là mời gọi chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, bỏ lại những gì là bảo đảm và quen thuộc, để đi đến một nơi rộng lớn hơn, để đến Nhà Cha. Việc từ bỏ này là điều cần thiết nếu chúng ta muốn lớn lên trong tình yêu và trở nên giống Chúa Giêsu Ki-tô. Nó có nghĩa là chúng ta phải bỏ lại ngôi nhà chật hẹp của mình.

    Tất cả chúng ta đều đang sống trong nhiều ngôi nhà khác nhau. Đó là những ngôi nhà của sợ hãi, giận giữ và thành kiến, của đau khổ và mất mát. Là những ngôi nhà mà ở đó, chúng ta bị thuyết phục rằng chúng ta chẳng là gì cả, rằng chúng ta không đủ tốt, không được đón nhận, hoặc không được yêu thương. Là những ngôi nhà mà chúng ta đã, hoặc đang bị tổn thương, tan nát. Là những ngôi nhà mà chúng ta tổn thương người khác. Là những ngôi nhà của thờ ơ, vô cảm và lãnh đạm. Là những ngôi nhà của tội lỗi và sai quấy. Là những ngôi nhà của ngồi lê đôi mách, ghen ghét và cao ngạo.

    Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể gọi tên những ngôi nhà mà chúng ta đang cư ngụ, những ngôi nhà làm cho cuộc sống ta nên chật hẹp, tầm nhìn ta nên nông cạn và thế giới ta nên trống rỗng. Vấn đề là đôi khi chúng ta lại thấy thoải mái, yên ổn trong những ngôi nhà này. Nhưng chúng không phải là nhà thực sự của ta, không phải là ngôi nhà mà Thiên Chúa dành cho ta. Chúng ta có thể sẽ phải trải qua những ngôi nhà ấy, nhưng không phải là ở mãi nơi đó.
    Chúa Giêsu không chỉ nói cho chúng ta biết về một ngôi nhà mới, nhưng còn mời gọi, hướng dẫn và làm cho chúng ta lớn lên trong ngôi nhà ấy. Đó là một nơi mà Ngài biết rất rõ, là Nhà Cha, nơi mà chúng ta có thể biết được rằng chính mình, và từng người, đều là những đứa con rất yêu dấu của Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài và được mời gọi để trở nên giống Ngài. Vì thế, tại sao chúng ta lại phải tiếp tục thuê một nơi chỉ làm chúng ta trở nên bần cùng khốn khó trong khi chúng ta có thể đến ở Nhà Cha miễn phí nhỉ? Trong Nhà Cha, chỗ ngồi nơi bàn tiệc của ta đã sẵn sàng. Đó là nơi mà ta có thể sống trong những căn phòng của lòng thương xót, thứ tha và niềm vui, của vẻ đẹp, quảng đại và trắc ẩn.

    Rời bỏ nhà mình không nhất thiết có nghĩa là chúng ta phải rời khỏi ngôi nhà chúng ta đang sinh sống về mặt vật lý hoặc địa lý, dù có đôi khi chúng ta cũng phải làm như thế. Nhưng rời bỏ nhà mình có nghĩa là kiểm tra, xem xét và ưu tiên lại những giá trị, niềm tin và các mối quan hệ có vai trò định hình con người ta, làm cho cuộc sống của ta có giá trị và ý nghĩa.

    Nó có nghĩa là phải bỏ đi những nhận diện giới hạn trong phạm vi gia đình sinh học của chúng ta, của công việc, danh tiếng cộng đồng, dân tộc, hoặc một đảng phái chính trị. Nó có nghĩa là chúng ta phải dừng việc liên quan đến nhau qua so sánh, cạnh tranh và phán xét, mà phải bắt đầu thông qua tình yêu, từ bỏ mình và sự yếu đuối. Nó có nghĩa là chúng ta phải buông bỏ nỗi sợ hãi tương lai và khám phá ra rằng Thiên Chúa đang ở đây, trong hiện tại này, và mọi sự sẽ ổn. Chúng ta phải thôi nghĩ về những sai lầm, hối tiếc và tội lỗi trong quá khứ, mà hãy đón nhận lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa và của nhau. Chúng ta phải nhìn cuộc sống mình không đối lập với người khác, nhưng liên đới cách mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau.

    Những ngôi nhà chật hẹp mà bạn đang trú ngụ là gì? Chúng đã kìm hãm cuộc sống của bạn, sự phát triển của bạn, và kéo bạn khỏi Nhà Cha như thế nào? Bạn phải bỏ lại điều gì phía sau để lớn lên và đi đến một nơi tốt hơn? Đây có thể là những câu hỏi khó khăn, và có lẽ cả đau đớn nữa. Tuy nhiên, đó là những câu hỏi dựa trên tình yêu, và bạn hãy cố gắng dành thời gian để kiếm tìm câu trả lời.

    Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

    Bình luận

Viết một bình luận