Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin …
🌸 Bài đọc 1 (Xh 11,10 – 12,14)
Các ngươi phải sát tế một con chiên vào lúc xế chiều ; thấy máu, Ta sẽ vượt qua.
Bài trích sách Xuất hành
11 10 Ngày ấy, ông Mô-sê và ông A-ha-ron làm mọi thứ phép lạ trước mặt Pha-ra-ô ; nhưng Đức Chúa làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá, và vua không thả con cái Ít-ra-en ra khỏi xứ.
12 1 Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập : 2 “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. 3 Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en : Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. 4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. 5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. 6 Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, 7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. 8 Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. 9 Các ngươi không được ăn sống hay luộc, nhưng chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng. 10 Không được để lại gì đến sáng ; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi. 11 Các ngươi phải ăn thế này : lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã : đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. 12 Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập : vì Ta là Đức Chúa. 13 Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. 14 Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này : đó là luật quy định cho đến muôn đời.”
🌸 Đáp ca Tv 115,12-13.15-16.17-18 (Đ. c.13)
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
12Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?
13Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
15Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.
16Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
17Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn,
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
18Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Tung hô Tin Mừng Ga 10, 27
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mt 12,1-8)
Con Người làm chủ ngày sa-bát.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
1 Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su : “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !” 3 Người đáp : “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin …
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì thương xót nhân loại lỗi lầm, Người đã chấp nhận sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, đã chịu khổ hình thập giá/ để cứu chúng con khỏi chết muôn đời. Và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh.
Vì thế, cùng với các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin …
🌸 Mến yêu hằng ngày
Phải chăng những người Pha-ri-sêu kết án các tông đồ vì các ông đã bứt lúa ăn khi họ đi dọc đường để thỏa mãn cơn đói? Không khó để chúng ta có thể thấy điều này thật phi lí. Các tông đồ không làm gì sai nhưng cũng bị lên án, vì đối với những người Pha-ri-sêu, lỗi của các môn đệ không phải là bứt và ăn lúa mì nhưng là vì họ đã làm việc đó trong ngày Sabát.
Chính vì lẽ đó, Chúa Giê-su đã đáp trả lại sự vô lí của người Pha-ri-sêu bằng cách nhắc nhớ họ về Kinh Thánh, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế.” vì họ không hiểu luật này phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Luật nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát xuất phát từ việc Chúa Giêsu đã nghỉ ngơi sau khi làm việc tạo dựng. Luật đó không phải là một sự đòi hỏi lợi ích cá nhân, càng không phải là một sự đòi hỏi cứng nhắc, nhưng nếu giữ luật ngày Sa-bát một cách chuẩn mực, đó là cách tôn vinh Thiên Chúa. Nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát chính là một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, vì Ngài biết chúng ta cần được nghỉ ngơi, cần sự tái tạo sức sống sau nhiều ngày làm việc vất vả, Ngài biết chúng ta cần thời gian để sống chậm lại, dâng lễ với Chúa trong sự riêng tư và tận hưởng các mối tương quan với người khác. Nhưng những người Pha-ri-sêu biến ngày nghỉ ngơi này thành gánh nặng, thành sự tuân thủ luật lệ cách cứng nhắc, không được làm bất cứ việc gì để tôn vinh Thiên Chúa.
Đoạn trích Tin Mừng này mời gọi chúng ta nhìn và giải thích luật lệ của Thiên Chúa qua lăng kính của lòng thương xót. Lòng thương xót biến đổi chúng ta, nâng đỡ và thúc đẩy chúng ta đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và lấp đầy chúng ta bằng niềm hy vọng. Lòng thương xót không đòi hỏi gánh nặng cứng nhắc đè nặng chúng ta; trái lại, lòng thương xót cũng như luật lệ của Thiên Chúa được đặt ra để cho con người sống hạnh phúc hơn, nhân bản hơn.
Hôm nay, mời bạn hãy suy ngẫm về cách bạn nhìn vào các giới răn và điều luật của Thiên Chúa. Bạn có thấy đó là một sự đòi hỏi cứng nhắc và nặng nề không? Hay bạn có thấy đó là một ơn lành của lòng thương xót Chúa an ủi gánh nặng của bạn?
Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu luật của Chúa. Xin cho con thực sự nhìn thấy điều đó dưới ánh sáng lòng thương xót và ân sủng của Ngài. Xin cho con được làm mới bởi tất cả các giới răn của Chúa và được nâng lên bởi sự trợ giúp của Ngài. Chúa ơi, con tín thác nơi Ngài.
—-//—-//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/fifteenth-week-in-ordinary-time/
🌸 Gợi ý suy niệm
Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.
Ngài viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân (Luận Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu:
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (9, 13; 12, 7).
Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.
Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày sabát.
Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng
đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài,
những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.
Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên chi li.
Không phải chi li để xét đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)