Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Thứ sáu tuần XII Thường Niên (28/6)

“Tôi muốn, anh hãy được sạch.”
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (2 V 25,1-12)

Giu-đa bị đày biệt xứ.

Bài trích sách các Vua quyển thứ hai

 1 Ngày mồng mười tháng mười, năm thứ chín triều Xít-ki-gia-hu, Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, cùng toàn thể đạo quân tiến đánh Giê-ru-sa-lem. Vua đóng trại và đắp chiến luỹ chung quanh để đánh thành. 2 Thành bị vây hãm cho đến năm thứ mười một triều vua Xít-ki-gia-hu. 3 Vào mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, và không còn lương thực cho dân trong xứ. 4 Người ta liền đục thủng một lỗ trên tường thành. Đang đêm, tất cả các chiến binh chạy trốn theo lối đi giữa hai bức tường, gần vườn của vua, -bấy giờ quân Can-đê đang bao vây thành-, rồi họ đi theo con đường hướng tới A-ra-va. 5 Đạo quân Can-đê rượt theo và đuổi kịp vua trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô ; toàn thể đạo quân của vua bỏ vua chạy tán loạn. 6 Chúng bắt vua và đem lên Ríp-la gặp vua Ba-by-lon, chúng tuyên án kết tội vua. 7 Chúng cắt cổ những người con của vua Xít-ki-gia-hu trước mắt vua cha. Rồi vua Ba-by-lon đâm mù mắt vua Xít-ki-gia-hu, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Ba-by-lon.

 8 Ngày mồng bảy tháng năm, -đó là năm thứ mười chín triều Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon-, quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan, thuộc hạ của vua Ba-by-lon, vào Giê-ru-sa-lem. 9 Ông đốt Nhà Đức Chúa, đền vua và mọi nhà cửa ở Giê-ru-sa-lem ; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý. 10 Toàn thể đạo quân Can-đê, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Giê-ru-sa-lem. 11 Quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Ba-by-lon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày. 12 Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác.

🌸 Đáp ca Tv 136,1-2.3.4-5.6 (Đ. x. c.5a.6a)

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

1Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở
mà tưởng nhớ Xi-on ;
2trên những cành dương liễu,
ta tạm gác cây đàn.

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

3Bọn lính canh đòi ta hát xướng,
lũ cướp này mời gượng vui lên :
“Hát đi, hát thử đi xem
Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài !”

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

4Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người ?
5Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
thì tay gảy đàn thành tê bại !

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

6Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
nếu ta không hoài niệm,
không còn lấy Giê-ru-sa-lem
làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

Tung hô Tin Mừng Mt 8,17

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mt 8,1-4)

Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

 1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2 Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4 Rồi Đức Giê-su bảo anh : “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

 Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

 Chúng con biết rằng: vì vinh quang vô biên của Chúa, Chúa dùng thần tính mà cứu giúp chúng con là những kẻ phải chết. Hơn nữa, Chúa còn dự liệu linh dược để chữa lành bản tính phải chết của chúng con và giải thoát tất cả những ai vì mang bản tính đó mà bị hư mất, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con.

 Nhờ Người, đạo binh các Thiên thần thờ lạy uy linh Chúa, muôn đời hoan hỷ trước Tôn Nhan. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài hân hoan tung hô rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Mến yêu hằng ngày

Trong kiếp nhân sinh, không ai tránh hết được đau khổ, tuy nhiên, khi đối diện với nó, con người khôn ngoan sẽ giải quyết thế nào? Trước những đau khổ, khó khăn, hay những hoàn cảnh tang thương của cuộc sống, ta thường đặt câu hỏi tại sao? Tại sao tôi ra nông nỗi này? Đây có phải là hình phạt của Chúa không? Tôi đã làm gì để bị như thế này?

Trước những đau khổ, nếu ta tiếp tục đặt câu hỏi tại sao, thì ta sẽ rơi vào ngõ cụt, không lối thoát, tự mình làm khổ mình thêm.

Thay vào đó, sao ta không hỏi: “Lạy Chúa, con cần phải làm gì, con cần sống theo ý Ngài như thế nào?”

Lúc đó Chúa sẽ chỉ cách cho ta, Ngài sẽ an ủi, nâng đỡ và cho ta biết ý nghĩa của đau khổ.

Như người bị bệnh phong đầy tin tưởng, thả mình trong tình thương của Chúa, anh kêu lên: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Tại sao ta không thưa với Chúa như vậy khi ta gặp khó khăn. Ngài sẽ lên tiếng, như Ngài trả lời người bệnh phong: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh. “Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” Chúa mời gọi anh hãy “đi trình diện tư tế và dâng của lễ” để anh không chỉ được chữa lành thể xác, mà đời sống tương quan, sự sống linh hồn của anh cũng được chữa lành.

Chúng ta ai cũng có một thứ bệnh phong thiêng liêng nào đó. Chúng ta hãy đến cùng Chúa, Ngài sẽ cho ta được sạch. Chúa cảm thông với đau khổ của con người, Ngài chữa lành họ bằng cách mang lấy những đau khổ đó vào thân mình Ngài. “Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Để cuối cùng, Ngài mang tất cả đau khổ đó lên thập giá, nơi đó Ngài bị tan nát vì yêu thương ta.

Đau khổ của ta có ý nghĩa khi ta kết hợp với đau khổ của Chúa, và lấy đau khổ đó làm vui vì được thông phần khổ đau với Chúa. Đau khổ trên thập giá biểu lộ tình yêu của Chúa dành cho nhân loại. Ước gì đau khổ của chúng ta cũng là đau khổ của tình yêu, của sự hy sinh, để nhờ tình yêu đó giúp ta sống ý nghĩa hơn, giúp hàn gắn ta với Chúa, với anh chị em mình ngày càng mật thiết hơn.

Nhóm Bạn Đường Linh Thao

🌸 Gợi ý suy niệm

Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin?
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn”: anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách :
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa ;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương ;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương ;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này :
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.