Lời nguyện nhập lễ
🌸 Bài đọc 1 (Dt 3,7-14)
Anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay.
Bài trích thư gửi tín hữu Do thái
7 Thưa anh em, như lời Thánh Thần phán : Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, 8 thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc, 9 nơi cha ông các ngươi đã từng dò xét mà thử thách Ta và đã thấy các việc Ta làm 10 suốt bốn mươi năm. Vì thế, Ta đã nổi giận với dòng giống này, Ta đã nói : Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta. 11 Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng : chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta ! 12 Thưa anh em, hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. 13 Trái lại, ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt. 14 Quả thế, chúng ta đã được thông phần Đức Ki-tô, miễn là chúng ta cứ giữ vững cho đến cùng căn bản của lòng tin đã có từ ban đầu.
🌸 Đáp ca Tv 94,6-7a.7b-9.10-11 (Đ. c.7b và 8a)
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.
7aBởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
8Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
9nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
10Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán,
Ta đã nói : Đây là dân tâm hồn lầm lạc,
11chúng nào biết đến đường lối của Ta,
nên Ta mới thịnh nộ thề rằng :
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
Tung hô Tin Mừng
🌸 Tin Mừng (Mc 1,40-45)
Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng
Lời nguyện hiệp lễ
🌸 Gợi ý suy niệm
Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46).
Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên,
phải vừa đi vừa kêu lên: “Ô uế ! ô uế !” để người ta biết mà tránh xa.
Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại…
Như thế từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong
và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này.
Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế,
phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày,
và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).
Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê.
Anh dám lại gần Đức Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch,
mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh,
chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó.
Đức Giêsu vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép.
Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh,
đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh,
dù chỉ một lời của ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh.
Cái đụng của bàn tay Đức Giêsu đã không làm ngài bị ô uế.
Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho anh bị phong.
Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá.
Người phong khi được khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao.
Vì thế người ta đổ xô nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành.
Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa !
Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giêsu
đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước.
Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu.
Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn…
Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong,
đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ.
Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong,
ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ.
Giáo hội Công Giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi,
và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo Hội.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
(Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)
🌸 Mến yêu hằng ngày
Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người. (Mc 1,44-45)
Việc người đàn ông “vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi” là một điều dễ hiểu. Anh đã phải khốn khổ vì chứng bệnh phong hủi và gần như mất hết hy vọng. Anh đến với Đức Giêsu, khiêm tốn quỳ xuống trước Người và thể hiện đức tin mạnh mẽ của mình. Anh nói: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Tất nhiên là Đức Giêsu mong muốn anh được sạch và Người đã cho anh được lành bệnh ngay tức thì.
Điều thú vị là sau khi chữa lành, Đức Giêsu lại bảo anh không được nói cho ai biết. Nhưng, trong sự mừng vui quá đỗi, anh đã đi nói với tất cả mọi người. Kết quả là danh tiếng Đức Giêsu vang dội khắp nơi và người người tò mò về Ngài. Người ta tìm đến Ngài nhiều đến nỗi “Người không thể công khai vào thành nào được”.
Một điều đáng để chúng ta suy tư trong bài Tin Mừng hôm nay, là Đức Giêsu dường như không có bất kì hứng thú gì với việc trở nên nổi tiếng. Ngài hẳn có thể dễ dàng đi từ thành nọ đến thành kia, rồi khi vào thành, Người có thể la lên rằng: “Mọi người, xin hãy chú ý! Tôi ở đây!” Như thế, dân chúng sẽ lũ lượt kéo đến mà vây quanh Người. Nhưng, thay vì như thế, Ngài lại đến những nơi hoang vắng, và dân chúng đã phải đến với Người trong những nơi vắng vẻ khó đi lại như vậy.
Người đến những nơi hoang vắng, chờ đợi dân đến tìm kiếm Người vì cả cuộc đời Người là để biến đổi các tâm hồn cách thực sự chứ không phải là sự nổi tiếng bên ngoài. Người không hứng thú với những đánh giá, tâng bốc của trần gian. Người chỉ quan tâm đến việc biến đổi con tim. Do đó, bằng cách lui vào những nơi thanh vắng, Chúa có thể để cho Chúa Cha mang Người đến với những ai sẵn sàng đón nhận ơn biến đổi đích thực.
Với chúng ta cũng vậy. Một “Đức Giêsu nổi tiếng” không bao giờ là “Đức Giêsu thực sự”. Nếu chúng ta muốn tìm Chúa, chúng ta phải kiên trì tìm ở những nơi kín đáo và yên tĩnh, ở đó, Ngài đang chờ đợi chúng ta đến với Ngài.
Cha Henri Nouwen đã viết trong cuốn “Out of Solitude” về tầm quan trọng và cần thiết của sự tĩnh mịch thế này:
“Chỉ trong tĩnh mịch, ta mới có thể lắng nghe tiếng của Đấng đã nói với ta trước khi ta biết nói lên lời, đã chữa lành ta trước khi ta có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát ta từ lâu trước khi ta có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương ta trước khi ta có thể yêu thương tha nhân. Chính trong sự tĩnh mịch mà ta khám phá ra rằng những gì ta là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta. Trong tĩnh mịch, ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ… và cuộc sống mới ta đem đến không phải là một gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà tặng được đón nhận.”
Hôm nay, chúng ta hãy phản tỉnh về hình ảnh Đức Giêsu chờ đợi trong thinh lặng. Đâu là “nơi hoang vắng” mà Người đang chờ đợi? Chúa Giêsu đang đợi bạn đến gặp Người ở đâu? Hãy tìm kiếm Người và khi bạn tìm được, bạn sẽ mãi biết ơn vì sự cố gắng đó của mình.
Lạy Chúa, con vẫn tìm kiếm Chúa, nhưng con cũng nhận ra rằng con chưa bao giờ cố gắng đủ. Ngài đang ở đó, chờ đợi con trong vô vàn cách thức. Ngài đang mời gọi con đi sâu vào sự thinh lặng và tĩnh mịch hơn nữa. Ở những nơi hoang vắng tách khỏi ồn ào của cuộc sống, Ngài khao khát chăm sóc tâm hồn con. Xin giúp con lắng nghe tiếng Chúa, biết đứng lên đi về cùng Ngài. Và khi con tìm thấy Ngài, xin biến đổi con tim của con thành quả tim Ngài mong muốn. Amen.
——//——//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/…/week-one-in-ordinary-time/