Lời nguyện nhập lễ
???? Bài đọc 1 (Ep 2,1-10)
Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô trên cõi trời.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô
1 Thưa anh em, anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. 2 Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. 3 Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. 4 Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, 5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ ! 6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.
7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. 8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ : đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa ; 9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. 10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.
???? Đáp ca Tv 99,1-2.3.4.5 (Đ. x. c.3b)
Đ.Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người.
1Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
2phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ,
vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.
Đ.Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người.
3Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế,
chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.
Đ.Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người.
4Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,
tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,
tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.
Đ.Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người.
5Bởi vì Chúa nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.
Đ.Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người.
Tung hô Tin Mừng
???? Tin Mừng (Lc 12,13-21)
Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
13 Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?” 15 Và Người nói với họ : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng : ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !’ 18 Rồi ông ta tự bảo : ‘Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng
Lời nguyện hiệp lễ
???? Gợi ý suy niệm
Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào kho.
Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này:
phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay.
Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15).
Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để trao đi
và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)
???? Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)
???? Mến Yêu Hằng Ngày
Tại sao Đức Giê-su lại từ chối phân chia gia tài cho hai người anh em kia? Người đã nhìn thấy trọng tâm vấn đề không phải là họ mong muốn sự phân minh, công bằng, nhưng ở nơi họ chất chứa lòng tham và ước muốn sở hữu của cải.
Đức Giê-su dẫn điều Người muốn nói bằng dụ ngôn về một phú ông ngốc ngếch (Lc 12,16-21). Tại sao Đức Giê-su lại nói người đàn ông giàu có này là đồ ngốc? Đức Giê-su không quở trách ông về sự chăm chỉ và tài giỏi khi làm ra rất nhiều của cải, nhưng Người quở trách ông vì chủ nghĩa cá nhân và sự ích kỷ. Dụ ngôn này có nét tương đồng với dụ ngôn về một người giàu có kia từ chối giúp đỡ anh La-za-rô, một người ăn xin trước cổng nhà ông (Lc 16,19-31). Kẻ giàu có ngu ngốc đã đánh mất đi khả năng quan tâm đến người khác. Cuộc đời ông đã chìm ngập trong của cải và ông chỉ biết giữ cho riêng mình. Kết quả là ông đã không giữ được linh hồn cho khỏi hư mất khi ông nằm xuống.
Đức Giê-su muốn dạy ta điều gì trong việc sở hữu của cải? “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3) Vấn đề không phải ở việc giàu có, mà là cách chúng ta sử dụng sự giàu có đó. Nhiều người coi trọng giá trị mọi thứ trên đời và gắn liền với vật chất. Họ không chia sẻ, không giúp đỡ. Họ giữ cho riêng mình và quên rằng ngày mai họ có thể không còn trên thế gian nữa. Xin cho chúng ta biết sử dụng sự giàu có cách khôn ngoan, luôn nhớ rằng mọi thứ chúng ta có ở đời này đều là vay mượn và chúng ta sẽ không còn gì khi rời bỏ cuộc sống trần gian này. Sự giàu có đích thực chính là sống và làm những điều thiện hảo.
Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su muốn chúng ta tự chất vấn trái tim mình: Đâu là kho tàng của chúng ta? Kho tàng có một sự nối kết đặc biệt đến trái tim, nơi ngự trị của những ước muốn và khao khát, của ý chí và sự tập trung. Thứ mà chúng ta để tâm đến nhiều nhất chính là kho tàng lớn nhất trong lòng mình. Bạn để tâm đến điều gì nhiều nhất trong tất cả mọi sự?
“Lạy Chúa Giê-su, xin giải phóng trái tim con khỏi những chiếm hữu và thèm muốn những gì thuộc về người khác. Xin cho con chỉ ao ước một mình Ngài là kho tàng đích thực của lòng con chứ không phải một điều gì khác. Xin giúp con biết cách sử dụng của cải Ngài ban một cách quảng đại để làm vinh quang Ngài và mang lại thiện hảo cho anh em con.”
—–//—-//——
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn:https://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2018/oct22.htm