Lời nguyện nhập lễ
🌸 Bài đọc 1 (Ds 24,2-7.15-17a)
Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp.
Bài trích sách Dân số
2 Khi ấy, ông Bi-lơ-am ngước mắt lên và nhìn thấy Ít-ra-en đóng trại theo chi tộc của họ. Thần khí Thiên Chúa ở trên ông, 3 ông liền cất tiếng đọc bài thơ sau đây :
“Sấm ngôn của Bi-lơ-am, con Bơ-o,
sấm ngôn của người mắt vẫn mở.
4Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa,
người ngắm nhìn thị kiến Đấng Toàn Năng,
của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần.
5Hỡi Gia-cóp, lều bạt của ngươi đẹp biết mấy !
Hỡi Ít-ra-en, đẹp biết mấy doanh trại của ngươi !
6Như thung lũng trải dài, như vườn cạnh bờ sông,
như lô hội Đức Chúa đã trồng,
như hương nam mọc bên dòng nước.
7Từ các bồn của nó, nước tràn ra,
và hạt giống nó được tưới dồi dào.
Vua của nó cao cả hơn A-gác,
và vương quốc nó được tôn vinh.”
15 Rồi ông cất tiếng đọc bài thơ của mình như sau :
“Sấm ngôn của Bi-lơ-am, con Bơ-o,
sấm ngôn của người mắt vẫn mở.
16Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa,
và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao,
được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị,
của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần.
17aTôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc,
tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên ;
một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp,
một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en.”
🌸 Đáp ca Tv 24,4-5a.6 và 7c.8-9 (Đ. c.4a)
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
6Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.7cXin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
Tung hô Tin Mừng Tv 84, 8
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mt 21,23-27)
Phép rửa của ông Gio-an bởi đâu mà có ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
23 Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi : “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ?” 24 Đức Giê-su đáp : “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi ; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?” Họ mới nghĩ thầm : “Nếu mình nói : ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại : ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ 26 Còn nếu mình nói : ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” 27 Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ : “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng
Lời nguyện hiệp lễ
🌸 Mến yêu hằng ngày
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”
Giả như lời chất vấn này đến từ một dân ngoại hay một quan binh Rôma thì đã đành, nhưng buồn thay, đây lại là lời chất vấn từ các thượng tế và kỳ mục, là những người từng miệt mài trong các giảng đường để học hỏi, rồi sau đó là giảng dạy Kinh Thánh, Lề Luật cho dân chúng, là những người thay mặt cho toàn dân dâng lễ tế lên Thiên Chúa, ấy mà nay lại chất vấn Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Họ là những người cùng chung dân tộc với Đức Giêsu, chung một tổ phụ và hơn nữa cùng gọi Thiên Chúa là Đức Chúa Tối Cao, ấy vậy mà nay Ngài lại trở thành cái gai trong mắt họ, trở thành người nhất định phải bị loại trừ. Kiêu ngạo phủ trùm lí trí họ, ghen ghét khoá kín con tim họ. Thật đáng buồn thay!
Đọc Tin Mừng, chúng ta dễ dàng căm giận và lên án các thượng tế và kỳ mục bởi họ cứng lòng, trọng bề ngoài và ham hư vinh. Thế thì ai sẽ lên án chúng ta khi lòng chúng ta cũng đóng kín trước lời mời gọi của Chúa mà buông thả, chiều chuộng xác thân mình đây? Ai sẽ chỉ trích chúng ta khi chúng ta cũng chạy theo công danh phù phiếm, thích làm hài lòng người khác hơn là Thiên Chúa, chuộng thế gian hơn là Nước Trời đây?
Các thượng tế và kỳ mục chất vấn Chúa Giêsu về quyền của Ngài. Ngày nay, phải chăng chúng ta cũng đang chất vấn Chúa về điều ấy? Có thể chúng ta không dùng lời lẽ chất vấn Chúa như họ, nhưng chính chúng ta cũng đang chất vấn, thách thức quyền của Ngài mỗi khi chúng ta phản nghịch, không để cho Ngài hoạt động, hoặc gạt Ngài ra khỏi cuộc đời của ta. Những khi Ngài không ngừng nhắc nhở, bảo ban ta bằng nhiều cách, ta lại đóng sập cửa trước Ngài. Thậm chí ngay cả khi Ngài muốn băng bó, chữa lành những vết thương cho ta, thì ta lại từ chối hoặc đẩy Ngài ra xa. Thiên Chúa yêu ta vô vàn đến độ trở nên lệ thuộc trong hình hài trẻ thơ, bất lực trên thập giá và thụ động trong hình bánh bé nhỏ. Cho nên, mỗi một lần chúng ta thờ ơ hoặc cự tuyệt tình yêu của Ngài, là mỗi lần chúng ta tước đi quyền yêu thương chúng ta của Ngài.
“Thiên Chúa ra lệnh cho tất cả các tạo vật với tư cách là Đấng Tạo Hoá; Người bắt gió bão phải vâng phục Người; các thiên thần phải run sợ trước Thánh Ý Người. Thiên Chúa ngăn cấm chúng ta có những thú vui tội lỗi, trả thù, bất công; nhưng chẳng ăn thua gì, chúng ta nhất định sống hưởng thụ; chúng ta thích chối bỏ hạnh phúc nơi Thiên Đàng hơn là bỏ những thú vui chóng qua, chúng ta không muốn từ bỏ một thói quen xấu, hay thay đổi cuộc sống. Thế thì tự hỏi chúng ta là gì mà dám chống lại Thiên Chúa? Chúng ta chỉ là bụi đất, một tạo vật mà Thiên Chúa có thể huỷ diệt nó chỉ bằng cái nhìn của Người.” (Trích trong Những Bài Giảng Bất Hủ Của Cha Thánh Gioan Maria Vianney, Vũ Đức Thành dịch)
Khi Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường, dân chúng vây quanh Ngài để lắng nghe, còn các kỳ mục và thượng tế thì “đến gần” để thử thách Ngài. Nếu bạn là một trong những người đang có mặt khi ấy, phản ứng của bạn sẽ như thế nào? Bạn sẽ phớt lờ hay thấy tò mò về Ngài? Bạn sẽ giận dữ vì lòng ganh ghét chăng? Hay bạn nhận ra quyền năng, tình yêu và sức mạnh siêu nhiên của Ngài mà tìm đến với Ngài? Ngày nay, mặc dù chúng ta không thể đi ngược thời gian để hiện diện và lắng nghe lời Chúa Giêsu khi ấy cách trực tiếp, nhưng Ngài vẫn đang nói với chúng ta từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây theo nhiều cách khác nhau trong các tình huống cuộc sống thường ngày. Ước chi mỗi người chúng ta có thể nghe thấy tiếng Chúa giảng dạy trong hội đường – cuộc sống của mỗi người. Và ước chi khi ấy, mỗi người chúng ta có thể như dân chúng – vây quanh để lắng nghe Lời Ngài.
—–//——//——
Nhóm Bạn Đường Linh Thao