Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Thứ hai tuần III MC (4/3)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình

Lc 4, 24
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (2 V 5,1-15a)

Có nhiều người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch,
mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.

Bài trích sách các Vua quyển thứ hai

 1 Ngày ấy, ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram, là người có thần thế và uy tín trước mặt chúa thượng của ông, vì Đức Chúa đã dùng ông mà ban chiến thắng cho A-ram. Nhưng ông lại mắc bệnh phung hủi. 2 Khi những người A-ram đi càn quét, họ đã bắt được một cô bé từ đất Ít-ra-en đưa về. Nó vào giúp việc cho vợ ông Na-a-man. 3 Nó nói với bà chủ : “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phung hủi !” 4 Ông Na-a-man đến tường trình với chúa thượng của ông : “Một thiếu nữ xuất thân từ đất Ít-ra-en đã nói thế này thế này.” 5 Vua A-ram bảo : “Ngươi cứ lên đường và trẩy đi. Ta sẽ gửi thư cho vua Ít-ra-en.” Ông Na-a-man lên đường, mang theo ba trăm ký bạc, sáu mươi ký vàng và mười bộ quần áo để thay đổi. 6 Ông trình thư lên vua Ít-ra-en. Thư viết : “Cùng với bức thư mà tôi gửi tới ngài đây, tôi sai Na-a-man, thuộc hạ của tôi, đến với ngài, để ngài chữa người này khỏi bệnh phung hủi.” 7 Vua Ít-ra-en đọc thư xong thì xé áo mình ra và nói : “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi ? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta.”

 8 Vậy, khi ông Ê-li-sa, người của Thiên Chúa, nghe biết là vua Ít-ra-en đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói với vua : “Sao vua lại xé áo mình ra ? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Ít-ra-en.” 9 Ông Na-a-man đi đến cùng với cả xe và ngựa. Ông đứng trước cửa nhà ông Ê-li-sa. 10 Ông Ê-li-sa sai sứ giả ra nói với ông : “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch.” 11 Ông Na-a-man nổi giận bỏ đi và nói : “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phung hủi mà chữa khỏi. 12 Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao ? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao ?” Ông quay lưng lại và tức tối ra đi. 13 Bấy giờ, các tôi tớ của ông đến gần và nói : “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm ? Phương chi ngôn sứ chỉ nói : Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch !” 14 Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.

 15a Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói : “Nay tôi biết rằng : trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en.”

🌸 Đáp ca Tv 41,2.3 ; Tv 42,3.4 (Đ. Tv 41,3)

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

41 2Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

3Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

42 3Xin Ngài thương sai phái
ánh sáng và chân lý của Ngài,
để soi đường dẫn lối con đi
về núi thánh, lên đền Ngài ngự.

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

4Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa,
tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con.
Con gảy đàn dâng câu cảm tạ,
lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ.

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

Tung hô Tin Mừng x. Tv 129, 5.7

Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người ;
bởi Chúa luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

🌸 Tin Mừng (Lc 4,24-30)

Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giê-su không chỉ được sai đến với người Do-thái.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

 24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

 Qua bài đọc một này chúng có thể tưởng tượng được, là một vị tướng của vua Xy-ri, Na-a-man chắc chắn là người khỏe mạnh, giàu có, có học, thông minh, được tôn trọng, đầy quyền lực. Tuy nhiên bệnh tật đã đến với Na-a-man, như bất cứ một người nào khác, không miễn trừ, không thiên vị. Đây lại là một bệnh hiểm nghèo nhất và đáng sợ nhất trong thời Cựu Ước. Sách Thánh cũng cho thấy phương pháp tiên tri Ê-li-sa dùng để chữa lành khác với cách chữa lành thông thường mà Na-a-man suy nghĩ. Trong khi Na-a-man nghĩ rằng tiên tri Ê-li-sa phải ra đón ông, đến gần cầu khẩn Chúa, lấy tay đưa qua đưa lại để chữa lành ông thì Ê-li-sa lại làm một việc khác hẳn. Ông thấy bị xúc phạm khi Ê-li-sa bảo ông xuống tắm bảy lần dưới sông Giô-đan.

 Tại đây Ê-li-sa muốn cho thấy rõ rằng Na-a-man không thể vạch ra một phương pháp riêng để chữa lành cho mình. Na-a-man phải theo cách mà Chúa chỉ định. Ông phải tắm dưới sông Giô-đan chứ không phải sông nào khác. tắm bảy lần chứ không phải một lần. Vì lòng kiêu ngạo và vô tín, Na-a-man nổi giận. Nếu không có người đầy tớ gái, Na-a-man đã hụt mất cơ hội được chữa lành, suýt nữa suốt đời phải chịu khốn khổ với căn bệnh nan y. Cuối cùng Na-a-man đã phải làm theo cách của Chúa và được chữa lành (c. 14).

 Tùy thuộc vào ý muốn Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết để được chữa lành. Tắm bảy lần dưới sông Giô-đan là việc khác thường, tuy dễ thực hiện nhưng đòi hỏi đức tin và sự hạ mình. Na-a-man không có cách nào khác để được chữa lành nên phải nghe theo lời khuyên của người tớ gái. Bước đường cùng của con người là cơ hội cho Thiên Chúa chữa lành. Tùy thuộc vào Chúa chính là đức tin nơi Ngài; nhờ đó phép lạ sẽ xảy ra.

 Một phương diện khác, bệnh phong cùi tượng trưng cho tội lỗi. Căn bệnh tội lỗi không thể được chữa lành theo phương pháp riêng của con người nhưng vào phương pháp mà Thiên Chúa đã hoạch định. Phương pháp đó là tin vào quyền năng của cứu độ của Chúa, đặc biệt nhờ Thập Giá khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, mà chúng được rửa sạch muôn vàn tội lỗi. Xin Chúa cho con biết hạ mình thuận ý Chúa là con đường dẫn con đến hạnh phúc.

 Trong bài đọc kể về người đầy tớ gái, cô gái Do Thái này ở trong một tình trạng rất bi đát: lúc còn tuổi thiếu niên cô đã bị bắt đưa về Xy-ri làm nô lệ cho quan tổng binh. Đối với một người ở trong hoàn cảnh như cô, cô có đủ lý do để phản ứng một cách cay đắng đối với chủ và đối với Chúa. Nhưng cô đã tỏ ra là một người trung tín trong mọi hoàn cảnh. Cô đã trung tín với chủ và với Chúa trong mọi hoàn cảnh.

 Trung tín với chủ: cô đã trông mong cho chủ được điều tốt nhất, cung cấp điều chủ cần. Cô đóng trọn vai trò của một người tôi tớ, mặc dù cô chưa từng làm tôi tớ cho ai ngoại trừ việc phục vụ trong gia đình. Cô không than van, kêu ca, cũng không cay đắng với những người đã làm cuộc đời cô đi xuống. Nhưng trái lại, cô thản nhiên, chấp nhận và phục vụ trong hoàn cảnh mới một cách tích cực.

 Trung tín với Chúa: Cô không quên cơ hội để giới thiệu cho chủ mình Đấng Toàn Năng mà cô đã kinh nghiệm. Cô không coi nghịch cảnh là một cản trở để giới thiệu Chúa cho người khác. Cô cũng có cái nhìn thiêng liêng, tin tưởng vào sự quan phòng như Giu-se khi ông bị bán sang Ai Cập. Chúa đã sai phái cô qua nước Xy-ri, vào trong nhà của quan tổng binh Na-a-man để đem sự chữa lành cả phần thể chất lẫn tâm linh cho ông. Vì thế, cô tiếp tục tin vào sự thành tín của Chúa và trung tín phục vụ Ngài và người khác.

 Qua đây cũng là cơ hội để mỗi người nhìn lại và có thái độ nào đối với hoàn cảnh hiện tại? Chúng ta có than van, oán trách vì công việc nặng nhọc, vì hoàn cảnh không thuận lợi, hay là chúng ta tin rằng đây là cơ hội Chúa đưa đến để chúng ta có thể phục vụ Chúa và người khác cách trung tín? Lạy Chúa, xin mở mắt con, cho con thấy mạc khải của Chúa cho con trong hoàn cảnh hiện tại để con hết lòng trung tín với Ngài.

 Qua bài Tin Mừng cho chúng ta nhận ra được nhiều khía cạnh ở trong cuộc sống thường vấp phải. Chúa Giêsu trở về quê hương của Người. Nhưng điều oái oăm thay, dân làng đã không đón nhận Người; ngược lại, họ còn tìm cách hãm hại Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không tiên tri nào được sùng mộ nơi quê hương”.

 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”; hay “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi vượt hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ!

 Mặc dù ngày nay con người có thể chế tạo các thiết bị để có thể nhìn xa trong ban đêm nhưng lại mù lòa trước những chân lý của Chúa đã bày tỏ trong Kinh Thánh. Họ đi theo đường riêng của mình, không thấy sự vinh quang của Chúa vì đã bị những vinh hoa phú quý ở đời này làm mù lòng họ. Họ chạy theo những cảm nhận nhất thời và rồi cứ tiếp tục chạy theo nó.

 Ngày nay, nhiều hình thức nô lệ khác nhau vẫn còn đầy dẫy trong thế giới được xem là văn minh. Nô lệ cho ma tuý, cờ bạc, cho những thói quen không lành mạnh vẫn đang lan tràn ở các nước giàu có cũng như ở các nước nghèo nàn. Tại sao trong xã hội ngày hôm nay vẫn còn có những tệ nạn đó đã và đang xảy ra. Phải chăng là vì cốt lõi của vấn đề không phải nằm ở sự giàu nghèo bên ngoài, nhưng là ở vấn nạn tội lỗi bên trong. Ở Tin Mừng Ga 8, 34, Chúa Giê-su phán: “Ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi”. 

 Qua Tin Mừng, phần nào cho chúng ta hiểu được Chúa Giê-su đã đến để cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi. Và hơn nữa Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Ngài không bị bó buộc bởi các ranh giới về chủng tộc, giới tính, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh kinh tế… của xã hội con người.

 Chính Chúa Giê-su đã đến thế gian này trong một hoàn cảnh tầm thường nhất của xã hội thời bấy giờ. Ngài sinh ra nơi chuồng chiên máng cỏ. Cha mẹ của Ngài không phải là người giàu sang phú quý. Ngài được nuôi dưỡng và lớn lên ở Na-da-rét, một thị trấn không tên tuổi. Trong Tin Mừng Ga 1, 46, chính Na-tha-na-en đã thốt lên: “Có điều gì tốt ra từ Na-da -rét được sao?”.  Nói cách khác, Chúa Giê-su sinh ra là một người nghèo. Những người trong quê hương nơi Ngài sinh ra biết về thân thể của Chúa và của cha mẹ Ngài, là Thánh Giuse và Đức Maria. Cái biết ấy đã làm cho họ hoài nghi về Chúa Giê-su. Họ nói với nhau: “Người này không phải là con ông Giuse hay sao?” Câu hỏi này hàm ý rằng, con ông Giuse, một bác thợ mộc tầm thường, lại không học hành gì cả, thì làm sao có thể mà nghe ông ấy được?

 Qua đây chúng ta có thể rút ra được một bài học thực tế cho cuộc sống chúng ta: nhiều khi chúng ta chỉ nhìn vẻ bề ngoài, nhìn về cuộc sống tầm thường, nhìn về sinh hoạt hằng ngày của một ai đó mà tự cho rằng là hiểu rất rõ về người đó. Thực ra chúng ta chỉ biết ít nét bề ngoài của họ thôi, chứ chiều sâu bên trong của người đó chúng ta không thể hiểu hết được. Nhiều người Do thái đã phạm phải cái sai lầm đó nên họ đã không nhận ra Chúa Giêsu.

 Để biết được một con người không phải là chuyện dễ. Con người là cả một thế giới vô tận mà chúng ta chỉ mới khám phá ra được chút ít mà thôi. Chúng ta cũng đừng để cái bề ngoài nơi người khác, đánh lừa chúng ta. Và chúng ta cũng biết được những vị thánh thường là những con người rất bình thường, ít ai biết đến.

 Qua hình ảnh Chúa Giê-su về thăm viếng quê hương Na-za-rét nơi Ngài đã lớn lên, là điều thật tự nhiên nhưng lại là một hành động can đảm. Nơi khó khăn nhất đối với một người truyền giáo chính là quê hương mà người đó sống lúc còn bé; nơi khó cho bác sĩ hành nghề nhất là nơi mọi người đều biết ông ta lúc còn trẻ. Dù vậy, Chúa Giê-su đã đến Na-xa-rét. Những người dân ở đây đều không tin vào Ngài. Và Ngài đụng đầu ngay với thái độ hằn học và vô tín của họ. Họ không nghe Ngài bởi vì họ biết cha Ngài, mẹ Ngài, và bà con thân thuộc của Ngài. Họ không thể quan niệm nổi một người từng sống giữa họ, một người họ quen biết lại có quyền nói như Chúa Giê-su đang nói: Nhà tiên tri thường không được tôn trọng trong quê hương của mình. Thái độ của họ đối với Chúa đã dựng nên một hàng rào cản khiến Chúa Giê-su không thể ảnh hưởng được chút nào trên họ.

 Tin mừng hôm nay cho chúng ta bài học quan trọng đó là chúng ta không nên phán đoán con người theo lý lịch và những liên hệ gia đình của họ, mà chỉ nên phán đoán theo con người thực của họ. Nhiều sứ điệp đã bị bóp chết không phải vì sứ điệp đó có điều sai lầm, nhưng vì đầu óc của người ta quá thành kiến với sứ giả đến nỗi sứ điệp không bao giờ có được cơ hội đến với họ. Xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta để chúng ta luôn biết sống quảng đại yêu thương và đón nhận những điều hay lẽ phải từ người khác vì lòng yêu mến Chúa.

 TTN

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận