Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Thứ bảy tuần XIII TN (chẵn)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ?”

Mt 9, 15
Lời nguyện nhập lễ

???? Bài đọc 1 (Am 9,11-15)

Ta sẽ đổi vận mạng của Ít-ra-en dân Ta. Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở.

Bài trích sách ngôn sứ A-mốt

11Đức Chúa phán thế này :
Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đa-vít,
bít kín các lỗ hổng của tường thành,
tái thiết những gì đã tan hoang,
xây dựng nó như những ngày xưa cũ ;
12để chúng được chiếm hữu số sót của Ê-đôm
và của tất cả các dân tộc đã được mang danh Ta
– sấm ngôn của Đức Chúa, Đấng thực hiện điều ấy.
13Này đây sắp đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa –
thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống ;
núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy.
14Ta sẽ đổi vận mạng của Ít-ra-en dân Ta :
chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó ;
chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng,
ăn thổ sản vườn mình canh tác.
15Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở,
và chúng sẽ không còn bị bứng đi
khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng
– Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi phán như vậy.

???? Đáp ca Tv 84,9.11-12.13-14 (Đ. c.9b)

Đ.Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người.

9Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều Chúa phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.

Đ.Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người.

11Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.
12Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

Đ.Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người.

13Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.
14Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.

Đ.Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người.

Tung hô Tin Mừng Ga 10,27

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.

???? Tin Mừng (Mt 9,14-17)

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

???? Gợi ý suy niệm

Mỗi năm người Do thái dành một ngày chính thức để cả nước ăn chay.
Đó là ngày lễ Xá tội (Lv 23, 29).
Tuy nhiên cũng có những ngày ăn chay khác có tính tập thể
để kỷ niệm những biến cố đau buồn của dân tộc.
Ngôn sứ Giôen đã mời người ta ăn chay, khóc lóc và than van (Ge 2, 12).
Vào thời Đức Giêsu, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và nhóm Pharisêu
còn ăn chay do lòng đạo đức riêng, có người hai lần một tuần (Lc 18, 12).
Nhìn chung bầu khí ăn chay không phải là bầu khí vui tươi phấn khởi.
Bởi đó có người cố mang bộ mặt rầu rĩ để khoe là mình đang ăn chay.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu bị các môn đệ của Gioan tra hỏi
về chuyện tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay như họ (c. 14).
Đối với họ ăn chay là một việc đạo đức quan trọng, không thể thiếu
trong đời sống của một nhóm như nhóm các môn đệ Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã trả lời họ bằng một câu hỏi khác.
Gián tiếp Ngài nhận mình là chàng rể, các môn đệ là khách dự tiệc cưới.
Chính vì thế chuyện ăn chay than khóc hoàn toàn không hợp chút nào.
Bầu khí vui tươi là nét đặc trưng của thời kỳ Đấng Mêsia đến.
Đúng là cần phải sám hối, vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 4, 17),
nhưng Nước Trời được ví như một tiệc cưới lớn (Mt 22, 1-14; 25, 1-13),
nên phải đón lấy Nước này trong niềm vui của ngày hội.
Chỉ khi nào chàng rể Giêsu bị đem đi trong cuộc Khổ nạn,
khi ấy các môn đệ của Ngài mới ăn chay.
Các Kitô hữu sơ khai vẫn giữ việc ăn chay (Cv 13, 2; 14, 23; 2 Cr 6, 5)
đặc biệt vào những ngày thứ tư và thứ sáu (sách Điđakhê 8, 1),
thay vì thứ hai và thứ năm như người Do thái.
Nhưng họ ăn chay không phải để chờ một Đấng chưa đến,
mà để chuẩn bị lòng mình đón đợi một Đấng sắp lại đến trong vinh quang.
Đức Giêsu đem đến những giáo huấn và tinh thần mới mẻ.
Liệu có thể ghép những cái mới đó vào cái khung của lối sống cũ không?
Bằng hai ví dụ, Ngài cho thấy điều đó khó thực hiện và gây nguy hại.
Miếng vải mới được vá vào chiếc áo cũ, sẽ co lại và làm áo rách thêm.
Rượu mới được đổ vào bầu da cũ, thì bầu sẽ bị nứt mà rượu lại chảy ra.
Đối với Đức Giêsu, muốn giữ được cả bầu lẫn rượu mới, thì cần có bầu mới.
Bầu mới chính là cách sống mới Luật Tôra của Thiên Chúa
như đã được Ngài giải thích lại trong Bài Giảng trên núi.
Kitô hữu được định nghĩa là những người luôn sống trong niềm vui,
bất chấp những bách hại và giá phải trả để làm môn đệ Đức Giêsu.
Chàng rể đã bị đem đi, nhưng Chàng rể vẫn đang ở lại (Mt 28, 20).
Bầu khí của tiệc cưới và rượu mới
vẫn là bầu khí của mọi cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.

(dịch theo Learning Christ – Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ))

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

1 comments

  1. MẾN YÊU HẰNG NGÀY
    Thứ 7, 04-07-2020 (Mt 9, 14-17)

    SUY NIỆM

    Chúa Giêsu đã chỉ ra trong bài Phúc Âm hôm nay rằng khách dự tiệc cưới sẽ không khóc than chừng nào Chàng Rể còn ở với họ. Tuy nhiên, “khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”

    Sẽ thật ý nghĩa khi chúng ta nhìn vào mối liên hệ giữa ăn chay và sự tự do. Lúc đầu có vẻ chúng chẳng liên quan gì với nhau. Nhưng nếu hiểu đúng được việc ăn chay, chúng ta sẽ nhận ra rằng ăn chay chính là con đường dẫn đến một món quà cao quý: sự tự do đích thực.
    Trong đời sống của chúng ta có rất nhiều lần “chàng rể bị lấy mất đi.” Một trong những lần ấy chính là khi chúng ta cảm thấy mất Chúa trong đời sống của mình. Điều này có thể là do tội lỗi ta phạm, cũng có thể là vì chúng ta đang ngày càng gần Chúa hơn. Nếu đó là do tội lỗi ta gây ra, ăn chay là cách giúp chúng ta thoát khỏi những cảm xúc tội lỗi trong đời sống, củng cố ý chí và thanh lọc những ước muốn trong ta. Trường hợp thứ hai xảy ra đó là khi chúng ta đang ngày một lớn lên trong Chúa. Trong đời sống thiêng liêng, ắt hẳn không thiếu lần sầu khổ thiêng liêng, khi mà ta dường như không còn cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, như “chàng rể đã bị đem đi rồi”. Bạn biết không, sự hiện diện của Thiên Chúa vượt xa kinh nghiệm của con người về sự ở với nhau đến độ sự khiếm diện của Ngài đưa ta đến một cảm thức mới về sự hiện diện của Ngài. Khi Chúa Giêsu kêu lên lớn tiếng những lời này trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46), thì chính trong sự cô đơn tột cùng ấy, Ngài cảm nhận được sự hiện diện của Cha, một sự hiện diện sâu kín vượt ngoài trí hiểu, tri giác, và cảm giác con người. Do vậy, khi ta cảm thấy Thiên Chúa dường như xa vắng, ấy là lúc Ngài mời gọi ta đến với một sự hiện diện sâu sắc hơn của Ngài. Lúc này, việc ăn chay sẽ thêm sức cho niềm tin và lòng trung tín của ta với Ngài.

    Chúng ta có thể ăn chay theo nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản đó là việc tự hãm mình, tự hiến mình cho Thiên Chúa. Điều này giúp chúng ta chiến thắng được những ham muốn vật chất và xác thịt để từ đó tinh thần chúng ta hoàn toàn hướng về Chúa.

    Phản tỉnh: hãy tự vấn chính mình xem bạn mong mỏi, khát khao Chúa đến như thế nào trong cuộc sống của bạn. Nếu có bất kì mong muốn nào chống lại hoặc khiến bạn ra xa Chúa, bạn hãy nhớ đến việc ăn chay và những cách thức hãm mình khác. Hãy biến chúng thành những hy sinh nho nhỏ dâng lên Thiên Chúa và chắc chắn bạn sẽ nhận được hoa thơm trái ngọt gấp bội phần.

    Lạy Chúa, con ước mong Chúa hiện diện trên hết thảy mọi thứ trong cuộc sống của con. Xin giúp con thấy những thứ kéo con ra khỏi tình yêu Chúa và giúp con hãm mình để tâm hồn con được trong sạch và được sống trong tự do Chúa dành cho con. Lạy Chúa, con tín thác vào Ngài.

    —-//—–//——-//——-//—–

    Bình luận

Viết một bình luận