Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Thứ ba tuần XIV TN (chẵn)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”

Mt 9, 36
Lời nguyện nhập lễ

???? Bài đọc 1 (Hs 8,4-7.11-13)

Chúng gieo gió thì phải gặt bão.

Bài trích sách ngôn sứ Hô-sê

4Đức Chúa phán thế này :
Con cái Ít-ra-en phong vương người mà Ta không chọn,
tôn làm lãnh tụ kẻ Ta không biết,
dùng bạc vàng làm ra ngẫu tượng, để rồi bị đập tan.
5Hỡi Sa-ma-ri, hãy gạt bỏ con bê của ngươi
– chúng làm Ta nổi giận.
Chúng không chịu để cho Ta thanh tẩy mãi cho tới bao giờ ? –
6Vì con bê đó là do Ít-ra-en làm ra,
do một nghệ nhân sản xuất, nó đâu phải là thần !
Chắc chắn con bê của Sa-ma-ri sẽ như thể mùn cưa.
7Chúng gieo gió thì phải gặt bão.
Chúng là cây lúa không làm đòng, là hạt lúa lép không có bột,
nhưng giả như có bột, thì ngoại bang cũng sẽ nuốt hết.
11Khi Ép-ra-im đua nhau dựng bàn thờ, thì các bàn thờ ấy
chỉ làm cho chúng phạm tội thêm.
12Luật lệ của Ta, Ta có viết cho nó cả ngàn,
thì nó cũng coi là xa lạ.
13Hy lễ dâng Ta thì chúng cứ dâng,
chúng cứ ăn thịt đã sát tế,
nhưng Đức Chúa sẽ chẳng đoái hoài.
Giờ đây Người sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng,
chúng đã phạm tội thì chúng sẽ phải đền :
chúng sẽ phải trở về Ai-cập.

???? Đáp ca Tv 113B,3-4.5-6.7ab-8.9-10 (Đ. c.9a)

Đ.Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.

3Thiên Chúa chúng ta ở trên trời,
muốn làm gì là Chúa làm nên.
4Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc,
chỉ do tay người thế tạo thành.

Đ.Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.

5Có mắt có miệng, không nhìn không nói,
6có mũi có tai, không ngửi không nghe.

Đ.Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.

7abCó hai tay, không sờ không mó
có hai chân, không bước không đi.
8Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần
cũng giống như chúng vậy.

Đ.Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.

9Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa,
chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.
10Nhà A-ha-ron, hãy tin cậy Chúa,
chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.

Đ.Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa.

Tung hô Tin Mừng Ga 10,14

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Ha-lê-lui-a.

???? Tin Mừng (Mt 9,32-38)

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

 32 Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng : “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ !” 34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo : “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

 35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

 36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

???? Gợi ý suy niệm

Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và nói : “Ở Ítraen, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.
Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

1 comments

  1. MẾN YÊU HẰNG NGÀY
    Thứ 3, 07-07-2020 (Mt 9, 32-38)

    SUY NIỆM:

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta có thể thấy sự đối lập rất rõ ràng giữa phản ứng của đám đông và những người Pharisêu trước phép lạ của Chúa Giêsu. Đám đông – tượng trưng cho thường nhân – có phản ứng kinh ngạc, sửng sốt với những gì họ thấy và đón nhận điều ấy từ niềm tin khiêm tốn và thuần khiết từ thâm tâm của họ. Thật hạnh phúc cho những ai được chúc lành vì họ khiêm nhường như trong tám mối phúc thật Chúa nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)
    Tuy nhiên, người Pharisêu lại có thái độ chỉ trích, ganh tỵ, cay nghiệt, lỗ mãng, và trên hết là có những suy nghĩ hết sức vô lý. Họ cho rằng Chúa Giêsu trừ quỷ được là nhờ vào thế quỷ vương trong khi Chúa chúng ta đã không làm gì khiến họ phải nghĩ như thế. Vậy nên, những cáo buộc ấy tỏ lộ rằng lòng họ đầy sự đố kỵ, ganh ghét và chính lòng đố kỵ ấy đã đưa họ đến định kiến vô lý và lố bịch.
    Điều này cho chúng ta một bài học rằng: chúng ta hãy đến với anh chị em và tha nhân bằng lòng khiêm nhu và chân thật. Vì với tình yêu đơn sơ và chân thành đó, ta mới có thể thấy được sự tốt lành và chân thực mà Thiên Chúa đã đặt để nơi họ. Đôi khi, niềm hoan lạc giản đơn mỗi ngày là được thấy Chúa nơi tha nhân và thấy sự tốt lành của Ngài được đặt để nơi sự tốt lành của anh chị em chung quanh.

    Chúng ta thường dễ dàng nhầm lẫn lòng khiêm tốn như là thứ gì đó tiêu cực với cảm thức về sự tốt đẹp của bản thân. Tuy nhiên, khiêm tốn đích thực không phải là cảm nhận không tốt về bản thân, cũng không phải coi nhẹ quan điểm cá nhân hoặc nghĩ về bản thân mình như luôn là bề dưới của kẻ khác. Trái lại, sự khiêm tốn đích thực giải thoát ta khỏi những vướng bận với chính mình, trong khi một cái nhìn xem nhẹ bản thân có xu hướng làm chúng ta quy về mình nhiều hơn. Bởi vậy, sự khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức khác, vì nó cho phép ta nhìn biết và phán đoán mọi thứ một cách đúng đắn như cách Thiên Chúa nhìn. Sự khiêm tốn thực sự giải phóng ta, để rồi ta được là chính ta như Thiên Chúa thấy và tránh khỏi cạm bẫy của hư vô tự mãn hay mặc cảm tự ti. Một người khiêm tốn luôn luôn nhận định chân thực về mình mà không ảo tưởng hoặc giả vờ, cũng không coi mình nhỏ hơn hoặc lớn hơn chính mình. Một người khiêm tốn không đeo mặt nạ hoặc bề ngoài tốt lành trước người khác. Người như thế không chao đảo trước tiếng tăm, danh vọng, thành công hay thất bại, chỉ trích hay ngợi khen. Chính khi ta có cái nhìn trung thực và thẳng thắn về mình, ta có được cái nhìn chân thật về người khác. Đức khiêm nhường giúp chúng ta tránh được những định kiến vội vã và cay nghiệt về người khác, và giúp ta dần gạt bỏ thói ganh tỵ, ghen ghét, nhờ đó có khả năng nhìn người khác như chính Chúa nhìn và tự do yêu mến, phục vụ người khác vì chính họ hơn là chính ta.
    Trong đời sống thường nhật, chúng ta có thể tập và thực hành đức khiêm nhường để nhìn ra điều tốt lành của Thiên Chúa nơi anh chị em mình và nói về điều tốt lành của họ – như thái độ của đám đông khi chứng kiến việc Chúa Giê-su trừ quỷ cho người bị quỷ ám trong bài Tin Mừng; tập biết ơn và cảm tạ Chúa vì những điều thiện hảo Ngài đã làm trong cuộc đời chúng ta, hơn là chỉ vội vàng kết luận, chỉ trích người khác như thái độ cao ngạo của những người Pharisêu. Các thánh từng nói:
    “Vũ khí mạnh mẽ nhất để chiến thắng ma quỷ là đức khiêm tốn.” (Thánh Vincent de Paul)
    “Khiêm nhường, khiêm nhường và luôn phải khiêm nhường. Vì Satan run sợ trước các linh hồn khiêm nhường.” (Thánh Pio Năm Dấu)
    Ước gì hôm nay mỗi người chúng ta có thể hiểu và bắt đầu học cách khiêm nhường theo tinh thần Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã luôn nêu gương và không ngừng mời gọi.
    Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khiêm nhường, đơn sơ và thuần khiết để con luôn được thấy Ngài và vui mừng trước sự hiện diện của Ngài nơi anh chị em của con và nơi tạo vật xung quanh. Xin cho con được học nơi các Thánh làm đẹp lòng Ngài bởi đức khiêm nhường của họ. Amen.
    ——
    Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

    Bình luận

Viết một bình luận