Lời nguyện nhập lễ
🌸 Bài đọc 1 (Dt 2,5-12)
Đức Giê-su phải trải qua gian khổ, để dẫn đưa mọi người tới nguồn ơn cứu độ.
Bài trích thư gửi tín hữu Do thái
5 Thưa anh em, Thiên Chúa đã không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà chúng ta đang nói đến. 6 Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh kia, có người đã làm chứng rằng : Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến ? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom ? 7 Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, 8 đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người. Thật ra, hiện nay chúng ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền con người. 9 Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.
10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. 11 Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, 12 khi nói : Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.
🌸 Đáp ca Tv 8,2a và 5.6-7.8-9 (Đ. x. c.7)
Đ.Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
2aLạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
5Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
Đ.Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
6Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
7cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
Đ.Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
8Nào chiên bò đủ loại,
nào thú vật ngoài đồng,9nào chim trời cá biển,
mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Đ.Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
Tung hô Tin Mừng
🌸 Tin Mừng (Mc 1,21-28)
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy : 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng
Lời nguyện hiệp lễ
🌸 Gợi ý suy niệm
Trong Tin Mừng theo thánh Máccô,
ta không thấy có những bài giảng dài như Tin Mừng Mátthêu hay Gioan.
Nhưng bù lại Máccô đã kể khá nhiều phép lạ của Đức Giêsu.
Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay
là hội đường vùng Caphácnaum vào một ngày sabát.
Theo Máccô, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ từ đây.
Chúng ta cần xem Ngài đã sống ngày sabát như thế nào.
Trước hết Ngài đã vào hội đường và giảng dạy.
Thánh Máccô không kể lại nội dung của bài giảng,
chỉ cho biết là người ta sửng sốt khi nghe Ngài
vì cách giảng đầy uy quyền (c. 22) và lời giảng thì mới mẻ (c.27).
Phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm ở hội đường này là trừ quỷ.
Ở đây có một người đàn ông bị thần ô uế ám.
Trước sự hiện diện của Đức Giêsu, anh ta sợ hãi nên kêu lên:
“Ông Giêsu Nadarét, ông đến tiêu diệt chúng tôi ư?
Tôi biết ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. câu 24).
Sự hiện diện của Đấng Thánh cũng đủ làm cho thần ô uế phải khiếp sợ,
vì ô uế và thánh thiện không đội trời chung.
và Đấng thánh thiện có khả năng triệt phá thần ô uế.
Lời của Đức Giêsu bây giờ là lời trừ quỷ, lời quát mắng,
lời ra lệnh đầy uy quyền, lời khiến thần ô uế phải tuân theo.
“Câm đi, hãy xuất khỏi người này !”
Thần ô uế đã nhập vào và làm người ấy bị tha hóa,
bị mất tự do, bị chi phối và sai khiến như một nô lệ.
Lời Đức Giêsu là lời giải phóng để anh ấy được thật sự là mình,
được giải thoát khỏi tình trạng ô uế.
Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị ô nhiễm,
từ không khí, nước uống đến những sản phẩm nhiễm độc của con người.
Nhưng điều đáng sợ hơn cả là bầu khí ô nhiễm về tinh thần,
bầu khí ô uế của sex thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Xin Đức Giêsu trả lại cho ta sự trong sạch nơi cái nhìn,
sự trong trắng nơi trái tim và sự trong suốt nơi mọi cuộc gặp gỡ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)
🌸 Mến yêu hằng ngày
Tin Mừng hôm nay tiếp diễn ngày hôm qua nói về một ngày hoạt động trong hành trình công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Cũng vào ngày Sa bát đó, sau khi phục vụ trong hội đường, Chúa Giêsu đến nhà của hai người môn đệ là Simon và Andrê ở Ca-phác-na-um.
Khi đến nơi, Chúa Giêsu biết tin mẹ vợ ông Phêrô phải nằm trên giường vì bị sốt. Ngài liền lại gần, cầm lấy tay và đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay, bà khoẻ dậy và phục vụ các ngài. Việc phục vụ này không phải là vai trò của người nữ trong gia đình. Hơn thế, đây là cách để nói lên vai trò của tất cả Ki tô hữu, cả người nam và người nữ, để phục vụ. Chữa lành không chỉ là giúp một người lành bệnh mà còn nâng đỡ để người ấy trở nên hăng hái trở lại và phục vụ cộng đồng.
Chiều đến, khi ngày Sa bát qua đi, người ta được tự do đi lại hơn. Vì thế, một số lượng lớn người bệnh kéo đến với Người để được chữa khỏi mọi bệnh tật và được giải thoát khỏi quyền lực của ma quỷ. “Cả thành xúm lại trước cửa,” đó là cánh cửa của ngôi nhà nơi Chúa Giêsu ở. Nhà của Chúa Giêsu phải chăng là nơi quy tụ những ai thân cận với Chúa, như là cộng đồng dân Chúa thường quy tụ nơi nhà thờ. “Nhà của Chúa” là biểu tượng cho nơi Chúa ở, nơi quy tụ mọi người xung quanh Chúa Giê-su, cũng là biểu tượng của Giáo Hội, của cộng đoàn. Vậy khi những người nghèo khổ, người bệnh, và những người bị mất tự do mà không còn tìm đến cộng đoàn của chúng ta để tìm sự chữa lành nữa, nâng đỡ, thì chúng ta cần suy nghĩ lại đời sống chứng nhân của người Ki-tô hữu chúng ta.
Sớm ngày hôm sau, Chúa Giêsu rời khỏi đó và đến một đồi vắng mà cầu nguyện một mình. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm ở Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu biết mình vẫn cần cầu nguyện để lấy lại năng lượng thiêng liêng và kết nối với Cha Ngài và cũng để nhận ra những nhu cầu chính đáng hơn mà dân chúng ở các thành khác đang cần.
Tuy Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa, nhưng Ngài chỉ có thể hiện diện ở một nơi trong một thời diểm nhất định, và trong ba năm công khai rao giảng, Chúa Giê-su chỉ có thể “đụng chạm” được một số lượng ít người, để Tin Mừng được rao truyền khắp nơi, Ngài rất cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Khi Chúa Giêsu trở về sau buổi cầu nguyện, Ngài không quay trở lại Ca-phác-na-um, mặc dù chắc chắn có nhiều người cần được chữa lành và giúp đỡ ở đó. Thay vào đó, Chúa tiếp tục đến các hội đường khắp Ga-li-lê để công bố tin mừng Nước Trời và làm cho tin mừng đó được cụ thể hóa bằng việc chữa lành bệnh tật và giải phóng những ai bị giam cầm bởi sự dữ.
Điều này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự ứng trực, sẵn sàng. Chúng ta đừng ngần ngại khi có thể giúp đỡ cho những ai cần chúng ta thực sự. Đồng thời, cũng hãy biết những giới hạn của bản thân. Cho dù chúng ta có thể rất hào phóng và cho đi rất nhiều, chúng ta cần cân bằng giữa những nhu cầu của tha nhân và biết những giới hạn của bản thân. Chúng ta không thể giúp đỡ người khác bằng cách làm mọi việc cách hết mình và trở nên kiệt sức. Nên nhớ chúng ta cũng cần dành ra một khoảng thời gian ‘có chất lượng’ để ở với Chúa, để cầu nguyện và để suy ngẫm về thứ tự ưu tiên của chúng ta trong cuộc sống. Chúa Giêsu đã làm gương cách tuyệt vời cho chúng ta trong đoạn bài đọc ngày hôm nay.
——//——//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://livingspace.sacredspace.ie/o2014g/