Thánh Vi-ta-lít Giám mục Giáo phận Salzburg có tên theo tiếng La-tinh là Vitalis. Có lẽ Ngài sinh vào giữa thế kỷ thứ VII tại Ý hoặc cũng có thể tại Pháp. Ngài qua đời vào ngày 20 tháng 10 năm 728 tại Salzburg, Áo Quốc (có tài liệu nói Ngài qua đời vào năm 730).
Ngài được coi là một trong những học trò xuất sắc nhất của Thánh Rupert Giám mục. Và từ năm 716, Ngài trở thành người kế vị của Thánh Rupert trong chức Giám mục tại Salzburg. Sau đó Ngài kiêm thêm chức Viện Phụ của Đan Viện Sankt Peter. Ngài được coi là Tông Đồ của xứ Pinzgau.
Theo tương truyền thì Thánh Vi-ta-lít là người đã tiếp tục những hoạt động truyền giáo của Thánh Rupert tại nhiều nơi trên nước Áo, đặc biệt là tại vùng Pinzgau, một khu vực thuộc Salzburg ngày nay, và sau đó đã thành lập một Đan Viện tại Zell am See, và Đan Viện này có tên là Sankt Peter. Cũng theo tương truyền, Ngài là một vị Mục Tử rất tận tâm, và rất được dân chúng quý trọng. Dưới thời cai quản của Thánh Nhân, Giáo phận Salzburg đã được mở rộng nhờ vào sự dâng cúng đất đai của ông Hugbert – Công tước xứ Bavaria.
Cuốn sách về tiểu sử của các Đan Sĩ Đan Viện Sankt Peter cho biết rằng, Thánh Vi-ta-lít là Viện Phụ thứ hai của Đan Viện này, và vị tiền nhiệm của Ngài là Viện Phụ Anzogolus. Cuốn sách này cũng cho biết Thánh Rupert Giám Mục đã không qua đời tại Salzburg, nhưng tại một nơi khác, có lẽ tại Worms.
Còn Thánh Vi-ta-lít: sau một thời gian miệt mài với công việc truyền giáo cũng như với công việc huấn luyện Đức Tin cho cả các Giáo hữu lẫn Gião Sĩ và Đan Sĩ, Ngài đã qua đời vào ngày 20 tháng 10 năm 728. Thi hài Ngài được an táng trong nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận Salzburg. Vào thời Trung Cổ, ngôi mộ của Thánh Nhân tại nhà thờ nói trên đã trở thành một trung tâm hành hương quan trọng vì nhiều phép lạ đã xảy ra tại đó, đặc biệt là kể từ năm 1181, sau khi ngôi nhà thờ Chính Tòa này được tái thiết. Vào giữa thế kỷ XV, Đức Thánh Cha Pi-ô II đã cho phép cải táng ngôi mộ của Thánh Vi-ta-lít, và các Thánh Tích của Ngài đã được cung nghinh tới Đan Viện Sankt Peter. Nhưng mãi tới năm 1497, ngôi mộ của Thánh Nhân mới được kiến thiết trong nhà thờ của Đan Viện Sankt Peter. Vào năm 1762, người ta lại tân trang ngôi mộ của Ngài tại Đan Viện Sankt Peter. Quang cảnh xung quanh ngôi mộ của Thánh Nhân như được thấy hiện nay, đã tồn tại từ đó cho tới giờ.
Thánh Vi-ta-lít được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của vùng Pinzgau dưới tước hiệu “Vị Tông Đồ Xứ Pinzgau”. Ngài cũng được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của các em thiếu nhi và của các thai phụ.
Theo truyền thuyết thì Thánh Vi-ta-lít đã làm một phép lạ, mà với phép lạ này, Ngài đã cho một cây huệ lớn lên từ một tảng đá và sau đó đã trổ bông. Vì thế, trong nghệ thuật, Ngài được trình bày trong phẩm phục Giám mục với một quả tim và một bông huệ.
Vụ án phong thánh cho Thánh Vi-ta-lít đã được tiến hành ngay từ giữa những năm từ 1459 tới 1462 nhưng phải tạm gác lại. Vào năm 1519, vụ án này lại được tái khởi động, nhưng cũng không hoàn tất. Sau cùng, vào năm 1628, Đức Thánh Cha Urban VIII đã cho phép được tôn kính Thánh Vi-ta-lít tại Giáo phận Salzburg, nhưng Ngài chưa bao giờ được Phong Thánh cách chính thức. Dù vậy, Ngài vẫn có tên trong Martyrologium Romanum, tức danh mục các Chứng Nhân của Giáo hội Rô-ma.
Giáo hội tôn kính Thánh Vi-ta-lít vào ngày 20 tháng 10, tức ngày qua đời của Ngài, với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist
Nguồn: SIMONHOADALAT