Thánh Pla-xi-đô Viện Phụ Tử Đạo hay còn gọi là Thánh Pla-xi-đô Subiaco, là một trong những người môn đệ xuất sắc nhất của Thánh Biển Đức. Ngài là người Rô-ma, và sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ V hoặc đầu thế kỷ thứ VI. Khi Thánh Biển Đức thành lập Đan Viện của Ngài trên núi Monte Cassino, và danh tiếng về cách sống của Ngài vang rộng khắp nơi, thì nhiều gia đình có tiếng tại Rô-ma đã gửi gắm con cái của họ cho Ngài để Ngài giáo dục chúng. Và việc các Đan Viện Biển Đức ngày nay vẫn còn đón nhận các em nhỏ vào trong Đan Viện của mình để giáo dục và đào tạo, được bắt nguồn từ đó.
Vào một ngày kia, một người Rô-ma tên là Tertullus, dắt một cậu bé đầy khôi ngô tuấn tú bước vào phòng của Thánh Biển Đức, và ủy thác cậu bé đó cho Ngài để Ngài nuôi dưỡng và giáo dục cậu. Cậu bé đó tên là Pla-xi-đô. Lúc ấy cậu vẫn đang còn là một em bé trong trắng, chỉ mới bảy tuổi, với một tâm hồn mềm mại, ngoan ngoãn và thân thiện. Chẳng bao lâu sau, cậu đã chiếm được tình cảm của Thánh Biển Đức vì sự ngoan hiền, đơn sơ, trong trắng, và những cử chỉ thanh tao và dịu dàng của cậu.
Một lần kia, Pla-xi-đô được sai đi múc nước tại hồ Subjaco, và không may bị ngã xuống hồ và bị sóng đánh ra xa. Lúc ấy Thánh Biển Đức đang cầu nguyện trong phòng, nhưng nhờ vào ơn mạc khải của Thiên Chúa, nên đã biết được chuyện Pla-xi-đô bị rớt xuống hồ. Ngài liền gọi Thầy Mau-rô tới, ra lệnh cho Thầy phải tức tốc chạy tới hồ để kéo cậu bé Pla-xi-đô lên. Thầy Mau-rô liền xin Thánh Biển Đức chúc lành cho mình rồi vội vã chạy ra hồ. Thầy đã chạy băng băng trên mặt nước hồ mà không hề nghĩ ngợi gì. Sau cùng, Thầy đã tới được chỗ cậu bé Pla-xi-đô đang chết đuối và kéo cậu lên bờ. Lúc đó Thầy mới chợt nhớ ra rằng mình đã đi trên mặt nước. Thầy đã đưa Pla-xi-đô về cho Thánh Biển Đức và kể lại cho Ngài biết sự việc nhiệm màu đó. Thánh Biển Đức cho rằng, phép lạ này xảy ra là do sự vâng lời của Thầy Mau-rô đạo hạnh, nhưng Thầy Mau-rô thì lại cho rằng, đó là phép lành của vị Thầy thánh thiện. Vì thế, cậu Pla-xi-đô bèn lên tiếng:
“Khi con được kéo lên khỏi nước, con đã thấy chiếc áo choàng của Viện Phụ trên đầu con, cũng như thấy chính Thầy Mau-rô đứng bên cạnh con!“ Chiếc áo choàng này là một bộ da cừu mà hồi đó các Đan Sĩ có thói quen khoác trên vai. Sau này, với sự biết ơn thẳm sâu, Pla-xi-đô đã nhận ra rằng, việc cậu được cứu khỏi chết đuối không phải là bất cứ điều gì khác ngoài hình ảnh có tính biểu tượng của ơn cứu độ linh hồn nhờ vào bàn tay của Thánh Biển Đức, vì Thánh Nhân đã làm cho Pla-xi-đô từ một cậu bé trở thành một chàng trai đạo đức và ưa thích đời sống ẩn dật đến độ Cha của cậu là ông Tertullus đã vô cùng kinh ngạc về sự đạo hạnh của cậu khi ông đến Monte Cassino để hỏi thăm cậu. Và để cám ơn vị Viện Phụ thánh thiện, ông ta đã biếu Ngài rất nhiều tài sản tại đảo Sizilia.
Thánh Biển Đức đã nhận những tài sản đó để chu cấp cho các Đan Sĩ của Ngài cũng như cho các học sinh đang được nuôi dậy trong nhà Dòng với niềm biết ơn. Sự ghen tỵ của những người tham lam đã khiến Ngài phải bước vào vòng tranh tụng vì những tài sản đó. Thậm chí người ta còn đi xa tới độ bắt Ngài phải chia cho họ một phần số tài sản nói trên, và Thánh Nhân đã không nghĩ ra được cách nào khác nhằm ngăn chặn việc ăn cướp này ngoài việc gửi con trai của người dâng cúng, tức Pla-xi-đô, tới đảo Sizilia. Pla-xi-đô đã vâng lời và lên đường với sự đồng hành của hai Đan Sĩ Gerdianus và Donatus. Ngay trong ngày đầu tiên họ đã tới được Capua. Tại đó, họ được Đức Giám mục Germanus, bạn của Thánh Biển Đức, tiếp đón và đối xử rất tận tình. Trong những ngày ở trọ tại Capua, Thầy Pla-xi-đô đã đặt tay trên đầu một người mù và cầu nguyện cho ông, và ngay lập tức, người mù ấy đã nhìn thấy. Nghe biết điều đó, rất nhiều bệnh nhận đã kéo đến với Thầy, và tất cả đều được khỏe mạnh trở lại nhờ lời cầu nguyện của Thầy. Nhiều người điếc đã nghe được và nhiều người câm đã nói được. Không những thế, thầy Pla-xi-đô còn trừ được cả quỷ; Thầy bắt chúng phải xuất ra khỏi những người mà chúng ám. Danh tiếng về những phép lạ này đã lan rộng tới tận Sizilia, dù rằng vị Đan Sĩ thánh thiện này không muốn điều đó. Vì thế, khi tới nơi, vị Đan Sĩ này đã được đón tiếp với một nghi thức dành cho những người có chức vụ cao cấp. Chẳng bao lâu sau Thầy Pla-xi-đô đã giải quyết được những vấn đề liên quan đến tài sản của nhà Dòng, và sau đó, trong vòng 4 năm, Thầy đã xây dựng nên một Đan Viện và một nhà thờ để tôn kính Thánh Gio-an ngay tại đảo Sizilia. Khi mới 26 tuổi đời, Thầy đã được bầu làm Viện Phụ của Đan Viện này.
Đời sống thánh thiện của vị Viện Phụ trẻ đã ngay lập tức lôi cuốn rất nhiều các môn sinh. Dưới sự hướng dẫn của Ngài, các môn sinh đã thực hành một đời sống đầy tính xây dựng, và nhờ thế đã mang đến phúc lành cho toàn vùng. Ngài đã vượt lên trước họ xuyên qua gương sáng tuyệt vời. Ngài thực hiện một cuộc sống với việc cầu nguyện liên lỷ, chỉ ngủ rất ít thời gian, và ngồi để ngủ. Quanh năm ngày tháng, Ngài không bao giờ uống tới một giọt rượu, và thường xuyên mang trên mình một bộ đồ thống hối bằng lông dê. Trong Mùa Chay, Ngài hoàn toàn không ăn bất cứ điều chi trừ ngày Chúa Nhật, thứ Ba và thứ Năm. Ngài cầu nguyện với những giọt lụy tuôn trào trên gò má, rất ít khi người ta nghe thấy Ngài nói, và không bao giờ thấy Ngài cáu giận.
Bị lôi cuốn bởi danh tiếng thánh thiện của Ngài, những người anh chị em của Ngài là Eutychius, Victorinus và Flavia – người em gái thánh thiện của Ngài – đã quyết định tới thăm Ngài. Niềm vui thật lớn lao khi họ lại được thìn thấy nhau, và nghe được từ môi miệng của người anh em rất nhiều lời tốt đẹp và Tình Yêu của Thiên Chúa.
Hồi đó, những tên cướp biển Ả-rập vẫn thường xuyên quần thảo trên biển, và thường bất thình lình cập bến tại những khu vực lân cận, cướp phá nhà cửa và liên tục bắt cóc các cư dân để bán họ làm nô lệ. Một ngày kia, khi Viện Phụ Pla-xi-đô cùng với các anh chị em cũng như các Đan Sĩ trong Đan Viện của Ngài đang say sưa cầu nguyện và đàm đạo với nhau về đời sống thiêng liêng, và sau đó lại tiếp tục say sưa trong niềm bình an thánh thiện của cảnh an bình ban đêm, thì bỗng nhiên Đan Viện bị tấn công bởi bọn cướp biển, do tên Manucha dẫn đầu. Các cánh cổng và mọi cửa rả của Đan Viện đều bị đập vỡ, nhà thờ và các phòng ốc đều bị cướp sạch. Còn bản thân Viện Phụ Pla-xi-đô cùng với 3 người anh chị em của Ngài và 30 Đan Sĩ khác thì bị chúng lôi xuống thuyền. Ở đó, Manucha đã ra lệnh cho tất cả phải chối bỏ Đức Tin. Vì vẫn kiên định với Đức Tin của mình, nên các Ngài đã bị tra tấn rất dã man. Mỗi ngày tên bạo chúa lại nghĩ ra một cách thức tra tấn mới. Và khi nghĩ ra được cách thức tra tấn mới thì hắn lại ra lệnh áp dụng trên các Ngài, chẳng hạn như treo hai chân các Ngài lên, đầu lộn xuống đất, rồi đốt một đống lửa bên dưới để khói và khí nóng bao phủ các Ngài. Sau đó chúng cột hai tay các Ngài lên cột buồm rồi treo những viên đá lớn vào chân các Ngài. Vô cùng giận dữ với Viện Phụ Pla-xi-đô vì Ngài luôn động viên những người đồng chịu khổ hãy kiên vững trong Đức Tin, nên hắn đã ra lệnh hành hạ Ngài cách đặc biệt. Và vì Ngài vẫn hát các bài Thánh Ca để các tụng Thiên Chúa trong lúc bị hành hạ, nên hắn đã ra lệnh đập vỡ răng Ngài và cắt đứt lưỡi của Ngài. Sau cùng, khi hắn thấy không còn cách nào có thể khuất phục được sự kiên tâm của các Ngài nữa, hắn đã ra lệnh chém đầu tất cả, trừ người em gái của Viện Phụ Pla-xi-đô là Flavia.
Manucha đã thể hiện mình là con người đặc biệt trước mặt Flavia, và cố gắng giật con tim của Thánh Nữ ra khỏi Chúa Giê-su thông qua những lời tán tỉnh. Nhưng vì hắn thấy tất cả những nỗ lực của mình đều phí công vô ích, nên hắn đã ra lệnh lột sạch quần áo của Thánh Nữ, treo hai chân Thánh Nữ lên ngọn cây, đầu lộn xuống đất, và ra lệnh đánh đập Thánh Nữ cách tàn nhẫn nhất. Sau đó hắn giễu cợt hỏi Thánh Nữ rằng, liệu với tư cách là một phụ nữ Rô-ma quý tộc, Thánh Nữ có cảm thấy xấu hổ vì mình bị lột trần truồng như thế hay không? Nhưng Thánh Nữ đã trao cho hắn một câu trả lời như sau: „Điều mà tôi phải gánh chịu vì Đức Tin thánh thiện của tôi, sẽ không làm cho tôi phải nhục nhã. Ngoài những nhục hình này ra, ông không còn biết tới những nhục hình nào khác à? Hãy thử xem, tôi sẵn sàng mà!“ Tím mặt tím gan vì giận dữ, Manucha liền trao Thánh Nữ cho những tên đồng cướp biển của hắn để chúng muốn làm gì Thánh Nữ thì làm. Những kẻ này đã thực hiện rất nhiều những cuộc tra tấn vô cùng ác độc đối với cô thiếu nữ vẫn còn trinh trong; chúng nghĩ ra nhiều cách để hành hạ cô, kể cả việc muốn xâm hại trinh tiết của cô. Nhưng đối với Thánh Nữ, không cực hình nào kinh khủng cho bằng việc đánh mất đi sự tiết trinh của mình; Thánh Nữ ước ao muốn được chết đi cả ngàn lần còn hơn là mất đi sự trinh nguyên. Vì thế, trong sự sốt sắng hừng cháy, Thánh Nữ đã cầu khẩn ơn bảo vệ và ơn trợ giúp từ Trời, và đã không uổng công vô ích. Bởi vậy, khi những kẻ phạm thánh trâng tráo muốn xâm hại trinh tiết của Thánh Nữ thì tay chúng liền bị cứng ra như khúc gỗ, khiến chúng không thể đụng chạm tới được thân thể Thánh Nữ.
Cuối cùng, khi không còn cách nào khác để khuất phục được Thánh Nữ, những kẻ lòng lang dạ thú kia đã phải kết liễu cuộc đời Thánh Nữ bằng gươm. Và nhờ vào việc chết dưới ngọn gươm này, Thánh Nữ đã bảo vệ được sự trinh trong của mình.
Năm Thánh Pla-xi-đô và các Bạn Tử Đạo được xác định là năm 546.
Câu chuyện về Thánh Pla-xi-đô Viện Phụ và các Bạn Tử Đạo được trích từ trong tác phẩm của Petrus Diaconus. Sau năm 1133, soạn giả vừa nêu đã biên soạn một loạt những câu chuyện về đời sống của các Đan Sĩ Monte Cassino. Trong số những câu chuyện đó cũng có một trình thuật về cuộc Tử Đạo của Thánh Pla-xi-đô và 33 người Bạn Tử Đạo của Ngài.
Trong nghệ thuật, người ta thường trình bày Thánh Pla-xi-đô với bộ áo Dòng màu đen, tay phải Ngài cầm một thanh gươm, và tay trái Ngài chỉ về chiếc lưỡi bị rách. Ngài cũng được các thủy thủ tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của họ.
Thánh Pla-xi-đô Viện Phụ và các Bạn Tử Đạo được Giáo hội Công giáo mừng kính vào ngày mồng 05 tháng 10 với bậc Lễ nhớ không buộc, tức Lễ bậc IV. Còn Dòng Biển Đức, Dòng Xi-tô và Dòng Trappis thì mừng kính Thánh Nhân cùng với Thánh Mau-rô vào ngày 15 tháng Giêng với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist
Nguồn: SIMONHOADALAT