Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Thánh Maria Salômê

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

(Ngày 22-10)

Thánh Maria Salômê hay cũng còn gọi là Salômê Galilea, sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất tại Galilea, Do-thái. Tên của Thánh Nữ có nghĩa là Niềm An Bình. Theo trình bày của Kinh Thánh Tân Ước, Thánh Nữ là một trong những Nữ Môn đệ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, danh tánh của Thánh Nữ chỉ được nêu lên trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô. Tin Mừng này đã nêu tên Thánh Nữ trong số các phụ nữ đứng đàng xa dưới chân Thập Giá (Mc 15,40) cũng như trong số những phụ nữ đến viếng mộ Chúa vào lúc sáng sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần và đã chứng kiến cảnh viên đá lấp cửa mộ Chúa bị đẩy sang một bên (Mc 16,1-8). Truyền thống còn đồng hóa Thánh Nữ với bà Salômê vợ của ông Dê-bê-đê, và là thân mẫu của hai Thánh Tông Đồ Gio-an và Gia-cô-bê Tiền. Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu viết rằng, xa xa dưới chân Thập Giá, „có bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xép, và bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê“ (Mt 27,56). Còn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô thì viết: „Cũng có có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xép, cùng bà Salômê“ (Mc 15,40).

Thánh Salômê cũng được nhắc đến trong văn chương Khải Huyền và trong truyền thống Syria, chẳng hạn như trong Ngụy Phúc Âm theo Thánh Thomas, trong sách Ngụy Khải Huyền thứ nhất của Thánh Gia-cô-bê và trong một số Thánh Thy của phái Manikê. Ngoài ra, Thánh Salômê còn được nhắc tới trong truyền thống Ai-cập, chẳng hạn như trong Ngụy Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, trong Pistis Sophia (chương 54, 58, 132, và 145), cũng như trong các trích dẫn của Thánh Clêment thành Alexandria từ Tin Mừng do người Ai-cập biên soạn (Strom. 3,6,45; 3,9,63ff.; 3,13,92; Excerpta Theodoti 67).

Thánh Salômê còn xuất hiện cả trong truyền thống nguyên thủy của Syria. Theo truyền thống này, Thánh Nữ là một người có tầm quan trọng đặc biệt. Thánh Nữ xuất hiện hai lần trong văn chương Khải Huyền với tư cách là người bạn đối thoại của Chúa Giê-su, và cũng được gọi là Nữ Môn Đệ của Ngài.

Theo Ô-ri-gen (Contra Celsum 5,62), một số nhóm Ngộ Đạo Thuyết đã viện dẫn các nữ Môn Đệ của Chúa Giê-su, trong đó có Thánh Salômê.

Một truyền thống khác cho biết, trong một cuộc bách hại các Ki-tô hữu tại Israel, cùng với bà Maria Clêôpha, bà Sara-la-Kâli và một số người khác, Thánh Salômê đã bị quăng xuống một chiếc thuyền không buồm, cũng chẳng có bánh lái, và bị đẩy ra biển. Tuy nhiên chiếc thuyền này đã trôi đến miền Nam nước Pháp cách nhiệm mầu. Tới đó, mọi người ra khỏi thuyền và lên một nơi mà ngày nay người ta gọi là Saintes-Maries-de-la-Mer, và hoạt động tại đó với tư cách là những sứ giả Đức Tin.

Ngay từ rất sớm, nhưng không biết chính xác từ khi nào, một nhà thờ đã được kiến thiết tại địa điểm nêu trên để tôn kính Thánh Salômê. Vào năm 1448, tại ngôi nhà thờ này, người ta đã phát hiện ra các Thánh Cốt được cho là của Thánh Nữ. Và kể từ thời gian đó, nhà thờ Saintes-Maries-de-la-Mer đã trở thành một điểm hành hương nhộn nhịp.

Nhưng theo một số truyền thuyết khác thì sau khi Chúa Ki-tô phục sinh, Thánh Nữ Salômê đã đến Veroli, một khu vực thuộc miền Nam nước Ý, và hoạt động tại đó với tư cách là nữ sứ giả của Đức Tin.

Vì có khá nhiều truyền thuyết về Thánh Nữ Maria Salômê nên người ta không biết chắc về việc Ngài đã qua đời tại đâu. Có lẽ Thánh Nữ đã qua đời vào hậu bán thế kỷ thứ nhất, tại một trong ba nơi sau: Israel, Saintes-Maries-de-la-Mer, Camargue, Pháp quốc, hay tại Veroli thuộc miền Nam nước Ý.

Trước đây Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Maria Salômê vào ngày 24 tháng 04. Tuy nhiên, kể từ khi cải tổ Lịch Phụng Vụ tới giờ thì Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Nữ vào ngày 22 tháng 10 với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV.

Cả Giáo hội Tin lành lẫn Giáo hội Chính thống đều mừng kính Thánh Maria Salômê vào ngày mồng 03 tháng 08.

Trong ngày 22 tháng 10, Giáo hội Công giáo còn mừng kính các vị Thánh sau:

1.Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng (người Ba-lan) (18.05-1920 – 02.04.2005);

2.Thánh Blandina Ridder Nữ Tu (Nữ Y Tá, người Đức) (1871 – 22.10.1916);

3.Chân Phước Contardo Ferrini (Giáo sư, người Ý) (04.04.1859 – 17.10.1902);

4.Thánh Ingbert Đan Sĩ (người Đức, sống vào thế kỷ 6/7);

5.Thánh Kordula, Nữ Tử Đạo (người Đức, sống vào thế kỷ 4/5);

6.Thánh Moderanus, Giám mục (người Bỉ) (650 – 22.10.731).

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Nguồn: SIMONHOADALAT

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận