Thánh Hy-a-xin Linh mục hay cũng còn gọi là Thánh Hy-a-xin thành Oppeln, sinh vào khoảng năm 1187 tại Cracowie, Ba-lan. Tên gọi theo tiếng Ba-lan của Ngài là: Jacek Odrowąż. Cha mẹ Ngài là những nhà quý tộc, vì thế Jacek Odrowąż đã được hưởng một nền giáo dục rất tốt. Ngài đã theo học đại học tại Cracowie, tại Prag và tại Bologna. Và Ngài đã có được hai bằng tiến sĩ, một về Giáo Luật và một về Thần học.
Vào thời của ngài, Ba-lan thường xuyên bị tấn công bởi người Phổ. Không những thế, người Phổ còn tỏ ra thù hằn với tôn giáo. Vì vậy, Hy-a-xin và Đức Giám mục Ivo – người thân thuộc của ngài –, và một số người khác, đã lên đường tới Rô-ma để xin Dòng Đa-minh cử các nhà truyền giáo tới Ba-lan. Nhưng nguyện vọng này đã không được chấp thuận, vì có lẽ lúc ấy Dòng Đa-minh mới được thành lập, nên chưa có nhiều nhân sự để gửi đi khắp nơi. Do đó, Thánh Hy-a-xin đã quyết định gia nhập Dòng này với hy vọng sẽ được trở thành một trong những nhà truyền giáo của Dòng. Ba người trẻ mà họ đã tháp tùng Ngài tới Rô-ma, cũng noi gương Ngài gia nhập Dòng Đa-minh.
Vào năm 1219, sau khi thụ phong Linh mục trong Dòng Đa-minh và được đích thân Thánh Đa-minh cử đi, Cha Hy-a-xin cùng ba vị Tu sĩ trẻ nêu trên đã lên được để tới Ba-lan. Trên đường trở về quê hương, bốn nhà truyền giáo này đã lưu lại tại Friesach, và tại đây, vào năm 1221, các Ngài đã thành lập một Tu viện Đa-minh đầu tiên cho nước Đức. Vì tân Tu viện gặp khá nhiều khó khăn lúc ban đầu, nên bốn nhà truyền giáo đã lưu lại nhiều tháng để củng cố tân Tu viện này.
Khi về tới Ba-lan, ngoài việc công bố Tin Mừng, Thánh Hy-a-xin còn thành lập nhiều Tu viện Đa-minh và nhiều trường học tại đó. Ngài trở nên nổi tiếng, nên nhiều người, kể cả người Phổ lẫn người Nga, đều muốn làm môn đệ Ngài. Lòng nhiệt thành mở rộng nước Chúa đã thúc đẩy Ngài đi tới tận Na-uy và Thụy Điển để hoạt động truyền giáo.
Từ năm 1229 tới năm 1233, Thánh Hy-a-xin còn đi tới Ucraina và hoạt động truyền giáo tại Kiew. Tại đây, Ngài đã chinh phục nhiều người Tác-ta.
Theo tương truyền, một lần kia, khi khi Thánh Hy-a-xin đang cử hành Thánh Lễ thì một toán quân đội của địch đã đột nhập Tu viện của Ngài tại Kiew. Vì thế, một tay Ngài liền cầm lấy bình đựng Mình Thánh và tay kia cầm lấy bức ảnh Mẹ Thiên Chúa, và bước đi xuyên qua giữa những kẻ địch, rồi đi bộ băng qua mặt sông Dnjepr, và đi tới Cracowie mà không hề hấn gì cả.
Bất chấp tuổi tác của mình, Thánh Hy-a-xin còn thực hiện nhiều cuộc hành trình truyền giáo tới châu Á, thậm chí Ngài đã đi tới tận Trung Hoa.
Sau khi hoàn tất cuộc hành trình truyền giáo tại Trung Hoa, Thánh Hy-a-xin đã trở về lại Ba-lan, và đã qua đời vào ngày 15 tháng 08 năm 1257 trong Tu viện Đa-minh tại Cracowie.
Cuộc sống của Thánh Hy-a-xin được ghi đậm dấu ấn bởi những cuộc thống hối nghiêm khắc, bởi sự chay tịnh và bởi sự cầu nguyện. Ngoài ra, Ngài còn có một lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, và lòng sùng kính này đã được Ngài thể hiện ngay khi còn niên thiếu.
Sau khi qua đời, Thánh Hy-a-xin đã được các tín hữu tôn kính như một vị Thánh. Tuy nhiên, chỉ nhiều thế kỷ sau, cụ thể là vào ngày 17 tháng 04 năm 1594, Ngài mới được Đức Thánh Cha Clê-men-tê VIII tôn phong lên bậc Hiển Thánh.
Vì ngày qua đời của Thánh Hy-a-xin rơi đúng vào ngày Đại Lễ Mừng Kính Đức Maria Được Rước Về Trời, nên ngày mừng kính Ngài đã được dịch lại muộn hơn hai ngày, tức ngày 17 tháng 08.
Thánh Hy-a-xin được coi là sáng lập viên của Dòng Đa-minh tại Ba-lan và tại một số nước chung quanh. Vì thế, Ngài được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của các Tu sĩ Đa-minh tại Ba-lan, tại Litauen, tại Kiew, tại Pommern, tại Phổ và tại Nga. Ngài được mọi người kêu cầu mỗi khi gặp cảnh đuối nước hay gặp cảnh hiếm muộn.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist
Nguồn: simonhoadalat.com