Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Thánh Brunô I (11/10)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Thánh Bru-nô I, Giám Mục thành Köln

Thánh Bru-nô I, Giám Mục thành Köln (hay gọi theo cách của người Pháp là thành Cologne) cũng được gọi là Bru-nô Sachsen (vì Ngài được sinh ra tại Sachsen). Và sở dĩ Thánh Nhân cũng còn được gọi là Bru-nô I, thành Köln, là bởi vì Ngài là Tổng Giám Mục của Giáo phận Köln, Đức Quốc, và tại Tổng Giáo phận này có tới hai vị Thánh cũng đều mang tên là Bru-nô. Thánh Bru-nô I sinh vào khoảng giữa tháng 05 năm 925 tại Sachsen, Đức Quốc. Ngài là con trai út của hoàng đế Heinrich I. Thân mẫu của Ngài là hoàng hậu Mathilde. Anh trai của ngài là hoàng đế Otto I.

Ngay từ khi mới được sinh ra, Ngài đã sớm biểu lộ những nét đặc thù của một người sống đời thánh hiến. Từ năm 929, tức khi mới lên 4 tuổi, Ngài đã được gửi vào trong nhà trường của Giáo phận Utrecht để học. Ngài được coi là một trong những người có học thức cao nhất của toàn đế quốc thời đó. Khi Ngài lên 14 tuổi thì Cha của Ngài là hoàng đế Heinrich I  qua đời, người anh của Ngài là Otto đã lên kế vị, lấy hiệu là hoàng đế Otto I. Vị tân hoàng đế này đã đón em trai của mình, tức Bru-nô, về lại hoàng cung. Và vào năm 940 khi Thánh Nhân mới 15 tuổi, Ngài đã được anh trai bổ nhiệm làm phó vương của đế quốc. Tuy nhiên dù trên ngai phó vương, nhưng Bru-nô vẫn hướng về đời sống tinh thần và ước muốn trờ thành Linh mục. Vì thế, Ngài đã dành nhiều thời gian để học hỏi và trau dồi kiến thức Thần Học cũng như các khoa học thánh khác. Vào năm 950, Thầy Bru-nô được thụ phong Linh mục. Và từ năm 951 cho tới khi qua đời, Cha Bru-nô luôn luôn hoạt động với tư cách là người đứng đầu các Giáo Sĩ làm việc tại triều đình.

Được lấp đầy bởi tinh thần đạo đức, Cha Bru-nô đã cải thiện và nâng cao việc đào tạo các Giáo Sĩ trong triều đình, và đã đưa trường học của triều đình lên một tầm cao mới. Không những ủng hộ, Ngài còn dấn thấn để khuếch trương công cuộc cải tổ Giáo hội do Gorze khởi xướng, và điều này đã được chứng minh qua sự thành công của Đan Viện Lorsch – một đại Đan Viện mà chính Ngài đích thân điều hành.

Vào năm 951, Cha Bru-nô đã tháp tùng anh trai của mình là hoàng đế Otto I trong cuộc hành quân tới Ý. Nhân cơ hội này, Liudolf Schwaben – con trai của hoàng đế Otto I, và Konrad Lothringen – con rể của ông, đã gây ra một cuộc bạo loạn nhằm lật đổ vua cha. Tuy nhiên, Cha Bru-nô vẫn trung thành với hoàng đế Otto I trong cuộc bạo loạn đó.

Vào năm 953, Cha Bru-nô đã được tấn phong để trở thành Tổng Giám Mục của Tổng Giáo phận Köln, Đức Quốc. Nhưng trước đó, hoàng đế Otto I đã bổ nhiệm Cha làm công tước của Lothringen. Chức vụ này được hiểu như là nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho chính quyền tại đó.

Với chức vụ kép, vừa là Tổng Giám Mục, lại vừa là công tước của đế quốc, Đức Cha Bru-nô đã bênh vực cho những mối quan tâm của anh mình là hoàng đế Otto I. Tại Công Đồng Aachen, Ngài đã liên kết khắng khít các Giáo sĩ với triều đình, và đã khởi xướng một cách tổ chức mới cho Giáo hội, gọi là Giáo hội của đế quốc. Phương pháp của Ngài là: tự mình đảm nhận công việc điều hành trường học của Tổng Giáo Phận, và quy tụ tất cả các học sinh năng khiếu từ khắp nơi trong đế quốc về đó, chung quanh Ngài, rồi đào tạo họ với ý định sẽ bổ nhiệm họ làm Giám mục của tất cả những Giáo phận quan trọng nhất trong đế quốc, để họ hoạt động theo mục đích của Ngài.

Thánh Bru-nô là vị Tổng Giám Mục đầu tiên của Tổng Giáo Phận Köln, cùng lúc, nắm trong tay cả quyền đạo lẫn quyền đời. Và quyền lực kép này đã được chuyển lại cho các Tổng Giám Mục sau đó của Köln. Cho tới tận năm 1801 khi Napoleon tiến hành việc quốc hữu hóa mọi tài sản của Giáo hội thì các Tổng Giám Mục của Köln vẫn còn nắm trong tay cả quyền đạo lẫn quyền đời như thời Thánh Bru-nô.

Hoàng đế Otto I muốn bảo vệ chế độ quân chủ và chống lại lợi ích của các tộc trưởng khác nhau. Ở đây, Giáo hội đóng một vai trò có tính quyết định: được giải phóng khỏi những mối qua tâm mang tính cục bộ và địa phương, và đặc biệt là các mối quan tâm liên quan đến gia đình, và dòng tộc, các Đức Giám mục nên trở thành những trụ cột của đế quốc.

Đích thân Đức Tổng Giám mục Bru-nô đã xức dầu tấn phong cho người cháu của mình là Otto II làm vua xứ Aachen. Trong khi Otto I hành quân tới Italia từ năm 961 tới năm 965, thì Đức Tổng Giám Mục Bru-nô đã làm nhiếp chính của đế quốc, và không hề chùn tay trước những cuộc bạo loạn của quân đội. Vì thế, ngay sau khi Thánh Bru-nô qua đời, người ta đã truyền tai nhau câu chuyện về một thị kiến của Giáo sĩ Poppo, theo đó, Thánh Nhân đã bị tòa án tối cao kết tội vì đã tham gia một cách quá đáng vào những công việc có tính thế tục, nhưng Ngài lại được thánh Phao-lô bênh vực và bào chữa cho.

Dù vô cùng bận rộn với công việc điều hành cả bên Giáo hội lẫn bên đế quốc, nghĩa là điều hành cả đạo lẫn đời, nhưng với tư cách là Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Köln, Thánh Bru-nô vẫn dành nhiều thời gian để chăm lo cho đời sống cả tinh thần lẫn vật chất của các Đan Viện. Không những thế, Ngài còn đích thân thành lập nhiều Đan Viện mới, chẳng hạn như Đan Viện St. Pantaleon, Đan Viện St. Martin, Đan Viện St. Andreas, Đan Viện St. Maria tại Kapitol và Đan Viện Patrokli tại Soest. Ngài đã ra lệnh phá rỡ nhà thờ của đan Viện St. Andreas và cho xây lại mới, cũng như đã ra lệnh mở rộng nhà thờ Chính Tòa Köln thêm mỗi bên một gian dài nữa. Ngài cũng đã yêu cầu mang sợi dây xích của Thánh Phê-rô, cũng như mang cây gậy của Thánh Nhân về Köln, mà theo tương truyền, nhờ vào cây gậy này, một người tên là Maternus đã được phục sinh từ cõi chết.

Sau khi đến Compiègne, Pháp Quốc, với tư cách là sứ giả hòa bình, Thánh Bru-nô đã qua đời trên đường trở về nhà, có lẽ vì Ngài bị kiệt sức do những hoạt động quá mức. Ngài qua đời vào ngày 11 tháng 10 năm 965 tại Reims, cũng trên đất Pháp. Trước khi qua đời, Ngài vẫn còn kịp nói lên ý nguyện về chuyện hậu sự của mình. Vì thế, theo ý Ngài, người ta đã đưa thi hài của Ngài về Đan Viện St. Pantaleon do chính Ngài thành lập, và an táng Ngài tại đó.

Vào năm 989, Đan Sĩ Ruotger của Đan Viện Biển Đức St. Pantaleon đã soạn thảo một bộ hạnh tích về Thánh Bru-nô. Bộ hạnh tích này cố gắng chứng mình rằng, ngay cả một Giám mục với nhiều quyền lực thế tục nhưng cũng vẫn có thể thực hành một đời sống đạo hạnh như một Đan Sĩ.

Dù các tín hữu của Tổng Giáo Phận Köln cũng như của những vùng lân cận đã dành cho Đức Tổng Giám Mục Bru-nô một niềm tôn kính đặc biệt ngay từ lúc Ngài mới qua đời, nhưng mãi tới năm 1870, Tòa Thánh Vatican mới chuẩn y việc tôn kính Ngài với tư cách là một vị Thánh.

Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Bru-nô I Giám Mục thành Köln vào ngày 11 tháng 10, tức ngày qua đời của Ngài với bậc Lễ nhớ tự do, hay cũng còn gọi là Lễ Bậc IV. Giáo hội Tin Lành tại Đức cũng mừng kính Ngài, nhưng mừng vào ngày mồng 10 tháng 10.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist
Nguồn: SIMONHOADALAT

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận