Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH COVID-19 THẾ GIỚI ĐẶT VẤN NẠN: “TẠI SAO NGÀI IM LẶNG?”

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

 GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH COVID-19 THẾ GIỚI ĐẶT VẤN NẠN: “TẠI SAO NGÀI IM LẶNG?” CHIÊM NGẮM ĐỨC GIÊSU TRÊN THẬP GIÁ VỚI CÂU HỎI VÀ HÃY LẮNG NGHE NGÀI TRẢ LỜI.

 Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, cứ mỗi thứ 6 về, chúng con lại họp nhau suy gẫm mầu nhiệm thập giá để hiểu biết hơn, cảm sâu hơn, yêu mến hơn và bước theo sát dấu chân Thầy hơn trên đường Thánh Giá. Đức Cha Lambert cũng đã dạy chúng con như thế, không chỉ ngày thứ 6 trong tuần, nhưng là từng phút giây trong cuộc sống của người nữ tu Mến Thánh Giá.

 Thật không còn vinh dự nào bằng được chung chia sứ mạng cứu thế của Ngài- Con Một duy nhất của Thiên Chúa. Chúng con chỉ biết dâng lời cảm tạ, những lời thô thiển, mộc mạc nhưng chất chứa mọi tâm tình của chúng con.
Trong khoảng không gian tĩnh mịch và sâu lắng này, tâm hồn chúng con mong được lắng sâu trong tình Chúa, để được nghe những tiếng huyền nhiệm từ Thập giá Chúa, những tiếng an ủi và khích lệ, những tiếng nhủ khuyên và răn dạy, những tiếng yêu thương, thôi thúc dấn thân,…

 Nguyện xin Chúa chúc lành, thánh hóa và thánh hiến từng người chúng con để chúng con luôn tin tưởng vào tình yêu quan phòng và vĩnh cửu của Ngài.

 Hôm nay, với thắc mắc: “tại sao Thầy mãi hoài im lặng?” chúng con xin được chiêm ngắm Thầy trên thánh giá và muốn lắng nghe câu trả lời thỏa đáng, để chúng con an tâm hơn, vững dạ hơn giữa muôn vàn khó khăn, thử thách hôm nay và ngày mai.

 Sau hơn 5 tháng sống trong lo lắng, bất an vì cơn đại dịch Covid-19 hoành hành. Nó lây nhiễm đến hơn 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm cho cả thế giới phải đau khổ, hoang mang, nhất là khi chưa nghiên cứu được vắc xin chữa trị. Giữa những cơn đại nạn, con người dường như bất lực chỉ biết trông cậy vào Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài để sự dữ tồn hữu và thống trị? Tại sao Ngài không nhanh chóng can thiệp, cứu giúp? Chúa Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế không? Hay chẳng có Thiên Chúa?

 Trích lời chia sẻ của DrSmile, người Ý, một sinh viên Y khoa năm gần cuối và là một người Công giáo nói rằng: Chúa đã bỏ mặc chúng ta hay sao? Vì sao chúng ta phải trải qua những cơn đau khổ kinh hoàng như thế này? Điều này thực sự làm tôi dằn vặt trong cơn đại dịch Covid-19 này. Tôi không có một lời giải thích nào nhưng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm về đau khổ của mình. Thửa còn bé, tôi thường bị những trận đòn rất đau của bố, lúc đó, tôi phát hiện ra rằng cơn đau kinh khủng nhất không phải là đòn roi của bố mà là giọt nước mắt của mẹ. Chính lúc đó, tôi hiểu ra rằng nỗi đau khổ nhất là chứng kiến người mình Yêu đau khổ. Sau này lớn lên, trải qua quảng đời của mẹ đã đi qua, tôi càng thấm thía những nỗi đau của mẹ.

 Thiên Chúa chúng ta cũng thế, Ngài thinh lặng trong sự hiện diện, một sự thinh lặng để lắng nghe, để cảm thông. Thinh lặng là sự chia sẻ, lời an ủi sâu sắc giữa những người bạn thân thiết nhất. Điều này có lẽ mỗi người chúng ta đều kinh nghiệm. Khi gặp khó khăn, đau khổ, tôi cần biết bao những nguời bạn lặng thầm bên cạnh hơn là những người cứ lảm nhảm bên tai. Người bạn ấy chẳng nói lời nào bởi nghẹn ngào chẳng thể nói. Người bạn ấy chẳng làm gì giúp tôi vì bạn ấy cũng đang đau nỗi đau của tôi. Người bạn ấy trước tiên là Đức Giêsu, người bạn không bao giờ vắng mặt trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những lúc khó khăn. Tôi có nhận ra không?

 Người vô thần lấy đau khổ để bài bác đức tin rằng: Nếu Chúa thật sự tồn tại và “ông ta” thực sự toàn năng và yêu thương con người thì đau khổ sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, thực tế thì đau khổ vẫn hiện diện quanh chúng ta. Vì thế, rõ ràng Chúa không tồn tại hoặc “ông ta” không thể toàn nặng và yêu thương con người. Còn chúng ta thì sao? Khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống, lúc gặp khủng hoảng trong đời tu hay khi gia đình mắc phải họa vô đơn chí, hoặc lúc bị cộng đoàn chống đối loại trừ, khi thất bại buông xuôi, lúc bất mãn thoái thác,…tôi đã nghĩ gì? Phải chăng chính nhờ đau khổ mà chúng ta được gần gũi Thiên Chúa hơn?

 Đau khổ và sự dữ là hệ quả của tội lỗi. Tội đã đi vào thế gian và gieo rắc đau khổ. Thiên Chúa đã sai chính Con Một duy nhất của Ngài đến trong thế gian và cứu độ con người. Ngài không xua đuổi hay dùng quền nặng bóp nghẹt sự dữ, nhưng khoác cho nó một chiếc áo mới, biến nó thành phương tiện phục vụ Tin Mừng. Như vậy, Thiên Chúa không thất bại trước sự dữ, không khoanh tay bỏ mặc sự dữ hoành hành, nhưng thống trị nó, hoán cải nó. Không có sự dữ nào có thể ngăn cản kế hoạch đời đời của Thiên Chúa là yêu thương con người, là muốn con người được thông hiệp sự sống với Ngài.

 Thật vậy, trước kia người ta ghê sợ và ám ảnh khi nhìn thấy một tử tội chết treo, nhưng kể từ khi Đức Giêsu được treo lên thì thập giá trở thành dấu chỉ của phúc lành, của ơn cứu độ. Thiên Chúa của chúng ta không chỉ cảm thông, an ủi mà còn cúi tận sâu trong thân phận con người để gánh lấy mọi đau khổ. Thiên Chúa không chỉ thinh lặng bên cạnh những đau khổ của con người mà Ngài còn đi vào trong chính đau khổ, nếm trải mọi đau khổ, kể cả nỗi hoang mang, lo sợ khi Chúa Cha cứ mãi lặng im. Nơi vườn dầu Ngài thốt lên: “Lạy Cha, sao đành im lặng, sao cứ hững hờ, cứ để con chết giữa khung trời bơ vơ” và “nếu có thể được, xin cất chén này xa con”. Ngài là Thiên Chúa và cũng là người thật.

 Nơi Thập Giá, Thiên Chúa biểu dương quyền năng tuyệt đối và tình yêu vô biên của Người, khi chia sẻ thân phận khổ đau và cái chết của con người. Chính nơi Thập Giá, chúng ta khám phá Ba Ngôi Thiên Chúa tự trao cho con người trong cùng một sự sống thần linh với cách thức khác biệt. Chỉ khi chiêm ngắm thập giá Đức Kitô trong sự thinh lặng, tôi mới nghe được tiếng nói đầy yêu thương của Thiên Chúa chúng ta. Thập giá là sức mạnh cho ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Đó là kinh nghiệm của biết bao chứng nhân đức tin. Những người không hoang mang sợ hãi trước đau khổ, không lo lắng, bất an trước sự dữ nhưng can đảm tuyên xưng đức tin, làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu. Giờ đây các ngài đang hưởng vinh quang chiến thắng, ngẩn cao đầu giơ cao tay với cành lá thiên tuế. Trong số đó có không ít các chị em của chúng ta.

 Trong suốt thời gian chống chọi với đại dịch vừa qua, tôi đã suy nghĩ gì? Hay tôi cũng lo lắng, hoang mang khi kêu cầu mà Chúa mãi lăng yên? Tôi sợ hãi Virus corona xâm nhập, sợ phải cách li lâu dài,…nên tự mình cách li với chị em. Tôi đã làm gì với sứ mạng là một nữ tu Mến Thánh Giá? Tôi có từng nghĩ mình phải đóng góp gì cho xã hội không? Hay ít là an ủi những nạn nhân của dịch tể, hay chỉ là thở dài ngao ngán?

 Nhìn dài hơn một chút, tôi đã được đào tạo để là một giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm, giàu kỹ năng ư? Hay là một bác sĩ, một kỹ sư chuyên nghiệp? một nhà lãnh đạo lỗi lạc, đại tài? Có bao giờ tôi tự huấn luyện mình để trở thành một nữ tu Mến Thánh Giá “chính hiệu” chưa? Hay có chăng chỉ là một tu sĩ chung chung, chăm chăm chú chú giữ 3 Lời khấn là đủ? Hay tôi là một nữ tu mẫu mực, tuân giữ giờ giấc, kỷ luật, nhưng bo bo giữ mọi thứ cho riêng mình, chẳng quan tâm tới ai, với phương châm: tôi không động đến ai thì đừng hòng ai động đến tôi. Tôi có thực sự là cánh tay nối dài của Chúa Cứu Thế chăng? Hơn bao giờ hết, thế giới đang cần đôi tay ấy, cần sự hiện diện cảm thông dù trong thinh lặng. Tôi có cho Đức Kitô mượn lấy thân xác của tôi để lau sạch nước mắt, để xoa dịu bao nỗi đau thương, cùng khốn, và để tiếp tục hoán cải sự dữ không? Bây giờ không phải tôi hỏi Chúa, mà Chúa đang hỏi tôi. Hãy trả lời Ngài. Xin cho chị em Mến Thánh Giá chúng con khi đã cảm sâu mầu nhệm thập giá không chỉ để vui nhận đau khổ cho riêng mình, nhưng phải là câu trả lời cho những vấn nạn của thế giới hôm nay.

 Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con và là Thầy của chúng con. Chúng con được tuyển chọn đi theo sát dấu chân Thầy trên đường Thánh Giá. Thế nhưng, chúng con chỉ vui bước với Thầy trên những quảng đường trơn tru, còn lúc dốc dác khó khăn con lại nghi vấn, tháo lui. Xin tha thứ và thêm sức cho chúng con.

 Xin cho chúng con lắng sâu trong chiêm ngắm, nguyện cầu để cảm thấu ân tình cao quí của Chúa hầu từng phút giây trong cuộc đời chúng con đều là lời suy tôn tình yêu hy hiến của Chúa. Nguyện xin dòng máu Tình Yêu từ cạnh sườn của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh đổ tràn trên chúng con, thánh hóa và biến đổi chúng con nên người mới trong Chúa để chúng con có thể tiếp bước cách vững vàng hơn theo linh đạo Mến Thánh Giá.

MTG/QN

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận