日本語
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được hồn an xác mạnh, và nhờ lời chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Maria vinh hiển, xin giải thoát chúng con khỏi cảnh sầu thương trên đường đời, và cho chúng con hưởng niềm vui bất tận. Chúng con cầu xin …
???? Bài đọc 1 St 3,9-15.20
Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà.
Bài trích sách Sáng thế
9 Sau khi con người ăn trái cây, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?” 10 Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” 11 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi : “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?” 12 Con người thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” 13 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà : “Ngươi đã làm gì thế ?” Người đàn bà thưa : “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” 14 Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn :
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
15Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
20 Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh.
???? Đáp ca Tv 86,1-2.3 và 5.6-7 (Đ. c.3)
Đ.Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!
1Thành Xi-on được lập trên núi thánh.
2Chúa yêu chuộng cửa thành
hơn mọi nhà của dòng họ Gia-cóp.
Đ.Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!
3Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!
5Nhưng nói về Xi-on, thiên hạ bảo :
“Người người sinh tại đó.”
Chính Đấng Tối Cao đã củng cố thành.
Đ.Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!
6Chúa ghi vào sổ bộ các dân :
“Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó.”
7Và ai nấy múa nhảy hát ca :
“Xi-on hỡi, mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành.”
Đ.Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!
Tung hô Tin Mừng
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Lạy Đức Nữ Trinh diễm phúc,
Đấng đã sinh hạ Chúa Trời.
Lạy Thân Mẫu hồng phúc của Giáo Hội,
Đấng giữ nơi chúng con lửa Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô, Con lòng Mẹ.
Ha-lê-lui-a.
???? Tin Mừng Ga 19,25-27
Đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
25 Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Con Một Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại, ước gì Người ban ơn trợ giúp chúng con. Xưa khi Người giáng sinh, đức đồng trinh của Thánh Mẫu đã không vì thế mà bị tổn thương, nhưng đã được thánh hiến, nay ước gì Con Một Chúa cũng giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin …
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Trong ngày lễ (. . .) của Ðức Ma-ri-a diễm phúc trọn đời đồng trinh, chúng con cùng ca ngợi, chúc tụng và tung hô Chúa.
Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Ðức Maria đã thụ thai Con Một Chúa, và đã chiếu giãi vào thế gian ánh sáng vĩnh cửu là Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.
Nhờ Người, các Thiên thần ca ngợi, các Quản thần thờ lạy, các Quyền thần kính sợ uy linh Chúa. Các tầng trời cùng với các đạo binh thiên quốc, cùng với các thần Sốt mến đồng hân hoan chúc tụng Chúa. Xin cho chúng con đồng thanh với các ngài thành khẩn tuyên xưng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa hoan hỷ cử hành thánh lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria và được ăn bánh bởi trời. Xin cho chúng con biết noi gương Ðức Trinh Nữ rất thánh mà hết lòng cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
???? Gợi ý suy niệm
Từ lúc đáp lời Xin Vâng cho đến đứng dưới chân thập giá,
Mẹ Maria đã cùng Chúa đi trọn con đường cứu độ.
Tin tưởng vào Thiên Chúa, Mẹ hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giê-su.
Trong lúc đau đớn tột cùng,
Chúa vẫn quan tâm đến các môn đệ, đang tản mác vì sợ hãi.
Người đã trao các môn đệ của mình cho Mẹ,
nhờ Mẹ củng cố niềm tin và hy vọng cho các ông.
Mẹ tiếp tục đáp lời Xin Vâng,
dẫu trước mắt là Thập Giá, và sự yếu đuối của các môn đệ,
vì Mẹ tin rằng: “không gì là không thể đối với Thiên Chúa!”
Mẹ hoàn thành sứ mạng Chúa trao,
khi cùng các môn đệ sốt sắng cầu nguyện,
dọn lòng để đón sức sống mới trong Chúa Thánh Thần.
Trong ngày khai sinh Giáo Hội,
sự hiện diện của Mẹ làm tăng thêm bầu khí thánh thiêng của lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Mẹ xứng đáng làm Nữ Vương, và làm Mẹ tinh thần cho tất cả các tín hữu.
Mẹ xứng đáng đón nhận các thiên chức:
Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Vô Nhiễm,
Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh, và Mẹ Hồn Xác Về Trời.
Trải qua hơn 2000 năm trong lịch sử của Hội Thánh,
Đức Mẹ luôn được yêu mến bởi các thánh,
và vai trò của Người luôn được đề cao trên mọi phàm nhân.
Mẹ là E-va mới, là Mẹ của Dân Mới trong Chúa Giê-su Ki-tô.
Các đây hơn hai năm,
nhằm giúp mọi thành phần Dân Chúa yêu mến Mẹ hơn nữa,
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã chính thức xác lập
ngày thứ hai sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,
để kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Giáo Hội.
Bước vào tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Cùng Mẹ, chúng ta tiếp tục bước vào mầu nhiệm Tình Yêu,
nơi Thánh Tâm Chúa.
Xin Mẹ cùng chúng con cầu nguyện và củng cố niềm tin nơi chúng con.
???? Sắc Lệnh của Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về việc cử hành Lễ Kính nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo hội trong lịch Phụng Vụ chung của Giáo hội Rô-ma:
Trong khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Ki-tô cũng như chiêm ngưỡng bản thể Giáo hội, việc mừng kính Mẹ Thiên Chúa trong Giáo hội của thời đại chúng ta không thể lãng quên hình tượng người phụ nữ (xc. Gal 4,4), Đức Trinh Nữ Maria, Đấng vừa là Thân Mẫu Chúa Ki-tô và đồng thời cũng là Mẹ Giáo hội.
Trong những suy tư của Giáo hội, một cách nào đó, điều này cũng đã có sẵn trong những lời có tính tiên đoán của Thánh Augustinô cũng như của Thánh Lê-ô Cả. Thánh Augustinô nói rằng, Đức Maria là Mẹ các chi thể của Chúa Ki-tô, vì với Tình Yêu của mình, Mẹ đã cùng hoạt động trong công cuộc tái sinh các tín hữu trong Giáo hội. Còn Thánh Lê-ô Cả thì nói, việc sinh ra đầu cũng là việc sinh hạ thân thể. Ngài quả quyết rằng, Đức Maria vừa là Thân Mẫu của Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa, và đồng thời cũng là Mẹ của các chi thể thuộc thân mình mầu nhiệm, tức Giáo hội. Những suy tư đó bắt nguồn từ tư cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria và từ sự kết hiệp của Mẹ với hoạt động của Đấng Cứu Độ, mà hoạt động ấy đạt tới tột đỉnh trong giờ Thập Giá.
Vì khi đứng dưới chân Thập Giá của Chúa Ki-tô (xc. Ga 19,25), Mẹ đã lãnh nhận bức di chúc Tình Yêu của Con mình, mà thông qua việc lãnh nhận bức di chúc đó, Mẹ đã đón nhận tất cả nhân loại, được thể hiện nơi người Môn Đệ Chúa Yêu, với tư cách là những người con, để họ được tái tạo hầu đạt tới được sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ trở thành Mẹ nuôi đầy Tình Yêu của Giáo hội mà Chúa Ki-tô đã sinh ra trên Thập Giá qua việc thổi Thần Khí. Về phía mình, trong người Môn Đệ được yêu, Chúa Giê-su đã tuyển trọn tất cả những người khác mà Ngài trao phó Thân Mẫu của Ngài cho họ với tư cách là những người đại diện cho Tình Yêu của Ngài đối với Mẹ, để họ tôn kính Mẹ với Tình Yêu con thảo.
Với tư cách là người ủi an và dậy dỗ Giáo hội đang phát triển, Đức Maria đã đảm nhận sứ mạng từ mẫu của mình trong nhà Tiệc Ly, trong lúc Mẹ cùng với các Tông Đồ cầu nguyện và đợi chờ sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần (xc. Cv 1,14). Trong ý nghĩa ấy, niềm đạo đức Ki-tô giáo trong suốt nhiều thế kỷ đã tôn kính Đức Maria với nhiều tước hiệu khác nhau, nhưng theo một cách nào đó thì đều có tầm quan trọng ngang nhau, chẳng hạn như Thân Mẫu của các môn đệ, của các tín hữu, của những người tin, và của tất cả những ai được tái sinh trong Chúa Ki-tô, nhưng cũng với tước hiệu “Mẹ Giáo hội”, mà tước hiệu này xuất hiện trong các bản văn của các văn sĩ Ki-tô giáo lẫn trong Giáo huấn của Đức Bê-nê-đíc-tô XIV, cũng như của Đức Lê-ô XIII.
Dựa vào nền tảng rõ ràng đó, trong buổi bế mạc phiên họp thứ ba của Công Đồng Vatican II, Chân Phúc Phao-lô VI đã tuyên bố Rất Thánh Trinh Nữ Maria là “Mẹ Giáo hội, có nghĩa là Mẹ của toàn dân Ki-tô giáo, tức các tín hữu, các Mục Tử mà họ gọi Mẹ là Thân Mẫu đáng mến nhất của mình”, và Ngài quyết định rằng, “với tước hiệu này, từ nay trở đi, toàn dân Ki-tô giáo sẽ làm cho Mẹ Thiên Chúa nhận được một sự tôn kính lớn hơn, và hướng lời cầu khẩn của họ lên Mẹ.”
Vì thế, trong khi tiến tới việc cử hành Năm Thánh Giao Hòa (1975), Tòa Thánh đã giới thiệu một bản Lễ tôn kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội, mà sau đó, bản Lễ này đã được bổ sung vào trong Sách Lễ Rô-ma, và đã đưa đến việc cho phép bổ sung một lời kêu cầu dưới tước hiệu này vào trong Kinh Cầu Đức Bà (1980), cũng như đã dẫn tới việc soạn thảo ra các bản mẫu Thánh Lễ khác trong một tuyển tập các Thánh Lễ về Đức Mẹ, và đã được công bố (1986). Một số quốc gia, kể cả các Giáo phận và các Cộng Đoàn Dòng Tu, đã xin phép để được bổ sung ngày Lễ này vào trong lịch riêng của mình.
Sau khi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã cẩn thận cân nhắc về việc thúc đẩy lòng tôn kính này sẽ có thể làm tăng thêm niềm hiểu biết nơi các vị Mục Tử, nơi các Tu Sĩ và nơi các tín hữu về tư cách làm Mẹ của Giáo hội cũng như về lòng tôn sùng Đức Maria cách chân chính, như thế nào, thì Ngài đã quyết định rằng, ngày Lễ Kính Nhớ Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, Mẹ Giáo hội, sẽ được ghi vào trong Lịch của Giáo Hội Rô-ma, và được cử hành hằng năm vào ngày thứ Hai sau Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Việc mừng kính này sẽ giúp nhắc nhớ chúng ta rằng, để có thể phát triển, đời sống Ki-tô giáo phải được neo chặt vào trong mầu nhiệm Thánh Giá, trong sự trao hiến của Chúa Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể, và trong sự hy sinh của Đức Trinh Nữ, Mẹ Đấng Cứu Chuộc và là Mẹ của tất cả những ai được cứu chuộc.
Vì thế, ngày kính nhớ nêu trên sẽ được bổ sung vào trong tất cả các bộ lịch và trong các sách Phụng Vụ để cử hành Thánh Lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ; những bản văn Phụng Vụ tương ứng sẽ được đính kèm với sắc lệnh này: việc phiên dịch các bản văn nêu trên và việc xét duyệt các bản dịch ấy, sẽ được thực hiện bởi các Hội Đồng Giám Mục, và sẽ được công bố sau khi đã được Thánh Bộ này phê chuẩn.
Nhưng ở đâu, ngày Lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, đang được cử hành vào một ngày khác với bậc Lễ cao hơn chiếu theo luật đặc quyền đã được chuẩn thuận, thì trong tương lai, ngày Lễ này vẫn có thể tiếp tục được cử hành ở đó trong cùng một cách thức như từ trước tới nay.
Tất cả những gì ngược lại với những quy định của Sắc Lệnh này đều bị bãi bỏ.
Từ Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
Ngày 11 tháng 02 năm 2018
Nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Lộ-đức
Đức Hồng Y Robert Card Sarah
Tổng Trưởng Thánh Bộ
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche
Thư Ký Thánh Bộ
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – (biên soạn, biên dịch và tổng hợp)
Nguồn: daminhtamhiep.net