Học hỏi Thánh Kinh từ kênh Youtube Thức Tỉnh – Awakenings.
Theo mô tả của tác giả kênh này: “Thức Tỉnh Awakenings Channel là một kênh kiến thức về Kinh Thánh qua mục thách thức trí tuệ mỗi tuần. Mục đích nhằm tăng sự hiểu biết về thánh kinh và đức tin, đồng thời, kênh muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tìm lại định hướng qua đời sống đức tin và lý tưởng của cuộc sống, để thay đổi bản thân và đóng góp cho xã hội.”
Chỉ có khoảng 15 phút cho mỗi bài học, nhưng tác giả đã tóm tắt và cho chúng ta có một cái nhìn tổng quan về Sách Thánh. Mong rằng những videos này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về Kinh Thánh, muốn khám phá học hỏi Thánh Kinh hơn, để yêu mến Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày của mình.
Giữa mùa đại dịch Covid-19 và trong mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc đời lữ hành, xin cho mỗi người chúng ta luôn vững lòng trông cậy và tín thác nơi Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Đường hướng của Chúa và sự Khôn Ngoan của Thánh Kinh luôn vượt xa trí tuệ của con người, nhưng lại là đuốc sáng tâm linh cho bất cứ ai thành tâm thiện chí tìm kiếm chân lý cho cuộc đời mình.
Thách Thức Trí Tuệ Tuần 25: Đền thờ – Sự hiện diện của Thiên Chúa
Lời giới thiệu của tác giả về TTTT Tuần 25:
Đền Thờ – Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa – Sách Khácgai và Dacaria – TTTT Tuần 25. Sau gần hai mươi năm dân Giu-đa lưu đày trở về, khoảng năm 520 tCN, ngôn sứ Khác-gai hoạt động tại Giê-ru-sa-lem để động viên dân Chúa tiếp tục công việc tái thiết Đền Thờ đang bị dang dở và bị đình trệ 15 từ khi trở về từ lưu đầy. Việc tái thiết phải ngừng trệ vì thiếu nguồn tài chính, và vì dân Sa-ma-ri phản đối. Nhờ Er 5,1 chúng ta biết được rằng ngôn sứ Khác-gai và ngôn sứ Da-ca-ri-a có nhiệm vụ khích lệ người Do-thái hoàn tất công trình tái thiết. Khác-gai là tiếng nói đầu tiên sau lưu đầy, tên của ông có nghĩa là Những ngày lễ, lễ hội, ông hoạt động trong một thời gian vắn chừng bốn tháng, từ tháng tám đến tháng mười hai, năm 520 tCN dưới triều Đa-ri-ô I.
Ngày nay không có một nhà Kinh Thánh nào lại công nhận sách Da-ca-ri-a là tác phẩm duy nhất của một tác giả duy nhất. Sách Da-ca-ri-a gồm hai phần khác nhau, được soạn thảo vào những thời điểm khác nhau, do những tác giả khác nhau. Phần I (ch. 1 – 8) do ngôn sứ Da-ca-ri-a viết. Ông là người đồng thời với ngôn sứ Khác-gai, sau lưu đày trở về. Phần II (ch. 9 – 14) do một tác giả hay nhiều tác giả viết muộn mãi sau này. Người ta gọi phần này là đệ nhị Da-ca-ri-a. Vì thế, chúng ta buộc phải tìm hiểu riêng từng phần.
Hai ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a tin rằng việc tái thiết Đền Thờ là một điều kiện tất yếu để Thiên Chúa mau đến ngự ở giữa đoàn dân. Người sẽ ngự ở Giê-ru-sa-lem đến muôn đời. Các ngôn sứ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Trước thời lưu đày, Hòm Bia Giao Ước được đặt ở Nơi Cực Thánh làm dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Hòm Bia Giao Ước đã bị lấy mất hoặc bị phá huỷ thời chiến tranh. Sau thời lưu đày, không còn Hòm Bia Giao Ước, toàn bộ Đền Thờ có ý nghĩa quan trọng đối với niềm tin của dân Ít-ra-en. Có lẽ Hòm Bia Giao Ước được sánh như “hình tượng” của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã cấm tạc tượng (x. Xh 20,4 ; Đnl 4,16-18). Nhờ cuộc lưu đày, dân Chúa biết thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần qua việc đọc và suy niệm Lề Luật. Ngôn sứ Khác-gai muốn cho dân tái thiết Đền Thờ, bởi lẽ ông đã nhận ra Đền Thờ giữ vai trò giáo huấn đức tin cho dân Chúa. Thiên Chúa vui thích và tỏ vinh quang của Người (x. 1,8) ở Đền Thờ, Thiên Chúa vui thích ngự ở Đền Thờ, vì dân Chúa đã được gột rửa khỏi một thứ tôn giáo giới hạn trong lãnh thổ Giu-đa.