Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên (B) (13/10)

vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (Kn 7,7-11)

Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan.

Bài trích sách Khôn ngoan

7Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.
8Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.
Tôi coi của cải chẳng là gì
so với Đức Khôn Ngoan.
9Đối với tôi, trân châu bảo ngọc
chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng chỉ là cát bụi,
và bạc, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng kể như bùn đất.
10Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan
hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng,
vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan
chẳng bao giờ tàn lụi.
11Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan,
mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan,
của cải quá nhiều không đếm xuể.

🌸 Đáp ca Tv 89,12-13.14-15.16-17 (Đ. c.14)

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
15Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ,
bù lại những tháng năm
Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

16Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa
được thấy công trình Ngài thực hiện,
và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.
17Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

🌸 Bài đọc 2 (Hr 4,12-13)

Lời Thiên Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri

 12 Thưa anh em, lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. 13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.

Tung hô Tin Mừng Mt 5, 3

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mc 10,17-30 )

Hãy đi bán những gì anh có, rồi hãy đến theo tôi.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

 17 Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 18 Đức Giê-su đáp : “Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói : “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

 23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp : “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau : “Thế thì ai có thể được cứu ?” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

 28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” 29 Đức Giê-su đáp : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT

“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21)

I. CÁC BÀI ĐỌC

    Người đời không ai muốn mình dại, nhưng không phải ai cũng biết chọn sống khôn ngoan. Các bài đọc Lời Chúa hôm gợi lên những nẻo đường khôn ngoan có thể không giống theo kiểu người đời, nhưng lại là lối đường khôn ngoan đích thật dẫn đến Nước Trời. 

1. Bài đọc 1:

    Đoạn sách Khôn ngoan phản ánh thị kiến về lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa của Salômôn trong 1V 3,4-15. Salômôn được ca ngợi vì cách sống khôn ngoan của ông, khi ông chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Đức Khôn ngoan và coi đó là thứ quý giá hơn bất cứ thứ gì khác trên trần gian này.

    Trước hết, tác giả sách Khôn ngoan khẳng định rằng ông đã cầu xin sự hiểu biết và Thiên Chúa đã ban cho ông; ông cũng đã kêu cầu và nhận được thần khí Khôn ngoan (Kn 7,7). Điểm đặc biệt trong lời cầu nguyện của Salômôn là việc ông chỉ xin Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết và thần khí Khôn ngoan. Lời cầu xin của Salômôn không những được Thiên Chúa đón nhận mà còn được tán dương vì Thiên Chúa hài lòng trước một lời cầu xin như thế (x. 1V 3,10).

    Thêm vào đó, Salômôn quý chuộng Đức Khôn ngoan hơn bất cứ thứ gì khác. Mọi thứ chỉ là cát bụi khi đem so sánh với Đức Khôn ngoan. Dù là vương trượng, ngai vàng, trân châu, bảo ngọc, hay vàng bạc đều không so bì được với Đức Khôn ngoan. Ông ham chuộng Đức Khôn ngoan hơn cả sức khoẻ, sắc đẹp hay ánh sáng, vì vẻ sáng chói của Đức Khôn ngoan không bao giờ tàn lụi. Đức Khôn ngoan là thứ duy nhất mà ông dám đánh đổi tất cả để có được với tả cả lòng yêu mến và say mê (Kn 7,8-10).

    Sau cùng, khi chọn Đức Khôn ngoan là ưu tiên số một trên tất cả mọi sự, thì Salômôn lại nhận được cả những thứ mà ông không cầu xin, vì “cùng với Đức Khôn ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể” (Kn 7,11; x. 1V 3,11-13). Cách nói “đã đến với tôi” như muốn khẳng định rằng đó là những điều Salômôn không kêu cầu nhưng vẫn được Thiên Chúa ban cho.

    Vậy thế nào là khôn ngoan theo quan điểm của sách Khôn ngoan ở đây? Khôn ngoan là biết cầu xin, không phải những của cải vật chất hay vinh quang, mà là sự hiểu biết Thiên Chúa và Đức Khôn ngoan của Người. Nếu đọc sách Khôn ngoan trong lăng kính của Tân Ước trong đó Đức Khôn ngoan chính là hình ảnh nhân cách hoá của chính Chúa Giêsu thì khôn ngoan chính là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thực và Đấng mà Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô; sự khôn ngoan như thế dẫn đến ơn cứu độ (x. Ga 17,3).

2. Bài đọc 2

    Đoạn thư Hípri nhấn mạnh sức tác động lớn lao và sâu xa của Lời Thiên Chúa. Sự hữu hiệu, sắc bén và sống động của Lời Thiên Chúa có sức phê phán và phơi bày tất cả.

    Trước hết, Lời Thiên Chúa không chỉ là lời khô khan, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua miệng các ngôn sứ, nhưng là lời sống động được mạc khải vào thời sau hết qua Người Con (x. Hr 1,1-2). Lời Thiên Chúa được nói qua Người Con là lời sống động và thật sự hữu hiệu hơn nhiều so với lời được mạc khải trước đây qua các ngôn sứ, vì Lời không còn chỉ là sứ điệp mà còn là hiện thân của Người Con và qua Người Con.

    Sau nữa, Lời Thiên Chúa xuyên thấu những gì thâm sâu, bí nhiệm nhất; Lời đó phê phán cả những gì sâu kín nhất như tâm tình và tư tưởng của lòng người. Không có gì, không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Thiên Chúa. Sức mạnh vô song của Lời Thiên Chúa vừa mang tính cảnh báo đối với những ai có thái độ không tin (4,2), bất tuân Tin Mừng (4,6), mà có nguy cơ sa ngã (4,11), vừa bảo đảm một “chốn nghỉ ngơi” cho những ai trung tín giáo huấn của Tin Mừng (4,3), vì “mọi sự đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (4,13).

3. Bài Tin Mừng

    Bài Tin Mừng giới thiệu con đường dẫn đến sự trọn lành mà mọi người đều được mời gọi đi theo, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những trở ngại không nhỏ trên con đường đó. Phần phúc chỉ dành cho những ai biết chọn lựa khôn ngoan.

    Đoạn Tin Mừng giới thiệu một người đến với Chúa Giêsu để tìm kiếm con đường dẫn tới cuộc sống đời đời. Thái độ “chạy đến, quỳ xuống” (10,17) của người này cho thấy sự thành khẩn; việc tuân giữ những giới răn cơ bản theo Lề Luật ngay từ nhỏ thậm chí còn nhận được cái nhìn thiện cảm và lòng thương mến của Chúa Giêsu (10,21).

    Tuy nhiên, con đường trọn lành đòi hỏi một sự dấn thân quyết liệt hơn vì Chúa và vì tha nhân. Việc bán tất cả những gì đang có mà cho người nghèo, để được một kho tàng trên trời và để có thể thanh thoát mà theo Chúa Giêsu là một trở ngại không nhỏ trên con đường trọn lành. Chàng thanh niên thất vọng vì không thể vượt qua trở ngại cuối cùng này. Đối với anh, sự sống đời đời chưa phải là lựa chọn ưu tiên số một nếu so với của cải anh ta đang có.

    Nhân câu chuyện của chàng thanh niên, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về đòi hỏi khắt khe của Nước Trời và của cải chính là cản trở rất lớn trên con đường đó. Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim ám chỉ những ai dựa vào của cải, thì gần như không thể vào được Nước Thiên Chúa. Chỉ những ai biết cậy dựa vào Chúa thì mới xứng đáng là công dân của Nước Trời, “vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được” (10,27).

    Vì vậy, người môn đệ đích thật là người dám từ bỏ tất cả vì Chúa và vì Tin Mừng, từ bỏ cả những gì thân thương nhất, thiết thân nhất, thậm chí chấp nhận cả sự ngược đãi ở đời này. Nhưng Chúa không để môn đệ của Ngài phải chịu thiệt thòi, thậm chí được ân thưởng gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Tuy vậy, thái độ căn bản của người môn đệ khôn ngoan không phải là sự tính toán cho đi để nhận lại, mà là sự phó thác hoàn toàn đời mình cho Chúa và nhờ ơn Chúa mà “mọi sự đều có thể”.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Thiên Chúa ban cho Salômôn sự hiểu biết và thần khí khôn ngoan theo như lời cầu xin của ông. Đối với Salômôn, Đức Khôn ngoan là thứ ông quý chuộng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời, vì mọi thứ đều qua đi như cát bụi, còn Đức Khôn ngoan mãi tồn tại. Vì lời cầu xin được xem là khôn ngoan trước mặt Chúa, mà Salômôn không chỉ được Thiên Chúa ban cho điều ông cầu xin là Đức Khôn ngoan, mà còn được ban cho cả điều ông không xin. Tôi có muốn sống khôn ngoan là chỉ ưu tiên tìm kiếm Đức Khôn ngoan là chính Chúa?

2/ Lời Thiên Chúa sống động, hữu hiệu và sắc bén; Lời đó có sức tác động sâu xa, vừa cảnh báo vừa khích lệ. Lời được mạc khải vào thời cuối cùng qua Người Con là chính Đức Giêsu. Lời Thiên Chúa qua Đức Giêsu tác động thế nào trên cuộc đời tôi: cảnh báo, khích lệ, phê phán, an ủi?

3/ Nước Trời không chỉ đòi hỏi người ta sống theo những đòi hỏi của Lề Luật, mà còn đòi hỏi một sự quyết liệt từ bỏ những gì cản trở trên đường trọn lành. Chỉ những ai sẵn sàng từ bỏ, sống phó thác vào Chúa và sống vì tha nhân thì mới xứng đáng làm công dân của Nước Trời. Người môn đệ khôn ngoan là người chấp nhận từ bỏ tất cả “vì Thầy và vì Tin Mừng”. Tôi có thật sự khao khát sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa? Tôi có dám hy sinh những nhu cầu của bản thân để sống vì Chúa và vì tha nhân? Tôi có muốn trở thành người môn đệ khôn ngoan, chọn Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người hơn những thứ khác?

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.