Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật XXIX Thường Niên B (20/10)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly
ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (Is 53,10-11)

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a

10Đức Chúa đã muốn người tôi trung
phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.
11Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

🌸 Đáp ca Tv 32,4-5.18-19.20 và 22 (Đ. c.22)

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.
22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

🌸 Bài đọc 2 (Hr 4,14-16)

Ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri

 14 Thưa anh em, chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Tung hô Tin Mừng Mc 10, 45b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mc 10,35-45 )

Con Người đến để hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

 35 Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” 37 Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” 39 Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

 41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC THỂ HIỆN QUA SỰ HIẾN THÂN

“Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống yêu thương bằng sự phục vụ vì phần ích của người khác. Sự ích kỷ và tính toán hơn thua đang làm cho con người không biết rung cảm trước những nỗi đau khổ của tha nhân. Đức Giêsu đã dạy chúng ta bài học này qua chính đời sống và gương hi sinh của Người. Nhờ đó, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu đích thực của Thiên Chúa dành cho chúng ta để chúng ta đáp lại bằng cách dấn thân phục vụ mọi người.

1. Bài đọc I (Is 53,10-11)

Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta hình ảnh về người Tôi trung của Thiên Chúa. Người Tôi trung chịu những đau khổ để trở nên “lễ vật đền tội” và “sẽ gánh lấy tội lỗi” của muôn người. Qua những hi sinh, đau khổ của người Tôi trung mà Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại. Truyền thống Kitô giáo nhìn người Tôi trung là hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chấp nhận mọi khổ hình và cái chết trên thập giá để đem lại ơn cứu độ cho con người, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

2. Bài đọc II (Dt 4,14-16)

Tác giả thư Do-thái đã mô tả cho chúng ta thấy Đức Giêsu, Vị Thượng Tế, đã chia sẻ thân phận con người và biết cảm thương những nỗi yếu hèn của con người, dù Người không hề phạm tội. Qua hành vi của Người, con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì Người đã trút bỏ mọi sự vì con người chúng ta và đã mặc lấy thân phận yếu hèn của con người để cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa trong Người. Như lời của thánh Phaolô đã nói: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).

3. Tin Mừng (Mc 10, 35-45)

Ngay sau khi Đức Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, hai môn đệ Giacôbê và Gioan đã đến gần Đức Giêsu để xin một điều, đó là: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Lời cầu xin này thật sự bất ngờ, bởi vì, trong khi Đức Giêsu loan báo sự hi sinh của Người phải lãnh chịu: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người”; thì hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại tìm kiếm chỗ đứng quan trọng và vinh quang theo kiểu con người. Các môn đệ khác cũng có tham vọng như Giacôbê và Gioan, cho nên họ bực tức khi nghe biết điều cầu xin của hai môn đệ này.

Đó là lời cầu quyền cầu danh. Đức Giêsu không quở trách, nhưng đã dạy cho họ bài học về sự phục vụ và hi sinh vì người khác. Hơn hết, chính Đức Giêsu đã trở nên mẫu gương sống động về những gì Người dạy bảo: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Rồi Người đã mời các môn đệ cùng chia sẻ sứ vụ của Người: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; Phép Rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Cuối cùng, họ đã chấp nhận lời mời gọi này, vì nhận ra mình đang theo một vị Thầy trên con đường hy sinh phục vụ, và hiến mạng vì tha nhân chứ không phải ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình.  

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”. Hình ảnh của Người Tôi Trung được thể hiện cách trọn vẹn nơi Con Người của Đức Giêsu Kitô: là sống vì và chết cho người khác. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã theo gương sáng đó. “Năm Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài” (Thư Công bố Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử đạo Việt Nam của HĐGM, ngày 01-5-2018). Tôi có để cho cuộc sống của mình hướng theo mẫu gương của Đức Giêsu như các Thánh Tử Đạo Viêt Nam đã thực hiện, đó là sống vì người khác? Tôi có nhận ra rằng “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình); nhờ đó, tôi tìm được ý nghĩa của cuộc sống?

2. Đức Giêsu đã chia sẻ thân phận yếu hèn của con người, hầu đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. “Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là “kho tàng chôn giấu trong ruộng” và “ngọc quý vô giá” nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để “mua thửa ruộng và ngọc quý đó”. Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời.” (Thư Công bố Năm Thánh). Tôi có một tinh thần gần gũi và nâng đỡ những người mà Thiên Chúa gởi đến cho tôi trong cuộc sống? Tôi có một quả tim biết rung cảm trước những nhu cầu cần thiết của anh chị em?

3. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Quyền lực và địa vị, ích kỷ và lòng tham luôn là những cám dỗ đối với con người. “Các gia đình Công giáo hãy từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công giáo là nẻo đường hạnh phúc. Đức Piô XII đã dạy: “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên đàng”, vì gia đình đó là phản ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.” (Thư Công bố Năm Thánh). Tôi có sử dụng những gì mà Thiên Chúa thương ban cho tôi để phục vụ người khác thay vì đòi hỏi được phục vụ? Tôi có sẵn sàng hi sinh phục vụ trong đời sống gia đình, dấn thân trong các hội đoàn, trong công việc của giáo xứ, của dòng tu?

4. “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; Phép Rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Mọi kitô hữu được mời gọi đi theo con đường của Chúa Kitô để tiếp nối sứ vụ của Người. Trong Sứ điệp Truyền giáo năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ: “Nhiều người nam cũng như nữ, và nhiều người trẻ đã quảng đại hi sinh bản thân mình, đôi khi thậm chí tới mức tử đạo, vì tình yêu đối với Tin Mừng và việc phục vụ anh chị em mình. Từ Thập Giá của Đức Giêsu, chúng ta học được cái luận lý thánh của sự xả kỷ (x. 1 Cr 1,17-25) như là một lời công bố của Tin Mừng vì sự sống của loài người (x. Ga 3,16).” Tình yêu Đức Kitô nơi tôi có đủ lớn để tôi dám quảng đại hi sinh bản thân mình cho Tin mừng và cho tha nhân hay không? Tôi có ý thức hy sinh chính mình khi thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng hay không?

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.