Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút
Dẫn vào thánh lễ
Tiên tri Giêrêmia đã tiên báo: Đức Chúa sẽ ban cho dân Người một vị mục tử để họ không còn sợ hãi ly tán, nhưng được tụ họp và luôn no thoả (Bài đọc I). Vị mục tử ấy, theo Thánh Phaolô cũng là Đấng thi hành sứ mạng tư tế, hợp nhất nhân loại nên một nhờ lễ tế của Người (Bài đọc II). Vị mục tử ấy nay ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, Đấng thấu hiểu, hết tình thương yêu và lo liệu cho dân những gì là tốt nhất. Người đã thâu họp tất cả mọi người lại không phân biệt màu da, sắc tộc, địa vị để họ trở nên con Thiên Chúa. Nhờ sự chết và sống lại của Người, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được làm hòa lại với Thiên Chúa, được sum họp trong đại gia đình Hội Thánh, được hưởng an vui hạnh phúc muôn đời.
Đó là ý tưởng phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay.
Chúng ta hãy sốt sắng hiệp dâng thánh lễ, xin Chúa thương ban cho các vị mục tử trong Hội Thánh và các nhà lãnh đạo quốc gia luôn có được lòng mến như Chúa Giêsu, Vị Mục Tử tối cao. Và xin cho chúng ta biết đáp lại tình thương bao la của Chúa, bằng đời sống tận tâm mến Chúa yêu người, và sẵn sàng vâng lời các vị đại diện Chúa ở trần gian.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin …
🌸 Bài đọc 1 (Gr 23,1-6)
Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a
1 Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác -sấm ngôn của Đức Chúa-. 2 Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta : chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác ; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa. 3 Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. 4 Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng ; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa.
5Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa –
Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít
một chồi non chính trực.
Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.
6Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Ít-ra-en được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy
sẽ là : “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.”
🌸 Đáp ca Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.1)
Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
1Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
2Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành3avà bổ sức cho tôi.
Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
3bNgười dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.4Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
6Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
🌸 Bài đọc 2 (Ep 2,13-18)
Chính Đức Giê-su là sự bình an của chúng ta. Người đã liên kết dân Do-thái và dân ngoại thành một.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô
13 Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.
14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét ; 15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. 16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất ; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. 17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an : bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. 18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
Tung hô Tin Mừng Ga 10, 27
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mc 6,30-34)
Họ như bầy chiên không người chăn dắt.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Lời nguyện tiến lễ
Chủ tế: Thiên Chúa là Mục Tử duy nhất tốt lành, hằng quan tâm chăm sóc dạy dỗ chúng ta. Với niềm tin phó thác trọn vẹn cuộc đời cho Người chúng ta dâng lời cầu nguyện:
- “Khốn cho các mục tử làm tản mác và xâu xé đoàn chiên Ta”. Giữa muôn vàn thử thách và cám dỗ đang diễn ra trên thế giới, chúng ta hiệp ý cầu xin cho các mục tử trong Hội Thánh thấm đậm lòng thương xót của Chúa, để nhiệt thành xây dựng sự hiệp nhất và yêu thương cho đoàn chiên, mà cùng nhau tiến về Nước Trời. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - Thế giới càng tiến bộ về khoa học kỹ thuật, thì sự vô tâm của con người như càng khủng khiếp. Xin cho sự nhạy bén lương tâm của con người biết nhận ra con người là thụ tạo được Thiên Chúa rất mực yêu thương. Để rồi khi gặp những anh chị em bé mọn, nghèo hèn, khổ đau, chúng ta hết lòng kính trọng và yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”. Trong niềm tạ ơn và tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa, xin chúc lành cho công việc của mọi gia đinh trên thế giới, hầu mọi việc họ làm đều tôn vinh Chúa và đem lại nhiều thành quả, hầu nuôi sống gia đình, phục vụ xã hội và thực thi đức ái. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông thì động lòng thương”. Gẫm suy lòng thương xót của Chúa, xin mỗi tín hữu hôm nay biết quan tâm tới những người đang gặp nghịch cảnh, nghèo đói và bị bỏ rơi, bằng lời cầu nguyện, viếng thăm cũng như bằng sự giúp đỡ chân thành từ trái tim. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin …
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì thương xót nhân loại lỗi lầm, Người đã chấp nhận sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, đã chịu khổ hình thập giá/ để cứu chúng con khỏi chết muôn đời. Và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh.
Vì thế, cùng với các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin …
🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)
MỤC TỬ BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG
“Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 – Gr 23,1-6
Thi hành sứ vụ ngôn sứ vào thời có khá nhiều biến động trước và sau khi Giêrusalem bị thất thủ năm 587 TCN, Giêrêmia chứng kiến nhiều thăng trầm của đất nước và dân Israel. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của đất nước và dân là do sự yếu kém về tài đức của các vị lãnh đạo. Đoạn trích sách ngôn sứ Giêrêmia hôm nay một mặt trình bày việc Thiên Chúa lên án các mục tử vì đã không chăm lo cho đoàn chiên, mặt khác mở ra niềm hy vọng về một vị vua khôn ngoan và tài giỏi sẽ hướng dẫn đoàn chiên trong chính trực công minh.
Trước hết, Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Giêrêmia, lên án các mục tử vì họ không chăm lo cho đàn chiên. Chiên là loài hiền lành nên dễ bị tấn công bởi sói dữ. Vai trò của vị mục tử rất quan trọng trong việc chăm lo, chăn dắt và bảo vệ để đàn chiên được an toàn. Sự lơ là và thiếu trách nhiệm của vị mục tử có thể làm cho đàn chiên tan tác. Những mục tử không thực hiện tốt vai trò của mình đối với đàn chiên được trao phó sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt (Gr 23,1-3).
Thêm vào đó, khi chứng kiến sự tan tác của đàn chiên, Thiên Chúa đích thân ra tay can thiệp. Người qui tụ đàn chiên đã bị tan tác từ khắp mọi miền và đưa chiên về đồng cỏ. Dưới bàn tay chăm sóc chu đáo và đầy tình thương của Thiên Chúa, đàn chiên lại tiếp tục sinh sôi nảy nở thật nhiều (Gr 23,4). Thiên Chúa mới thật là mục tử nhân lành của đàn chiên. Người hằng dõi theo từng bước của đàn chiên và ra tay can thiệp để đưa chiên về, để chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Sau cùng, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện các mục tử khác để thay Người chăm sóc đoàn chiên; đàn chiên không còn phải sợ hãi và bị bỏ rơi nữa (Gr 23,5). Lời hứa của Thiên Chúa vẫn chưa dừng lại ở đó, vì “sẽ tới những ngày”, Người sẽ làm trổ sinh “một chồi non chính trực”; đó là một vị vua “khôn ngoan tài giỏi” sẽ thi hành điều “chính trực công minh”. Dưới sự dẫn dắt của vị vua này, dân Chúa sẽ được cứu thoát và được sống yên hàn (Gr 23,5-6). Đây là lời hứa quan trọng dẫn đến vua Giêsu, Đấng công minh chính trực, Đấng ban ơn cứu độ cho con người.
2. Bài đọc 2 – Ep 2,13-18
Đoạn trích thư thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêxô nhấn mạnh hiệu quả cái chết của Đức Giêsu. Đó là công trình cứu độ Thiên Chúa thực hiện nhờ Con của Người: liên kết dân ngoại và dân Do thái; hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.
Trước hết, máu Đức Giêsu đổ ra liên kết dân ngoại và dân Do thái. Nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân ngoại và dân Do thái, phá đổ sự thù ghét lẫn nhau, để liên kết mọi người trong một Hội Thánh duy nhất. Trong Hội Thánh của Đức Kitô, người ta không còn phân biệt Do thái hay dân ngoại, ở xa hay ở gần, vì tất cả đều được liên kết thành một người mới duy nhất trong chính thân thể Đức Kitô, Đấng ban bình an cho tất cả chúng ta (Ep 2,13-15).
Sau nữa, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Tác giả thư Êphêxô khẳng định rằng nhờ thập giá, cả dân ngoại và dân Do thái đều được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, nghĩa là trong Hội Thánh duy nhất. Như thế, không những nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa, mà còn được giao hòa với nhau: Nhờ Đức Giêsu, mọi người được liên kết trong một Thần Khí mà đến cùng Chúa Cha (Ep 2,16-18). Ba Ngôi Thiên Chúa chính là cội nguồn của sự hiệp thông và giao hòa cho nhân loại.
Nhờ cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ của Người là cho nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa và nhờ đó mà được giao hòa với nhau, để một khi được qui tụ quanh Đức Kitô, người ta không còn phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá… nhưng được kết hợp lại trong một thân thể duy nhất là Hội Thánh.
3. Bài Tin Mừng – Mc 6,30-34
Bài Tin Mừng làm nổi bật hai đặc tính của mục tử Giêsu: chạnh lòng thương và dưỡng nuôi dân chúng bằng lời và bánh.
Mục tử Giêsu là Đấng biết chạnh lòng thương. Bối cảnh bài Tin Mừng cho ta hiểu rằng sau khi được sai đi (Mc 6,7-13), các tông đồ trở về báo cáo cho Chúa Giêsu về những công việc các ngài làm (Mc 6,30). Dù Đức Giêsu ý thức tầm quan trọng của sự thinh lặng và nghỉ ngơi (Mc 6,31-32), nhưng Người tỏ ra chạnh lòng thương dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt mà sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ (Mc 6,34tt). Vì biết “chạnh lòng thương” nên dù mệt nhọc và cần được nghỉ ngơi, nhưng mục tử Giêsu tỏ ra nhạy cảm trước nhu cầu của đàn chiên; Người biết họ đang khao khát được gặp Người nên Người tạm gác lại nhu cầu của mình để phục vụ cho nhu cầu cấp bách của đàn chiên. Thái độ “chạnh lòng thương” của mục tử Giêsu không chỉ dừng lại ở một cảm xúc, một kiểu cảm động nhất thời thoáng qua mà là lòng trắc ẩn sâu xa; lòng trắc ẩn thúc đẩy Người hành động.
Hành động trước tiên của mục tử Giêsu là “dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34). Người không chỉ “chạnh lòng thương” mà còn biết dân chúng đang khao khát điều gì. Họ đã bỏ nhiều giờ, dùng những phương tiện họ có để kiếm tìm Người. Khi “dạy dỗ họ nhiều điều”, Chúa Giêsu lấp đầy nỗi khao khát lời Chúa đang cháy bỏng trong lòng họ. Hơn nữa, khi trời xế chiều, các môn đệ muốn giải tán dân chúng để họ tự tìm thức ăn thì Chúa Giêsu lại đưa ra một mệnh lệnh đầy bất ngờ: “các con hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Chúa Giêsu chủ động và đi bước trước để đáp ứng nhu cầu của dân. Người không những ban lương thực thiêng liêng là lời Chúa cho dân chúng, mà Người còn ban cho họ bánh như lương thực nuôi thể xác.
Quả vậy, theo Mc 6,34-44, Đức Giêsu cho thấy Người như vị mục tử biết chạnh lòng thương dân chúng đang bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt; Người chăm lo cho họ, dùng lời (6,34) và bánh (6,41-42) mà nuôi sống họ.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Qua lời ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa lên án các mục tử không chăm lo cho đàn chiên, để đàn chiên bị tan tác. Người ra tay qui tụ đàn chiên về đồng cỏ để chúng được sinh sôi nảy nở và cho xuất hiện những mục tử khác để chăm sóc đàn chiên trong khi chờ đợi vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi sẽ chăn dắt đàn chiên trong chính trực công minh. Tôi có chăm lo cho đàn chiên được trao phó cho tôi với tất cả lòng yêu thương của một mục tử đích thực? Tôi có biết học nơi Chúa là vị mục tử đích thực, Đấng qui tụ đàn chiên tản lạc về đồng cỏ để chúng được sinh sôi nảy nở? Tôi có khao khát trở thành vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi để chăn dắt đàn chiên trong chính trực công minh như Chúa hằng chờ đợi?
2/ Đức Giêsu đã đổ máu mình ra để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, để một khi được giao hoà với Thiên Chúa, nhân loại cũng biết giao hoà với nhau. Tôi có thật sự được giao hoà với Thiên Chúa? Tôi có thật sự giao hoà với anh chị em? Tôi có còn để cho những hận thù, ghen ghét như bức tường ngăn cách giữa tôi và Chúa, giữa tôi và anh chị em?
3/ Chúa Giêsu là mục tử biết chạnh lòng thương, biết nhận ra và đáp ứng nhu cầu của đàn chiên. Chúa Giêsu cũng kêu mời tôi noi gương vị mục tử Giêsu. Tôi có sẵn sàng noi gương vị mục tử Giêsu, yêu thương và chăm sóc đàn chiên được trao phó cho tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Con Một yêu dấu của Người đến thế gian như vị Mục Tử qui tụ và chăm sóc muôn người trong một đàn chiên duy nhất. Cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Chúa trao cho Hội Thánh sứ mạng chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn được hồn an xác mạnh, đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, hầu tận tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao.
2. Chúa đã chạnh lòng thương đám đông như đàn chiên không người chăn dắt. Chúng ta cùng cầu xin cho những người nghèo cả vật chất lẫn tinh thần trong thế giới hôm nay được quan tâm chăm sóc, và biết khiêm tốn mở lòng trước những cơ hội đón nhận Tin Mừng.
3. “Các Tông đồ kể lại cho Chúa mọi điều các ông đã làm và giảng dạy”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ, luôn gắn bó mật thiết với Chúa Kitô trong kinh nguyện và các Bí tích để được khích lệ, nâng đỡ và hướng dẫn.
4. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chia sẻ và tham dự vào sứ vụ mục tử của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết lắng nghe, tìm kiếm và thực thi ý Chúa qua những bổn phận hằng ngày đối với gia đình và cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban muôn ơn lành giúp chúng con luôn hăng hái làm việc tông đồ để cho nhiều người được ơn cứu độ và hưởng phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
🌸 Gợi ý suy niệm
Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu
sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.
Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy
và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,
trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.
Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,
để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.
Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không bị vướng bận bởi công việc phục vụ.
Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,
đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,
nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.
Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,
những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,
những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.
Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,
thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Học hỏi Lời Chúa
MỤC TỬ BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG
“Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 – Gr 23,1-6
Thi hành sứ vụ ngôn sứ vào thời có khá nhiều biến động trước và sau khi Giêrusalem bị thất thủ năm 587 TCN, Giêrêmia chứng kiến nhiều thăng trầm của đất nước và dân Israel. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của đất nước và dân là do sự yếu kém về tài đức của các vị lãnh đạo. Đoạn trích sách ngôn sứ Giêrêmia hôm nay một mặt trình bày việc Thiên Chúa lên án các mục tử vì đã không chăm lo cho đoàn chiên, mặt khác mở ra niềm hy vọng về một vị vua khôn ngoan và tài giỏi sẽ hướng dẫn đoàn chiên trong chính trực công minh.
Trước hết, Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Giêrêmia, lên án các mục tử vì họ không chăm lo cho đàn chiên. Chiên là loài hiền lành nên dễ bị tấn công bởi sói dữ. Vai trò của vị mục tử rất quan trọng trong việc chăm lo, chăn dắt và bảo vệ để đàn chiên được an toàn. Sự lơ là và thiếu trách nhiệm của vị mục tử có thể làm cho đàn chiên tan tác. Những mục tử không thực hiện tốt vai trò của mình đối với đàn chiên được trao phó sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt (Gr 23,1-3).
Thêm vào đó, khi chứng kiến sự tan tác của đàn chiên, Thiên Chúa đích thân ra tay can thiệp. Người qui tụ đàn chiên đã bị tan tác từ khắp mọi miền và đưa chiên về đồng cỏ. Dưới bàn tay chăm sóc chu đáo và đầy tình thương của Thiên Chúa, đàn chiên lại tiếp tục sinh sôi nảy nở thật nhiều (Gr 23,4). Thiên Chúa mới thật là mục tử nhân lành của đàn chiên. Người hằng dõi theo từng bước của đàn chiên và ra tay can thiệp để đưa chiên về, để chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Sau cùng, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện các mục tử khác để thay Người chăm sóc đoàn chiên; đàn chiên không còn phải sợ hãi và bị bỏ rơi nữa (Gr 23,5). Lời hứa của Thiên Chúa vẫn chưa dừng lại ở đó, vì “sẽ tới những ngày”, Người sẽ làm trổ sinh “một chồi non chính trực”; đó là một vị vua “khôn ngoan tài giỏi” sẽ thi hành điều “chính trực công minh”. Dưới sự dẫn dắt của vị vua này, dân Chúa sẽ được cứu thoát và được sống yên hàn (Gr 23,5-6). Đây là lời hứa quan trọng dẫn đến vua Giêsu, Đấng công minh chính trực, Đấng ban ơn cứu độ cho con người.
2. Bài đọc 2 – Ep 2,13-18
Đoạn trích thư thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêxô nhấn mạnh hiệu quả cái chết của Đức Giêsu. Đó là công trình cứu độ Thiên Chúa thực hiện nhờ Con của Người: liên kết dân ngoại và dân Do thái; hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.
Trước hết, máu Đức Giêsu đổ ra liên kết dân ngoại và dân Do thái. Nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân ngoại và dân Do thái, phá đổ sự thù ghét lẫn nhau, để liên kết mọi người trong một Hội Thánh duy nhất. Trong Hội Thánh của Đức Kitô, người ta không còn phân biệt Do thái hay dân ngoại, ở xa hay ở gần, vì tất cả đều được liên kết thành một người mới duy nhất trong chính thân thể Đức Kitô, Đấng ban bình an cho tất cả chúng ta (Ep 2,13-15).
Sau nữa, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Tác giả thư Êphêxô khẳng định rằng nhờ thập giá, cả dân ngoại và dân Do thái đều được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, nghĩa là trong Hội Thánh duy nhất. Như thế, không những nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa, mà còn được giao hòa với nhau: Nhờ Đức Giêsu, mọi người được liên kết trong một Thần Khí mà đến cùng Chúa Cha (Ep 2,16-18). Ba Ngôi Thiên Chúa chính là cội nguồn của sự hiệp thông và giao hòa cho nhân loại.
Nhờ cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ của Người là cho nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa và nhờ đó mà được giao hòa với nhau, để một khi được qui tụ quanh Đức Kitô, người ta không còn phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá… nhưng được kết hợp lại trong một thân thể duy nhất là Hội Thánh.
3. Bài Tin Mừng – Mc 6,30-34
Bài Tin Mừng làm nổi bật hai đặc tính của mục tử Giêsu: chạnh lòng thương và dưỡng nuôi dân chúng bằng lời và bánh.
Mục tử Giêsu là Đấng biết chạnh lòng thương. Bối cảnh bài Tin Mừng cho ta hiểu rằng sau khi được sai đi (Mc 6,7-13), các tông đồ trở về báo cáo cho Chúa Giêsu về những công việc các ngài làm (Mc 6,30). Dù Đức Giêsu ý thức tầm quan trọng của sự thinh lặng và nghỉ ngơi (Mc 6,31-32), nhưng Người tỏ ra chạnh lòng thương dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt mà sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ (Mc 6,34tt). Vì biết “chạnh lòng thương” nên dù mệt nhọc và cần được nghỉ ngơi, nhưng mục tử Giêsu tỏ ra nhạy cảm trước nhu cầu của đàn chiên; Người biết họ đang khao khát được gặp Người nên Người tạm gác lại nhu cầu của mình để phục vụ cho nhu cầu cấp bách của đàn chiên. Thái độ “chạnh lòng thương” của mục tử Giêsu không chỉ dừng lại ở một cảm xúc, một kiểu cảm động nhất thời thoáng qua mà là lòng trắc ẩn sâu xa; lòng trắc ẩn thúc đẩy Người hành động.
Hành động trước tiên của mục tử Giêsu là “dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34). Người không chỉ “chạnh lòng thương” mà còn biết dân chúng đang khao khát điều gì. Họ đã bỏ nhiều giờ, dùng những phương tiện họ có để kiếm tìm Người. Khi “dạy dỗ họ nhiều điều”, Chúa Giêsu lấp đầy nỗi khao khát lời Chúa đang cháy bỏng trong lòng họ. Hơn nữa, khi trời xế chiều, các môn đệ muốn giải tán dân chúng để họ tự tìm thức ăn thì Chúa Giêsu lại đưa ra một mệnh lệnh đầy bất ngờ: “các con hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Chúa Giêsu chủ động và đi bước trước để đáp ứng nhu cầu của dân. Người không những ban lương thực thiêng liêng là lời Chúa cho dân chúng, mà Người còn ban cho họ bánh như lương thực nuôi thể xác.
Quả vậy, theo Mc 6,34-44, Đức Giêsu cho thấy Người như vị mục tử biết chạnh lòng thương dân chúng đang bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt; Người chăm lo cho họ, dùng lời (6,34) và bánh (6,41-42) mà nuôi sống họ.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Qua lời ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa lên án các mục tử không chăm lo cho đàn chiên, để đàn chiên bị tan tác. Người ra tay qui tụ đàn chiên về đồng cỏ để chúng được sinh sôi nảy nở và cho xuất hiện những mục tử khác để chăm sóc đàn chiên trong khi chờ đợi vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi sẽ chăn dắt đàn chiên trong chính trực công minh. Tôi có chăm lo cho đàn chiên được trao phó cho tôi với tất cả lòng yêu thương của một mục tử đích thực? Tôi có biết học nơi Chúa là vị mục tử đích thực, Đấng qui tụ đàn chiên tản lạc về đồng cỏ để chúng được sinh sôi nảy nở? Tôi có khao khát trở thành vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi để chăn dắt đàn chiên trong chính trực công minh như Chúa hằng chờ đợi?
2/ Đức Giêsu đã đổ máu mình ra để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, để một khi được giao hoà với Thiên Chúa, nhân loại cũng biết giao hoà với nhau. Tôi có thật sự được giao hoà với Thiên Chúa? Tôi có thật sự giao hoà với anh chị em? Tôi có còn để cho những hận thù, ghen ghét như bức tường ngăn cách giữa tôi và Chúa, giữa tôi và anh chị em?
3/ Chúa Giêsu là mục tử biết chạnh lòng thương, biết nhận ra và đáp ứng nhu cầu của đàn chiên. Chúa Giêsu cũng kêu mời tôi noi gương vị mục tử Giêsu. Tôi có sẵn sàng noi gương vị mục tử Giêsu, yêu thương và chăm sóc đàn chiên được trao phó cho tôi?