Dẫn vào thánh lễ
Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về chính Người qua bài sách Tiên tri Dacaria: Người là Đấng công chính và cứu độ, khó nghèo và khiêm tốn; Đấng ban bình an cho muôn dân (Bài đọc I). Nếu chúng ta đón nhận Người, như thánh Phaolô nói, Người sẽ ban Thánh Thần đến giúp đỡ chúng ta (Bài đọc II). Và Chúa Giêsu, trong bài Phúc Âm, kêu gọi chúng ta – những ai khó nhọc và gánh nặng – hãy đến với Người để được bổ sức hồi sinh và được sống bình an hạnh phúc đời này và mai sau (x. Mt 12, 25-30).
Như vậy, phụng vụ mời gọi chúng ta tái khám phá con đường cứu độ Chúa mở ra cho “những người bé mọn”. Càng đi sâu vào mầu nhiệm Nước Trời càng cảm thấy “ách Chúa êm ái và gánh Chúa nhẹ nhàng”.
Chúng ta sốt sắng dâng Thánh lễ, xin cho biết sống hiền lành và khiêm tốn theo gương Chúa Giêsu, luôn sẵn sàng đáp lời mời gọi của Thiên Chúa để hoàn thành sứ mệnh cứu độ giữa bao thách đố hôm nay.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên; xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
🌸 Bài đọc 1 (Dcr 9,9-10)
Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi : khiêm tốn ngồi trên lưng lừa.
Bài trích sách ngôn sứ Da-ca-ri-a
9 Đức Chúa phán như sau :
“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ !
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò !
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi :
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.
10Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im
và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem ;
cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy,
và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân.
Người thống trị từ biển này qua biển nọ,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.”
🌸 Đáp ca Tv 144,1-2.8-9.10-11.13cd-14 (Đ. x. c.1)
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
1Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
2Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
10Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
11nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
13cdChúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
14Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
🌸 Bài đọc 2 (Rm 8,9.11-13)
Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma
9 Thưa anh em, anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
12 Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. 13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết ; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.
Tung hô Tin Mừng x. Mt 11,25
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mt 11,25-30)
Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống hiền lành và khiêm nhượng. Với ước muốn nên giống Chúa, chúng ta cùng cầu nguyện:
- Chúa nói: “Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng”. Xin cho các mục tử trong Hội Thánh và mỗi người tín hữu Công Giáo, mặc được tâm tình khiêm hạ và dịu hiền của Chúa Giêsu, để làm chứng cho những người sống chung quanh nhận ra tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - Hiện nay trên toàn thế giới đang đối mặt với nhiều tai ương bệnh tật và chạy đua vũ trang. Xin cho các cấp lãnh đạo các đất nước biết ngồi lại với nhau, lấy điều thiện hướng dẫn người dân của mình trong yêu thương và tôn trọng, để người dân được yêu thương và được sống hạnh phúc. Chúng con cầu xin Chúa.
- Chúa nói: “Ách Ta thì êm ái, gánh Ta thì nhẹ nhàng”. Xin cho các gia đinh, cách riêng các gia đình trẻ, đang gặp khó khăn trong mưu sinh, đau khổ vì nhau hoặc vì con cái, biết tìm đến với Chúa Giêsu trong cầu nguyện và thinh lặng, để được Chúa dạy dỗ và nâng đỡ. Chúng con cầu xin Chúa.
- Thiên Chúa mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn. Xin cho cộng đoàn chúng ta siêng năng tham dự Thánh, lễ cầu nguyện bên Chúa, để những nhân đức và mầu nhiệm của Chúa dần thấm vào tâm hồn và trổ sinh hoa trái trong đời sống chúng ta. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin Chúa dùng của lễ chúng con dâng tiến để thanh tẩy và hướng dẫn chúng con, cho chúng con ngày càng biết sống thân tình với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúng con biết rằng: vì vinh quang vô biên của Chúa, Chúa dùng thần tính mà cứu giúp chúng con là những kẻ phải chết. Hơn nữa, Chúa còn dự liệu linh dược để chữa lành bản tính phải chết của chúng con và giải thoát tất cả những ai vì mang bản tính đó mà bị hư mất, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con.
Nhờ Người, đạo binh các Thiên thần thờ lạy uy linh Chúa, muôn đời hoan hỷ trước Tôn Nhan. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài hân hoan tung hô rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng vừa lãnh nhận hồng ân cao cả, xin cho chúng con được hưởng ơn cứu độ dồi dào và không ngừng chúc tụng tạ ơn Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
🌸 Gợi ý suy niệm
KHIÊM NHƯỜNG
Khởi đầu bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tạ ơn ngắn của Chúa Giê-su, lấy cảm hứng từ những biến cố vừa mới xảy ra. “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (câu 25). Dĩ nhiên không phải hễ thông thái là bị loại ra khỏi thế giới của lòng tin. Tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, dành cho những ai có lòng khiêm nhường, chứ không phải là đặc ân chỉ dành riêng cho những người thông thái hay hiền triết.
Thiên Chúa an bài mọi sự cần thiết để mọi nơi và mọi thời, con người tìm thấy con đường đến với Người. Đó là con đường của sự khiêm nhường. Bởi lẽ chính Người là Đấng rất khiêm nhường, khiêm nhường đến độ bị người đời quên lãng, dẫu Người là Đấng tạo thành trời đất từ hư vô, và ban cho con người một thế giới xinh đẹp cùng với sự tự do. Người khiêm nhường ẩn mình trong vô hình để con người được toàn quyền sử dụng tự do của mình. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến; phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” Thế nhưng Người đã bận tâm, đã cúi xuống và cúi xuống thật sâu để đồng hành với con người trong mọi vui buồn của cuộc sống. Chỉ có những trái tim biết khiêm nhường mới nhận ra sự hiện diện của một Thiên Chúa vô cùng khiêm tốn như thế.
Làm thế nào để có được sự khiêm nhường? Chính Đức Giê-su sẽ dạy cho chúng ta biết con đường khiêm nhường. Ở nơi Ngài biểu lộ một sự khiêm nhường và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là Cha. Từ trời cao Chúa đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa, Ngài đã hạ mình xuống mang thân phận một con người. Là Thiên Chúa cao sang, Ngài đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Ngài đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Ngài đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Ngài đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, và bị loại trừ. Một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Cuối cùng trên thập giá, Ngài đã thể hiện sự vâng phục hoàn toàn Thánh Ý Chúa Cha, đã trao ban tất cả cho con người, và biểu lộ sự hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.
Đức Giê-su vừa là Thầy, là Chúa và vừa là Bạn đồng hành. “Hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (câu 29). Ở nơi Giê-su, Thiên Chúa vẫn đang không ngừng cúi xuống để nâng chúng ta lên tới Người. Những ai kiêu căng tìm nâng mình lên thì sẽ chẳng bao giờ gặp được Thiên Chúa. Ngược lại, chỉ những ai khiêm nhường nhỏ bé mới thấy được Thiên Chúa, và tìm được sự nghỉ ngơi an lành thật sự. Hãy mau mắn ghi dành vào trường học Giê-su. Vì Chúa Giê-su, người Thầy kiên nhẫn và khiêm tốn, giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và ngay cả nơi thập giá đè nặng trên mình nữa.
🌸 Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)
NGUỒN BÌNH AN, HẠNH PHÚC ĐỜI TÔI
(Mt 11, 28-30)
Phần I: Chuẩn bị tâm tình đi vào cầu nguyện.
* Ý thức Chúa hiện diện:
– Giờ đây, với tất cả con người thật của mình, tôi ước ao đi vào tương quan với Chúa, Đấng đang hiện diện nơi kín ẩn (Mt 6, 6). (Cúi đầu thờ lạy Chúa).
– Xin ơn Thiên Chúa cho tất cả ý chí, hành vi và hoạt động của tôi hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn.
* Khung cảnh: Hình dung Đức Giê-su đang đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị, trong miền thôn xóm, tôi cũng có mặt ở đó (Mt 11, 1).
* Ơn xin:
– Xin Chúa cho chúng ta biết quảng đại đáp lại lời mời gọi nhưng không của Chúa, đến gặp gỡ Ngài, ở lại và học với Ngài, ngang qua nỗ lực lắng nghe lời của Ngài, được diễn tả trong bài Tin Mừng và trong giờ cầu nguyện này.
– Xin được hiểu biết và cảm nếm sâu xa hơn sự hiền hậu và khiêm nhường của ĐGS; và xin được cảm nghiệm “được nghỉ ngơi bồi dưỡng” mỗi khi cầu nguyện với Chúa, đặc biệt trong dịp tĩnh tâm này.
Phần II: Gợi ý:
1. Gánh nặng nề và nghỉ ngơi bồi dưỡng (c. 28)
* “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”
– ĐGS mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài. Chúng ta có nhận ra mình là “những người đang vất vả mang gánh nặng nề” được mời gọi đến nghỉ ngơi bên Chúa không?
– Gánh nặng nề, trước tiên là thân phận làm người của chúng ta: Chúng ta thường nói số người này vất vả, số người kia nhàn hạ. Nhưng đó chỉ là vất vả hay nhàn hạ bề ngoài mà thôi. Thân phận con người, tự nó là “vất vả”. Làm người vừa là ơn huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho, nhưng cũng đầy thử thách và cả đau khổ nữa. Một đàng, thử thách và đau khổ đến từ những gì thuộc về phận người (sinh, lão, bệnh, tử); đàng khác, thử thách và đau khổ đến từ số phận riêng của mình, từ lời mời gọi sống nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của TC. Nhưng, chúng ta thường để cho “thú tính” làm chủ bản thân.
“Thú tính” là vô ơn, ham muốn, nghi ngờ, ghen tị, chiếm đoạt, không tôn trọng, tranh đua, thống trị, loại trừ, bạo lực… Một nhà tâm lí học nói rằng, cuộc đời với tất cả những vấn đề của cuộc đời, mà mỗi người phải mang vác, đã rất nặng nề rồi; nếu chúng ta không mang vác được cho nhau, thì chúng ta đừng có chất thêm! Đức Giê-su đến để cảm thông và mang vác cho chúng ta, để chúng ta được bình an, nghỉ ngơi, và được sống và sống dồi dào.
Lạy CG, xin cho giây phút được ở đây nghỉ ngơi trong Chúa này, con hưởng nếm được sự cảm thông, bình an, và đón nhận sự sống dồi dào mà Chúa muốn thông truyền cho con.
– Gánh nặng nề của chúng ta còn là hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi làm Kitô hữu: Ơn gọi làm Kitô hữu là một ơn huệ lớn lao và đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta, nhưng để sống trọn vẹn từng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều thách đố; và đôi khi, chúng ta cảm thấy rất nặng nề. Hơn nữa, trong đời sống, ai cũng có trách nhiệm, có phận vụ, đó là một gánh nặng; và những gánh nặng chúng ta mang vác cho nhau; chưa kể những gánh nặng chúng ta tự chất cho mình hay chất cho nhau.
– Gánh nặng nề còn là tội lỗi, nhất là những điều xấu chi phối nội tâm chúng ta, chúng ta cảm thấy bất lực, nó vừa làm ô nhiễm tâm hồn, vừa làm xáo trộn tương quan của chúng ta với Chúa với nhau và với mình.
– Cuối cùng, gánh nặng nề còn là những vấn đề, những vết thương, những khó khăn, những ngang trái, những thử thách riêng tư của chúng ta; mà chỉ có Chúa và chúng ta biết mà thôi.
* “Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”
– Nhận ra con người thật của mình, chúng ta cần được giải thoát biết bao, chúng ta thấy rằng không có ai ở trên đời này, duy chỉ một mình Chúa mới mang lại cho chúng ta sự giải thoát, sự tự do đích thực. Vậy, chúng ta hãy khát khao ơn được Chúa giải thoát, để cho lời của ĐG: “Hãy đến cùng Thầy” vang vọng thật sâu rộng trong lòng của chúng ta, đụng chạm thật mạnh mẽ con tim của chúng ta, nghe thật rõ trong khối óc của chúng ta. Bởi vì, lời của Đức Giê-su chỉ có thể đụng chạm được tới chúng ta khi chúng ta có lòng ao ước. Và lời của Ngài cũng thật nhưng không: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi”.
2. “Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (c. 29a)
– Chúng ta được mời gọi đến với ĐG để học với Chúa:
+ Học với Chúa bằng cách lắng nghe Lời của Ngài qua giờ cầu nguyện này, vốn là ơn huệ đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, Lời của Chúa là lương thực nuôi sống chúng ta, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi (Tv 119, 105)
+ Học với Chúa bằng cách ở lại với Ngài, như cành nho gắn liền với thân nho, khi cử hành và lãnh nhận ơn huệ Thánh Thể (Ga 15, 1-17).
– Đến học với Chúa, chính là điều chúng ta được mời gọi ước ao mỗi ngày. Nhưng tại sao, ĐG mời gọi chúng ta đến học với Ngài? Lý do ĐG đưa ra, làm chúng ta kinh ngạc: không phải vì Ngài là Đấng Thượng Trí và cũng không phải vì Ngài là Đấng Quyền Năng, nhưng vì Ngài “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Và không ở đâu hơn nơi mầu nhiệm Thánh Thể và Thập Giá, Ngài trở nên hiền hậu và khiêm nhường nhất; nhưng đồng thời, nơi Thập Giá, Ngài cũng bày tỏ Sức Mạnh và Khôn Ngoan, không phải theo quan niệm của con người, mà là của Thiên Chúa.
– Đến học với Chúa, chúng ta được mời gọi bỏ ách của mình để mang lấy ách của Chúa, đón nhận ách của mình bằng tình yêu Chúa dành cho chúng ta và bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa. Ách của Chúa thì nhẹ nhàng, bởi vì tất cả những gì Ngài làm, là để diễn tả tình yêu đến cùng và để phục vụ cho sự sống của chúng ta. Bình thường, ách thì phải nặng; nhưng khi đến học với Ngài, chúng ta không thể không yêu mến Ngài; và chính lòng yêu mến Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên dễ dàng, và ách của Ngài trở nên êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng. Thánh Augustinô nói: “trong tình yêu không có đau khổ; nếu có đau khổ, thì đau khổ đó đã được yêu rồi”. Nhưng làm sao chúng ta có thể không yêu mến Ngài được, khi mà chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Ngài?
– Vậy, đâu là ách và gánh của Chúa mà chúng ta mang vào mình với lòng yêu mến? Đâu là ách và gánh của cuộc đời chúng ta, của những người khác nữa, nhất là những người thân yêu trong gia đình, mà chúng ta được mời gọi gánh vác với tình yêu Chúa? Chúng ta thử hình dung xem, có lẽ chúng ta đã có kinh nghiệm rồi, khi chúng ta lìa bỏ tình yêu Chúa, mọi sự trở nên không thể chịu nổi.
3. Nghỉ ngơi bồi dưỡng và gánh nhẹ nhàng (c.29b-30)
– Xin cho chúng ta nhận được và cảm nếm sự nghỉ ngơi, khi đến với ĐG để học với Ngài và mang lấy ách của Ngài, là sự nghỉ ngơi nào?
+ Chúng ta cảm thấy bình an, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường; vì gánh của Ngài là gánh sự sống và tình yêu.
+ Ra khỏi mình, từ bỏ gánh của mình để mang cái gánh của Chúa vì lòng yêu mến Ngài, sẽ đem lại cho chúng ta sự an nghỉ.
+ Chúng ta luôn cảm thấy được nghỉ ngơi, khi đến với Người mình yêu mến. Vì thế, khi yêu mến ĐGS, ở lại với Ngài, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự nghỉ ngơi, hạnh phúc đích thực.
+ Chúng ta được nghỉ ngơi, vì được Ngài giải thoát khỏi sự dữ, được tự do, được Chúa bao dung và tha thứ.
+ Chúng cảm thấy khỏe mạnh trong tâm hồn, vì được Chúa chữa lành.
+ Chúng ta được nghỉ ngơi vì được Ngài phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa, như người cha nói với người con: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 24).
+ Chúng ta được nghỉ ngơi vì được Chúa dẫn vào niềm vui tạ ơn và ca tụng, không chỉ trong lúc thuận lợi, nhưng cả trong thử thách và đau khổ.
– Và một cách tuyệt đối, trên Thập Giá, Chúa đã mang lấy hết mọi ách và gánh của chúng ta rồi. Dù chúng ta có “mang gánh nặng nề” thế nào, chúng ta vẫn được mời gọi tìm đến nghỉ ngơi ở trong Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên Thập Giá. Vì như ngôn sứ Isaia nói: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (Is 53, 4; x. Mt 8, 17).
– Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng nghỉ ngơi là cùng đích của con người. Thực vậy, con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô nói như thế. Hơn nữa, nghỉ ngơi là khao khát thẳm sâu của con người, dù ý thức hay không ý thức. Vì vậy, lúc “nhắm mắt suôi tay”, chúng ta cầu chúc cho người quá cố: “Hãy nghỉ ngơi trong bình an” (tiếng La tinh: RIP, requiescat in pace, thường được ghi trên bia mộ). Xin cho chúng ta cảm nếm được sự nghỉ ngơi mỗi ngày, khi ở bên Chúa, và nhất là trong dịp tĩnh tâm này.
Phần III. Tâm sự với Chúa và kết thúc với kinh Lạy Cha
Hát (bài phù hợp)