Chúa Nhật XIII Thường Niên (B) (30/6)
Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an
Dẫn vào thánh lễ
Ngay từ khởi thủy Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, để con người được hạnh phúc. Bài đọc 1 cho chúng ta thấy rõ: Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, nhưng vì ác quỉ ganh tị mà sự chết đã vào thế gian. Con người cũng do kiêu ngạo mà đánh mất tự do và hạnh phúc đích thực.
Thiên Chúa vì muốn cứu con người mà Ngôi Hai, là Đức Giêsu Kitô đã mặc lấy xác phàm. Thật vậy, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, tuy giàu sang, nhưng đã mang thân phận nghèo khó, đến ở với con người để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. (Bài đọc 2)
Tin Mừng giới thiệu với chúng ta về một Chúa Giêsu đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng. Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, cứu con người khỏi xiềng xích của Satan trói buộc, điển hình là người đàn bà băng huyết suốt mười hai năm cũng như con gái ông Giairô trong bài Phúc Âm hôm nay.
Để cảm tạ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, chúng ta sốt sáng tham dự Thánh Lễ trong tâm tình thống hối ăn năn.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử, để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc, nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
🌸 Bài đọc 1 (Kn 1,13-15 ; 2,23-24)
Chính vì quỷ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian.
Bài trích sách Khôn ngoan
113Thiên Chúa không làm ra cái chết,
chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.
14Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu,
mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh,
chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại.
Âm phủ không thống trị địa cầu.
15Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử.
223Phải, Thiên Chúa đã sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt.
Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.
24Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị
mà cái chết đã xâm nhập thế gian.
Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.
🌸 Đáp ca Tv 29,2 và 4.5-6.11-12a và 13b (Đ. 2a)
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
2Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
4Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
5Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
cảm tạ thánh danh Người.
6Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
11Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.
12aKhúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu.
13bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.
Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
🌸 Bài đọc 2 (2 Cr 8,7.9.13-15)
Anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
7 Thưa anh em, cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt : về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa. 9 Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào : Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. 13 Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. 14 Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, 15 hợp với lời đã chép : Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.
Tung hô Tin Mừng x. 2 Tx 1, 10
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mc 5,21-43 )
Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
21 Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin : “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ : “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi : “Ai đã sờ vào áo tôi ?” 31 Các môn đệ thưa : “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi : ‘Ai đã sờ vào tôi ?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo : “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ : “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói : “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là : “Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Để xứng đáng là những người được Chúa cứu chuộc và được tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu với Con Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện, và xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn sống trong tình trạng ân sủng:
- Lạy Chúa, xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn được hồn an xác mạnh, đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, hầu các ngài có một tấm lòng quảng đại, vị tha, tận tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao trong lòng thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lạy Chúa, giữa lòng thế giới hôm nay có biết bao người đang sa vào vực thẳm của những tệ nạn xã hội, và mưu chước của Satan. Xin Chúa soi dẫn họ biết sửa lỗi ăn năn quay về nẻo chính, nhận ra ân huệ tình yêu mà Ngài luôn trao cho nhân loại. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”. Lạy Chúa xin cho mọi tín hữu, luôn biết tin tưởng chạy đến với Chúa mỗi khi gặp gian nan thử thách, để được Người chữa lành mọi bệnh tật xác hồn, và ban muôn ân sủng. Chúng con cầu xin Chúa.
- Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết nhìn lên Thánh Tâm Chúa, cách đặc biệt trong tháng 6 này, để nhận ra tình yêu đích thực, với sự hy sinh vì người mình yêu; nhờ đó dám dấn thân phục vụ những người kém may mắn, đang gặp đau khổ, bị gạt ra bên lề xã hội. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ, xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Đức Kitô. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì thương xót nhân loại lỗi lầm, Người đã chấp nhận sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, đã chịu khổ hình thập giá/ để cứu chúng con khỏi chết muôn đời. Và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh.
Vì thế, cùng với các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; Xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)
NGUỒN GỐC CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ SỐNG
“Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy trỗi dậy” (Mc 5,42)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 1,13-15; 2,23-24
Cái chết vẫn luôn là một điều hết sức khó hiểu cho con người mọi thời đại, bởi vì mãi cho đến ngày hôm nay vẫn chưa một người nào có thể cưỡng lại nổi sức mạnh vũ bão của cái chết. Ngay từ thế kỷ I trước công nguyện, khi suy tư về cái chết đầy nghiệt ngã, tác giả sách Khôn ngoan đã không uổng công để thử đưa ra một định nghĩa chỉ mang tính lý thuyết về cái chết, nhưng đặt nó trong thế đối lập với sự sống đến từ Thiên Chúa.
Tác giả này khẳng định: sự chết không thể có ở nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ tạo nên sự sống để mang lại hạnh phúc cho con người. Nhưng chính vì sự ganh tị của quỷ dữ mà cái chết đã xâm nhập vào thế gian, và điều quan trọng là “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”.
2. Bài đoc II – 2Cor 8,7.9.13-15
Trong một nỗ lực không mệt mỏi nhằm quyên góp để cứu trợ giáo đoàn tại Giêrusalem đang lâm cơn đói kém do mất mùa, Thánh Phaolô đã kêu gọi lòng bác ái của giáo đoàn tại Côrintô khi chỉ ra cho họ thấy nét độc đáo của lòng bác ái nơi chính Đức Giêsu Kitô: “Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có.” Nói cách khác, sự giàu có mà cộng đoàn Côrintô đang có được chính là do việc tự nguyện chấp nhận trở nên nghèo khó của Đức Kitô.
Trên nền tảng đó, thánh Phaolô còn cho thấy rằng: thực thi việc bác ái không phải chỉ vì muốn nên giống Đức Kitô, nhưng còn là một bổn phận nhằm tái lập thế quân bình cần thiết cho đời sống cộng đoàn của các Kitô hữu: “Sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại chỗ thiếu thốn của anh em.” Như vậy, “kẻ dược nhiều, thì cũng không dư, mà kẻ có ít, cũng không thiếu.”
3. Bài Phúc âm – Mc 5,21-43
Qua hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu đã làm cho người đàn bà bị xuất huyết và con gái ông Giairô, thánh Marcô muốn chứng tỏ rằng: bệnh tật và cái chết đang thực sự thống trị trên đời sống con người, hơn nữa những nỗ lực yếu ớt từ phía con người nhằm thoát ra khỏi sự phong tỏa của bệnh tật và cái chết như đang đi vào ngõ cụt.
Máu vốn là nguyên lý của sự sống, mà “người đàn bà bị bệnh xuất huyết mười hai năm” nghĩa là sự sống đang từng bước giảm sút nghiêm trọng nơi bà để nhường chỗ cho sự thống trị của cái chết. Và hình ảnh cơn hấp hối đang hoành hành trên đứa bé gái con của ông Giairô càng làm rõ nét hơn thế lực của sự chết mà không ai có thể cưỡng lại được.
Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện như Đấng là Sự Sống và cũng là Đấng mang lại sự sống. Sự xuất hiện của Ngài đồng nghĩa với sự biến mất của bệnh tật và sự chết. Nói cách cụ thể hơn, duy chỉ mình Ngài mới có thể giúp con người phục hồi được thể trạng từ những căn bệnh nan y và nhất là dành lại sự sống từ trong cõi chết.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Lời khẳng định của tác giả sách Khôn ngoan như muốn làm mới lại một chân lý dường như đã trở nên cũ kỹ: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn… Ngài chẳng vui mừng khi người sống phải chết.” Theo quan điểm đó, đúng là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Vì thế, xác tín này phải là nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin cho người tín hữu khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
2. Dư giả và thiếu thốn là một kiểu nói khác để phản ánh thân phận của con người khi phải đối diện với sự sống và cái chết: dư giả thì sống còn thiếu thốn thì chết. Đang khi theo khuynh hướng tự nhiên, con người luôn bị cám dỗ để làm cho sự chênh lệch “dư giả – thiếu thốn” (giàu – nghèo) này càng trở nên nghiêm trọng, thì người Kitô hữu lại được thánh Phaolô mời gọi để nỗ lực góp phần làm giảm bớt đi sự chênh lệch này bao nhiêu có thể, khi cùng nhau xây dựng một thế giới “đồng đều” hơn, bình đẳng hơn trên nền tảng của đức ái Kitô giáo.
3. Cái chết đã trở thành một qui luật, khi mạnh lúc yếu, luôn chi phối trên cuộc sống của kiếp nhân sinh. Và con người, chỉ với những nỗ lực trong khả năng của mình, không bao giờ có thể cưỡng lại nổi sức mạnh của cái chết. Nhưng nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, sự chết đã nhường chỗ sự sống, và như thế con người có cơ hội để đặt chân vào ngưỡng cửa của cõi phúc trường sinh với một điều kiện là tin vào Đức Giêsu Kitô. Do vậy, kiên vững trong niềm tin là điều kiện tiên quyết giúp người tín hữu có thể, cùng với Đức Kitô, chiến thắng sự chết để khải hoàn bước vào sự sống đời đời bên Thiên Chúa.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, Người không ngừng ban sự sống và hạnh phúc cho con người. Trong tâm tình ngợi khen, cảm tạ và tin tưởng nơi Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng sự sống cho mọi người. Xin cho các thành phần trong Hội Thánh được dồi dào sức sống của Chúa Phục Sinh, và luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao bằng đời sống cầu nguyện và dấn thân phục vụ.
2. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để họ sống vĩnh viễn.” Chúng ta cùng cầu xin cho con người trong thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay, nhận biết rằng chỉ có Chúa mới đem cho họ sự sống và hạnh phúc đích thực.
3. Ðức Kitô đã mang lấy thân phận nghèo khó, để chúng ta nên giàu có. Xin cho mọi kitô hữu luôn ý thức trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong tinh thần nghèo khó và đời sống yêu thương phục vụ, hầu đem lại hạnh phúc cho mọi người chung quanh.
4. Đức Giêsu nói với ông trưởng hội đường: “Ðừng sợ, hãy cứ tin.” Xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta biết tin tưởng chạy đến với Chúa mỗi khi gặp gian nan thử thách, để được Người chữa lành mọi bệnh tật xác hồn, và ban muôn ân huệ trong cuộc sống.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn vững bước trong niềm tin, để mai sau được cùng với Đức Kitô chiến thắng sự chết và khải hoàn tiến vào cõi sống đời đời ở bên Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
🌸 Gợi ý suy niệm
Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu,
có những người đụng vào áo Ngài.
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý,
đụng lén như sợ bị bắt quả tang.
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ,
mười hai năm mắc bệnh băng huyết,
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi,
mười hai năm bị coi là ô nhơ:
không được đụng đến người khác,
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu
bằng tay và bằng lòng tin,
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.”
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong đời sống Kitô hữu,
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen,
không để lại một âm vang nào,
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.
Hay nói đúng hơn,
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.
Như con gái của ông trưởng hội đường,
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy trỗi dậy.”
Trỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.
Trỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.
Trỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ:
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giarô:
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể,
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em,
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng,
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi,
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Học hỏi Lời Chúa – Ban MVPT
NGUỒN GỐC CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ SỐNG
“Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy trỗi dậy” (Mc 5,42)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 1,13-15; 2,23-24
Cái chết vẫn luôn là một điều hết sức khó hiểu cho con người mọi thời đại, bởi vì mãi cho đến ngày hôm nay vẫn chưa một người nào có thể cưỡng lại nổi sức mạnh vũ bão của cái chết. Ngay từ thế kỷ I trước công nguyện, khi suy tư về cái chết đầy nghiệt ngã, tác giả sách Khôn ngoan đã không uổng công để thử đưa ra một định nghĩa chỉ mang tính lý thuyết về cái chết, nhưng đặt nó trong thế đối lập với sự sống đến từ Thiên Chúa.
Tác giả này khẳng định: sự chết không thể có ở nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ tạo nên sự sống để mang lại hạnh phúc cho con người. Nhưng chính vì sự ganh tị của quỷ dữ mà cái chết đã xâm nhập vào thế gian, và điều quan trọng là “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”.
2. Bài đoc II – 2Cor 8,7.9.13-15
Trong một nỗ lực không mệt mỏi nhằm quyên góp để cứu trợ giáo đoàn tại Giêrusalem đang lâm cơn đói kém do mất mùa, Thánh Phaolô đã kêu gọi lòng bác ái của giáo đoàn tại Côrintô khi chỉ ra cho họ thấy nét độc đáo của lòng bác ái nơi chính Đức Giêsu Kitô: “Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có.” Nói cách khác, sự giàu có mà cộng đoàn Côrintô đang có được chính là do việc tự nguyện chấp nhận trở nên nghèo khó của Đức Kitô.
Trên nền tảng đó, thánh Phaolô còn cho thấy rằng: thực thi việc bác ái không phải chỉ vì muốn nên giống Đức Kitô, nhưng còn là một bổn phận nhằm tái lập thế quân bình cần thiết cho đời sống cộng đoàn của các Kitô hữu: “Sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại chỗ thiếu thốn của anh em.” Như vậy, “kẻ dược nhiều, thì cũng không dư, mà kẻ có ít, cũng không thiếu.”
3. Bài Phúc âm – Mc 5,21-43
Qua hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu đã làm cho người đàn bà bị xuất huyết và con gái ông Giairô, thánh Marcô muốn chứng tỏ rằng: bệnh tật và cái chết đang thực sự thống trị trên đời sống con người, hơn nữa những nỗ lực yếu ớt từ phía con người nhằm thoát ra khỏi sự phong tỏa của bệnh tật và cái chết như đang đi vào ngõ cụt.
Máu vốn là nguyên lý của sự sống, mà “người đàn bà bị bệnh xuất huyết mười hai năm” nghĩa là sự sống đang từng bước giảm sút nghiêm trọng nơi bà để nhường chỗ cho sự thống trị của cái chết. Và hình ảnh cơn hấp hối đang hoành hành trên đứa bé gái con của ông Giairô càng làm rõ nét hơn thế lực của sự chết mà không ai có thể cưỡng lại được.
Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện như Đấng là Sự Sống và cũng là Đấng mang lại sự sống. Sự xuất hiện của Ngài đồng nghĩa với sự biến mất của bệnh tật và sự chết. Nói cách cụ thể hơn, duy chỉ mình Ngài mới có thể giúp con người phục hồi được thể trạng từ những căn bệnh nan y và nhất là dành lại sự sống từ trong cõi chết.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Lời khẳng định của tác giả sách Khôn ngoan như muốn làm mới lại một chân lý dường như đã trở nên cũ kỹ: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn… Ngài chẳng vui mừng khi người sống phải chết.” Theo quan điểm đó, đúng là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Vì thế, xác tín này phải là nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin cho người tín hữu khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
2. Dư giả và thiếu thốn là một kiểu nói khác để phản ánh thân phận của con người khi phải đối diện với sự sống và cái chết: dư giả thì sống còn thiếu thốn thì chết. Đang khi theo khuynh hướng tự nhiên, con người luôn bị cám dỗ để làm cho sự chênh lệch “dư giả – thiếu thốn” (giàu – nghèo) này càng trở nên nghiêm trọng, thì người Kitô hữu lại được thánh Phaolô mời gọi để nỗ lực góp phần làm giảm bớt đi sự chênh lệch này bao nhiêu có thể, khi cùng nhau xây dựng một thế giới “đồng đều” hơn, bình đẳng hơn trên nền tảng của đức ái Kitô giáo.
3. Cái chết đã trở thành một qui luật, khi mạnh lúc yếu, luôn chi phối trên cuộc sống của kiếp nhân sinh. Và con người, chỉ với những nỗ lực trong khả năng của mình, không bao giờ có thể cưỡng lại nổi sức mạnh của cái chết. Nhưng nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, sự chết đã nhường chỗ sự sống, và như thế con người có cơ hội để đặt chân vào ngưỡng cửa của cõi phúc trường sinh với một điều kiện là tin vào Đức Giêsu Kitô. Do vậy, kiên vững trong niềm tin là điều kiện tiên quyết giúp người tín hữu có thể, cùng với Đức Kitô, chiến thắng sự chết để khải hoàn bước vào sự sống đời đời bên Thiên Chúa.