Dẫn vào thánh lễ
Sứ điệp Lời Chúa trong bài đọc I hôm nay cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa tuy đi qua người Do Thái nhưng vẫn muốn đến với hết mọi dân tộc. Ơn cứu độ ấy, theo thánh Gioan trong bài đọc II, hệ tại việc nhận biết Thiên Chúa là Tình yêu, Đấng “đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10); và trung thành thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
“Yêu như Thầy đã yêu” là dám hy sinh cả tính mạng mình vì người mình yêu. Đó là tình yêu hoàn toàn nhưng không và trọn vẹn. Chúng ta cùng hiệp dâng Thánh lễ. Xin cho tình yêu mà Chúa đã dạy cho chúng ta được lan tỏa tới hết mọi người, để ai cũng biết yêu và được yêu “như Thầy đã yêu”.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày vui này xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Ðức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi mới. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
🌸 Bài đọc 1 (Cv 10,25-26.34-35.44-48)
Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ
25 Khi ông Phê-rô bước vào nhà ông Co-nê-li-ô, thì ông liền ra đón và phủ phục dưới chân ông mà bái lạy. 26 Nhưng ông Phê-rô đỡ ông ấy lên và nói : “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm.”
34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói : “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.”
44 Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. 45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống cả trên các dân ngoại nữa, 46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô nói rằng : 47 “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ ?” 48 Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày.
🌸 Đáp ca Tv 97,1.2-3ab.3cd-4 (Đ. x. c.2)
Đ.Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân.
1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.
Đ.Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân.
2Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ;
3abNgười đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
Đ.Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân.
3cdToàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Đ.Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân.
🌸 Bài đọc 2 (1 Ga 4,7-10 )
Thiên Chúa là Tình Yêu.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ
7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là tình yêu.
9Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này :
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10Tình yêu cốt ở điều này :
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
Tung hô Tin Mừng Ga 14, 23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy.” Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Ga 15,9-17 )
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa, để niềm vui chúng ta được trọn vẹn. Vậy chúng ta hãy cảm tạ Chúa và hiệp ý cầu nguyện cho hết thảy mọi người:
- “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn vững tin vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, và ý thức rằng chính Chúa đã chọn, đã yêu chúng ta trước. Nhờ đó, chúng ta nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Phục sinh cho con người bằng đời sống cầu nguyện và gương sáng đức tin của mình. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - “Ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được người đón nhận”. Xin Chúa cho mỗi người sau khi gặp Chúa nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, trở nên can đảm, dấn thân và hăng say lên đường làm chứng nhân cho Tình Yêu Chúa, dù phải gặp biết bao khó khăn và thách đố của thời đại. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Thiên Chúa là tình yêu”. Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng con được đón nhận Bí Tích tình yêu mỗi ngày với lòng biết ơn sâu xa, luôn đoàn kết yêu thương hiệp nhất và biết can đảm đón nhận những buồn vui trong cuộc sống để làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.
- Lạy Chúa, trên thế giới này có rất nhiều người cần chia sẻ những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, xin Chúa cho những ai đang hoạt động tông đồ tại các vùng miền, luôn có một đức tin trong sáng, một tình thương bao la cùng tinh thần phục vụ vô vị lợi, và xem tất cả những con người mình gặp gỡ đều là thành viên trong một gia đình thiêng liêng. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với lễ vật chúng con tiến dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin …
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong mùa cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Người không ngừng hiến thân vì chúng con, và luôn làm trạng sư bênh vực chúng con trước toà Chúa. Người đã bị sát tế mà không còn chết nữa, dù đã bị giết mà vẫn sống luôn mãi.
Vì thế với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin …
🌸 Gợi ý suy niệm
Có người cho rằng Tin Mừng Gioan có tính cục bộ
vì Đức Giêsu chỉ đòi các môn đệ rửa chân cho nhau,
hay yêu thương nhau (Ga 13,14; 15,12).
Không thấy Ngài nói đến việc yêu thương dân ngoại,
hay yêu thương kẻ thù (Mt 5,44).
Có vẻ cộng đoàn của Gioan là một cộng đoàn khép kín,
Thầy trò chỉ biết lo cho nhau, ở lại trong nhau (Ga 15,4).
Thật ra Tin Mừng Gioan là một Tin Mừng mở ra với thế giới.
Đức Giêsu đã đến với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng,
và đã ở lại với thành phố ngoại giáo Xy-kha hai ngày (Ga 4,40).
Ngài không chỉ quan tâm đến những con chiên trong ràn,
mà còn muốn đưa về những con chiên ngoài ràn nữa (Ga 10,16).
Ngài đòi các môn đệ phải đi rao giảng,
phải dùng lời của mình mà làm cho người ta tin (Ga 17,20).
Biết bao lần Đức Giêsu sai phái họ vào trong thế gian (Ga 17,18),
dù đó là thế gian thù ghét và toan tính hãm hại Ngài (Ga 15,18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đã gọi môn đệ là bạn.
Bạn là người được Thầy yêu đến cùng,
yêu đến độ dám hy sinh mạng sống (Ga 15,9.12).
Bạn là người được Thầy thổ lộ tương quan giữa Thầy với Cha,
những mặc khải mà chỉ mình Thầy mới có thể vén mở (Ga 15,15),
vì Thầy hằng ở trong cung lòng Cha (Ga 1,18).
Bạn là người đã thi hành những điều Thầy truyền,
đã tuân giữ nghiêm cẩn điều răn Thầy dạy (Ga 15,14),
mà điều răn quan trọng và mới mẻ là hãy yêu mến nhau.
Bạn của Thầy là người có khả năng yêu mến anh em mình,
yêu như Thầy đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất,
tình yêu dám hiến mạng cho anh em (Ga 15,12)
Bạn là người được hưởng niềm vui trọn vẹn,
vì luôn ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15,10-11).
Bạn hữu của Thầy Giêsu là những cành nho của cùng một cây,
Thầy chính là cây nho trao ban sự sống.
Thầy và từng người bạn nối kết với nhau như cành với cây.
Từ đó Thầy tạo ra sự liên kết giữa các cành.
Các cành không phải là những đơn vị rời rạc,
nhưng là những người được nuôi bằng cùng một dòng nhựa.
Họ gắn bó với nhau vì cùng gắn bó với Thầy Giêsu,
cùng được cắt tỉa và cùng sinh trái ngọt.
Một cành bị sâu cũng ảnh hưởng trên các cành khác.
Cành sinh trái nhiều là niềm vinh dự cho Chúa Cha (Ga 15,8),
và là niềm vui cho cả cây nho lẫn các cành (Ga 15,11).
Các môn đệ sinh trái khi họ ở lại trong Thầy Giêsu,
và sống yêu thương nhau như Thầy đã yêu.
Nhưng tình Thầy trò lại không dẫn vào một thế giới khép,
vì chính Thầy đã chủ động chọn các môn đệ,
và đã cắt đặt để họ ra đi và sinh trái (Ga 15,16).
“Ở lại trong” Thầy không chỉ là để hưởng thụ một tình bạn,
nhưng còn là được sai vào thế giới những người chưa tin.
Chỉ ai “ở lại trong” mới được sai vào thế giới.
Có cả một thế giới mênh mông, một đồng lúa chín vàng đang chờ.
Người môn đệ phải sinh trái vừa nhiều, vừa bền vững,
ngay giữa lòng một thế giới đầy hận thù, ích kỷ, đói nghèo,
một thế giới bệnh tật cần được chữa lành, cần được yêu thương.
Cộng đoàn các kitô hữu là cộng đoàn của những người bạn,
bạn của Thầy Giêsu và bạn của nhau,
ở lại trong Thầy và ở lại trong nhau.
Từ đó họ cũng là cộng đoàn được sai vào thế giới,
để gặp gỡ và tạo nên những tình bạn mới trong Giêsu.
Chỉ mong ở đâu họ cũng sinh trái xum xuê.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỷ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê su cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giê su và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Học Hỏi Lời Chúa
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9)
*****
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC 1: Cv 10,25-26.34-35.44-48
Trong khoảng thời gian 30 năm sau biến cố phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội thời sơ khai đã có bước tiến triển mạnh mẽ trong Đế quốc Roma. Dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, các tín hữu, nhất là những vị tông đồ xuất chúng như Phêrô, Phaolô, Gioan, Giacôbê, Stêphanô, Barnabas, đã không ngừng làm lan tỏa Tin mừng về Chúa Kitô Phục sinh trên toàn Đế quốc: từ Giêrusalem đến tận Roma. Giáo hội đã không ngừng vươn lên, từ một định chế của các tín hữu gốc Do thái trở thành một định chế mang tầm mức “quốc tế” bao hàm đa số các tín hữu gốc dân ngoại.
Sách Tông đồ Công vụ minh định: Hội thánh Chúa không phải là một thực thể chính trị nhằm đe doạ sự tồn vong của Đế quốc Roma, nhưng là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng đang kiến tạo một “vương quốc” thiêng liêng, bao gồm tất cả những ai tin vào danh Đức Giêsu Kitô.
Bài đọc 1 thuộc đơn vị văn chương 9,32–12,24, cho chúng ta thấy việc loan báo Tin mừng Đức Kitô Phục sinh đã bắt đầu khởi sự nơi dân ngoại. Thánh Phêrô đã nhận được thị kiến từ Thiên Chúa, theo đó Tin mừng cũng sẽ được loan báo cho cả dân ngoại nữa, chứ không chỉ giới hạn cho người Do thái. Tại nhà viên đại đội trưởng người Roma là ông Corneliô, thánh Phêrô đã xác định rõ thánh ý cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và sống ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (x. Cv 10,35). Một khi Chúa Thánh Thần được ban xuống cho cả dân ngoại, thì Phêrô không thấy có lý do gì ngăn cản ngài làm Phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô (x. Cv 10,45-48).
2. BÀI ĐỌC 2: 1Ga 4,7-10
Theo truyền thống, vào những năm cuối đời, thánh Gioan Tông Đồ đã sống tại Êphêxô. Lá thư này có lẽ được viết cho chính giáo đoàn tại đây. 1Ga 2,19 cho chúng ta biết có một số kẻ “phản Kitô” đã tách khỏi giáo đoàn. Họ đang tìm cách lôi kéo nhiều người theo lạc thuyết của họ. Thánh Gioan đã viết thư này, để giúp giáo đoàn phân định sự thật khỏi sự dối trá và lầm lạc cả trong giáo thuyết lẫn trong cung cách sống.
Những kẻ phản Kitô này không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô (x. 2,2). Họ cũng không tin Đức Giêsu Kitô là “Đấng đã đến và trở nên người phàm” (4,2-3). Hơn nữa, những kẻ này nhận mình có khả năng nhận biết và có sự hiệp thông trực tiếp với Thiên Chúa, nên họ không cần đến vai trò trung gian cứu độ của Đức Giêsu Kitô (x. 1,6; 2,4). “Chủ nghĩa ưu tuyển thiêng liêng” này xem thường vai trò của luân lý và bác ái yêu thương trong đời sống của người tín hữu. Trái lại, họ thích đề cao vai trò của các thị kiến và mặc khải thiêng liêng nơi con người.
Bác bỏ quan điểm của những kẻ phản Kitô, trong bài đọc 2 này, thánh Gioan dạy chúng ta ba điều vừa liên hệ đến đề tài Kitô học, cứu độ học, vừa liên hệ đến đời sống thực hành đức tin của người Kitô hữu. Ba điểm thiết yếu đó là:
1/ Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. c7).
2/ Kẻ biết yêu thương thì nhận biết Thiên Chúa (x. c7).
3/ Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa đã đến trong thế gian, Người đã đến làm của lễ đền tội cho chúng ta, để nhờ Người mà chúng ta được sống. Như thế, Thiên Chúa cho chúng ta thấy Người đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta biết yêu mến Người (x. cc 9-10).
3. BÀI TIN MỪNG: Ga 15,9-17
Các chương 14-16 của Tin mừng Gioan ghi lại nội dung bốn diễn từ chia tay của Chúa Giêsu với các môn đệ. Bài Tin mừng Chúa nhật VI Mùa Phục sinh năm B là phần cuối trong diễn từ thứ hai (x. Ga 15,1-17). Qua diễn từ này, Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ hãy “ở lại” trong tình thương của Người để họ “sinh được hoa trái”. Chúng ta có thể rút ra một số điểm chính trong bài Tin mừng hôm nay:
1) Các môn đệ sẽ sinh được hoa thơm trái ngọt nếu họ “ở lại” trong Chúa, nghĩa là, khi họ gắn bó thân tình với Chúa và tín thác vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, qua việc thực thi lệnh Chúa truyền. Nhưng tại sao người môn đệ phải “ở lại” trong Chúa mới sinh hoa kết trái như lòng Chúa mong ước? Nối kết với các câu trước đó trong diễn từ thứ hai này (x. Ga 15,1-8), câu trả lời là: khi không kết hiệp mật thiết với Chúa, thì họ chẳng khác nào cành nho tách rời khỏi cây nho; mà nếu không gắn liền với cây nho, thì cành nho không tự mình sinh hoa trái được (x. Ga 15,4).
2) Người môn đệ ở lại trong Chúa cách đích thực, khi họ thực thi mệnh lệnh Người truyền cho họ. Lệnh truyền đó chính là: họ hãy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương họ (x. c12). Tình yêu của Chúa dành cho các môn đệ chính là mẫu mực cho tình yêu của họ đối với nhau. Người môn đệ được mời gọi vươn tới tầm mức yêu thương cao cả của Đấng [sẽ] hiến mạng sống mình vì đoàn chiên (x. Ga 10,15). Chính Chúa Giêsu sẽ thực hiện điều Người đang mời gọi các môn đệ thực thi: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì người bạn hữu của mình”. Như thế Người không chỉ truyền cho các môn đệ thực thi lệnh truyền yêu thương, nhưng chính Người còn là mẫu gương yêu thương cho các môn đệ noi theo.
3) Người ở lại trong Chúa có thể phải để mình được “cắt tỉa” như cành nho, để họ có sức sống mạnh mẽ hơn và sinh nhiều hoa trái hơn. Việc “cắt tỉa” này có thể bao hàm việc để Chúa loại đi khỏi họ những thứ “lá-nhánh” không cần thiết trong đời họ, vốn là những thứ chỉ làm tiêu hao tâm trí và sinh lực của họ cách vô ích. Việc cắt tỉa cũng có thể ám chỉ đến việc thanh luyện đức tin-cậy-mến và trọn cả con người họ, khi Chúa để cho họ trải qua nhiều thử thách, khó khăn và trở ngại trong đời hầu giúp họ vươn tới tầm mức của người hoàn toàn thuộc trọn về Chúa, còn Chúa là tất cả của họ theo nghĩa viên mãn nhất. Người môn đệ có lòng yêu mến Chúa, có niềm tin vững chắc, có niềm cậy trông sắt son, sẽ xem những thử thách họ phải đối diện, không loại trừ cả việc bị bách hại và tử vì đạo, như một diễm phúc Chúa dành cho họ để họ trở nên đồng hình đồng dạng với chính Đấng “đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (x. Rm 5,8).
4) “Sinh được hoa trái” bền lâu biểu hiện sức sống và sự thành tựu nơi người môn đệ. Hoa trái mà họ sinh ra có thể được nhìn thấy qua đời sống nhiệt tâm cầu nguyện kết hiệp mật thiết với Chúa, qua việc sống các giá trị và đòi buộc của Tin mừng, qua việc sống bác ái yêu thương mọi người, và qua việc hăng say loan báo Tin mừng để từ đó Tin mừng được lan toả ra khắp nơi (x. Cv 2,42-47; 11,19-26; 19, 8-10, v.v).
5) Mối tương quan thân tình giữa Chúa Giêsu và người môn đệ được hoạ theo mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu (x. thêm Ga 13,20; 15,18-25; 17,18; 20,21). Trong bài Tin mừng hôm nay, trọng tâm đặt ở sự vâng phục và tình yêu. Vâng nghe lệnh truyền yêu thương của Chúa là mở rộng tình yêu của Chúa đến với mọi người. Việc vâng nghe lệnh truyền yêu thương này sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn cho người môn đệ (x. c11).
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Thánh Phêrô đã minh định thánh ý cứu độ phổ quát của Thiên Chúa dành cho mọi người. Ngài cũng đã làm Phép Rửa cho gia đình viên đại đội trưởng Corneliô, mở ra một trang sử mới cho Giáo Hội, theo đó ngày càng có nhiều “dân ngoại” tin theo Đức Kitô đã được nhận làm con cái Chúa và làm thành viên của Giáo hội. Ngày hôm nay, tôi phải làm gì để nhiều người khác nhận ra tình yêu Thiên Chúa và tin theo Đức Kitô?
2/ Cộng đoàn tín hữu thời thánh Gioan phải đối diện với những vấn đề do những kẻ phản Kitô gây ra cả trong giáo thuyết lẫn thực hành. Thánh Gioan đã viết ra lá thư thứ nhất để phản bác lại những quan điểm và lối sống lầm lạc, đồng thời giúp hướng dẫn đời sống đức tin và luân lý của người tín hữu. Theo bạn, ngày hôm nay, chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề phản Tin mừng nào? Làm sao chúng ta có thể sống trung tín với Thiên Chúa khi phải đối diện với những vấn nạn đó?
3/ Theo bạn, trong cuộc sống thường ngày, “ở lại” trong tình thương của Chúa Giêsu Kitô và “sinh được hoa trái” lâu bền nghĩa là gì? Chúng ta cần phải làm gì để có thể “ở lại” trong Chúa và “sinh được hoa trái”?
4/ Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật VI mùa Phục sinh cho chúng ta nghe lại ba bài đọc này. Theo bạn, ba bài đọc này cho chúng ta hiểu biết điều gì về Đức Kitô Phục sinh, về tình yêu và về quyền năng biến đổi của Người? Làm thế nào chúng ta có thể làm lan tỏa tình yêu và quyền năng biến đổi ấy của Chúa cho mọi người xung quanh?