Dẫn vào thánh lễ
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta tín điều quan trọng trong kinh Tin Kính về sự sống lại và sự sống đời sau: Niềm hy vọng vào sự sống lại, đã giúp cho 7 anh em nhà Maccabê thà chết hơn là lỗi phạm luật Chúa. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu bền đỗ trên đường lành để xứng đáng với Đấng đã thương yêu ban sự an ủi đời đời cho chúng ta. Và để bác bỏ quan niệm sống lại quá thiên về vật chất, thiếu lòng tin của những người Sađốc, Chúa Giêsu nói rõ: “Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Lc 20,38). Sau khi sống lại người ta sẽ sống như các Thiên Thần, không còn lệ thuộc những nhu cầu vật chất.
Người lành kẻ dữ đều sẽ sống lại, nhưng để được thưởng hay chịu phạt đó là điều khác biệt. Chúa sẽ căn cứ vào đời sống hiện nay của ta để quyết định số phận đời đời, như Ngài đã quả quyết: “Ai sống làm sao Ta sẽ trả cho như vậy”, “Gieo thứ gì gặt thứ ấy”.
Xin cho chúng ta luôn nhớ mình sẽ phải chết, để sống tốt lành hầu xứng đáng đón nhận phần thưởng vĩnh phúc.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
🌸 Bài đọc 1 (2 Mcb 7,1-2.9-14)
Vua vũ trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.
Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai
1 Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. 2 Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói : “Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì ? Vua muốn biết điều gì ? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi.”
9 Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói : “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.”
10 Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra, 11 và khẳng khái nói : “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được.” 12 Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ.
13 Người này chết rồi, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy. 14 Khi sắp tắt thở, anh nói như sau : “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu.”
🌸 Đáp ca Tv 16,1.4b-6.8 và 15 (Đ. c.15b)
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
1Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý ;
xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu
thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
4bCon tuân giữ mọi lời Chúa dạy,
tránh xa đường lối kẻ bạo tàn,
5dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
6Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
8Xin giữ gìn con như thể con ngươi,
dưới bóng Ngài, xin thương che chở.
15Về phần con, sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
🌸 Bài đọc 2 (2 Tx 2,16 – 3,5)
Xin Chúa cho anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca
2 16 Thưa anh em, xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, 17 xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.
3 1 Sau cùng, thưa anh em, xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em. 2 Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin. 3 Nhưng Chúa là Đấng trung tín : Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần. 4 Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh em : anh em đang làm và sẽ làm những gì chúng tôi truyền. 5 Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô.
Tung hô Tin Mừng Kh 1,5a.6b
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su Ki-tô là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy ; kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Lc 20,27-38 )
Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”
34 Đức Giê-su đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của người sống. Luôn tin tưởng vào Chúa là Đấng hằng sống, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
1. “Giàu có, thành công để làm gì nếu không có sự sống đời đời?” Xin cho hàng phẩm trật trong Giáo hội luôn trung thành và nhiệt tâm, đặc biệt là tất cả mọi Kitô hữu luôn vững tin và đặt trọn niềm hy vọng nơi Đức Kitô, Đấng duy nhất giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, sự chết, và dẫn chúng ta đến vinh phúc đời đời. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2. “Thiên Chúa che chở khách kiều cư”. Xin cho các nhà lãnh đạo có một trái tim nhân hậu, để anh chị em di dân được ân cần đón nhận và nâng đỡ, hầu đời sống của họ được an tâm làm lại cuộc sống mới nơi đất nước mà họ đang muốn được sống. Chúng con cầu xin Chúa.
3. Hiệp cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, xin cho những anh chị em, đặc biệt là các trẻ em đang chịu đau khổ, nhất là các em vô gia cư, mồ côi và nạn nhân chiến tranh, được hưởng một nền giáo dục lành mạnh và có cơ hội sống trong tình yêu gia đình. Chúng con cầu xin Chúa.
4. Thiên đàng là mục đích tối hậu của cuộc đời Kitô hữu. Xin cho tâm hồn của mỗi thành viên phụng vụ hôm nay, nhờ Lời Chúa hướng dẫn đời sống lữ hành, được đầy tràn sức mạnh của niềm tin cậy mến, mà ra sức chung tay với nhiều người xây dựng một cuộc sống yên vui và yêu thương. Chúng con cầu xin Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, xin gìn giữ chúng con trong tinh thần nghĩa tử, biết luôn sống xứng đáng với tình yêu và ơn thánh Chúa ban, để mai ngày chúng con được Chúa thương ban hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh tiến dâng, để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì lượng từ bi, Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Ðấng Cứu Chuộc đến với chúng con. Người vô tội mà Chúa muốn Người sống như chúng con, để Chúa yêu thương nơi chúng con/ điều Chúa quý mến nơi Con Chúa. Nhờ sự vâng phục của Người, chúng con được phục hồi để lãnh nhận những ơn Chúa mà chúng con đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng.
Vì thế, lạy Chúa cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con tuyên xưng Chúa và hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bển chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)
SỰ SỐNG LẠI CỦA KẺ CHẾT
‘Thiên Chúa không phải của kẻ chết, là mà của kẻ sống’ (x. Lc 20,38)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (2 Mcb 7,1-2.9-14)
Câu truyện trong sách Macabê hôm nay thuật lại niềm tin kiên vững của bà mẹ và bảy người con trước sự bắt bớ hành hạ của vua Antiôkhô. Họ sẵn sàng chịu chết hơn là phạm tội vì họ tin rằng Thiên Chúa sẽ dủ thương tôi tớ Người, Người sẽ cho họ sống lại để được sống đời đời. Đây là một tư tưởng khá mới của sách Macabê so với các sách Cựu Ước trước đó. Cách chung, người Do thái nghĩ là chết là đi vào chốn tối tăm, bị quên lãng, không còn ai nhớ tới. Ở đó không có ánh sáng của Thiên Chúa, không còn kêu cầu Danh Chúa, như chúng ta đọc trong các Thánh vịnh.
Bài đọc hôm nay là những lời tuyên xưng rõ ràng về sự sống lại của thân xác con người. Các anh hùng trong sách Macabê còn tuyên bố rõ rằng: các chi thể bị hành hạ cắt xẻo bởi lý hình thì Thiên Chúa cũng sẽ ban lại cho họ. Niềm tin của họ ngược lại với tinh thần Hy lạp vốn coi thân xác là tù ngục níu kéo con người trong những đam mê nặng nề, và chỉ có tiêu diệt thân xác thì con người mới siêu thoát, mới vươn đến những giá trị tinh thần cao đẹp. Chính sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu đã khẳng định ý nghĩa của niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết.
2. Bài đọc 2 (2 Tx 2,16-3,5)
Thánh Phaolô, qua lời cầu nguyện, mong ước các tín hữu ở Thessalonika, những người đang bị bách hại và cảm thấy lung lay, không biết mình có thể sống như Thiên Chúa muốn không, hãy kiên vững trong thử thách và giữ vững truyền thống đã được khuyên dạy. Ngài khẳng định với họ về sự trợ giúp Thiên Chúa ban cho họ để giúp họ thắng vượt những khó khăn ở giữa dân ngoại.
Thánh nhân cũng xin họ cầu nguyện cho ngài, là người đang làm việc rao giảng lời Chúa. Ngài cũng gặp khó khăn do sự thiếu lòng tin của những đối phương, nhưng quan tâm của ngài là để Tin mừng được rao giảng rộng rãi chứ không vì sự an nguy của mình. Trong mọi lúc, thánh Phaolô cho thấy rõ niềm tin tưởng cậy trông vào lòng trung thành của Thiên Chúa và qua lời cầu nguyện của mình, ngài khuyên họ hướng lòng về tình yêu trung thành của Thiên Chúa và Đức Kitô, nguồn nâng đỡ vô tận của họ. Chính niềm tin tưởng vào sự trung thành của Thiên Chúa, vào sự hoàn thành các lời hứa của Người là sức mạnh giúp các tín hữu kiên vững trong mọi hoành cảnh.
3. Bài Tin Mừng (Lc 20,27-40)
Nhóm Sađốc là một trong các đảng phái lãnh đạo trong Do thái giáo; phần lớn của nhóm này thuộc tầng lớp tư tế và quý tộc giàu có; họ bảo thủ về giáo lý và chỉ nhận bộ Ngũ Thư – năm sách được coi là của Môsê – là Sách Thánh. Do đó những gì không được nói đến trong bộ Ngũ Thư thì cũng không được họ công nhận. Họ không tìm thấy giaó lý về sự sống lại trong năm sách của bộ Ngũ Thư, do đó họ không tin vào sự sống lại của kẻ chết. Trái ngược với nhóm Sađốc, nhóm Pharisêu công nhận không chỉ bộ Ngũ Thư, các sách Ngôn sứ và các trước tác, mà còn công nhận những giáo điều được truyền thống ghi nhận từ Môsê, trong đó có giáo điều căn bản về sự sống lại của kẻ chết. Do đó vấn đề về sự sống lại của kẻ chết luôn là đề tài tranh luận của hai nhóm này.
Trong bài Tin Mừng hôm nay nhóm Sađốc lại tranh luận về chủ đề kẻ chết sống lại, nhưng đối tượng của cuộc tranh luận là Chúa Giêsu. Họ chất vấn Đức Giêsu về vấn đề này bằng cách dùng luật hôn nhân để chứng minh là việc kẻ chết sống lại là một điều buồn cười. Nếu như theo luật, cả bảy anh em đều cưới một phụ nữ, thì khi sống lại, người phụ nữ này sẽ là vợ của ai? Đây quả là một câu hỏi khó và đầy cạm bẫy, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời cách rõ ràng cho họ dựa trên lý luận và trên Kinh Thánh.
Trước hết, điều kiện sống ở thế giới này không phải là bằng chứng rằng đời sau sống lại người ta cũng sống trong cùng điều kiện như thế. Nghĩa là đời này người ta cưới vợ lấy chồng, vì người ta sẽ chết nên muốn lưu danh người chết bằng cách làm cho họ có người nối dõi tông đường, kéo dài sự hiện diện của họ trên trần gian. Nhưng “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng“, nghĩa là họ đã trở nên con cái Thiên Chúa, họ như những thiên thần, họ sẽ không còn chết nữa, họ được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, sự sống phục sinh khác xa với sự sống ở trần gian này. Những điều kiện hay vấn nạn của thế giới này không còn nghĩa lý gì đối với cuộc sống trên Nước Trời. Đây là sự sống mới nhờ sát nhập với Đức Kitô phục sinh qua việc cùng chịu đau khổ với Người.
Chúa Giêsu còn giải thích thêm cho họ bằng cách dùng lời Kinh Thánh trong sách Xuất hành (3,2) khi Thiên Chúa xưng mình ra với ông Môsê rằng Người là Thiên Chúa của các tổ phụ. Các tổ phụ đã chết từ lâu, nhưng Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của họ khi Người vẫn yêu thương, không bỏ rơi họ trong thế giới sự chết. Thiên Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ vì Người là Đấng cứu độ, che chở và giải thoát họ. Các tổ phụ vẫn “sống” vì Thiên Chúa vẫn quan tâm đến họ. Thế giới người chết không phải là nơi vĩnh viễn đóng kín con người ở đó, nhưng là nơi họ chờ đợi Thiên Chúa cứu thoát họ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Có lẽ chúng ta không gặp những khó ngăn nguy hiểm đến tính mạng vì bảo vệ niềm tin như các anh hùng trong sách Macabê, nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta có dám tuyên xưng mình là người Công giáo khi phải chọn lựa một điều hơn thua? Ví dụ mình có sống thành thật, không gian dối nơi trường học, công sở hay phố chợ?
2. Thánh Phaolô nói đến việc rao giảng Lời Chúa và cầu nguyện cho việc rao giảng Lời Chúa được lan rộng để đem Tin Mừng đến cho nhiều người. Chúng ta có thể làm gì để cộng tác vào việc rao giảng này?
3. Chúng ta có xác tín vào sự sống lại của chúng ta trong ngày Chúa quang lâm? Chúng ta làm gì để chuẩn bị cho mình vào số những người được Thiên Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc dành cho con cái Người?