Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật Tuần XXIII TN (4/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được

Lc 14,33
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (Kn 9,13-18)

Ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi ?

Bài trích sách Khôn ngoan

13Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa ?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi ?
14Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.
15Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.
16Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,
đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng ?
17Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh ?
18Chính vì thế mà đường lối người phàm
được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết
những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.

🌸 Đáp ca Tv 89,3-4.5-6.12-13.14 và 17 (Đ. c.1)

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

3Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”
4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

5Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn
.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
17Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

 🌸 Bài đọc 2 (Plm 9b-10.12-17)

Xin anh hãy đón nhận anh Ô-nê-xi-mô, không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Phi-lê-môn

9b Anh Phi-lê-môn thân mến, tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, 10 tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, 12 tôi xin gửi nó về cho anh ; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. 13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. 14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện. 15 Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, 16 không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến ; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. 17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.

Tung hô Tin Mừng Tv 118,135 

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa,thánh chỉ Ngài, xin dạy bề tôi. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Lc 14,25-33)

Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

25 Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ :
26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không ? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo : 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta từ bỏ mọi sự và vác thánh giá theo Chúa. Chúng ta quyết tâm theo Chúa và thành khẩn kêu xin:

1. “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”. Xin cho các mục tử, cách riêng cho những ai đang sống đời dâng hiến, dám chấp nhận vất vả, hy sinh, khổ đau vì Chúa và các linh hồn, để ngày càng nên giống Chúa hơn và đem nhiều hoa trái thiêng liêng cho các linh hồn. Chúng con cầu xin Chúa.

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Hiện nay một số nền giáo dục trên thế giới đang bị tha hóa. Xin cho các nhà giáo vừa giỏi chuyên môn, vừa giàu đức độ, để các học sinh – sinh viên được hưởng một nền giáo dục toàn diện, mà trở nên những công dân lương thiện, biết sống nhân ái, quên mình vì Tổ quốc và tha nhân. Chúng con cầu xin Chúa.

3. Hiệp cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cầu nguyện cho nền hòa bình trên thế giới, đặc biệt là phẩm giá con người được quan tâm, tôn trọng, hầu tiếng nói của sự thật được đưa lên truyền thông mà không sợ bị nguy hiểm. Chúng con cầu xin Chúa.

4. “Những ai sống đẹp lòng Chúa, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan”. Xin đặc biệt cầu nguyện cho toàn thể giới trẻ Công giáo luôn can đảm sống theo lề luật và thánh ý Chúa, để Chúa thành toàn cuộc đời của họ trong tình yêu, quyền năng và sự khôn ngoan của Người. Chúng con cầu xin Chúa.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, chấp nhận hủy mình để nên nguồn ơn cứu độ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết chết cho bản thân mỗi ngày, để đời chúng con cũng được hiệp với hi tế đền tội của Chúa dâng lên Chúa Cha. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33).

I. CÁC BÀI ĐỌC

 Người đời đều muốn tìm kiếm và chiếm hữu lẽ khôn ngoan nhưng không phải ai cũng có cùng quan niệm về sự khôn ngoan. Các bài đọc lời Chúa hôm nay gợi ra một lối nhìn hoàn toàn khác biệt về con đường dẫn đến sự khôn ngoan đích thật và bền vững.

1. Bài đọc 1:

 Đoạn sách Khôn Ngoan là lời nguyện lấy cảm hứng từ lời cầu nguyện của vua Salômôn (x. 1 V 3,6-9; 2 Sb 1,8-10; Kn 9,1-18). Trong đó, tác giả vừa thừa nhận sự giới hạn của con người, vừa xin Thiên Chúa ban cho con người Đức Khôn Ngoan để hiểu được thánh ý của Ngài và để được cứu độ.

 Trước hết, tác giả cho thấy sự giới hạn của thân phận con người: là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững (Kn 9,14). Hơn nữa, bao lâu còn ở trong thân xác dễ hư nát, linh hồn con người dễ bị kéo xuống, nặng nề vì lo nghĩ trăm bề (Kn 9,15). Nhìn nhận sự giới hạn của thân phận con người vốn bị chi phối nhiều bởi những chuyện của thân xác, vật chất là bước khởi đầu để con người vươn lên những thực tại siêu việt thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, tác giả sách Khôn Ngoan hiểu rằng trong thân phận con người với nhiều giới hạn, làm sao có thể hiểu được ý định của Thiên Chúa (Kn 9,13). Những điều thuộc trần gian còn chưa hiểu thấu được thì làm sao khám phá được những điều thuộc thượng giới (Kn 9,16). Vì thế, nhận ra sự giới hạn của mình và mở lòng đón nhận mặc khải từ Thiên Chúa chính là con đường tìm kiếm lẽ khôn ngoan đích thực.

 Sau nữa, sau khi nhìn nhận sự giới hạn của thân phận con người, tác giả xác tín rằng chỉ khi được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan thì con người mới có thể biết được ý định của Thiên Chúa (Kn 9,17). Con người không thể tự mình đạt tới những thực tại siêu việt, nếu không có sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan. Hiểu được ý định của Thiên Chúa và sống theo lẽ khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa không còn là nỗ lực từ phía con người mà là ân ban từ Thiên Chúa. Dần dần Đức Khôn Ngoan được nhân cách hoá, không còn là một phẩm tính của Thiên Chúa mà trở thành một ngôi vị qua đó Thiên Chúa mặc khải cho con người biết ý định của Ngài. Nhờ sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan mà con người được dạy cho biết những điều đẹp ý Chúa, qua đó mở ra cho con người con đường cứu độ (Kn 9,18).

 Nhận ra sự giới hạn của thân phận con người và mở lòng ra đón nhận sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan chính là con đường dẫn con người đến ơn cứu độ.

2. Bài đọc 2:

 Trong hoàn cảnh tù đày tại Rôma, thánh Phaolô đã gặp và hướng dẫn anh Ônêsimô, một nô lệ của ông Philêmôn, gia nhập cộng đoàn tín hữu. Đồng thời, dù anh Ônêsimô là một cộng tác viên đắc lực của thánh Phaolô (Plm 13; x. Cl 4,9), nhưng ngài vẫn trả anh về lại cho ông Philêmôn kèm theo một bức thư đầy xúc động về tình bác ái huynh đệ giữa các Kitô hữu với nhau.

 Trước hết, thánh Phaolô ý thức rằng một nô lệ chạy trốn khỏi chủ, khi trở về hẳn sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng. Vì thế, khi gởi anh Ônêsimô về lại cho ông Philêmôn, thánh nhân đã xin “hãy đón nhận nó như đón nhận một người ruột thịt của tôi” (Plm 12). Xa hơn nữa, thánh Phaolô còn mong muốn ông Philêmôn hãy đón nhận anh Ônêsimô như là đón nhận chính thánh nhân vậy! (Plm 17). Sự khôn khéo và lòng quảng đại của thánh nhân hẳn thôi thúc và đòi buộc ông Philêmon hành động theo tinh thần bác ái của Tin Mừng.

 Sau nữa, sự ra đi và trở về của người nô lệ Ônêsimô, theo cái nhìn của thánh Phaolô, là tạm xa một thời gian để được lại vĩnh viễn; đồng thời, thánh Phaolô mong muốn rằng, khi anh nô lệ trở về, ông Philêmôn không đón nhận như một nô lệ mà như một người anh em trong đức tin. Thánh Phaolô đã xem anh Ônêsimô như một người con, một người anh em, thì chẳng lẽ ông Philêmôn lại có lý do để chối từ! Vì xét về tình người, ông Philêmôn có mối tương quan lâu dài và gắn bó hơn so với thánh Phaolô; hơn nữa, xét về mối dây đức tin, mọi Kitô hữu đều là anh chị em trong Chúa. Thật vậy, khi được thanh tẩy, mọi Kitô hữu đều là con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau (Rm 12,10), không phân biệt nô lệ hay tự do (Gl 3,28; 1 Cr 12,13; Cl 4,1).

3. Bài Tin Mừng:

 Chúa Giêsu đang trên hành trình lên Giêrusalem (x. Lc 9,51; 13,22-24), một hành trình sẽ dẫn Người đến cái chết trên thập giá. Vì thế, khi có đám đông đi theo, Chúa Giêsu đã nói rõ cho họ biết rằng con đường làm môn đệ là con đường từ bỏ.

 Trước hết, để có thể làm môn đệ Chúa Giêsu, người ta cần đặt Người làm ưu tiên hàng đầu. Nếu mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều có các mối quan hệ cách tự nhiên với cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thì người môn đệ theo Chúa Giêsu được mời gọi đặt tất cả các mối quan hệ đó xuống hàng thứ yếu. Làm môn đệ của Chúa Giêsu là đặt Người làm ưu tiên chọn lựa trước hết và cao nhất. Người phải là đối tượng hàng đầu, nên chỉ những ai đặt Chúa Giêsu lên trên tất cả mọi mối tương quan, thì mới có thể trở nên môn đệ đích thực của Người.

 Sau nữa, làm môn đệ của Chúa Giêsu, trở nên giống như Người, đi theo con đường của Người thì phải chấp nhận vác thập giá mình. Vác thập giá theo Chúa Giêsu là chấp nhận trả giá vì Người và vì Tin Mừng (x. Mc 8,35; Rm 1,16; 1 Cr 9,23; 2 Tm 2,9), thậm chí có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình (x. Lc 9,23). Chúa Giêsu đã đi con đường tự hạ đến nỗi chấp nhận cái chết trên thập giá (x. Pl 2,8), thì những ai dám từ bỏ mình, vác thập giá theo Chúa Giêsu mới là những môn đệ chân chính của Người.

 Cuối cùng, một cách quyết liệt hơn nữa, người môn đệ của Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ hết những gì mình có (x. Lc 14,33), ở đây tác giả Luca nhấn mạnh việc từ bỏ của cải (x. Lc 12,13-34; 16,1-13; 18,24-30). Bước theo vị Thầy không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,58), thì điều kiện tiên quyết là người môn đệ phải dứt bỏ những dính bén đối với của cải là thứ có thể làm cho người môn đệ sao lãng sứ mạng loan báo Tin Mừng (x. Lc 9,1-6; 10,4). Nếu của cải có thể là một trở ngại cho những ai muốn vào Nước Thiên Chúa (x. Lc 18,24-27), thì tinh thần từ bỏ của cải hẳn phải là một trong những tiêu chí hàng đầu của người môn đệ Chúa Giêsu.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Đoạn sách Khôn Ngoan hướng dẫn con người đi vào con đường cứu độ: đó là nhìn nhận sự giới hạn của mình trong cuộc sống trần thế này; đồng thời, để cho Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa mặc khải cho biết ý định của Thiên Chúa mà vâng theo. Tác giả Thánh Vịnh làm rõ hơn khi nói rằng: Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan (x. Tv 111,10). Người ta có nhiều quan niệm khác nhau về sự khôn ngoan và cũng tìm kiếm lẽ khôn ngoan theo cách của mình. Nhưng đối với người Kitô hữu, mọi con đường khôn ngoan đích thực đều dẫn người ta đến Thiên Chúa, Đấng là đầu mối mọi lẽ khôn ngoan.

2/ Cách ứng xử của thánh Phaolô đối với số phận của một người nô lệ vừa cho thấy sự khôn ngoan, tinh tế và khéo léo của thánh nhân, vừa cho thấy tấm lòng mục tử tuyệt vời đối với đàn chiên được trao phó cho mình. Sự khôn ngoan và lòng nhân ái của thánh Phaolô đã giúp giải quyết một vấn đề tế nhị cách nhân bản và đầy tinh thần Tin Mừng. Trước biết bao tình huống éo le, tế nhị trong cuộc sống thường ngày, người Kitô hữu cũng cần học cách hoá giải bằng sự khôn ngoan trong tinh thần bác ái của Tin Mừng. 3/ Trong khi người đời vẫn khao khát tìm kiếm lẽ khôn ngoan theo kiểu thế gian, là có được gia đình đầy đủ, mạng sống được bảo đảm an toàn và có sự sung túc về của cải vật chất, thì những ai theo Chúa Giêsu lại được mời gọi đi con đường ngược dòng là đặt Chúa lên trên các mối tương quan riêng tư, chấp nhận từ bỏ những tiện nghi vật chất, để chuyên chăm tập trung cho sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời, đến nỗi sẵn sàng chấp nhận con đường thập giá, thậm chí thiệt cả mạng sống. Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá thật sự là lẽ khôn ngoan điên rồ của Thiên Chúa, nên dù bị xem là điện dại nhưng lại là sự khôn ngoan vượt xa cái khôn ngoan của loài người; dù bị xem như mất mát và yếu đuối trong mắt thế gian nhưng lại là sức mạnh vượt thắng sự mạnh mẽ của thế gian (x. 1 Cr 1,17-25). Người Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm và chiếm hữu lẽ khôn ngoan đó.

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận