Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật Phục Sinh (31/3)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Ông đã thấy và đã tin

Ga 20, 8
Dẫn vào thánh lễ

 Chúa đã sống lại thật rồi! Nào ta hãy mừng vui, Chúa chiến thắng tử thần rồi, Alleluia! Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta hân hoan cử hành biến cố Chúa đã Phục Sinh. Lòng tin, tình yêu và sự vâng phục Chúa Cha đã chiến thắng tất cả. Satan, sự dữ, tử thần đều đã bị đánh bại bởi Chúa Giê-su Ki-tô. Sự phục sinh của Chúa là niềm vui, niềm hi vọng cho tất cả chúng ta, là những kẻ tin vào Ngài.
 Niềm tin phục sinh không chỉ được kiểm chứng qua ngôi mộ trống và những lần Chúa hiện ra với các môn đệ, nhưng còn qua sự can đảm ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh của các môn đệ. Đồng thời, những cuộc tử đạo anh dũng của các chứng nhân Phúc Âm đã minh chứng cho sự phục sinh vinh hiển của Chúa Ki-tô.
 Hôm nay đây, Chúa Ki-tô Phục Sinh vẫn đang đồng hành với mỗi người Ki-tô hữu, và mời gọi chúng ta đặt tin cậy mến vào quyền năng và tình yêu của Ngài. Ngang qua việc cử hành phụng vụ hiện thực hóa biến cố Chúa Phục Sinh, xin cho từng Ki-tô hữu được trở nên dấu chỉ của tình yêu và sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh trong đời sống đức tin hàng ngày.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Cha từ ái, ngày hôm nay Đức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới, để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Đấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thưở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Cv 10,34a.37-43)

Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ

 34a Bấy giờ, tại nhà ông Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê, ông Phê-rô lên tiếng nói : 37 “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ : Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. 39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. 42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. 43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”

🌸 Đáp ca Tv 117,1-2.16ab và 17.22-23 (Đ. c.24) 

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

1Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

16abTay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc Chúa làm.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

🌸 Bài đọc 2 (Cl 3,1-4 )

Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê

1 Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

Ca tiếp liên 

Nào tín hữu ca mừng hoan hỷ
Đức Ki-tô chiên lễ Vượt Qua
Chiên Con máu đổ chan hoà
cứu bầy chiên lạc chúng ta về đoàn.

Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội
đã đứng ra môi giới giao hoà
tội nhân cùng với Chúa Cha
từ đây sum họp một nhà Cha con.

Sinh mệnh cùng tử vong ác chiến
cuộc giao tranh khai diễn diệu kỳ
Chúa sự sống đã chết đi
giờ đây hằng sống trị vì oai linh.

Ma-ri-a hỡi, xin thuật lại
trên đường đi đã thấy gì cô ?
Thấy mồ trống Đức Ki-tô
phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn.

Thấy thiên sứ chứng nhân hiển hiện
y phục và khăn liệm xếp rời
Giê-su, hy vọng của tôi
sẽ đón các ngài tại xứ Ga-lin.

Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức Ki-tô thật đã phục sinh.
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương.

Tung hô Tin Mừng 1 Cr 5, 7–8

Halleluia, Halleluia.
Đức Kitô đã chịu hiến tế, làm Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Nào ta hãy hỷ hoan trong Chúa mà ăn mừng đại lễ.
Halleluia.

🌸 Tin Mừng (Ga 20,1-9 )

Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

 1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới nơi Đức Ki-tô.” Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa Cha đã cho Đức Ki-tô phục sinh và khẩn khoản dâng lời nguyện xin:

  1. Hòa chung niềm vui cùng Giáo hội hoàn vũ mừng Chúa Phục sinh, xin cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và toàn thể hàng Giáo Sĩ luôn là những chiến sĩ thắng trận của Đấng Phục sinh, luôn hăng say, nhiệt thành, chia sẻ niềm vui và đón nhận các Tôn giáo bạn trong tinh thần yêu thương, hiệp nhất. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.” Xin cho các nhà vô thần và những ai chưa nhận biết Chúa, được thức tỉnh và trở về cùng Thiên Chúa nhân lành, đã chết vì yêu thương và nay đã sống lại, để những ai tin vào Ngài cũng sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Ông đã thấy và đã tin.” Xin ban cho mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu luôn có một đức tin mạnh mẽ vào Đức Kitô, Chúa chúng ta đã sống lại thật, để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng trước những biến cố dịch bệnh, thiên tai và khó khăn đang xảy đến trong thời gian này. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang”. Xin Đấng Phục sinh biến đổi mỗi người chúng con, biết can đảm sống tốt đạo đẹp đời, để mọi người sống chung quanh nhận ra hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh đang hiện diện trong chúng con. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh. Xin Chúa cũng luôn luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng.
Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra.
Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất.
Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Mácđala!
Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối.
Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được,
chỉ mong cho chóng sáng để lên đường.
Ai có thể hiểu được trái tim của bà?
Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25)
và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61).
Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên,
trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến…
Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ.
Bà nghĩ chắc có kẻ đã ăn cắp xác Thầy.
Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải,
đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20,2.13.15).
Bà cần biết chỗ đó, để lấy ngay xác về.
Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa phục sinh,
bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết.
Maria chạy về để kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ,
những bước chân hối hả vội vàng.
Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó,
còn khăn che đầu thì được cuốn lại, xếp riêng.
Thấy mọi điều đó, Gioan tin rằng Thầy đã phục sinh.
Chẳng ai ăn cắp xác mà để lại gọn ghẽ khăn vải liệm.
Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Macđala,
nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan.
Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố:
ý nghĩa của cái chết bi đát trên Núi Sọ,
ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng.
Chúng ta cần có lòng tin
để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng,
trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời.
Ðời chúng ta lắm khi giống ngôi mộ trống trải.
Những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn.
Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất,
trong nước mắt đau khổ như bà Maria (Ga 20,11)
Nhưng nếu xác Ðức Giêsu cứ nằm yên trong mồ,
để cho bà Maria đến thăm viếng,
thì làm gì có chuyện Chúa phục sinh?
Phiến đá cửa mộ không giữ được Ngài,
những băng vải không ngăn được Ngài ra đi.
Sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết.
Ánh sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù.
Tình yêu thắng trận khi tưởng như bị hận thù nuốt chửng.
Niềm vui phục sinh là quà tặng bất ngờ cho Maria.
Bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ đâu,
nhưng bà sẽ gặp chính Ðấng Phục Sinh ở ngoài mộ đá.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

TIN, NỀN TẢNG ĐỂ ĐƯỢC SỐNG
“Người phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9)

*****

  1. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 10,34a.37-43)

Đây chính là nội dung bài giảng của thánh Phêrô tại nhà ông Cônêliô. Cũng có thể nói đây là bài giảng đầu tiên của Phêrô mà thính giả được nhắm tới chính là dân ngoại. Nội dung bài giảng này là bản tóm tắt lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ sau khi Đức Kitô phục sinh (Kerygma). Sứ mạng ‘làm chứng’ của các tông đồ được đặc biệt nhấn mạnh không chỉ như một sự tình cờ khi chứng kiến ‘tất cả những gì Người đã làm’, nhưng trong tư cách là những ‘nhân chứng được Thiên Chúa tuyển chọn trước’ để chứng thực về biến cố ‘Thiên Chúa đã cho Người sống lại’. Đấng Phục sinh, không những được cho sống lại, mà còn được Thiên Chúa tôn làm ‘Quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết’.

2. Bài đọc II (Col 3,1-4)

Dựa trên nền tảng của việc kết hợp với Đức Kitô phục sinh như nguyên lý của đời sống mới, thánh Phaolô dùng hai động từ ‘tìm kiếm’ và ‘nghĩ đến’ để mời gọi các tín hữu Côlôsê luôn hướng lòng về những ‘sự trên trời’. Cụ thể đó chính là những điều có liên quan tới Thiên Chúa. Nhưng tại sao đang sống ở dưới thế, chúng ta lại phải quy hướng về những thực tại thần linh? Thánh Phaolô khẳng định rằng vì chúng ta đã chết với Đức Kitô, do vậy cuộc sống của chúng ta không còn thuộc về thế gian này nữa nhưng ‘đang ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa’. Chính nền tảng đức tin đó thôi thúc chúng ta phải không ngừng quy hướng về Thiên Chúa, để mong đến ngày sự sống của chúng ta cũng được tỏ hiện trong vinh quang như Đấng Phục Sinh.

3. Phúc âm (Ga 20,1-9)

Bài tường thuật được chia làm hai phân đoạn:

+ Phân cảnh I: những dấu chỉ hữu hình chứng thực biến cố Đức Giêsu phục sinh được diễn tả qua việc chứng thực mang tính cá nhân của bà Maria Madalêna khi ra mồ.

+ Phân cảnh II: cũng vẫn những dấu chỉ đó nhưng được chứng thực từ việc ghi nhận cách chính thức của ‘giáo quyền’ mà Phêrô là thủ lãnh, đồng thời đây cũng là những bằng chứng sống động để một khi đã ‘thấy’ thì chắc chắn sẽ đi tới ‘tin’ như trường hợp của ‘người môn đệ Chúa yêu’.

Cùng một thực tại ‘mồ trống’ phải đối diện, nhưng đã gây ra những phản ứng khác biệt nhau nơi cả ba nhân vật: đối với Madalêna thì đó là vì ‘người ta đã lấy xác Thầy’, còn thái độ im lặng nơi Phêrô đơn giản chỉ mới diễn tả một sự ghi nhận không bình luận, đang khi trong lòng ‘người môn đệ Chúa yêu’ dường như đây đã là một tín hiệu đầy lạc quan và tràn trào niềm vui. Xảy ra những phản ứng đa chiều đó theo Gioan chính là vì ‘các ông còn chưa hiểu… Người phải sống lại từ cõi chết’.

II. GI Ý MC V

1. Để có thể là nhân chứng thì điều kiện tiên quyết phải là chứng nhân. Thái độ mạnh mẽ và can đảm công khai làm chứng cho tin mừng phục sinh nơi các tông đồ chỉ có thể xảy ra khi giả thiết rằng các ông đã tận mắt nhìn xem những việc Chúa Giêsu đã làm, hay trực tiếp nghe những lời Chúa Giêsu đã giảng, hơn thế đã ‘ăn uống với Người… sau khi từ cõi chết sống lại’. Thiếu kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh sẽ làm cho lời chứng kém sống động và khó thuyết phục; không có kinh nghiệm thực sự với Đấng Phục sinh, lời rao giảng có nguy cơ trở nên sáo rỗng và chỉ nặng tính hình thức.

2. Dường như sẽ là không tưởng khi phải sống giữa lòng trần thế mà lại phải luôn hướng tâm hồn lên những thực tại trời cao. Điều đó chỉ có thể và hợp lý khi ý tưởng nền tảng ‘cùng chết với Đức Kitô để cùng được sống lại với Người’ (x. Rm 6,5) đã trở nên xác tín cá nhân cho mỗi Kitô hữu. Nỗ lực củng cố và làm mới lại xác tín ấy mỗi ngày sẽ giúp người tín hữu dễ dàng siêu thoát với những bám víu trần thế để có thể thanh thoát hướng cuộc đời về cuộc sống mai hậu trong vinh quang với Đấng Phục sinh nơi cung lòng Thiên Chúa.

3. Điều kiện để ‘tin’, theo kinh nghiệm của người môn đệ Chúa yêu, chính là chỉ sau khi đã ‘thấy’. Nếu chưa từng một lần ‘thấy’ Đức Giêsu phục sinh, hay chưa một lần có kinh nghiệm về sự hiện diện của Người trong cuộc đời mình, lối sống đạo của người tín hữu sẽ mang nặng lề thói và hình thức. Như thế, những nỗ lực để thay đổi lối sống cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng sẽ luôn là một thách đố vô cùng khó khăn để vượt qua.

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận