Kính Lòng Thương Xót Chúa
Dẫn vào thánh lễ
Kể từ năm 2000, hàng năm vào Chúa Nhật II Phục Sinh, Giáo hội dành riêng một ngày đặc biệt tôn kính lòng thương xót Chúa. Lòng thương xót Chúa được biểu lộ cách tỏ tường và thật gần gũi nơi Ngôi Hai xuống thế làm người và ở giữa chúng ta. Đỉnh cao của lòng thương xót ấy là cuộc khổ nạn trên đồi Can-vê của Chúa Giê-su. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Người Con cho chúng ta.
Tô-ma thật diễm phúc khi được sờ vào Chúa Phục Sinh, được chạm vào các vết thương của Chúa, nơi nguồn mạch của lòng thương xót. Từ những cảm nhận bằng giác quan ấy, và được phúc cảm nếm lòng thương xót của Chúa, thánh tông đồ được coi là cứng lòng tin, đã tuyên xưng Chúa Ki-tô Phục sinh là Thiên Chúa của ông.
Khi kính nhớ lòng thương xót Chúa, chúng ta càng xác tín hơn vào tình yêu Chúa ngang qua thập giá và phục sinh của Đức Ki-tô. Trong thánh lễ này, chúng ta dâng lên Chúa những vết thương nơi tâm hồn và thân xác của chúng ta, cũng như của anh chị em xung quanh chúng ta. Nhờ lòng thương xót Chúa, những vết thương ấy sớm được chữa lành và giúp chúng ta nên thánh. Xin cho mỗi người được trở nên những tông đồ nhiệt thành của lòng thương xót Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Cha từ ái, ngày hôm nay Đức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới, để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Đấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thưở muôn đời.
🌸 Bài đọc 1 (Cv 4,32-35)
Các tín hữu chỉ có một lòng một ý.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ
32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.
🌸 Đáp ca Tv 117,2-4.16ab và 17-18.22-24 (Đ. c.1)
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
3Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
4Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
16abTay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
17Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc Chúa làm.
18Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi,
nhưng không nỡ để tôi phải chết.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
24Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
🌸 Bài đọc 2 (1 Ga 5,1-6)
Mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ
1Anh em thân mến, phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa :
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người.
3Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta.
5Ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ?
6Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật.
Tung hô Tin Mừng Ga 20, 29
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Ga 20,19-31)
Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Để nhận ra lòng thương xót Chúa luôn trải rộng trong cuộc đời mỗi người chúng ta, trong tâm tình chúc tụng và tạ ơn lòng thương xót Chúa, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:
-
“Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý với nhau”. Xin cho Hàng Giáo phẩm trong Hội Thánh và các Ki-tô hữu ngày càng hiệp nhất với Chúa và với nhau, để hành động thương xót của họ thấm đậm lòng thương xót của Chúa, có sức an ủi và chữa lành nhiều tâm hồn. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai đang hoang mang, sợ hãi vì bệnh tật, cô đơn, đau khổ hay mất niềm tin vào cuộc sống, luôn được Chúa ban nhiều ơn cần thiết nâng đỡ, giúp họ vượt qua mọi thử thách gian nan, để luôn biết cậy trông vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh trên các bạn trẻ, đang mang trong mình khát khao tìm kiếm Chúa. Xin cho họ dám dấn thân phục vụ tha nhân bằng tình thương và đáp trả lời mời gọi với tất cả lòng yêu mến. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu, biết can đảm tuyên xưng niềm tin của mình bằng một đời sống phó thác, dấn thân phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tha nhân với lòng thương xót, đặc biệt qua những nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất và thực thi công bình bác ái trong xã hội. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh. Xin Chúa cũng luôn luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
🌸 Gợi ý suy niệm
Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo,
hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã.
Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm.
Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua.
Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ,
Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.
Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn.
Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng:
Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu;
Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo,
dù điều đó chẳng đẹp gì.
Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem.
Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc.
Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.
Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh.
Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức
cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã.
Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình.
Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích.
Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu
thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ.
Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành.
Có những vết thương tưởng chẳng thể nào thành sẹo.
Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?
Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương.
Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó.
Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh.
Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu.
Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.
Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến
để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình.
Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.
Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập,
để bước vào thế giới của lòng tin.
Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy,
nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma,
nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.
Cần tập thấy Chúa để rồi tin.
Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình,
của Hội Thánh, của cả thế giới,
để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt
giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau.
“Phúc cho những ai không thấy mà tin”,
và phúc cho những ai biết thấy nên tin.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người -cũng như con- đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con sẽ về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)
CHÚA NHẬT KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31
*****
“Ông Tôma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’
Đức Giêsu bảo: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.
Phúc thay những người không thấy mà tin!’” (Ga 20,28-29)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Cv 4,32-35
Trong khoảng 30 năm sau biến cố Phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội thời sơ khai đã tiến triển mạnh mẽ trong Đế quốc Rôma. Sách Tông đồ Công vụ minh định: Kitô giáo không phải là một mối đe doạ chính trị đối với Rôma, nhưng là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng đang kiến tạo một “vương quốc” thiêng liêng, vốn bao gồm tất cả những ai tin vào danh Đức Giêsu Kitô.
Cv 4,32-35 thuộc phần thứ nhất trong Sách Tông đồ Công vụ (1,1–6,7), vốn được thánh Luca viết ra để trình bày cho chúng ta biết về sự tiến triển của Hội thánh tại Giêrusalem và tại Giuđêa sau biến cố Phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Sự tiến triển của Hội thánh thời sơ khai được tô đậm bởi những nét đẹp sau đây:
1) Các tín hữu đông đảo nhưng có sự hiệp nhất (đồng tâm nhất trí).
2) Các tông đồ là những vị lãnh đạo hữu hình: Thiên Chúa ban ơn dồi dào cho các ngài, và các ngài dám can đảm làm chứng cho Đức Kitô.
3) Các tín hữu xem mọi sự là của chung: cộng đoàn có nhiều người quảng đại và trung thực (vd. Ông Barnabas), vì thế không ai trong cộng đoàn gặp cảnh túng thiếu.
Những nét đẹp này tái khẳng định những điều tốt đẹp nơi đời sống cộng đoàn tiên khởi vốn đã được thánh Luca trình bày trước đó ở Cv 2,42-47. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý là cũng có một số thành viên trong cộng đoàn không sống được những nét đẹp này. Câu chuyện có liên hệ đến hai nhân vật Ananias và Sapphira (x. Cv 5,1-11) là một dẫn chứng cụ thể. Thật vậy, sự hiệp nhất trong cộng đoàn ít nhiều đã bị sứt mẻ bởi hai kẻ này, vốn đã giữ lấy một phần tiền cho riêng mình sau khi đã bán một thửa đất. Khi làm như vậy, họ đã không sống được tinh thần quảng đại và trung thực như đã được thể hiện nơi ông Barnabas và nơi nhiều tín hữu khác.
2. Bài đọc 2: 1Ga 5,1-6
Theo truyền thống, thánh Gioan Tông đồ đã viết thư này, có lẽ để gửi cho giáo đoàn tại Êphêsô. 1Ga 2,19 cho chúng ta biết một số kẻ “phản Kitô” đã tách khỏi giáo đoàn. Họ đang tìm cách lôi kéo nhiều người theo lạc thuyết của họ. Thánh Gioan đã viết thư này để giúp giáo đoàn phân định sự thật khỏi sự dối trá, lầm lạc cả trong giáo thuyết lẫn trong cung cách sống.
Những kẻ phản Kitô này không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô (x. 2,2). Họ cũng không tin Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm (x. 4,2-3). Thánh Gioan, trái lại, khẳng định: “Ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì người ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (5,1). Như thế, việc chúng ta nhận lãnh ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa hệ tại ở niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu (x. 5,1), là Đấng Cứu Độ (x. 4,9-10.14), và là Con Thiên Chúa (x. 4,15; 5,5). Niềm tin này giúp chúng ta thắng được thế gian (x. 5,4).
Như kẻ làm con phải biết kính yêu cha mẹ mình, thì người được tái sinh trong Đức Kitô cũng phải biết yêu mến và thảo kính đối với Thiên Chúa. Thái độ này được thể hiện cụ thể qua việc chúng ta tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa (x. 5,4), vốn giúp chúng ta ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong chúng ta (x. 3,24).
Người yêu mến Thiên Chúa đích thực thì cũng yêu mến anh em mình (x. 5,1b). Không có sự tách biệt giữa việc yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người. Kẻ biết yêu thương thì có sự sống nơi mình. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết (x. 3,14). Nhưng chúng ta không thể yêu thương qua lời nói mà thôi, mà phải qua việc làm cụ thể, như thánh Gioan đã dạy chúng ta: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (3,18).
Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và với tha nhân, thực ra, chẳng phải tiên thiên đến từ phía chúng ta. Đúng ra, phải nói rằng Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, đã sai Con Một của Người đến để cứu độ chúng ta (x. 4,10). Nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô, chúng ta nghiệm thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho những tội nhân như chúng ta đã lên đến tột đỉnh, đã đạt mức thập toàn. Từ cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương mình hết mức, mà chúng ta thấy cần phải lấy tình yêu đáp đền tình yêu. Tình yêu thương đồng loại cũng phát xuất và được củng cố từ tình yêu thảo kính chúng ta dành cho Thiên Chúa, khi chúng ta nhận biết Thiên Chúa muốn yêu thương hết mọi người.
3. Bài Tin mừng: Ga 20,19-31
Đoạn Tin mừng Chúa Nhật II Mùa Phục sinh năm B nằm trong loạt trình thuật liên hệ đến Ngày Phục sinh của Đức Giêsu (x. Ga 20,1.19): Ngôi Mộ Trống (Ga 20,1-10); Đức Giêsu hiện ra với bà Maria Magdalena (Ga 20,11-19); Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (Ga 20,19-31).
Trình thuật Ngôi Mộ Trống ghi lại bằng chứng về biến cố Phục sinh của Đức Giêsu, với điểm nhấn nơi “niềm tin” của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Trình thuật Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ như được thánh Mátthêu trình bày ở 28,9-10 cũng có phiên bản tương ứng ở Ga 20,11-18, với Maria Magdalena là hiện thân của nỗi buồn nơi các môn đệ cũng như niềm vui của họ khi được gặp Đức Giêsu Phục sinh. Cuối cùng, trong Ngày Phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, và trong cuộc gặp gỡ này, Ngài đã ban cho các ông Thần khí của Ngài.
Đọc kỹ hơn Ga 20,19-31, chúng ta có thể rút ra những điểm chính sau đây:
1) Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và Người đã cho các ông xem tay và cạnh sườn mình, củng cố bằng chứng về việc Người đã thực sự phục sinh (x. c20). Việc hiện ra này cũng để thực hiện lời Người đã nói trước đó với các môn đệ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (16,16).
2) Hai lần Đức Giêsu nói “bình an cho anh em” (x. cc19.21), kiện toàn lời Người đã hứa trong lúc nói lời chia tay các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi” (14,27; đ/c 16,33).
3) Việc gặp gỡ Đức Giêsu Phục sinh đã đem lại niềm vui cho các môn đệ, ứng nghiệm lời Người đã tiên báo: “Thật, Thầy bảo thật anh em: Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (16,20).
4) Đấng Phục sinh thổi Thánh Thần vào các môn đệ. Sự kiện này nhắc nhớ đến St 2,7 khi Thiên Chúa thổi sinh khí vào Adam. Qua quà tặng là Chúa Thánh Thần, Đấng Phục sinh mang lại sức sống mới cho các môn đệ, và qua các ngài, cho toàn nhân loại. Cùng với quà tặng đặc biệt là Chúa Thánh Thần, các môn đệ được ban năng quyền tha tội cho con người.
5) Đấng Phục sinh đã trao sứ mạng của riêng mình cho các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c.21). Đấng Phục sinh sẽ sai họ đi theo cùng cách thức Chúa Cha đã sai Người (x. 13,16.20; 17,18).
6) Ông Tôma chẳng dễ tin vào những lời chứng của các môn đệ khác. Ông không chỉ muốn “được thấy Chúa”, mà còn được tự mình kiểm chứng dấu đinh nơi tay và dấu đòng nơi cạnh sườn Chúa (x. c25).
7) Trong lần hiện ra 8 ngày sau đó, Đấng Phục sinh sẵn lòng cho ông Tôma thực hiện những điều ông muốn. Nhưng đồng thời, Người cũng mời gọi ông “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” (x. c27). Dịp này, ông Tôma đã diễn tả đức tin ở tầm mức cao nhất của người môn đệ vào Đức Giêsu: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (c28). Toàn bộ Tin mừng Gioan được viết ra cũng nhằm mục đích này, đó là đưa người đọc đến niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, để qua đó, họ được sự sống nhờ danh Người (x. c31).
8) “Phúc cho những người không thấy mà tin” là lời chúc phúc Đấng Phục sinh dành cho tất cả chúng ta, là những Kitô hữu đang tin vào Đức Giêsu Kitô không chỉ ngang qua lời chứng vị thánh sử Gioan về Ngôi Mộ Trống, về việc Đức Giêsu hiện ra với nhiều môn đệ, mà còn ngang qua kinh nghiệm thường ngày chúng ta có được với Đấng Phục sinh, được thể hiện qua việc suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa, qua đời sống Phụng vụ và các Bí tích, qua việc tiếp xúc với nhiều người, qua công việc và những môi trường sống khác nhau, v.v.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tại sao các tín hữu thời sơ khai có thể sống được những nét đẹp như được trình bày trên đây? Ai là suối nguồn hiệp nhất cho họ? Tôi thấy mình cần phải noi gương các tín hữu thời sơ khai ở điểm nào? Tại sao và làm thế nào?
2. Đâu là những phẩm chất cần có nơi cộng đoàn tôi đang sống, nơi môi trường đức tin tôi đang thực hành, để khuôn mặt của Đấng Phục sinh có thể được con người hôm nay dễ dàng nhận ra hơn?
3. Không có sự tách biệt giữa lòng mến Chúa và yêu người. Tôi có thể minh hoạ nhận định này thế nào qua kinh nghiệm sống của mình?
4. Thánh Gioan dạy chúng ta: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (3,18). Điều này đã được cụ thể hóa thế nào nơi cuộc đời tôi? Nơi giáo xứ của tôi? Nơi cộng đoàn tu của tôi?
5. Đức Giêsu Phục sinh đến ban bình an cho các môn đệ, đến trao ban Thánh Thần của Người cho họ, đến để củng cố những lời Người đã hứa trước đó, đến để sai các môn đệ ra đi thi hành sứ vụ của Người, đến để cho kẻ cứng lòng tin được dịp kiểm chứng và mời gọi kẻ ấy đặt lòng tin vào Người, đến để nói lời chúc phúc cho những kẻ không thấy mà tin. Trong Mùa Phục sinh này, tôi cảm thấy mình mong đợi Đấng Phục sinh đến để ban cho tôi điều gì? Tại sao?
6. Thiên Chúa đã thể hiện lòng xót thương của Người cho chúng ta thế nào qua biến cố Phục sinh của Đức Giêsu Kitô, qua việc Người hiện ra với các môn đệ? Tôi còn nghiệm thấy Thiên Chúa đang tỏ lòng xót thương đối với tôi qua những cách thức nào khác?