Dẫn vào thánh lễ
Hôm nay là Chúa Nhật IV Thường Niên. Phụng vụ cho thấy Ðức Giêsu bắt đầu đời sống công khai bằng việc rao giảng và chữa lành bệnh tật ở Galilêa, để chúng ta không những hiểu rõ vai trò cứu thế của Người, nhưng còn để chúng ta nhìn vào Người mà nhận ra ơn gọi của mình.
Việc Ðức Giêsu trừ quỷ có một ý nghĩa rất sâu xa, vượt xa hình ảnh vị tiên tri mà sách Đệ Nhị Luật đã nói tới trong Bài đọc I. Và bởi vì chúng ta đang ở trong thời buổi sung mãn: Ðức Giêsu phục sinh đang ở giữa chúng ta, nên thánh Phaolô trong Bài đọc II kêu gọi chúng ta đi vào nếp sống đặc biệt mà Người đã mở ra, là sống đoan chính và gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.
Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin cho được lớn lên trong niềm tin và lòng mến mỗi ngày, để cùng với cộng đoàn Hội Thánh, hăng say và hân hoan loan báo Chúa Kitô cho mọi người.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
🌸 Bài đọc 1 (Đnl 18,15-20)
Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.
Bài trích sách Đệ nhị luật
15 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy. 16 Đó chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội ; anh em đã nói : ‘Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.’ 17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi : ‘Chúng nói phải. 18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. 19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. 20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’”
🌸 Đáp ca Tv 94,1-2.6-7a.7b-9 (Đ. c.7b và 8a)
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
2vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.
7aBởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
8Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
9nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.
🌸 Bài đọc 2 (1 Cr 7,32-35)
Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
32 Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người. 33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, 34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. 35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.
Tung hô Tin Mừng Mt 4,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Ha-lê-lui-a.
🌸 Tin Mừng (Mc 1,21-28)
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Lời nguyện giáo dân
Chủ tế: Chúa là Ánh Sáng chiếu soi cho muôn người. Để đón nhận Ánh Sáng của Chúa và trở nên ánh sáng cho đời, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:
- “Không phải ai ai cũng được ơn gọi sống độc thân vì Nước Trời.” Xin cho Giáo phầm trong Giáo hội, cách riêng các Linh Mục, Phó tế và nam nữ Tu sĩ luôn ý thức sự đoan chính, chuyên cần cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Thánh Thể, để xua đuổi những ước muốn tầm thường tội lỗi ra khỏi tâm trí và cuộc đời mình. Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. - Khi con người gặp khó khăn thử thách thường hay ngã lòng trước cám dỗ của ma quỷ. Xin cho những ai đang chịu mất mát, khổ tâm và đau buồn vì dịch bênh, luôn đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông vào tình thương của Chúa, để mạnh mẽ vượt qua được những cơn sóng gió trong đời. Chúng con cầu xin Chúa.
- Vào những ngày cuối năm âm lịch, trong đất nước chúng ta, ai cũng đang hối hả với nỗi lo cơm áo gạo tiền để chuẩn bị đón Xuân. Xin cho các gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn túng thiếu, trang trải được nợ nần và gánh nặng về kinh tế, bớt đi những âu lo phiền muộn để có một mùa Xuân an vui hạnh phúc. Chúng con cầu xin Chúa.
- “Lời Chúa chính là ngọn đèn soi cho con bước”. Xin cho mỗi thành viên đang cử hành phụng vụ hôm nay, luôn siêng năng tìm hiểu học hỏi, thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để qua ơn soi sáng Chúa ban, biết phân biệt điều hay lẽ phải, và tỉnh táo chống lại những cám dỗ xấu xa tội lỗi đang từng ngày lôi kéo chúng ta xa lìa Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúng con biết rằng: vì vinh quang vô biên của Chúa, Chúa dùng thần tính mà cứu giúp chúng con là những kẻ phải chết. Hơn nữa, Chúa còn dự liệu linh dược để chữa lành bản tính phải chết của chúng con và giải thoát tất cả những ai vì mang bản tính đó mà bị hư mất, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con.
Nhờ Người, đạo binh các Thiên thần thờ lạy uy linh Chúa, muôn đời hoan hỷ trước Tôn Nhan. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài hân hoan tung hô rằng:
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
🌸 Gợi ý suy niệm
Có quỷ không? Quỷ bởi đâu mà ra? Quỷ có đáng sợ không?
Đây là những câu hỏi mà các kitô hữu thường đặt ra.
Sách Giáo lý Công giáo cho ta câu trả lời (GLCG 2538).
Quỷ vốn là những thụ tạo tốt đẹp do Thiên Chúa dựng nên.
Sau khi phạm tội bất phục tùng, các thiên thần trở thành quỷ.
Quỷ luôn chống lại Thiên Chúa, và cám dỗ con người xa Chúa.
Quỷ vừa ranh ma, vừa lắm quyền năng.
Nhưng may thay Thiên Chúa lại mạnh hơn quỷ gấp bội.
Từ nay cho đến tận thế, cuộc chiến giữa hai bên vẫn kéo dài.
Thiên Chúa là Đấng có thể thắng quỷ và bảo vệ chúng ta.
Tin Mừng Máccô hay kể chuyện những người bị quỷ ám
được Đức Giêsu chữa lành (Mc 1,21-28; 5,1-20; 7,24-30; 9,17-29).
Trong tất cả những truyện này, quỷ luôn được gọi là thần ô uế.
Nó nhập vào con người, làm con người mất tự chủ, tự do,
và biến con người thành con rối trong tay nó.
Người bị quỷ nhập phải sống trong đau khổ (Mc 5,3-5; 9,32).
Đối với Đức Giêsu, trừ quỷ đơn giản là đuổi nó ra,
vĩnh viễn không cho nó còn quyền gì trên con người.
Sau khi được trừ quỷ, người đó có lại sự bình an
và trở lại cuộc sống bình thường (Mc 5,15; 7,30; 9,27).
Có người nghĩ rằng người bị quỷ ám
chẳng qua là người mắc bệnh tâm thần,
vì dấu hiệu bên ngoài của đôi bên không khác nhau là mấy.
Nhưng Đức Giêsu đã thực sự đuổi thần ô uế ra khỏi con người.
Thần này không chịu ra khỏi căn nhà nó chiếm hữu.
Chỉ Đấng có sức mạnh vượt trội mới tống được nó ra.
Đức Giêsu không trừ quỷ chỉ nhằm mục đích chữa bệnh.
Ngài trừ quỷ để làm chứng về lời mình loan báo:
“Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15).
Sự sụp đổ của nước của quỷ vương Bê-en-dê-bun (Mc 3,22)
là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến.
Đức Giêsu đã thắng Xatan cám dỗ Ngài ở hoang địa (Mc 1,13).
Cả sứ vụ của Ngài sau này cũng kéo dài chiến thắng đó.
Phép lạ đầu tiên của Tin Mừng Máccô là phép lạ trừ quỷ.
Phép lạ này xảy ra vào ngày sabát nơi hội đường Caphácnaum.
Đức Giêsu được ông trưởng hội đường mời đọc Sách Thánh,
và sau đó đứng giải thích đoạn sách vừa đọc.
Thính giả sững sờ vì Ngài dạy như người tự mình có uy quyền,
khác hẳn với lối giảng dạy của các kinh sư,
vì các kinh sư hay dựa vào uy thế của truyền thống.
Chính lời giảng dạy đầy uy quyền này đã làm thần ô uế khiếp sợ.
Nó biết Đức Giêsu là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Sự thánh thiện của Ngài đối nghịch với sự ô uế của nó.
Bởi đó, dù Đức Giêsu chưa ra tay, nó đã thấy mình bị đe dọa.
Không phải chỉ mình nó, mà tất cả đồng bọn của nó.
“Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” (Mc 1,24).
Nó biết mục tiêu của sự hiện diện và sứ mạng của Ngài.
Đức Giêsu đã dạy bằng lời đầy uy quyền,
Ngài cũng trừ quỷ bằng một lời: “Xuất ra khỏi người này!”
Thần ô uế thét to và xuất ra một cách khó khăn,
vì nó không hề muốn bị trục xuất khỏi nơi êm ấm.
Lời của Đức Giêsu có quyền bắt các thần ô uế phải vâng lệnh.
Người Công giáo sống trong một thế giới mà người ta nói đến
bùa ngải, thư ếm, bói toán, lên đồng, cầu cơ…
Có những giáo phái thờ Xatan ở nước ngoài.
Người bình dân tin cô hồn nhập vào hay khuấy phá người sống.
Dù sao theo Giáo lý Công giáo quỷ là có thật.
Nước của Xatan cũng có thật và đang hoành hành trên địa cầu.
Đức Giêsu đã bị nó cám dỗ và đã đối mặt với nó.
Trong Kinh Lạy Cha, Ngài dạy ta: “xin cứu chúng con khỏi Ác thần”
Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần nhắc đến nó.
Mỗi giáo phận có một vị được đức giám mục giao nhiệm vụ trừ quỷ.
Chúng ta không hoảng hốt vì đôi khi thấy quỷ tấn công mình.
Chỉ mong chúng ta giữ lời đã hứa khi chịu Phép Rửa:
“từ bỏ Xatan và những việc làm của nó”
và vững tin vào Đấng mạnh hơn quỷ là Đấng Thánh mang tên Giêsu.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép.
Cả những chuyện xấu xa tồi tệ mà con người làm cho nhau.
Cả sự dữ đang hoành hành do Xatan gây ra trên mặt đất.
Nhiều khi chúng con không hiểu được
tại sao Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế.
Nhưng chúng con tin rằng, đối với ai yêu mến Chúa,
mọi sự đều đem lại điều tốt cho họ.
Chúng con tin rằng những gì Chúa cho phép xảy ra
đều vì yêu thương chúng con
và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.
Chúa đau đớn khi phải dùng roi mà sửa dạy
như người cha sửa dạy con mình để mong con nên người.
Xin cho chúng con nhận ra điều Chúa muốn nhắc nhở,
để cải hóa bản thân và điều chỉnh đời mình cho hợp với ý Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái,
trên đường về quê trời,
Chúa muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,
như bệnh tật, khổ đau và cái chết,
để chúng con nên cứng cáp và trưởng thành.
Xin cho chúng con đừng nổi loạn trước thử thách,
nhưng biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá,
để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,
kể cả khi thấy Thiên Chúa vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.
Ước gì dịch bệnh làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,
để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Chúa.
Ước gì khi Chúa cho chúng con khỏi bệnh,
chúng con lại thấy sự sống của Chúa chiến thắng vinh quang.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)
UY QUYỀN CỦA LỜI CHÚA
“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy
như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,27)
CÁC BÀI ĐỌC
Thiên Chúa nói với con người thông qua lời của các ngôn sứ, qua trung gian là chính Chúa Giêsu và qua các tác giả thánh. Lời uy quyền của Thiên Chúa làm cho người ta khiếp sợ, xua trừ cả sức mạnh sự dữ, nhưng cũng là lời cứu độ, lời an ủi và yêu thương, được thể hiện nơi lời nói và cuộc sống của Chúa Giêsu, Lời đầy đủ, trọn vẹn và chóp đỉnh của Thiên Chúa dành cho nhân loại (x. Hr 1,1-4).
- Bài đọc 1
Trong lịch sử dân Chúa, các ngôn sứ đóng một vai trò quan trọng. Họ được tuyển chọn để thông truyền lời của Thiên Chúa cho dân, giúp dân sống theo đường lối của Người.
Trước hết, các ngôn sứ là những người do Thiên Chúa chọn để làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Quả vậy, Thiên Chúa mặc khải cho dân tại núi Khôrép là một Thiên Chúa oai nghiêm và đáng sợ, đến nỗi dân không dám trực tiếp nghe tiếng Người, không dám nhìn vào Người kẻo phải chết (Đnl 18,16) nên phải nhờ qua trung gian của ông Môsê. Vì thế, thể theo lời thỉnh nguyện của dân, Thiên Chúa chọn từ trong dân các ngôn sứ để làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân, dựa theo hình mẫu của ngôn sứ Môsê.
Hơn nữa, các ngôn sứ là những người nói lời Thiên Chúa: “Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18). Đây là tiến trình gồm hai bước: Một là, ngôn sứ phải để cho Thiên Chúa đặt lời Người vào miệng mình (x. Is 51,16; Gr 1,9), để lời Người chiếm lấy môi miệng và thanh tẩy lời lẽ của mình; hai là, một khi đã đón nhận lời Chúa, ngôn sứ chỉ nói lời của Chúa, nói những gì Thiên Chúa truyền dạy, mà không được thêm bớt, cắt xén hay làm sai lệch. Bất cứ vị ngôn sứ nào hoặc không nói lời Thiên Chúa, hoặc nhân danh bất cứ vị thần nào khác mà nói đều bị trừng phạt cách nghiêm khắc (Đnl 18,20).
Sau cùng, dân cần đón nhận lời của vị ngôn sứ như lời của Thiên Chúa. Vì được chính Thiên Chúa tuyển chọn và được chính lời Chúa thanh tẩy môi miệng, sứ điệp ngôn sứ không còn là lời người phàm mà là lời Thiên Chúa: “Lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,21). Vì thế, dân Chúa có bổn phận lắng nghe và đón nhận sứ điệp ngôn sứ như chính lời của Thiên Chúa. Ai không đón nhận thì sẽ bị Thiên Chúa hạch tội (Đnl 18,19).
Tóm lại, ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn từ giữa dân, được đón nhận lời Chúa và chỉ nói lời Chúa mà thôi. Sứ điệp ngôn sứ đích thật là lời Chúa, nên dân phải lắng nghe và đón nhận.
- Bài đọc 2
Thánh Phaolô dành trọn chương 7 thư thứ nhất Côrintô để nói về đời sống hôn nhân cũng như độc thân. Đối với thánh nhân, dù mỗi bậc sống đều có những bổn phận và trách nhiệm riêng biệt, nhưng ngài vẫn muốn đề cao đời sống thuộc trọn về Chúa để chỉ lo việc Chúa mà thôi.
Những người sống đời hôn nhân có trách nhiệm với người bạn đời của mình. Họ tìm cách làm đẹp lòng nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau. Đó là lẽ thường tình của điều mà thánh Phaolô gọi là “lo lắng việc đời”. Tuy nhiên, người sống đời hôn nhân cũng có bổn phận “gắn bó với Chúa” trong một mức độ nhất định (1 Cr 7,35), nên họ “bị chia đôi” khi vừa phải “lo lắng việc đời” vừa “gắn bó với Chúa” nên dễ bị “giằng co”. Đó là giới hạn của những người sống đời hôn nhân trong việc phụng sự Chúa theo cái nhìn của thánh Phaolô.
Trái lại, những người sống đời độc thân thì thuộc trọn về Chúa; họ được kêu gọi để làm đẹp lòng Chúa. Đối với thánh Phaolô, độc thân là bậc sống lý tưởng để dành trọn cả cuộc đời, trọn con người cả hồn lẫn xác, cả con tim để phục vụ và làm đẹp lòng Thiên Chúa. Lý tưởng của người sống đời độc thân, theo thánh nhân, là “chuyên lo” việc của Chúa; cuộc đời của họ không có mối bận tâm, lo lắng nào khác ngoài công việc của Chúa và để làm đẹp lòng Người.
Tóm lại, vì không muốn “anh chị em phải lo lắng điều gì” (7,32), cũng như “mong tìm lợi ích cho anh chị em” và “để anh chị em được gắn bó với Chúa mà không bị giằng co” (7,35), thánh Phaolô đưa ra “đề nghị” (7,35) về một lối sống thuộc trọn về Chúa và chuyên lo việc Chúa mà thôi.
- Bài Tin mừng
Cách giảng dạy và hành động của Đức Giêsu trong hội đường Caphácnaum cho thấy uy quyền của lời phát xuất từ môi miệng Người; lời có sức mạnh trổi vượt so với lời của các ngôn sứ trong Cựu ước.
Thứ nhất, lời của Đức Giêsu có thẩm quyền từ Thiên Chúa. Dù Đức Giêsu không tự xưng mình là ngôn sứ, nhưng phần lớn sứ mạng công khai của Người dành cho việc giảng dạy dân chúng. Điểm khác biệt trong cách giảng dạy của Đức Giêsu được dân chúng ghi nhận, vì “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (x. Mc 1,22; 2,10; 11,33). Trong khi các ngôn sứ là những người nói lời Thiên Chúa, Đức Giêsu chính là “Con Thiên Chúa” (Mc 1,1.11), nên lời của Người đích thực là lời Thiên Chúa, lời có thẩm quyền của chính Thiên Chúa, chứ không như lời giảng dạy của các kinh sư (x. Mc 1,22).
Thứ hai, lời của Đức Giêsu có uy quyền khuất phục thần ô uế. Quả vậy, lời uy quyền của Đức Giêsu được biểu lộ qua việc Người ra lệnh cho thần ô uế và nó phải chịu khuất phục (x. Mc 1,25). Chính thần ô uế cũng biết và thừa nhận thẩm quyền của Đức Giêsu qua việc tuyên xưng Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; x. Lc 4,34). Trong toàn bộ Tân ước, lời tuyên xưng này chỉ một lần nữa được đặt trên môi miệng của ông Phêrô (x. Ga 9,69). Khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Đấng đã nhận lấy Thánh Thần (x. Mc 1,9-11) và sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (x. Mc 1,8), tác giả Máccô muốn nhấn mạnh rằng Đức Kitô thật sự được Thiên Chúa thánh hiến. Là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Người ở trong thế đối nghịch với “thần ô uế”; Người dùng lời quyền năng không chỉ trong việc giảng dạy mà còn để xua trừ thế lực sự dữ.
Thứ ba, lời của Đức Giêsu mang lại giáo huấn mới mẻ. Thật vậy, Tin mừng Máccô ghi nhận sự kinh ngạc và thán phục của dân chúng khi lắng nghe lời giảng dạy đầy uy quyền của Đức Giêsu, vì lời Người thực sự là “giáo lý mới mẻ” (x. Mc 1,27); lời giáo huấn của Người mở ra một thời đại mới, trong đó con người được lắng nghe và chứng kiến lời uy quyền của Thiên Chúa cách trực tiếp và hoàn toàn mới mẻ, chứ không còn cần qua trung gian gián tiếp là các ngôn sứ nữa.
Tin mừng Máccô một lần nữa làm nổi bật Đức Giêsu như là Đấng có lời thẩm quyền của Con Thiên Chúa, lời có sức mạnh khuất phục thần ô uế, lời mang lại giáo huấn mới mẻ và trực tiếp.
GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn từ giữa dân, được đón nhận lời Chúa và chỉ nói lời Chúa mà thôi. Qua bí tích Rửa tội, các Kitô hữu cũng được Thiên Chúa tuyển chọn để làm ngôn sứ cho Người. Ý thức về sứ mạng ngôn sứ, mở lòng để đón nhận lời từ Thiên Chúa và trung thành nói lời Người là lời mời gọi và đòi buộc của ơn gọi Kitô hữu. Nói lời của Chúa không chỉ bằng lời mà bằng hành động, bằng gương sống.
2/ Theo thánh Phaolô, dù sống độc thân hay sống đời hôn nhân, người ta đều có bổn phận “phụng thờ Thiên Chúa”. Vì thế, trong khi xác định rõ bổn phận mà những người sống đời hôn nhân phải có đối với nhau, thánh nhân vẫn muốn đề nghị một lối sống hoàn toàn thuộc về Chúa và chuyên lo việc Chúa để không phải lo lắng, vướng bận, giằng co. Tuy vậy, dù sống theo ơn gọi nào, người ta đều cần dành cho Chúa một chỗ đứng riêng biệt trong cuộc đời của mình.
3/ Tin mừng Máccô làm nổi bật hình ảnh Đức Giêsu là Đấng nói lời uy quyền, lời phát xuất từ Thiên Chúa, lời mang lại giáo lý mới mẻ và có sức mạnh xua trừ thần ô uế. Lời của Thiên Chúa đã hoá thân thành Đấng là Ngôi Lời sống giữa nhân loại. Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa, vẫn tiếp tục là uy quyền xua trừ sự dữ, là lẽ sống cho những ai tìm kiếm ý nghĩa mới cho cuộc đời, và là ánh sáng cho những người muốn kiếm tìm chân lý, vì “lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).