Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chân phước Êugiêniô (08/7)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

 Chân Phước Êu-giê-ni-ô III Giáo Hoàng, Lễ nhớ vào ngày 08/7)

 Chân Phước Êu-giê-ni-ô III Giáo Hoàng có tên Rửa Tội là Barnadus Paganelli. Có lẽ Ngài được sinh ra vào khoảng năm 1080 tại Montemagno, thuộc vùng Pisa, nước Ý. Năm 1115, Bernardus Paganelli đã gia nhập Đan Viện Camadul San Zeno tại Pisa. Vào năm 1128, Ngài được bầu chọ làm Viện Trưởng của Đan Viện này. Và vào năm 1136, Ngài được bổ nhiệm làm phó quản lý của Tổng Giáo Phận Pisa. Tuy nhiên, vào năm 1138, Ngài đã từ chức và quyết định gia nhập Đan Viện Xi-tô Clairvaux, tức Longchamp-sur-Aujon ngày nay, và trở thành môn sinh của Thánh Bê-na-đô – người đang làm Viện Phụ của Đan Viện Clairvaux lúc đó. Chẳng bao lâu sau, Ngài được cử làm trưởng đoàn để đi thành lập một tân Đan Viện, đó là Đan Viện Xi-tô Tre Fontane tại Rô-ma. Vào năm 1141, Ngài trở thành Viện Phụ của Đan Viện này.

 Vào ngày 15 tháng 02 năm 1145, sau khi Đức Thánh Cha Lucius II bị sát hại – theo tương truyền là bị ném đá – trong chiến dịch chống lại sự thiết lập nền cộng hòa tại thành phố Rô-ma, Viện Phụ Barnadus Paganelli đã được Mật Viện Hồng Y bầu làm Giáo Hoàng thứ 167, kế vị Đức Lucius II (1144-1145). Như vậy, Ngài là Đan Sĩ Xi-tô đầu tiên được bầu làm Giáo Hoàng. Tuy nhiên, khi được bầu làm Giáo Hoàng, vị Viện Phụ này vẫn chưa có chức Giám Mục, và dĩ nhiên cũng chưa phải là thành viên của Hồng Y Đoàn. Sau khi trở thành Giáo Hoàng, Ngài đã chọn cho mình tước hiệu Êu-giê-ni-ô III (tiếng La-tinh là Eugenius III). Cuộc tấn phong Giám Mục và Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng của Ngài đã diễn ra tại Đan Viện Farfa nằm trong dẫy núi Sabiner. Sau khi đăng quang Giáo Hoàng chưa được bao lâu, Ngài đã phải trốn khỏi Rô-ma khoảng một năm, trước sự truy đuổi của viện nguyên lão thuộc nền cộng hòa, và trước đối thủ của Ngài là Arnold Brescia. Ông này là một trong những chiến binh đầu tiên của thời Trung Cổ chống lại sự tục hóa của Giáo hội cũng như chống lại việc khát khao quyền lực của hệ thống cấp bậc. Ông cũng là người có khả năng quy tụ đám đông quần chúng nhờ vào tài giảng thuyết của mình cũng như nhờ vào việc đòi hỏi Giáo hội phải khước từ quyền lực, và đòi hỏi giới Giáo Sĩ phải sống khó nghèo giống như các Tông Đồ.

 Trong suốt một thời gian dài trong triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Êu-giê-ri-ô III đã trú ngụ tại Viterbo. Tại đây, ngay trong năm đầu tiên làm Giáo Hoàng, tức năm 1145, Ngài đã đã cho tiến hành cuộc Thập Tự Chinh. Vào đầu năm 1147, Ngài đã đến Paris để gặp triều đình Pháp, và tiện thể cũng để thẩm định lại sự hỗ trợ của Thánh Bê-na-đô đối với mình. Về phía Thánh Bê-na-đô, Ngài đã không chỉ hỗ trợ vị Giáo Hoàng này về mặt tinh thần qua lời cầu nguyện, nhưng còn hỗ trợ Ngài qua rất nhiều những việc làm khác, chẳng hạn như qua những bài giảng kêu gọi tham gia cuộc Thập Tự Chinh do Đức Giáo Hoàng khởi xướng, và qua tác phẩm De Conideratione – Sự định giá về chức vụ Giáo Hoàng (được viết riêng cho Đức Giáo Hoàng). Với tác phẩm này, Thánh Bê-na-đô đã khuyên vị Giáo Hoàng đương nhiệm hãy sống khó nghèo, khiêm nhượng, và khước từ quyền lực thế tục.

 Vào năm 1147, Đức Êu-giê-ni-ô III đã tổ chức một Công Đồng tại Paris, và sang năm 1148, Ngài đã tổ chức những Công Đồng khác tại Trier, Reims và tại Cremona.

 Vào năm 1149, Đức Êu-giê-ni-ô III đã được đón trở về lại Rô-ma trong niềm hân hoan của dân chúng, nhưng một năm sau đó, tức năm 1150, Ngài lại phải trốn khỏi nơi đây và lại đến trú ngụ tại Viterbo.

 Đức Êu-giê-ni-ô III đã thương lượng với vua Konrad III và với người kế vị của ông là vua Friedrich I về việc trao vương miện hoàng đế cho họ bởi họ tỏ ra rất khát khao chức vụ đó, nhưng tiếc là đã không thành công. Đối với đế quốc Bizantin, Đức Êu-giê-ni-ô III đã sử dụng sự ảnh hưởng của mình để ngăn cản một cuộc xâm lược do hoàng đế Manuel Kommenos I đang có âm mưu thực hiện. Còn trong nội bộ Giáo hội, Đức Êu-giê-ni-ô III đã củng cố quyền ưu việt của Đức Giáo Hoàng.

 Vào năm 1152, Đức Êu-giê-ni-ô III đã đặt Đan Viện Ottobeuren dưới quyền bảo trợ của chính Ngài. Vào ngày 23 tháng 03 năm 1153, Ngài đã ký một hiệp ước liên minh tương trợ với vua Friedrich Barbarossa I để chống lại những người Rô-ma nổi loạn, nhưng trước khi vua Friedrich Barbarossa kịp kéo quân tới Rô-ma thì Đức Êu-giê-ni-ô đã qua đời trong lúc phải lưu vong. Ngài qua đời vào ngày mồng 08 tháng 07 năm 1153 tại Tivoli, Italia. Thi thể của Ngài được đưa về Rô-ma và được an táng trong hầm mộ nằm dưới Đền Thờ Thánh Phê-rô hiện nay. Sau khi Đức Êu-giê-ni-ô IIII qua đời, một vị Hồng Y do chính Ngài bổ nhiệm đã được bầu lên kế vị với tước hiệu là Hadrian IV.

 Vào ngày 28 tháng 09 năm 1872, Đức Êu-giê-ni-ô III đã được Đức Pi-ô IX tôn phong lên bậc Chân Phước. Giáo hội Công Giáo mừng kính Chân Phước Êu-giê-ni-ô III Giáo Hoàng vào ngày mồng 08 tháng 07. Cả Dòng Xi-tô lẫn Dòng Trappist cũng đều cử hành Lễ Kính Ngài vào ngày mồng 08 tháng 07 với bậc Lễ Nhớ Buộc.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận