I. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Để trung thành với Đức Tin Công giáo, nhiều ngàn tín hữu Việt Nam, thậm chí là hàng trăm ngàn, đã không ngần ngại hy sinh mạng sống của mình. Các Ngài đã lấy máu đào để tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô. 118 vị Tử Đạo Việt Nam chính là đại diện của rất nhiều ngàn tín hữu anh dũng đó. Sở dĩ các Ngài được coi là những đại diện cho hàng ngũ các vị Tử Đạo tại Việt Nam là vì, trước hết các Ngài chính là những người đã trải qua rất nhiều những cực hình ghê rợn và những nỗi khổ đau khôn xiết tả, và sau đó là vì cuộc khổ hình của các Ngài đã được ghi chép lại. Chính những gì được ghi chép lại đã tạo điều kiện cho việc nhận biết và định giá về cuộc Tử Đạo của các Ngài.
Người ta ước lượng rằng, trong suốt nhiều thế kỷ mà Giáo hội Công giáo tại Việt Nam bị bách hại, có khoảng 130.000 tín hữu đã phải hy sinh mạng sống để bảo toàn Đức Tin Ki-tô giáo. Hầu hết trong số các Ngài đều là những người không được sử sách ghi chép lại; không ai còn biết tới danh tánh của các Ngài nữa. Điều này vừa khiến cho việc tiến hành một vụ Án Phong Thánh cho các Ngài trở nên không thể, và cũng vừa khiến cho việc tưởng nhớ tới các Ngài trong các Cộng Đoàn Ki-tô hữu trở nên yếu ớt.
Một bằng chứng lịch sử đầu tiên về việc Tin Mừng đã được loan báo tại Việt Nam được tìm thấy trong bộ “Biên Niên Sử của Triều Đình An-nam”, tức Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chữ Hán: 欽定越史通鑑綱目). Đây là bộ chính sử của triều Nguyễn, được viết bằng chữ Hán, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856-1884. Theo bộ sử này thì vào năm 1533, vua Lê Trang Tông đã ra chỉ dụ cấm truyền bá tà đạo “Cia-te” (có lẽ là Giê-su) mà một vị Giáo Sĩ nào đó có tên là “I-Nu-Khu” (có lẽ là Ignatius) đến từ Malakka, đang thực hiện tại miền Bắc Việt Nam.
Vị Giáo Sĩ có tên là I-Nu-Khu trên là ai? Có thể Ngài là một Linh mục Dòng Đa-minh hoặc Dòng Phan-xi-cô, và rất có thể là người Bồ-đào-nha. Để đến được phủ Bắc Bộ, Ngài đã phải đi qua Ma-cao. Rồi từ Ma-cao, Ngài đã đi tàu biển để vào Việt Nam, có thể là qua ngả Ba Lạt của sông Hồng, nhưng cũng có thể là qua ngả Lạch Giang của sông Ninh Cơ. Trong thực tế thì từ năm 1550, các Tu Sĩ Dòng Đa-minh từ Bồ-đào-nha đã đến hoạt động Truyền Giáo tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long của miền Nam Việt Nam.
Việc thành lập Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam bắt nguồn từ mùa Phục Sinh năm 1615 khi hai Linh Mục Dòng Tên là Cha Buzomi và Diego Carvalho cập bến tại Đà Nẵng. Vào ngày 19 tháng 03 năm 1627, một Linh mục Dòng Tên khác là Cha Alexander de Rhodes cũng đã đến Việt Nam từ Avignon, Pháp Quốc. Ngài được coi là sáng lập thực sự của Giáo hội tại Việt nam.
Công cuộc truyền giáo của các Linh mục Dòng Tên tại Việt nam đã gặt hái được rất nhiều thành quả, đến độ chỉ trong vòng ba năm, các Ngài đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho khoảng trên 3.500 người. Nhưng tiếc rằng, kết quả ban đầu này không kéo dài được lâu, bởi vào năm 1630, vua Lê Kính Tông đã ra chỉ dụ cấm đạo, và cuộc bách hại này đã bóp nghẹt đà phát triển của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Vào năm 1644, hầu hết các Tu Sĩ Dòng Tên đều phải rời bỏ Việt Nam. Riêng Cha Alexander de Rhodes thì luôn tìm cách ở lại. Ngài bị trục xuất tới sáu lần, nhưng cả sáu lần Ngài đều thành công trong việc tránh lệnh trục xuất. Sau cùng, vào năm 1645, Ngài đã bị bắt và bị kết án tử hình. Nhưng sau đó Ngài được Chúa Nguyễn tha mạng và trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam.
Trước khi rời Việt nam, các Linh mục Dòng Tên cũng đã kịp đào tạo một lớp Giáo lý Viên khá bài bản. Một trong những Giáo Lý Viên hăng hái và có trình độ nhất do chính Cha Alexander de Rhodes đào tạo là Thầy An-rê Phú Yên. Thầy đã bị bắt giam và rồi sau đó bị giết ngay trước mặt Cha. Thầy được coi là một trong những vị Tử Đạo tiên khởi tại Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, việc sát hại Thầy An-rê Phú Yên đã gây không ít đau buồn cho Cha Alexander de Rhodes cũng như đã lấy đi rất nhiều hy vọng của cộng đoàn tín hữu non trẻ lúc đó.
Về phần các Tu Sĩ Dòng Tên, không lâu sau khi bị trục xuất, các Ngài đã trở lại và tiếp tục hoạt động truyền giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi Dòng của các Ngài bị bách hại trên toàn thế giới (từ 1773 tới 1788), thì các Tu Sĩ Dòng Tên đã rút khỏi Việt Nam, và mãi cho tới năm 1957 mới trở lại.
Riêng Cha Alexander de Rhodes, khi rời khỏi Việt nam, Ngài luôn luôn lo lắng cho số phận của các tín hữu tại đó, bởi họ là một cộng đoàn non trẻ trong Đức Tin nhưng lại không có Linh mục nào cai quản. Vì thế, thay vì trở lại Pháp, Ngài đã đến Rô-ma và thuyết phục những vị có trách nhiệm tại Giáo Triều biết về việc cần thiết phải có các Giáo sĩ người Việt cho người Việt. Tuy nhiên, Ngài cũng vẫn coi việc gửi các Giám mục và Linh mục từ Âu Châu tới Việt Nam là điều cần thiết không kém. Vì thế, Đức Thánh Cha Alexander VII (1655-1667) đã cử tới Việt Nam hai vị Giám Quản Tông Tòa, đó là Đức Cha François Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte. Cả hai vị đều thuộc Hội Truyền Giáo Paris. Việc bổ nhiệm này được Đức Thánh Cha ký vào ngày 11 tháng 08 năm 1664.
Vào ngày 14 tháng 02 năm 1670, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte đã tổ chức một Công Đồng Mục Vụ đầu tiên tại Phố Hiến. Qua Công Đồng này, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte đã ấn định những thủ tục và những điều kiện cho cơ chế “Nhà Đức Chúa Trời”. Đây là Cộng đoàn Nhà xứ, gồm các Cha chánh, phó xứ, các thầy giảng, các chủng sinh, ông từ, ông bõ, và tất cả những ai phục vụ cho nhà Chúa. Với cơ chế này, mầm mống ơn gọi Linh mục và tu trì đã nhận được mảnh đất tốt để sinh hoa kết trái, hầu phục vụ cho công việc truyền giáo. Cũng trong năm 1670, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte đã thành lập một Dòng Tu đầu tiên tại Việt Nam, đó là Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao, Bùi Chu. Trong suốt nhiều thế kỷ, các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá đã chứng tỏ lòng dũng cảm đáng khâm phục cũng như hiệu suất phi thường trong công cuộc truyền giáo và hoạt động tông đồ giữa các Ki-tô hữu, đặc biệt là tại những ngôi làng xa xôi hẻo lánh.
Vào năm 1807, một Chủng Viện đã được thành lập tại Penang, Malaysia nhằm đào tạo các Chủng Sinh cho vùng Đông Nam Á. Rất nhiều các Linh mục, trong đó có cả các vị Tử Đạo của Giáo hội Việt Nam đã được đào tạo tại Chủng Viện này.
Về phần mình, Đức Cha François Pallu rất muốn lấp đầy các khoảng trống mà các Giáo Sĩ truyền giáo đã mở ra hồi đó, nên Ngài đã mời các Tu Sĩ Dòng Đa-minh đến hỗ trợ. Nhận lời mời của Đức Cha François Pallu, Cha Felipe Pardo thuộc Tỉnh Dòng Đa-minh Manila, Philippine, cùng với hai tình nguyện viên khác là Juan de Santa Cruz và Juan Arjona, đã lên đường để tới Việt Nam. Trước tiên, các Ngài tới Trung Linh, Bùi Chu, rồi sau đó, vào ngày mồng 07 tháng 07 năm 1676, các Ngài đã rời Trung Linh để đi tới Phố Hiến, Hưng Yên. Cũng vào thời điểm đó, Cha Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Đa Minh đã ký một sắc lệnh, theo đó, công cuộc truyền giáo mới tại Bắc Việt sẽ được sáp nhập vào Tỉnh Dòng Rosario tại Manila, Philippine. Vào năm 1659, hai Phủ Doãn Tông Tòa đầu tiên của Việt Nam đã được thiết lập, một tại miền Bắc (gọi là Đàng Ngoài), và một tại miền Nam (gọi là Đàng Trong).
Ngay sau khi các nhà truyền Giáo Dòng Đa-minh tới Việt nam thì một loạt các nhà truyền giáo của các Dòng khác, chẳng hạn như Dòng Phan-xi-cô, cũng đến. Sự hiện diện đông đảo cũng như những hoạt động tông đồ không biết mệt mỏi của các nhà Truyền Giáo đã làm cho con số các Ki-tô hữu tăng lên đáng kể, đến độ Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã phải chia Giáo Phận Đàng Ngoài ra thành hai Phủ Doãn Tông Tòa, một được gọi là Giáo Phận Tây Đàng Ngoài, và một được gọi là Giáo Phận Đông Đàng Ngoài. Hai Giáo Phận này nằm hai bên tả hữu sông Hồng.
Từ năm 1696, một loạt các cuộc bách hại đạo lại nổ ra. Tuy nhiên làn sóng bách hại này không những không ngăn cản được những hoạt động của các nhà truyền giáo, nhưng còn củng cố các hoạt động ấy, và dẫn tới việc mở rộng Ki-tô giáo.
Vào năm 1719, một cuộc bách hại khốc liệt khác lại diễn ra. Trong cuộc bách hại này, tất cả các nhà thờ, ngoại trừ nhà thờ Kẻ Sạch, đều bị san bình địa, và hầu hết các nhà Truyền Giáo của tất cả các Dòng đều bị trúc xuất. Vào năm 1721, tình hình còn trở nên căng thẳng hơn thông qua các cuộc bắt bớ: rất nhiều Ki-tô hữu bị bắt giam, và đã có những nạn nhân đầu tiên, đó hai Linh mục Dòng Tên người Châu Âu, và 9 Tu Sĩ Dòng Tên người địa phương. Trong những cuộc bách hại đẫm máu vào năm 1737, 4 Tu Sĩ khác của Dòng Tên cũng đã được phúc Tử Đạo. Và rồi, trong suốt thế kỷ XVIII và cho tới gần hết thế kỷ XIX, nhiều cuộc bách hại khác đã diễn ra tại mảnh đất hình chữ S.
Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhận rằng, tổng cộng có 53 chỉ dụ cấm đạo được ký bởi các vua nhà Lê, bởi Chúa Trịnh và bởi nhà Nguyễn. Những chỉ dụ này được đưa ra trong suốt gần ba thế kỷ, từ XVII tới XIX (cụ thể là 261 năm, từ 1625 tới 1886), không kể chỉ dụ do vua Lê Trang Tông ban bố vào năm 1533. Các cuộc cấm cách này đã đem đến cái chết cho vô vàn các tín hữu mà 118 vị Thánh Tử Đạo chính là những người đại diện. Sau đây là con số các Thánh Tử Đạo được liệt kê theo trình tự thời gian:
-1 vị dưới thời Chúa Nguyễn Thượng (1601-1648)
-2 vị dưới thời Trịnh Doanh (1740-1767);
-2 vị dưới thời Trịnh Sâm (1767-1782);
-2 vị dưới thời Cảnh Thịnh (1782-1802);
-58 vị dưới thời Minh Mạng (1820-1840);
-3 vị dưới thời Thiệu Trị (1840-1847);
-50 vị dưới thời Tự Đức (1847-1883).
Nếu sắp xếp theo quốc gia xuất xứ, thì các Vị Tử Đạo Việt Nam được xếp theo danh sách dưới đây:
–Tây-ban-nha: 11 vị, tất cả đều thuộc Dòng Đa-minh, gồm 6 Giám mục và 5 Linh mục;
–Pháp: 10 vị, tất cả đều thuộc Hội Truyền Giáo Paris, gồm 2 Giám Mục và 8 Linh mục;
–Việt nam: 97 vị, gồm 37 Linh mục (trong đó có 11 Linh mục Dòng Đa-minh), 60 Giáo dân (trong đó có 1 Chủng Sinh, 17 Giáo Lý Viên, 10 Huynh Đoàn Đa-minh, và một nữ Giáo dân).
Tại nơi hành hình, bên cạnh mỗi bản án, các chỉ dụ của nhà vua cũng còn chỉ định cả cách thức thi hành án nữa:
-75 vị bị tử hình với án trảm quyết;
-22 vị bị tử hình với án treo cổ;
-6 vị bị tử hình với án thiêu sinh;
-5 vị bị tử hình với án tùng xẻo;
-9 vị chết rũ tù vì bị tra tấn và bỏ đói.
Ngoài ra, các Ki-tô hữu còn bị phân sáp, giới Giáo sĩ giảm sút, và Ki-tô giáo bị giải tán. Các cuộc bách hại nhắm vào các tín hữu Công giáo Việt nam chỉ tạm kết thúc vào hậu bán thể kỷ XIX, khi người Pháp đô hộ hoàn toàn vương quốc này. Giữa người Pháp và vua Tự Đức đã có một hiệp định hòa bình. Trong khoản hai của hiệp định được ký kết vào ngày mồng 05 tháng 06 năm 1862, có viết như sau: “Những người thuộc hai quốc tịch Pháp và Tây-ban-nha được phép cử hành Phụng Vụ Ki-tô giáo tại vương quốc Annam; tất cả mọi công dân của vương quốc này, người nào đón nhận Ki-tô giáo hay muốn theo Ki-tô giáo, đều có thể thực hiện việc đó một cách tự do mà không có bất cứ sự cản trở hay phân biệt nào; nhưng những ai không muốn trở thành Ki-tô hữu thì không bị ép buộc phải trở thành Ki-tô hữu.”
Hiệp ước nêu trên đã tạm thời chấm dứt các cuộc bách hại nhắm vào các Ki-tô hữu tại Việt Nam. Giáo hội tại đây được trải qua một giai đoạn tương đối tự do. Giai đoạn này kéo dài khoảng 90 năm. Nhưng rồi, tại Bắc Việt, từ năm 1954, sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, và tại Nam Việt, từ năm 1975, sau khi người Cộng Sản làm chủ toàn bộ Việt Nam, các Ki-tô hữu lại phải trải qua một giai đoạn mới với rất nhiều những bách hại và trấn áp. Rất nhiều các tín hữu, trong đó có cả các Linh mục và Tu sĩ, thậm chí cả Giám mục, như trường hợp của Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, đã phải trải qua nhiều năm tù đầy. Có nhiều vị còn phải bỏ mạng trong tù.
Tình hình của Giáo hội Công Giáo Việt nam trong thời gian gần đây đã được cải thiện đôi chút qua việc các các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhiều lần viếng thăm Vatican. Khi tôi đang ngồi viết bài này (tối ngày 23.11.2016 theo giời Việt Nam) thì cũng là lúc chủ tịch Trần Đại Quang của nhà nước Cộng Sản Việt Nam được Đức Thánh Cha Pha-xi-cô tiếp đón tại Vatican. Và khi tôi viết tới đây thì cũng là lúc cuộc gặp gỡ nêu trên giữa hai nhà lãnh đạo đã kết thúc. Chưa thấy bộ ngoại giao Việt Nam hay Tòa Thánh Vatican công bố gì về cuộc gặp gỡ này. Tuy nhiên, dù có vô cùng lạc quan đi nữa thì các tín hữu Công giáo Việt nam cũng không đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp gỡ vừa nêu. Bởi theo kinh nghiệm, sau mỗi cuộc gặp gỡ trước đây giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, thì tình hình của Giáo hội tại Việt Nam cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu, và đôi lúc còn trở nên ngột ngạt hơn là đàng khác.
117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và một vị Chân Phúc đã được tôn phong lên bậc Chân Phúc trong 5 lần khác nhau: 64 vị được phong vào năm 1900 bởi Đức Thánh Cha Lê-ô XIII; 8 vị được phong vào năm 1906 bởi Đức Thánh Cha Pi-ô X; 20 vị được phong vào năm 1909 cũng bởi Đức Thánh Cha Pi-ô X; 25 vị được phong vào năm 1951 bởi Đức Thánh Cha Pi-ô XII; và Chân Phúc An-rê Phú Yên được phong vào ngày mồng 05 tháng 03 năm 2000 bởi Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II.
Vào ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong 117 vị Chân Phúc Tử Đạo, Việt Nam, lên bậc Hiển Thánh.
Giáo hội Công giáo kính nhớ Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn Tử Đạo vào ngày 24 tháng 11 với bậc Lễ Nhớ buộc, tức Lễ bậc III. Ngày 24 tháng 11 được chọn để kính nhớ các Ngài cốt là để kỷ niệm Ngày Thiết Lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, vì vào ngày này năm 1960, với Tông Hiến Venerabilium Nostrorum, Đức Thánh Cha Gio-an XIII đã chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Giáo Tỉnh: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist (Dựa theo IMAGO MUNDI)
Nguồn: SIMONHOADALAT
II. Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc – linh mục (1795 – 1839)
Thánh Anrê Dũng Lạc sinh năm 1795 tại tỉnh Bắc Ninh. Cha mẹ là những người ngoại giáo nghèo. Năm cậu Trần An Dũng Lạc 11 tuổi thì cha mẹ di chuyển gia đình tới Hà Nội để tìm cách mưu sống. Vì gia đình quá nghèo nên cha mẹ cậu gửi gắm cậu cho một Thầy Giảng giúp đỡ nuôi dưỡng, cho cậu ăn học. Cậu là một đứa trẻ rất thông minh, có trí nhớ lạ lùng, chỉ trong một tuần lễ cậu đã học hết cuốn sách giáo lý. Tính tình hiền lành, lại rất ngoan ngoãn, siêng năng chu toàn với mọi công việc được giao phó. Năm 12 tuổi, cậu được Rửa Tội, nhận tên thánh là Anrê. Sau đó cậu được gửi vào trường Vĩnh Trị do cha Leroy Lan làm Bề trên. Tại trường Vĩnh Trị, cậu siêng năng cần mẫn. Cậu học chữ Nho và La tinh một cách mau chóng và dễ dàng. Cậu có năng khiếu về thơ phú và giao tiếp với mọi người một cách lịch thiệp hoà nhã. Các bạn đồng lớp nói rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn sách hai lần là cậu đã nhớ thuộc lòng. Sau 8 năm ở trường Vĩnh Trị, cậu lãnh bằng Thầy Giảng.
Sau 10 năm làm Thầy Giảng và học tiếp 3 năm Thần học, ngày 15 tháng 3 năm 1823 thầy Anrê Trần An Dũng Lạc được Đức Cha Longer phong chức linh mục cùng lớp với thánh Ngân và thánh Nghi. Lúc đó, cha Dũng Lạc mới 28 tuổi. Sau đó, cha Dũng Lạc được bổ nhiệm làm cha phó xứ ở Đồng Chuối, giúp cha Khiết, rồi giúp cha Thi ở xứ Đoài và cha Thuyết ở xứ Sơn Miêng. Một thời gian sau, Đức Giám mục bổ nhiệm cha về làm chánh xứ giáo xứ Kẻ Đầm. Lúc ấy, cha Anrê Trần An Dũng Lạc đã 40 tuổi. Dù là cha phó hay cha chánh, dù ở bất cứ nơi nào, cha cũng đưọc mọi người yêu quý vì tính tình hiền hoà, xử sự khôn ngoan, lại giảng giải sốt sắng, dễ hiểu. Đối với giáo dân, cha dễ dãi, hoà đồng, vui vẻ. Nhưng với chính mình thì cha rất nhiệm nhặt trong cách ăn mặc. Cha ăn chay hằng tuần trong các ngày thứ Tư và thứ Sáu. Cha luôn quan tâm giúp đỡ những người nghèo khó, ưu ái chia sẻ cơm áo cho những người cần tới cha. Cha hết lòng hy sinh với nhiệm vụ của một chủ chăn. Cha ân cần lo lắng tới đời sống thiêng liêng của từng giáo dân.
Ngày 6 tháng 1 năm 1833 vua Minh Mạng ban hành sắc chỉ cấm đạo một cách gay gắt, cha phải ẩn trốn tại các gia đình tín hữu, nay ở nhà này mai ở nhà kia. Nhưng rồi tình hình cũng không yên ổn nên cha lại phải trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó.
Một hôm trong năm 1835 khi cha vừa dâng lễ xong tại Kẻ Sui thì quân lính xông tới. Cha vội cởi áo lễ trao cho mấy người tín hữu cất giấu còn cha thì ngồi lẫn lộn trong đám dân đông đảo. Quân lính tới bắt cha cùng với 30 người khác. Ông tổng Thìn phải đưa 6 nén bạc cho quan Hào Khánh ở Đôn Thư xin dàn xếp với quan phủ cho cha khỏi bắt. Quan huyện Hào Khánh lấy 4 nén bạc còn 2 nén cho người nhà quan phủ và trình rằng: “Cậu tôi về xem lễ ở Kẻ Sui mà quan bắt thì xin tha”. Quan tha cho cha còn những người khác thì sau đó cũng lần lượt được tha hết. Từ đây quan quân đã biết tên cha Trần An Dũng, nên cha đổi tên là Lạc. Vì thế, cha mới có tên là Trần An Dũng Lạc.
Lần khác, khi cha tới Kẻ Sông lén lút gặp cha Phêrô Trương Văn Thi để xưng tội thì không may bị lý Pháp là lý trưởng làng Kẻ Sông theo dõi, đưa gia nhân tới đột kích bắt hai cha. Tín hữu nghe tin hai cha bị lý Pháp bắt thì kéo nhau tới đông đảo xin lý Pháp tha cho hai cha. Lý Pháp đòi các tín hữu phải nộp 200 quan thì sẽ tha. Các tín hữu gom góp chỉ được 100 quan thì lý Pháp nhận 100 quan và chỉ tha cho cha Dũng Lạc còn cha Phêrô Trương Văn Thi thì bị bắt giải lên nộp cho quan huyện Bình Lục. Cha Anrê Trần An Dũng Lạc được tha, nhưng trên đường trở về thì lại gặp trời mưa to gió lớn, thuyền cha phải ghé vào bờ trú ẩn tại ngôi nhà quen thân thì đột nhiên lại bị một bọn lính khác tới khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba, bị trói giải về nộp cho quan huyện Bình Lục, còn các người khác sợ hãi bỏ chạy trốn hết. Về tới huyện cha Dũng Lạc lại gặp cha Trương Văn Thi cũng đã được giải về nộp cho quan huyện Bình Lục. Thế là từ đây số phận của hai cha dính liền với nhau, cùng bị giam, bị tra khảo, cùng chết và cùng lãnh nhận triều thiên Tử Đạo trên thiên quốc cùng một ngày với nhau.
Tại huyện Bình Lục, quan huyện xử đối với hai cha rất tử tế. Quan truyền cho lính dọn cơm cho hai cha bằng mâm và chén bát của mình. Quan thấy cha Trương Văn Thi già yếu, quan hỏi lính cha có chăn mền không thì lính thưa là cha có chăn mền nhưng ông lý Pháp đã tịch thu tất cả của cha rồi. Quan nghe nói thì nóng giận quát lớn: “Bảo thằng lý Pháp phải trao trả lại cho cha”. Có lần quan huyện Bình Lục đã tâm sự với hai cha rằng: “Thưa hai Cụ, phép triều đình cấm đạo và giết các Cụ, chứ không phải tôi. Tôi không có tội gì trong việc này”.
Nghe quan thế nói, các cha chỉ mỉm cười. Mặc dù bị giam nhưng hai cha vẫn vui vẻ chuyện trò với mấy anh lính canh. Có người hỏi cha: “Các Cụ bị bắt mà sao các cụ nói chuyện vui vẻ thế, các Cụ không sợ chết à?” Cha Dũng Lạc vui vẻ trả lời: “Vua cấm đạo và Đức Cha Trời định cho tôi phải bị bắt. Tôi không sợ. Trái lại, tôi lại vui vì được chịu khó vì Chúa tôi thờ”.
Giữ hai cha ba ngày tại huyện, sau đó quan huyện Bình Lục tiễn hai cha xuống thuyền, đưa hai cha về Hà Nội nộp cho quan đốc tỉnh. Biết tin hai cha phải về Hà Nội, các tín hữu kéo nhau tới thương khóc từ giã hai cha rất đông. Nhiều tín hữu đã góp tiền và trình với Đức Cha Retord Liêu và Đức Cha cũng đồng ý để họ đưa tiền tới xin chuộc hai cha. Nhưng cha Dũng Lạc nghĩ rằng đây là lần thứ ba đã bị bắt, chắc là ý Chúa muốn như thế nên cả hai cha đã không đồng ý để giáo dân đem tiền tới xin chuộc hai cha. Lúc tiễn hai cha xuống thuyền, nhiều người đi theo gào khóc rất thảm thiết. Thấy vậy, quan huyện lấy làm lạ nói: “Đạo trưởng có cái gì mà dân chúng thương tiếc than khóc quá như vậy ?” Nghe quan huyện hỏi như thế, một bà cụ đứng gần đó đáp lại: “Bẩm quan, các cha dạy chúng tôi những điều tốt lành, không cờ bạc, rượu chè, dậy vợ chồng phải thuận thảo, thủy chung với nhau như trong đạo lý răn dạy. Tại sao lại giết người lành như thế ?”
Bước xuống thuyền rồi, hai cha thấy dân chúng thương khóc quá sức như vậy thì hai cha xin quan nói mấy lời để an ủi và khích lệ mọi người hãy sống đạo tốt lánh hơn: “Hãy yêu thương nhau và trung thành với đạo thánh Chúa. Không nên khóc lóc làm gì vì chỉ làm thêm đau khổ cho nhau mà thôi“.
Con thuyền đưa hai cha đi Hà Nội, ngày 16 tháng 11 hai cha tới Hà Nội và được đưa ngay vào nhà giam để ngày hôm sau là ngày 17 tháng 11, các cha được đưa ra trước mặt các quan để bị thẩm vấn. Trong một lá thư cha Dũng Lạc viết cho Đức Cha Jeantet đã kể lại rằng: Ngày 17 tháng 11 quan đã nộp chúng con cho quan án để truyền lệnh bắt chúng con phải bước qua Thập Giá. Vì chúng con cương quyết không chịu bước qua nên sáu anh lính đã xông tối khiêng nhắc bổng chúng con lên đưa qua Thập Giá, cha Phêrô Thi đã ôm được Thập Giá và hôn kính. Còn con thì con co chân lên rất cao và nói với họ: “Hãy chặt chân tôi đi. Tôi rất vui lòng chứ đừng hy vọng tôi bỏ đạo”. Sau đó các quan hỏi con: “Tại sao đạo lại không cho phép thờ kính tổ tiên ?” Con trả lời: “Nếu có ai chào cha mẹ khi các ngài đang ngủ, thì không kể là tôn kính, vì các ngài ngủ không biết gì. Cũng một lẽ ấy còn một mạnh mẽ hơn đối với những người đã chết.”
Ngày 19 tháng 11 các quan lại gọi chúng con ra toà lần thứ hai để khuyên dụ và ép buộc chúng con bước qua Thập Giá. Lần này các quan bắt chúng con phải đeo gông nặng hơn. Tới ngày 21 tháng 11 thì họ lại thay gông bằng xiềng xích. Xiềng xích của cha Phêrô Thi nhẹ hơn xiềng xích của con. Con thương cha Phêrô Thi vì già yếu mà phải chịu nhiều cực hình quá. Nhiều lúc con ngồi suy nghĩ mà chảy nước mắt vì nhớ tới những anh em Thừa Sai đang phải trốn tránh để rao giảng Tin Mừng của Chúa.
Nhận được thư của cha Anrê Dũng Lạc, Đức Cha Jeantet vội biên mấy lời khích lệ và an ủi hai cha, khuyên hai cha vững lòng bền chí, can đảm chịu mọi sự khó. Đức Cha và mọi người đều sốt sắng cầu nguyện cho hai cha luôn xứng đáng là những chiến sĩ Đức Tin vững mạnh của Chúa. Được thư của Đức Cha, hai cha vui mừng và xúc động. Cha Dũng Lạc viết lại để cám ơn Đức Cha. Trong thư cha viết: “Chúng con vô cùng an ủi và xúc động chảy nước mắt khi đọc thư của Đức Cha. Chúng con thật lòng biết ơn vì nhờ Đức Cha và các vị Thừa Sai mà chúng con được biết Chúa. Chúng con không biết phải nói làm sao để diễn đạt lòng biết ơn sâu xa của chúng con. Trong nhà tù này rất khó khăn để viết thư cũng như để nhận thư. Xin Đức Cha hiểu cho lòng trung tín và hiếu thảo của chúng con. Xin Đức Cha cầu nguyện cho chúng con trung thành với Chúa và luôn sẵn lòng vui vẻ được chết vì Chúa. Lòng chúng con tin vững mạnh nơi Chúa như núi Thái”.
Tình trạng ngồi tù kéo dài mãi, hai cha nóng lòng chờ đợi giờ phút được đổ máu ra để làm chứng nhân cho Chúa, mãi tới ngày 30 tháng 11, các quan cho gọi hai cha ra toà. Trước hết các quan khuyên dụ hai cha bước qua Thập Giá và bỏ đạo. Khuyên dụ mãi không xong, các quan bắt hai cha ký giấy nhận bản án. Sau khi các ngài ký nhận, quan đốc tỉnh nói với quan chánh án: “Bọn chúng bám vào tôn giáo đến nỗi điên khùng. Đạo gì mà làm cho con người mê mẩn đến như thế? Thật khó hiểu!” Nhiều lần bị tra khảo nhưng không bị đánh đập tàn nhẫn như những trường hợp khác, chỉ bị bọn lính tát một hai cái.
Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1839 là ngày lễ kính Các Thánh, cha Trân giả dạng người làm ruộng vào thăm hai cha trong tù. Cha Trân đưa Mình Thánh Chúa cho hai cha. Vừa thấy cha Trân, cha Dũng Lạc vui vẻ chào: “Xin chào bác! Tôi đợi bác thăm nuôi đây”. Sau đó cha Trân trao Mình Thánh Chúa cho cha Dũng Lạc. Hai người nói nhỏ với nhau ít điều rồi cha Trân vội vã rút lui. Cha Dũng Lạc chịu Mình Thánh Chúa rồi âm thầm trao cho cha Thi. Hai cha vui mừng tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương tới thăm viếng các Ngài trong nhà tù và tăng sức mạnh để các Ngài thêm mạnh mẽ, can đảm tuyên xưng danh Chúa trước mặt vua quan.
Vài tuần lễ sau, các Ngài được lệnh tới gặp quan án. Quan chánh án đưa bản án do vua Minh Mạng châu phê để các Ngài ký nhận. Sau khi ký nhận bản án, cha Dũng Lạc trở về nhà giam vui vẻ, cao hứng làm một bài thơ diễn tả tâm sự gửi cho cha bạn là cha Thực. Bài thơ như sau:
“Lạc rầy đã rõ chốn quân quan
Bút chép thơ này gửi thở than
Lòng nhớ bạn, vẫn còn vất vả
Dạ thương khách, chạy chữa yên hàn
Đông qua tiết lại thì xuân tới
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Đàng”
Sáng ngày 21 tháng 12 năm 1839, quan quân tới nhà giam công bố lệnh xử án và truyền lệnh ra pháp trường. Hai cha vui mừng tạ ơn Chúa. Các ngài hát mấy câu kinh tạ ơn “Te Deum” bằng Latin rồi chuẩn bị sẵn sàng theo đoàn quan quân tiến ra pháp trường lãnh án chém đầu để làm chứng nhân cho đạo thánh Chúa. Trên đường đi, các Ngài vui vẻ, nét mặt tươi vui hớn hở. Cha thánh Dũng Lạc chắp tay vừa đi vừa cầu nguyện. Tới nơi xử, các Ngài quỳ trên chiếc chiếu đã được các tín hữu đã trải sẵn. Người lý hình tiến lại nói nhỏ với cha: “Chúng tôi không biết các Thầy có tội gì. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên bắt chúng tôi phải làm. Xin các Thầy đừng chấp chúng tôi. Xin các Thầy cầu nguyện cho chúng tôi khi các Thầy về Trời”. Cha Dũng Lạc tươi cười nói với các anh: “Quan lớn đã truyền, các anh cứ thi hành”.
Sau đó hai ngài cầu nguyện ít phút rồi nghiêng đầu cho lý hình chém. Nhiều người đứng chứng kiến đã kể lại rằng họ đã nhìn thấy một con chim trắng to lớn hơn chim bồ câu bay lượn trên các ngài lúc các ngài bị hành quyết. Hôm đó là ngày 21 tháng 12 năm 1839 tại pháp trường cửa ô Cầu Giấy, Hà Nội, giáp đường lên tỉnh Tây Sơn. Thi hài cha thánh Dũng Lạc được đưa về an táng tại nhà bà Lý Qúy, gần Cầu Giấy, Hà Nội.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha Dũng Lạc lên bậc Chân Phước cùng với cha thánh Phêrô Trương Văn Thi ngày 27 tháng 5 năm 1900, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng hai Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Tác giả Lm. Nguyễn Đức Việt Châu
Nguồn: gxdaminh.net