Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện Cho tiếng kêu của trái đất (tháng 9)

Chúa Nhật XXIX TN (22/10)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa

Mt 22, 21

Ngày thế giới truyền giáo (English vesion)

Dẫn vào thánh lễ

 Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, là Đấng tạo thành trời đất và muôn loài. Tất cả mọi quyền lực trong thế gian đều từ Ngài mà có và phải quy hướng về Ngài để ca tụng suy tôn. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay gợi nhắc chúng ta về bổn phận làm người của chúng ta ở giữa thế gian. Chúng ta vừa phải tuân thủ các quy luật tự nhiên cùng các quy định của một xã hội – quốc gia; đồng thời, cũng phải vâng phục Luật Chúa, là luật vượt trên mọi lề luật, giúp chúng ta đạt tới cứu cách của đời mình.

 Người Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê đến gặp Chúa Giê-su để gài bẫy Người về vấn đề liên quan đến chính trị. Chúa trả lời thật khôn khéo: “Của Xê-da trả về cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Chúa Giê-su phân biệt tôn giáo và chính trị trong một nền văn hóa mà các nhà chính trị luôn dùng tôn giáo biện minh cho mình và cũng do đó, xem các địch thủ chính trị như là địch thủ của Thiên Chúa.

 Chúa mời gọi chúng ta có một sự tự do nội tâm để sống tốt đời đẹp đạo. Dù sống trong cương vị nào đi nữa, xin cho chúng ta biết đặt Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người thân cận như chính mình.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại, để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Is 45,1.4-6)

Đức Chúa đã cầm lấy tay phải vua Ky-rô để bắt các dân tộc suy phục ông.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a

1Đức Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô
– Ta đã cầm lấy tay phải nó,
để bắt các dân tộc suy phục nó,
Ta tước khí giới của các vua,
mở toang các cửa thành trước mặt nó,
khiến các cổng không còn đóng kín nữa.
4Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp,
và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en,
Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu,
dù ngươi không biết Ta.
5Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác ;
chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.
Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ,
6để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng
chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.
Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.

🌸 Đáp ca Tv 95,1 và 3.4-5.7-8a.8b-10ac (Đ. c.7b)

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu !
3kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

4Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng,
khả tôn khả uý hơn chư thần,
5vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

7Hãy dâng Chúa, hỡi các dân các nước,
dâng Chúa quyền lực và vinh quang,
8ahãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

8bHãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
9và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
10acHãy nói với chư dân : Chúa là Vua hiển trị,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

🌸 Bài đọc 2 (1 Tx 1,1-5b)

Chúng tôi nhớ đến lòng tin, lòng mến và lòng trông cậy của anh em.

Khởi đầu thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca

 1 Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an.

 2 Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, 3 và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.

 4 Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, 5b vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.

Tung hô Tin Mừng Pl 2,15d.16a

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòng trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mt 22,15-21)

Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

 15 Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”

 18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói : “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả ! 19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế !” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” 21 Họ đáp : “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ : “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Thiên Chúa luôn muốn chúng ta sống hòa thuận yêu thương nhau. Để sống đúng theo Tin Mừng mà Chúa Giê-su rao giảng, chúng ta cùng hiệp ý nguyện xin:

  1. Tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn”. Xin cho Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục, Linh mục, các tu sĩ nam nữ và các nhà truyền giáo luôn cảm nhận được sự đồng hành của Chúa, để mạnh dạn loan báo Tin Mừng dù gặp muôn hiểm nguy, chống đối và thử thách. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Ta là Chúa và chẳng còn Chúa nào khác”. Xin cho những người đang sống trong vô thần biết nhận ra Đấng Tạo thành là Chúa cả trời đất, Đấng giàu lòng thương xót, nhưng xét xử công minh, để sớm quay về với Ngài, hầu được ơn cứu rỗi. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân”. Xin cho các Kitô hữu trên khắp hoàn cầu biết ý thức bổn phận của một người tín hữu và nhiệt thành dấn thân vào giữa lòng thế giới, tùy theo hoàn cảnh và khả năng Chúa ban để cộng tác xây dựng một thế giới hòa bình và yêu thương. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em”. Xin cho mỗi người chúng ta, cách riêng giới trẻ Công giáo đang sống tại Nhật Bản, biết siêng năng tìm đến với Thánh lễ là nguồn sức sống thiêng liêng, thể hiện đức mến bằng sự quan tâm đến người thân cận và luôn trông cậy tín thác vào lòng Chúa xót thương, hầu được ơn bình an và có được sự tự do nội tâm đích thực. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành, đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ, khi chịu khổ hình, đã tẩy xoá tội lỗi chúng con, khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh, và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở cửa Nước Trời.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tới bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới. Xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”
Câu hỏi sắc như một con dao hai lưỡi.
Nếu Ðức Giêsu bảo phải nộp, ắt Ngài chẳng yêu nước yêu dân.
Thứ thuế thân nộp cho đế quốc Rôma thật là điều ô nhục.
Nhưng nếu Ngài bảo đừng nộp, hẳn Ngài sẽ bị tố cáo.
“Cho tôi xem đồng tiền dùng để đóng thuế.”
Khi đưa cho Ðức Giêsu đồng bạc có hình Xêda,
những kẻ giương bẫy thú nhận họ có dùng thứ tiền này,
và như thế họ đã mặc nhiên nhìn nhận quyền của Xêda.
Khi biết hình và dòng chữ trên đồng bạc là của Xêda,
Ðức Giêsu đã nói một câu không dễ hiểu:
“Vậy hãy trả lại cho Xêda những gì của Xêda”.
Ngài nhìn nhận một sự độc lập nào đó của ông.
Ông có quyền điều hành đế quốc của ông như ông muốn.
Ðối với người Do Thái sử dụng đồng bạc của Xêda,
Ðức Giêsu không hề ngăn cản họ nộp thuế cho ông ấy,
như sau này có kẻ tố cáo (x. Lc 23,2).
Nhưng Ngài cũng không buộc mọi người phải nột thuế cho Xêda,
vì có người coi việc nộp thuế thân cho hoàng đế Rôma
là phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Chẳng những Ðức Giêsu không bị mắc bẫy
mà Ngài còn nhân cơ hội đi lên một bình diện cao hơn:
“Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.”
Ðây mới thật là vấn đề Ngài hết sức quan tâm.
Chúng ta tự hỏi: có cái gì ngoài Thiên Chúa
mà lại không phải là thụ tạo của Ngài?
Phải trả lại cho Xêda đồng tiền mang hình và tên ông,
nhưng phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang hình Ngài,
những gì đã được ghi khắc tên Ngài trên đó.
Hình ảnh nổi bật nhất là con người (x. St 1,26).
Toàn bộ con người mang dấu ấn của Thiên Chúa.
Không ai được khinh miệt phụ nữ, thai nhi hay người già.
Không ai được làm hoen ố sự trong sáng của lương tâm.
Xúc phạm con người là phạm đến nơi sâu thẳm của Thiên Chúa.
Mọi quyền bính đạo đời đều nhằm phục vụ con người,
đều nhằm làm sáng lên hình ảnh Thiên Chúa nơi nó.
Trả con người lại cho Thiên Chúa là dâng nó cho Ngài,
là nhìn nhận chủ quyền của Ngài trên đời ta.
Cả vũ trụ cũng tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa:
đất, rừng, sông biển, không khí, tài nguyên và muôn sinh vật.
Hãy trả lại cho Thiên Chúa vũ trụ trong lành, hiền hậu,
nghĩa là trả lại cho con người món quà Ngài đã tặng.
Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (x.Ga 19,11).
Chúng có giá trị và sự tự lập, nếu phù hợp với ý Ngài,
cũng là phù hợp với quyền lợi chính đáng của con người.
Chúng ta có chiếm đoạt điều gì của Thiên Chúa không?
Hình ảnh của Thiên Chúa nơi tôi rõ hay mờ nhạt?
Có lớp bụi nào che khuất khuôn mặt Chúa nơi tôi?
Ước gì tôi đọc được tên Thiên Chúa, tên Ðức Giêsu
trên những người tôi gặp, những biến cố tôi sống mỗi ngày.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

Cầu nguyện

Lạy Cha,
có những bạn trẻ thích xăm hình lên người,
hay muốn ăn mặc, đi đứng
theo kiểu một ngôi sao thể thao hay điện ảnh.
Họ vui khi thấy mình giống hệt
những thần tượng mà mình yêu thích.

Xin Cha giúp chúng con biết hãnh diện
vì mang nơi mình hình ảnh cao quý của Cha
và sống theo phong cách của Cha:
Cha quảng đại mở ra để chia sẻ hạnh phúc thần linh,
Cha khiêm tốn tôn trọng tự do của con người,
Cha yêu thương đến nỗi
dám trao hiến Người Con Một chí ái,
Cha bao dung tha thứ trước những tâm hồn hoán cải,
Cha luôn tận tụy làm việc để nâng đỡ cả thế giới.

Ước gì người ta biết Cha trên trời,
khi gặp chúng con ở dưới đất.
Ước gì người ta đọc thấy Tên Cha
trong tim của chúng con,
và nhận ra chúng con là con Cha. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

🌸 Gợi ý mục vụ của Ban MVPT

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A
NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO

Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
BỔN PHẬN VỚI ĐỜI VÀ VỚI CHÚA
Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê,
cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa
” (Mt 22,21b)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Bài đọc I: Is 45, 1.4-6
 Bài đọc I thuật lại câu chuyện xảy ra trong bối cảnh dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon. Trong khi dân đang sống trong cảnh lưu đày đầy tuyệt vọng, họ nhận được sắc lệnh do vua Cyrô đã ban ra, cho phép dân bị lưu đày được hồi hương về Israel. Dân được trở về để gầy dựng quê hương, tái thiết đền thờ và phục hồi tôn giáo. Đó là tin vui. Nhìn biến cố quan trọng này dưới lăng kính đức tin, ngôn sứ Isaia đệ nhị đã nhận ra lòng thương xót và trung tín, cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi dùng Cyrô, vị vua của dân ngoại, để đưa dân của Người trở về miền đất hứa.
 Dù trên thực tế, vua Cyrô chưa bao giờ được một vị ngôn sứ hay người của Chúa xức dầu tấn phong; nhưng qua nhãn quan đức tin, ngôn sứ Isaia cho thấy, với tinh thần và những hành động đó, vua Cyrô được xem là:
a. Người được Chúa tuyển chọn: vua Cyrô, là người đã được gọi “kẻ xức dầu của Chúa”, và “Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta”.
b. Mục đích: “vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn”… và “ để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác”.
c. Cách thức thực hiện: “Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó”.
Như thế, trong nhãn quan của ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa có thể dùng mọi người và mọi phương tiện hợp lý trong các dân nước, để mạc khải cho nhân loại biết Người là ai và để thực hiện ý định cứu độ của Người cho Dân Người cũng như cho nhân loại.

Bài đọc II: 1Tx 1, 1-5b
 Bài đọc II trích thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thêxalônica cho thấy tâm tình chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đoàn này là sự liên đới trong tình hiệp thông sống đạo. Giáo đoàn Thêxalônica đã được thánh Phaolô loan báo Tin mừng và thành lập trong hành trình truyền giáo thứ hai của ngài vào năm 50-52.
 Trong hành trình đó, thánh Phaolô lưu lại Thêxalônica khoảng hơn 3 tuần, đủ thời gian để khơi dậy đức tin, thành lập giáo đoàn, và truyền đạt giáo lý căn bản về đức tin và luân lý cho cộng đoàn. Tại đó, ngài đã gặp rất nhiều khó khăn. Thật vậy, lúc mới tới Thêxalônica, sau những bài giảng thuyết trong hội đường, Phaolô đã làm cho một số người hoán cải, trở thành Kitô hữu. Lúc đầu chỉ có một số người Hípri, sau đó có một số đông người Hy lạp tin theo. Tại đây, người Hípri đã ghen tức vì thành công của ngài đối với dân ngoại, nên họ đã xúi giục một nhóm người chống lại ngài. Do đó, ngài phải lánh đi trước khi hoàn thành việc tổ chức và giáo dục đức tin trưởng thành cho cộng đoàn. Vì thế, lúc này ngài vô cùng vui mừng khi nhận được tin tốt về giáo đoàn non trẻ này, để vừa tạ ơn Chúa và khuyến khích họ: “Tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô”.
 Đó là tâm tình của nhà truyền giáo: hết lòng vì cộng đoàn và vui mừng khi các Kitô hữu có đức tin vững vàng, đức cậy trung kiên và đức ái sống động được thể hiện qua đời sống hằng ngày.

Bài Tin mừng: Mt 22, 15-21
 Bài Tin mừng hôm nay cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của những người Pharisêu, khi họ cấu kết với nhóm Hêrôđê để tìm cách cài bẫy Đức Giêsu. Trước đó, Đức Giêsu đã dùng 3 dụ ngôn liên tiếp để lên án sự giả hình trong đời sống của họ. Đó là: dụ ngôn người cha sai hai con đi làm vườn nho (21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (21,33-46), dụ ngôn những người được mời nhưng không thèm dự tiệc (22,1-14). Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu cảnh báo họ là những người chỉ biết nói mà không biết làm, hay nói một đàng làm một nẻo, trái ngược với tinh thần Chúa, họ đã khước từ ân huệ mà Chúa đã dành cho họ, thậm chí họ đã tìm cách ám hại ngay cả những người Chúa gửi đến cảnh tỉnh họ.
 Lúc này, họ tìm cách để trả thù Đức Giêsu. Họ bắt đầu với một cái bẫy có vẻ tích cực bằng lời khen: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào”. Với tiền đề này, họ buộc Đức Giêsu phải nói lên một sự thật, và sự thật này sẽ làm mất lòng Cêsarê. Dựa vào đó, họ sẽ tố cáo Đức Giêsu tội kinh thường hoàng đế, hay chống mẫu quốc.
 Những người này đã gài Đức Giêsu bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không?’ Câu trả lời thật nhạy cảm. Nếu trả lời “có được phép”, chắc chắn Đức Giêsu sẽ làm phật lòng đám đông dân chúng, vì trong tâm thức của người Do thái, không ai chấp nhận việc nộp thuế cho hoàng đế, đó là cách cộng tác với dân ngoại làm ô uế Đất thánh. Nếu trả lời “không được phép”, Đức Giêsu sẽ bị các phe nhóm chống đối ghép tội khinh thường hoàng đế, chống lại đế quốc. Dựa vào đó, họ sẽ tố cáo Người lên nhà cầm quyền Rôma.
 “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Câu nói của Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho vấn đề được đặt ra, nhưng đưa ra một định hướng kép: a/ Là công dân trần thế, khởi đi từ nền tảng của công bằng, mọi người cần thi hành các bổn phận dân sự chính đáng; b/ Là công dân Nước trời, các Kitô hữu thi hành bổn phận của người con trong tương quan với Thiên Chúa.
 Với Đức Giêsu, trong tư cách là nhà thừa sai, Người luôn bị người ta rình rập cài bẫy, vì các giá trị Tin mừng mà Người loan báo tác động đến tâm khảm con người, và đụng chạm đến nhiều thế lực chống đối nên có thể làm làm mất quyền lợi của họ. Do đó, họ tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

 “Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó”. Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa quyền năng, Người điều khiển vận mệnh của toàn thế giới, đặc biệt vận mệnh của dân Israel mà Người đã tuyển chọn. Tất cả mọi thế lực, cho dù là sự dữ, sự ác hay sự xấu không phá huỷ được chương trình của Người… Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa có thể dùng mọi người và mọi phương tiện hợp lý trong các dân nước để thực hiện chương trình cứu độ của Người cho nhân loại. Xác tín này sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn quân bình hơn trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Quả thật, Thiên Chúa có thể “viết những dòng thẳng của lịch sử cứu độ trên những đường kẻ cong của lịch sử con người”.

 “Tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em”. Các Kitô hữu sống đúng bản chất của mình bằng cách nỗ lực diễn tả đức tin, đức cậy và đức mến qua cuộc sống hằng ngày. Đón nhận những nỗi khó nhọc vì lòng tin, chấp nhận những thử thách vì lòng mến, kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông luôn là những phương thế tuyệt hảo giúp người tín hữu sống trọn vẹn ơn gọi của những người được gọi vào Dân thánh, đang sống trên đường lữ hành trần thế nhưng luôn hướng về quê thật là Nước trời.

 “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Bổn phận của mỗi Kitô hữu đối với Thiên Chúa, trong lăng kính của ngày thế giới truyền giáo, chính là nỗ lực “dâng trả mọi điều tốt lành mình đã nhận được cho Thiên Chúa” bằng cách “đi ra khỏi chính mình” mỗi ngày để loan Tin mừng cho mọi người mọi nơi. Trong Tin mừng theo thánh Mátthêu, sứ vụ loan báo Tin mừng (truyền giáo) như là một đúc kết về ơn gọi làm môn đệ, và cũng là ơn gọi làm Kitô hữu. Điều này làm nên bản chất ơn gọi của mỗi Kitô hữu và cũng là căn tính của Hội Thánh. Do đó, có thể nói rằng bất cứ lúc nào các Kitô hữu sao nhãng bổn phận loan báo Tin mừng, chính lúc đó các Kitô hữu đánh mất căn tính của mình. Khi ý thức sâu sắc sứ vụ này và nỗ lực thi hành mỗi ngày, các Kitô hữu từng bước hoàn tất “bổn phận” mình trong tương quan với Thiên Chúa.

 Trong Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra,… nên chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm… Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác”. Từ đó, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Hiểu những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội”. Trong bối cảnh này, chúng ta nhận ra rằng: “Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, để Người gửi đến thế giới làm chứng cho tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa: giải thoát khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết”. Những lời này nhắc chúng ta ý thức rằng: Chúa vẫn dùng nhiều người và nhiều cách như xưa đã dùng vua Cyrô để cứu dân Chúa. Tôi có sẵn sàng trở thành khí cụ của Chúa?

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Lời Chúa Mỗi Ngày 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận